Trang chủ PGVN Cửa thiền “Thần y” của những cảnh đời nghèo khó

“Thần y” của những cảnh đời nghèo khó

82

Trên chuyến xe đò chật chội, nóng bức từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đến Huế hôm ấy có rất nhiều người vẻ mặt nhợt nhạt, lo lắng, khổ đau. Họ đều quê ở Quảng Bình lặn lội vào Huế để kiếm tìm niềm hy vọng cho bản thân, người nhà mong qua cơn bệnh tật. Chị Thái Thị Hồng, 47 tuổi, quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khuôn mặt còn lộ vẻ bồn chồn xen lẫn niềm hy vọng, nói với tôi: “Ông nhà tôi bị đau khớp nằm một chỗ đã 5 năm nay, nhà tôi làm ruộng, một nách 4 đứa con nhỏ, nhà nghèo không có tiền đưa ông đi chữa bệnh. Nghe tin ở Huế có nhà sư chữa bệnh miễn phí, chúng tôi rủ nhau vào, mong được nhà sư cứu giúp”.


Theo chân đoàn người đi kiếm tìm sự sống, tôi đến Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa. Sáng chủ nhật, sân Tuệ Tĩnh Đường đông kín xe và người. Hàng trăm người từ khắp nơi đổ về ngồi ngay ngắn xếp hàng chờ đến lượt mình. Các thầy thuốc vẫn đang miệt mài chống chọi với cái nắng gắt gao của mùa hè, để khám, cấp thuốc, châm cứu cho bệnh nhân. Một không khí căng thẳng, khẩn trương đua tranh với thời gian. Chờ quá trưa, khi đã vãn khách, tôi mới dám gõ cửa phòng khám của lương y Thích Tuệ Tâm. Khuôn mặt nhân hậu, ánh mắt bao dung, lương y bộc bạch nỗi lòng: “Chứng kiến những cảnh đời nghèo khó phải gồng mình chống chọi với bệnh tật trong cơn túng quẫn, tôi không cầm được lòng. Tôi muốn dùng kiến thức y học và lương tâm của một nhà tu hành mang lại sự sống, bù đắp thiệt thòi cho họ. Chúng tôi chữa bệnh để cứu người nên khám, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí”.


Cơ sở khám, chữa bệnh đông y ra đời năm 1982 ngay dưới mái chùa Diệu Đế. Ngày đầu, khó khăn bội phần, cơ sở vật chất nghèo nàn, diện tích chật hẹp, chỉ có 6 thầy trò thay nhau khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, châm cứu cho bà con. “Hữu xạ tự nhiên hương”, bệnh nhân nghèo thập phương tìm về, nhiều lúc phải làm việc tới tận đêm khuya, nhưng lương y vẫn không mảy may suy tính, nản lòng. Ngược lại thấy bệnh nhân đến càng nhiều, lương y càng gắng sức giành giật cuộc sống cho họ.


Đồng cảm với tấm lòng cứu nhân độ thế của lương y Thích Tuệ Tâm, năm 2005, Hòa Thượng Pháp Nhẫn ở Mỹ và các phật tử, tổ chức từ thiện đóng góp đã xây dựng Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa nằm trong khuôn viên chùa Pháp Luân. Phòng khám, chữa bệnh của lương y chuyển về đây nằm ở vị trí trung tâm để có điều kiện chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.


Bây giờ, Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa có 24 lương y, lương dược do sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm làm trưởng ban điều hành, chuyên khám và chữa bệnh cho những bệnh nhân mắc các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, cơ thể, các bệnh khớp, đau lưng, thần kinh tọa… Mỗi ngày khám và chữa bệnh cho khoảng 200 đến 250 người. Trung bình hàng năm, phòng khám phục vụ hơn 50 nghìn bệnh nhân, phần lớn là người nghèo. Thuốc được cấp tùy theo đối tượng và hoàn cảnh. Nếu bệnh nhân quá nghèo thì sẽ miễn phí hoàn toàn. Một số bệnh nhân chỉ phải trả 50% tiền thuốc, một số chỉ lấy vốn, nếu người có đủ điều kiện thì bán bình thường. 25 năm qua, Tuệ Tĩnh Đường trở thành “bệnh viện” từ thiện, địa chỉ quen thuộc của người nghèo ở Huế và các vùng lân cận. Nhiều bệnh nhân nghèo ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng tìm về, ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tận Tây Nguyên cũng khăn gói ra để được lương y ra tay cứu giúp. Có nhiều người phải đến gõ cửa Tuệ Tĩnh Đường tới 6-7 lần vì bệnh tật hành hạ, có gia đình cả nhà không sót một ai không nương nhờ cửa từ bi Tuệ Tĩnh Đường. Gia đình anh Trần Quang Thịnh ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) nhà quá nghèo, gạo không đủ ăn, bầy con nheo nhóc 5 đứa đều thất học. Đã thế bệnh tật vẫn không buông tha, lần lượt anh Thịnh bị bệnh đau thần kinh tọa, vợ bị đau lưng do làm lụng quá sức, rồi 3 đứa con nhỏ èo uột, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh. Gia cảnh đã nghèo, bệnh tật lại càng làm gia đình anh túng quẫn thêm. Anh Thịnh kể trong xúc động: “Thật may mắn là cả gia đình tôi được lương y và các thầy thuốc ở đây ra tay cứu giúp. Bây giờ đã khỏi bệnh cả rồi, vậy mà lương y không lấy của gia đình tôi một đồng nào. Tôi thật biết ơn vô cùng tấm lòng nhân hậu của lương y”.


Với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến khám, chữa bệnh được, hằng năm lương y Thích Tuệ Tâm đều tổ chức 8 đến 10 chuyến khám lưu động từ thiện. Mỗi chuyến đi dài hàng chục ngày. Mới đây, lương y đã đến khám, chữa bệnh cho bà con ở vùng sâu, vùng xa Tứ Hạ, Bình Thành, Bến Ván (Hương Trà, TT-Huế) hơn chục ngày.


Ngoài ra, Phòng khám đông y của lương y Thích Tuệ Tĩnh còn phối hợp với Phòng khám từ thiện Kim Long-Một cơ sở của Thiên chúa giáo để thành lập Ban quản lý chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Với tấm lòng cao cả, lương y đã quy tụ được hơn 40 tình nguyện viên tự nguyện làm cái việc mà nhiều người cho là nguy hiểm, tự tay chăm sóc, động viên hơn 40 bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, bớt mặc cảm, tự ti với bệnh tật, sống có ích hơn.


Nói về những việc làm thầm lặng của mình, sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm bày tỏ: “Đối với một nhà tu hành thì việc xây dựng một ngôi chùa là điều quan trọng, nhưng với tôi xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh giúp người bệnh lại là việc cấp thiết hơn. Bởi, đức Phật đã dạy: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng lầu”. Nên tôi đã quyết định tập trung đầu tư vào việc xây dựng Tuệ Tĩnh Đường này. Còn việc xây chùa thì tạm gác lại, phải ưu tiên cho người bệnh trước đã…”.


Với tấm lòng nhân hậu bao dung của một nhà tu hành, một lương y, 25 năm qua sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm đã âm thầm mở rộng vòng tay yêu thương cứu giúp bệnh nhân nghèo khổ. Hàng nghìn người bệnh vượt qua cơn bĩ cực của bệnh tật, giành lại được cuộc sống. Trong tâm khảm của họ, lương y Thích Tuệ Tâm không chỉ là nhà tu hành sống tốt đời đẹp đạo, vị lương y như từ mẫu mà còn là vị cứu tinh, vị “thần y” của những kiếp người nghèo khổ.