Buổi sáng, khi chưa kịp đọc trang Phattuvietnam.net, mở mail thì đã thấy ngay câu hỏi đề nghị tôi bình luận về hòa thượng Thích Thông Lạc. Đến chừng mở trang Phattuvietnam.net, thì mới biết là có bài về hòa thượng và đang rất thu hút bạn đọc quan tâm bình luận.
Kể lại việc trên, tôi chỉ muốn nói lên một điều, rằng quả thật hòa thượng Thích Thông Lạc đã là một “hiện tượng”, mà sau những ý kiến nhiều chiều trên các web, blog, giờ thì đến Phattuvietnam.net.
Tôi không nghĩ rằng nhận xét về cá nhân một vị hòa thượng nào đó là một điều dễ dàng và nên làm, nhất là khi chỉ tiếp xúc qua dư luận và tác phẩm.
Càng không nên nếu chỉ căn cứ vào một số tác phẩm (tức bộ phận tác phẩm).
Có lẽ khi đó, chỉ nên bàn luận theo cách giới hạn trong nội dung một hoặc một số tác phẩm cụ thể mà thôi.
Thực ra, từ Phật giáo, những quan điểm dạng như của Hòa thượng Thông Lạc, không phải là điều gì mới.
Có điều, bây giờ, phương tiện truyền thông hoàn thiện và phát triển hơn xưa rất nhiều, nên những ý kiến như vậy đến với nhiều người hơn.
Từ những năm 1980, tôi cũng được cho mượn một tập sách chép tay, nêu lên nhiều nghi vấn về Phật A Di Đà, cho đó là một tín ngưỡng ngoại lai xuất phát từ đạo thờ lửa…
Nhiều vị sư Nam tông, trong những buổi nói chuyện (không phải trên pháp tòa), cũng đều có những bình luận tương tự như Hòa thượng Thông Lạc. Những ý kiến trao đổi riêng như vậy có không ít, nhưng không lan truyền mạnh bằng văn bản trên mạng, hoặc băng dĩa ghi âm, ghi hình như bây giờ, và vì cũng không có phương tiện phản hồi thuận tiện, nên không thành một hiện tượng gắn liền với ai đó.
Sau này, rải rác trên một số băng giảng, cũng có những ý kiến, quan điểm tương tự như trên, nhưng chưa tập trung với cường độ như ở Hòa thượng Thông Lạc, nên cũng chưa thành “hiện tượng”.
Có thể lấy ví dụ ở hòa thượng Từ Thông, một giảng sư có tiếng, một vị hiệu trưởng có công khai sáng Trường Cao cấp Phật học TPHCM, là thầy trên bục giảng của nhiều thế hệ tăng ni trong Nam ngoài Bắc (hòa thượng không nhận đệ tử riêng).
Khi còn giảng ở chùa Vĩnh Nghiêm, thầy ít nói về những vấn đề tương tự như Hòa thượng Thông Lạc đã nói. Nhưng trong những chương trình Phật học từ xa thu ở am cốc, thì thầy nói nhiều hơn, quyết liệt hơn về những vấn đề nhạy cảm.
Thực ra ở Hòa Thượng Từ Thông, một hiện tượng đã bước đầu hình thành, đã nóng đến mức, như thầy kể, tại giảng đường chùa Vĩnh Nghiêm đã có tăng và cư sĩ xông tới đòi hành hung thầy.
Đến Hòa thượng Thông Lạc, thì kịch tính đã dâng cao, mà chúng ta thấy trên mạng, nhất là mới đây ở trang Phattuviennam.net.
Như vậy, những quan điểm như của Hòa thượng Thông Lạc chỉ là bước phát triển của một quá trình, không phải là một hiện tượng đột xuất, cá biệt, đơn lẻ, mới, nhất thời.
Nó phản ánh não trạng của một bộ phận tăng ni Phật tử.
Nói gồm cả Phật tử, vì dù dường như, chưa có Phật tử nào đứng ra phát biểu tập trung, có hệ thống những quan điểm như thế, nhưng thái độ, tư duy của họ cũng bộc lộ qua việc đến nghe, chia sẻ, góp phần phổ biến những quan điểm như vậy.
Ghi nhận một quá trình như vậy, chúng tôi nhằm mục tiêu định hướng tìm hiểu và lý giải “hiện tượng” ở tầm rộng lớn hơn, thay vì chỉ coi là một vấn đề cá nhân, mà ở đây gắn với tên Hòa thượng Thông Lạc.
Vì tầm vóc rộng lớn của vấn đề, nên ở đây, không thể có chuyện lý giải ngay được, mà chỉ có thể nêu ra một số suy nghĩ có tính chất gợi ý.
Tôi nghĩ rằng xu hướng, có thể tạm gọi là cực đoan, như dạng Hòa thượng Từ Thông, Hòa thượng Thông Lạc, là xu thế tự nhiên, tất yếu, đương nhiên phải có trước hiện trạng Phật giáo Việt Nam hiện tại, bị nhuốm nặng màu sắc vái van, cầu khẩn…
Các quan điểm như vậy khi ở mức độ chừng mực, thì đưa tới những hoạt động chấn hưng Phật giáo, bộc lộ ở nhiều vị tôn đức, với nhiều mức độ, trong hơn 50 năm qua.
Buổi đầu, mới chỉ phủ nhận trời, là chuyện gây sốc trong giới gọi là Phật giáo.
Rồi tới chuyện loại trừ dần việc thờ cúng nhiều vị thần, kể cả một số bồ tát, trong chánh điện duy nhất chỉ thờ Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.
Nhưng như thế cũng không phải được sự chia sẻ của tất cả. Dù vậy, tiến trình vẫn tương đối thuận lợi, vì có chừng mực.
Nhưng trên chừng mực đó, là mức mà Hòa thượng Từ Thông đã làm, rồi đẩy lên một mức cao nữa, là Hòa thượng Thông Lạc.
Đến đây, thì sự va chạm cũng tăng cao, đầy kịch tính.
Nhìn nhận vấn đề như thế, thiết tưởng, không nên quá khắt khe đối với Hòa thượng Thông Lạc.
Và nếu gọi là “hiện tượng” Hòa thượng Thông Lạc, thì chỉ nên hiểu tên Hòa thượng chỉ là đại diện cho một xu thế, một phản ứng tự nhiên, có cả một quá trình, mà hòa thượng Thông Lạc chỉ là vị mới nhất, phát biểu quan điểm vào loại như thế nhiều nhất, mạnh nhất, tập trung nhất, căng thẳng nhất.
Dù chỉ nghe qua một số file giảng của Hòa thượng, trực giác nói với tôi rằng, Hòa thượng Thông Lạc không phải là người muốn “đốt đền” để nổi tiếng.
Để hiểu, có khái niệm, khái niệm thôi chứ không phải kết luận, cần phải đọc nhiều hơn sách hòa thượng viết, nghe nhiều hơn lời hòa thượng nói, trực tiếp tiếp xúc với hòa thượng, và đối với một vị tu hành, còn cần phải sống gần để thân giáo.
Những lời bàn luận xung quanh việc tu chứng của hòa thượng cũng nhiều. Tất nhiên, khi tự mình nói ra về một kết quả tu chứng nào đó thì sẽ chắc chắn tạo nên sự nghi ngờ, hơn thế, phản ứng tiêu cực, dù rằng trước phép lạ, thần thông.
Rất nhiều người muốn tự nhận mình (tức bịp) đã chứng đắc, và khi họ đã có một vị trí nào đó trong Phật giáo có một số tín đồ, thì chuyện đó không khó.
Nhưng theo tôi, điều quan trọng là tìm hiểu động cơ việc đó. Tiền? Danh? Thêm đệ tử, tín đồ? Làm chính trị?… Có thể là tổng hợp những thứ đó.
Tự nhận thì dễ, nhưng mà để người tin, nhất là đông người, thì khó!
Tôi không dám bình luận gì về trường hợp Hòa thượng Thông Lạc trong việc chứng đắc.
Nếu tự cho mình là chứng đắc, mà không có cái gì để làm cơ sở xác định, thì chắc chắn sẽ phản tác dụng ngay trong việc làm đó.
Nhưng vẫn có một số không phải là nhỏ Phật tử vẫn tu học theo Hòa Thượng.
Trong khi tâm lý phản ứng bình thường của số đông tín đồ, chắc chắn sẽ là hoài nghi, thậm chí cười cợt, trước việc ai đó tự nhận mình chứng đắc.
Một ông thánh sống, thì phải có phép lạ, hoặc những chuyện phi thường, nếu không, chỉ là một anh hề.
Vì vậy, tuyệt đại đa số chỉ thành thánh sau khi chết.
Gạt được số đông không phải là việc đơn giản.
Cho nên, đề nghị tôi bình luận, thì tôi cũng có thể ghi nhận đây chỉ là một trường hợp trong chuỗi hiện tượng đã có, giới hạn ở những quan điểm của hòa thượng.
Còn những việc khác, thì cần một thời gian tìm hiểu thật thấu đáo. Vài cuốn sách, mấy bộ băng giảng, mấy chục, mấy trăm lời đồn đại, cũng chưa nói điều gì, huống chi là còn những ý kiến trái ngược.
Bước đầu, tôi chưa thấy ở Hòa thượng Thông Lạc một kỹ thuật tự lăng xê cho phép đi ngay vào kết luận nghi ngờ, như chẳng hạn, bà Thanh Hải, tự nhận Vô thượng sư, cũng một tự nhận kiểu chứng đắc.
Một cảm nhận sơ khởi, là trường hợp Hòa thượng Thông Lạc có vẻ gần với dạng, như Phật Thầy Tây An, Đức Huỳnh Giáo chủ, Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương…
Những nhà hoạt động tâm linh này, không phải là không có vấn đề, nhưng chắc chắn, không phải là người tầm thường, không phải ai cũng làm như họ được.
Hiện tượng Hòa thượng Thông Lạc chỉ mới bắt đầu, đừng vội, hãy đợi, và chờ xem.
Có điều đáng ghi nhận là chính tôi được nghe từ băng giảng của Hòa thượng, đại ý rằng nên căn cứ theo các bộ kinh mà Hòa thượng Thích Minh Châu dịch để tu tập. Điều này xuyên suốt những nội dung chủ yếu mà Hòa thượng truyền dạy đệ tử.
Quan điểm như trên của Hòa thượng chắc chắn không sai.
MT