Chuyến đi thú vị đến khó tin và để lại trong mỗi thành viên những cảm xúc khó tả và niềm sung sướng để nhớ mãi.
Chúng tôi cùng nhau xuất phát lúc 8h sáng. Hóa ra ngôi chùa nơi thầy Thế Đăng đang tu tập nằm ở quận 12. Chúng tôi chạy xuyên qua quận Gò Vấp và đến môt bến đò. 12 thầy trò trên 6 chiếc xe máy vượt bến An Phú Đông để qua song.
Cảm giác đầu tiên và bất ngờ của chúng tôi là chỉ cách có 1 con sông rất nhỏ nhưng không khí 2 bên bờ hoàn toàn khác nhau. Bên Gò Vấp thì ồn ào, náo nhiệt, nóng bức còn bên quận 12 thì mát mẻ, tràn ngập cây xanh và yên bình. Tôi chợt nghĩ, nếu tu tập hay đơn giản là làm việc và nghỉ ngơi bên này thì thật là tuyệt vời.
Thầy Trần Tuấn Mẫn dẫn đầ đoàn. Đã hơn 70 tuổi mà thầy vẫn đi xe máy rất tốt và thậm chí chở thêm 1 thành viên trong lũ học trò chúng tôi nữa chứ. Thầy dẫn đầu bởi thầy là người duy nhất biết và nhớ đường vào ngôi chùa, nơi chúng tôi đang đến.
Lối vào chùa là 1 hàng cau cao vút. Tôi rất ấn tượng với hàng cau này bởi trông rất đẹp và như một biểu tượng của vùng quê thanh bình. Hơn nữa mùi thơm của hoa cau làm mê hoặc không biết bao con người. Xe chúng tôi đi rất chậm để cảm nhận và chúng tô phát hiện ra 1 nhánh hoa cau ngay dưới đất. Một món quà quý và ý nghĩa ngay đầu ngày mới, trước khi vào chùa lễ Phật.
Thầy Thế Đăng đón chúng tôi sẵn. Một dãy bàn ghế đã được kê. Thầy trò chúng tôi mừng ngày đặc biệt 20 tháng 11 mà thầy Nguyễn Mạnh Hùng nhiều năm nay vẫn gọi một cách thân thiện và ý nghĩa là Tết Thầy Trò bằng trái cây (mít, nhãn, quýt) và bánh. Hôm nay chúng tôi cùng nhau uống trà Anh. Khi biết trà được mang vè từ xứ sở của sương mù, ai nấy lập tức uống ngay, nhâm nhi và thi nhau khen ngợi.
Chúng tôi ngồi bên nhau thật ấm cúng và tràn ngập tình yêu thương, tình thầy trò. Chúng tôi chia sẻ, tâm sự và cùng giao lưu. Phần lớn chúng tôi đã đến ngôi chùa này nhiều lần và chúng tôi luôn muốn quay lại nơi đây, một ngôi chùa nhiều cây xanh và có sự an lạckhông dễ kiếm.Những câu chuyện quanh bàn trà xoay quanh tình con người, con người với thiên nhiên, viêc tu học của các bạn trẻ thời nay. Quý thầy cũng nhắn đến và kể nhiều câu chuyện về những bậc thầy vĩ đại thời xưa, trong đó có những cư sỹ có nhiều đóng góp cho Phật giáo nước nhà.
Có một điều thú vị rằng ngoài thầy Nguyễn Mạnh Hùng có pháp danh Thiện Đức thì ai cũng biết, chúng tôi không ai biết pháp danh của thầy Trần Tuấn Mẫn. Hóa ra thầy Mẫn có pháp hanh là Chơn Giai Đặc biệt hơn nữa, chúng tôi chỉ biết người thầy vĩ đại, rất mẫu mực, có cách sống rất giản dị và thánh thiện mà chúng tôi đến thăm là thầy Thế Đăng. Thực ra không phải vậy. Thầy hay viết bài cho tạp chí “Văn hóa Phật giáo” với tên tác giả là Nguyễn Thế Đăng nên mọi người hay gọi là thầy Thế Đăng. Thực ra pháp danh cả thầy là Thích Minh Diệu. Thầy Mẫn nói rằng các quý thầy tu từ nhỏ, có đạo cao đức trọng và đã trên 60 tuổi thầy đều gọi là Hòa thượng.
Chúng tôi có hỏi tại sao khi viết bài cho báo thầy lại để tên khai sinh, thầy Thích Minh Diệu nói rằng để cho nó quần chúng, rằng thầy muốn các bài viết phải rất đời thường, để ai cũng đọc được, ai cũng có thể ghĩ rằng bài viết đó cho mình, một Phật tử bình thường.
Không hiểu sao lần nào đến thăm thầy Thế Đăng, thầy Mẫn cũng đích thân mua café. Và dù uống trà anh có ngon đến đâu mọi người vẫn có them 1 ly café do đích thân thầy Mẫn chọn và chiêu đãi. Tôi định hỏi nhưng lại ngại. Liệu có phải thầy muốn nhắc chúng tôi sống trong tỉnh thức!
Chúng tôi dành 1 thời gian khá dài để đi ngắm vườn và chụp ảnh. Ở đây có đủ các loài cây quý và hoa nở khắp nơi. Cây sa la, cây bồ đề rất tươi tốt. Hoa lan đủ màu rất đẹp. Trong khuôn viên ngôi chùa có một hồ sen nhỏ. Tôi thềm ước nếu như bây giờ là mùa hè để ngắm sen, bởi tôi rất thích sen. Phải nói thật, nếu không vào làm việc tại Thái Hà Books có lẽ đến nay tôi vẫn chưa biết tên mình – Liên – là hoa sen!
Có những chi tiết rất đơn giản và thú vị rằng chúng tôi ngắm nhìn mạng nhện giăng trên cây dưới ánh nắng rất đẹp. Có bạn mang máy ảnh ra chụp nhưng không biết có kết quả không. Trong không khí tinh khiết và trong lành chúng tôi bên nhau quanh cây đao tiên. Thầy Thế Đăng nói rằng tết nào lãnh đạo địa phương cúng đến xin trái đào tiên về thờ. Nhân chuyện này, thầy Mẫn đã xin cho chúng tôi 3 trái rất đẹp. Thầy Mẫn trực tiếp hái. Một trong 3 trái đó đã được chúng tôi bày len bàn thờ cúng Phật đúng ngày rằm. Thật ý nghĩa biết bao.
Cũng muốn nói thêm rằng ngôi chùa rất giản dị. Trong chùa có rất nhiều kinh sách. Nhiều bạn mê mẩn ở khu vực này. Tôi có dịp quan sát thêm và thấy chiếc giường gỗ cá nhân rất giản đơn của thầy Thế Đăng ngay phía sau chánh điện. Chiếc chiếu đã cũ mòn. Tất cả rất sạch sẽ, gọn gàng và ấm cúng.
Bữa trưa liên hoan mừng Tết Thầy Trò là bữa cơm chay thật ngon miệng. Bữa trưa nay thầy Trần Tuấn Mẫn chiêu đãi. Phải nói rằng rất ý nghĩa, bởi thường thì các trò chiêu đãi nhân ngày 20 tháng 11 mới phải lẽ. Tuy nhiên như chúng tôi đã quen, đây là ngày tết dành cho cả thầy và trò nên được thầy “khao”, các trò như tôi vui lắm. Hôm nay chúng tôi, các trò của quý thầy từ cả 2 cơ quan là Công ty sách Thái Hà và tòa soạn tạp chí Văn hóa Phật giáo kết tình huynh đệ. Chúng tôi vui hơn khi đã có kế hoạch cho buổi liên hoan sau theo lời mời và “chủ chi” là thầy Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng.
Tôi về nhà gõ lại những dòng này mà lòng thấy vui khó tả. Tôi không định gửi đăng báo nhưng lại nghĩ, cần phải gửi ngay để bày tỏ tấm long biết ơn của những người trò với các vị thầy đáng kính. Rằng tình thầy trò quý giá biết bao. Bởi “Công giáo dưỡng môt đời nên huệ mạng. Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.
Tôi mong sao nhân ngày 20/11 này, mỗi chúng ta dành chút thời gian nghĩ về những người thầy của mình. Kẻ cả những người thầy, người cô trên giảng đường đã day mình bao năm lẫn những người thầy tâm linh đã và đang đưa đường chỉ lối cho chúng ta. Để chúng ta học tập tốt hơn. Để chúng ta tu tập tinh tấn hơn.
Và cùng nhau vui mừng với Tết Thầy Trò năm 2013 này.
Bích Liên