Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Thăm trung tâm văn hóa Phật giáo của người Việt ở Canada

Thăm trung tâm văn hóa Phật giáo của người Việt ở Canada

147

Nằm trên xa lộ 117, tại thị trấn Harrington, thuộc tỉnh Quebec, cách thủ đô Ottawa 140 km, Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn bao gồm khuôn viên rộng 337 héc ta với những dãy núi cao bao boc, suối nước, rừng cây và những thảm cỏ xanh mướt trải dài. Lần đầu tiên tới đây, chúng tôi , nhóm anh chị em đến từ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp độc đáo của không gian kiến trúc Phật giáo hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Đón tiếp chúng tôi, Thày Đốc Giáo Thích Phổ Tịnh, nguyên Giám đốc Học viện Phật giáo Tam bảo Sơn, đã kể về lịch sử phát triển của trung tâm văn hóa Phật giáo có một không hai ở xứ sở Bắc Mỹ xa xôi này.

Tam Bảo Sơn được Hòa thượng Thích Thiện Nghị chính thức khai sơn từ năm 1988 trên một vùng đất hoang vu, ít người qua lại, gần núi Mont- Tremblant. Sau 15 năm khai phá và xây dựng, với sự đóng góp của đông đảo Phật tử và bà con trong cộng đồng người Việt ở Canada và Bắc Mỹ, Tam Bảo Sơn chính thức khai trương năm 2003. Cho đến nay, 14 khu vườn và tượng đài với những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo được kiến tạo trên một vùng đất rộng lớn. Trong số đó có 4 thánh tích quan trọng nhất của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni được tái tao, bao gồm: Bồ Đề Đạo Tràng ( khánh thành năm 1991),Vườn Lâm Tỳ Ni (1993), Vườn Lộc Uyển (1994), Câu Thi Na Đạo Tràng (1998). 

Lối vào Chính điện Thiên Phật Tam Bảo Sơn (Nguồn: tambaoson.com)

Nằm ở trung tâm khu kiến trúc là Chính điện Thiên Phật Tam Bảo Sơn ( khánh thành năm 1996). Chính điện được kiến trúc với sắc thái  đặc trưng của Phật giáo phái Tùng Lâm, với tượng Phật Thích Ca cao 2,5 m ở chính giữa điện thờ, xung quanh có 1000 bức tượng Phật với năm biểu tượng khác nhau tượng trưng cho năm cách hoằng pháp của Đức Thế Tôn. Chính điện nhìn ra bốn hướng đều thấy những rừng cây, hồ nước và không gian xanh mát. Hai bên đường dẫn vào Chính điện là 18 bức tượng Đức A La Hán đúc bằng đồng đứng uy nghiêm.

Phía sau Chính điện là Thư viện Phật giáo với trên 50 ngàn cuốn sách  thu hút hàng ngàn phật tử và bạn đọc không phân biệt chủng tộc, quốc gia đến tra cứu , học tập. Vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, sự trang nghiêm của các pho tượng Phật đã biến nơi đây thành một quần thể kiến trúc chùa chiền Phật giáo độc đáo hiếm thấy giữa đất trời phương Tây.  


 
Một góc của Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn – Phổ Đà Đạo
Tràng (Nguồn: tambaoson.com)

Tam Bảo Sơn trở thành điểm đến của hàng chục ngàn bà con người Việt ở Canada mỗi năm. Nơi đây, cứ vào dịp cuối tuần, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, bà con Việt Kiều từ khắp mọi miền của đất nước Canada rộng lớn, không quản nắng mưa nô nức đến tham quan, chiêm bái và cầu mong mọi sự tốt lành. Tam Bảo Sơn đã thực sự trở thành cầu nối của cộng đồng người Việt ở Canada không phân biệt nghề nghiệp, chính kiến, giàu nghèo.
 
Chúng tôi tới thăm Tam Bảo Sơn vào những ngày đầu tháng 8, đúng vào dịp lễ khai quang hai bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát với sự tham gia của 6000 người đến từ khắp mọi miền đất nước. Chứng kiến những dòng người nô nức vượt hàng trăm cây số đến Tam Bảo Sơn và dự lễ khai quang tượng Phật dưới trời mưa như trút nước, chúng tôi thực sự thấu hiểu sự khao khát hướng về đất Phật, hướng về cội nguồn trong đời sống tâm linh người Việt. Đó chính là lý do để những người con xa xứ sau những lo toan bề bộn của cuộc mưu sinh đã đến với Tam Bảo Sơn như một điểm hẹn không thể thiếu trong cuộc sống nơi đất khách quê người.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là, trong số các du khách thường xuyên đến vãn cảnh chùa Tam Bảo Sơn còn có đông đảo bà con người Canada gốc châu Âu, gốc Hoa, Ấn Độ…Điều đó cho thấy một thực tế là Phật giáo đã đi vào thế giới phương Tây một cách nhẹ nhàng, cởi mở, hòa đồng và  Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của Phật giáo ở Bắc Mỹ.