Một năm trôi qua, chúng ta đã nếm trải bao vị chua cay ngọt mặn của cuộc sống, có thêm một số kinh nghiệm trên đường đời và đường đạo. Nhờ vậy, chúng ta có sự thâm trầm tỉnh thức trước những hoàn cảnh thuận nghịch, trước những thử thách gian truân.
Đây là điều kiện cần thiết giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách, thăng hoa đời sống tâm linh, dần dần vững bước trên lối về với Chân Thiện Mỹ.
Theo lý nghĩa sâu xa của Đạo, Chân là bản thể chân thật tuyệt đối, là thể tính bất sinh sẵn đủ ở mọi loài; Thiện là tâm thanh tịnh siêu vượt thiện ác, vắng bặt ý niệm phân tích nhị biên; Mỹ là nét đẹp siêu nhiên, là sự toàn bích của thế giới lý tưởng, là sự hoàn hảo vượt thường mà trí tuệ con người không thể suy lường nổi.
Nghe qua, chúng ta nghĩ đó là những cảnh giới siêu thực, ở một nơi nào, một thời điểm nào đó xa xôi mà chúng ta không bao giờ có thể dự phần. Nhưng nếu thế thì Đức Bổn Sư đã chẳng bảo rằng, bản hoài của chư Phật là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến.
Phật tri kiến là cái thấy biết của Phật, có thể nhận rõ và thưởng thức vẻ đẹp toàn diện toàn hảo và bất sinh bất diệt của muôn pháp. Con người chúng ta cũng có khả năng tiềm tàng ấy – Đức Phật đã nhiều lần khẳng định.
Nhưng chúng ta phải làm thế nào phát huy khả năng ấy? Và mỗi lúc xuân về, chúng ta dùng phương cách gì để đồng thời thưởng thức thẩm mỹ mùa Xuân nhân gian tự nhiên và Xuân Đạo siêu nhiên?
Các pháp trong thế gian quả thật muôn màu muôn vẻ, mỗi mùa lại biểu hiện những sắc thái khác nhau. Đặc biệt vào mùa xuân, cây cối đâm chồi nẩy lộc, ngàn hoa đua nở khoe sắc khoe hương, cả đất trời như bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ mùa đông dày đặc.
Ta cảm thấy lòng rộn rã theo sự chuyển mình của vạn vật, ta nôn nao theo nhịp sống tưng bừng của mọi người chung quanh. Dường như từ cõi vô hình, ông bà tổ tiên ta cũng tụ hội về, sum vầy cùng con cháu.
Rồi những ngày vui cũng qua mau, chúng ta trở lại với những lo toan tất bật đời thường; những hoa những lá mới tươi đẹp là thế, nay đã héo úa tàn phai; không gian mới trong lành ấm áp là thế, nay đã vội nóng bức ngột ngạt.
Nét đẹp của xuân nhân gian mang theo tính chất đa thù phức tạp, lại còn tạm bợ mong manh, phụ thuộc không gian thời gian và cả tâm trạng của mỗi người. Một thi sĩ đã viết:
Lả lướt đợi ngày xuân trở lại,
Ngày xuân trở lại, hỏi bao ngày!
Năm canh lạnh lẽo kinh sương gió,
Ngùi ngậm tàn xuân hoa rụng đầy…
Ngay trong nét tươi xanh của cây lá và rực rỡ của hoa xuân, đã ẩn náu sự tàn phai của hoa mùa hạ, sự rơi rụng của lá mùa thu và sự khô chết của cây mùa đông. Cho nên:
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Trăng còn non nghĩa là trăng sắp già.
Người đời thường nhìn xuân qua thời gian ước lệ, qua cảnh vật đổi thay; từ đó chạy theo cái đẹp bên ngoài, phát sinh tình cảm chiếm hữu, tạo nghiệp và trầm luân. Có thể nói, cái đẹp mùa xuân nhân gian là cái đẹp của ràng buộc, của vô thường, của sinh tử.
Nếu xuân đời thuộc thẩm mỹ đa thù tương đối, có sinh có diệt, thì xuân Đạo lại thuộc phạm trù thẩm mỹ thuần nhất, tuyệt đối, bất sinh. Khi trở về trạng thái tịch lặng mà hằng tri của bản tâm, các bậc ngộ đạo thấy toàn thể các pháp đều ở trong ánh giác.
Mùa xuân về, Thiền sư Tuyết Đậu thấy cây cối trùng điệp, nước hồ lấp lánh xanh biếc, trời xuân bát ngát thênh thang. Tâm Ngài hòa theo vạn vật, thấy mình tuy còn trong sinh tử mà vẫn đứng riêng nơi cõi siêu sinh:
Núi xuân chồng chất xanh
Nước xuân lóng lánh biếc
Thênh thang bầu trời cao
Đứng riêng trong mù tột.
Hạnh phúc này không phải tranh đua giành giật với ai, không ai có thể cướp mất của mình, cũng không bị biến hoại theo thời gian không gian. Ấy là hạnh phúc đích thực của những người đã nhận ra cái vĩnh hằng trong dòng biến thiên vô tận của muôn pháp.
Một khách tăng hỏi Thiền sư Chân Không: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?”. Ngài đáp:
Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa tàn hoa nở chỉ là xuân.
Bậc ngộ đạo hằng sống với Phật tâm không sinh không diệt, nên dù sắc thân còn mất như xuân đời có đến có đi, các Ngài vẫn luôn ở trong mùa xuân miên viễn; ví như con sóng lúc nổi lúc chìm, nhưng dù chìm nổi cũng không bao giờ rời thể tính biển cả mênh mông.
Vũ trụ dù có đổi dời, thời gian dù không ngừng trôi chảy, vẫn ẩn tàng nét thẩm mỹ siêu nhiên, nét đẹp uyên nguyên hằng hữu của pháp giới tính. Đây là ý nghĩa của Diệu Pháp Liên Hoa, một hoa sen huyền diệu nở trong lò lửa vô thường.
Thấm thoát thu qua mấy độ rồi
Đời người bóng chớp áng mây trôi.
Muôn vật hiện bày trò ảo hóa
Sen nở trong lò sắc thường tươi.
Thu qua đông tới, xuân lại về, hoa vàng mấy độ. Đời người như bóng chớp như áng mây, chợt còn chợt mất; muôn cảnh như mộng ảo không thật có, không thường còn.
Nếu tâm dính mắc với trần cảnh ngoại duyên, ta thấy cuộc đời mình luôn bị chi phối bởi những tác nhân bên ngoài, không lúc nào an ổn.
Nhưng nếu đối cảnh mà tâm vắng bặt mọi ý niệm phân biệt, mọi suy tính lăng xăng, ta sẽ có cơ hội tiếp cận với cái chân thật muôn đời.
Chủ trương nhập thế tích cực của đạo Phật không phải rời bỏ thế gian, xa lánh cuộc đời; các Ngài vẫn chu toàn mọi bổn phận với đời nhưng không bị đời ràng buộc.
Hình tượng của Bồ-tát Di Lặc là một biểu hiện sinh động của tinh thần hòa quang đồng trần. Nụ cười của Ngài thật rạng rỡ, thật bình an giữa đám trẻ vây quanh; vì buông xả đến tận cùng các Căn-Trần-Thức nên ở trong pháp sinh diệt mà vượt thoát sinh diệt, nên lục tặc biến thành lục thông, nên ngay xuân nhân gian mà tâm xuân của Ngài mãi lồng lộng trong đất trời!
Như vậy, Xuân Đạo và Xuân đời chỉ là hai mặt của cùng một thực tại. Xuân đời thuộc thế giới hữu hạn, tương đối, đa thù; Xuân Đạo có tính vô hạn, tuyệt đối, thuần nhất; nhưng cả hai không thể tách rời mà hòa quyện nhau như sóng và nước.
Khi chúng ta phân tâm trên cảnh mùa xuân và bị cảnh ràng buộc, ấy là thưởng thức xuân đời có đến có đi có sinh diệt.
Cũng trên cảnh ấy mà tâm thanh tịnh không khởi niệm phân biệt nhị biên, dù vẫn thấy nghe hay biết rõ ràng, chúng ta đang vui cùng xuân đạo.
Các bậc ngộ đạo vẫn cảm xúc cùng xuân, nhưng sự cảm xúc này ở chiều sâu thẳm của vô thức chứ không hời hợt trên mặt ý thức. Các Ngài vẫn thưởng ngoạn thẩm mỹ mùa xuân, nhưng do quán triệt sự lý viên dung nên vẫn duy trì sự tỉnh thức, để đời và đạo, đa thù và thuần nhất trở thành bất khả phân ly.
Các Ngài hòa mình với thế gian vô thường, với vũ trụ biến đổi mà tâm không phân biệt năng sở chủ khách, nhưng dù ở trong những tầm thường của cuộc sống mà vẫn có niềm an lạc diệu thường.
Lúc sống không cần biết hưởng thụ thế nào, khi chết không đặt vấn đề mình sẽ đi đâu; sống không thích Thiên đường, chết không sợ Địa ngục, nên các Ngài tự tại trước sinh tử, và dù thời gian trôi chảy không dừng, các Ngài vẫn mãi sống trong mùa xuân bất diệt.
Một Thiền sư có nói bài kệ như sau:
Năm trước gặp thanh xuân,
Má hồng khoe đào lý.
Năm nay gặp thanh xuân,
Tóc bạc đầy mái đầu.
Người đời tuổi bảy mươi,
Nhanh như dòng nước chảy.
Chẳng ngộ tâm xưa nay,
Sinh tử làm sao khỏi?
Năm xưa còn trẻ, ngắm nhìn những cô gái má đào mơn mởn, lòng không khỏi rộn ràng tình ý. Năm nay, trên đường vẫn gặp bóng áo hồng áo xanh, nhưng nhìn lại mình đã thấy tóc bạc đầy đầu!
Thời gian trôi nhanh như dòng nước chảy, thoáng chốc mình đã ở tuổi “cổ lai hy”, cái chết đang là mối hăm dọa lớn.
Nếu cứ mãi đắm mình trong ngũ dục, không sống với bản tâm chân thật xưa nay, làm sao thoát khỏi luân hồi?
Hãy ngay trong thế giới vô thường mà sống được với cái chân thường, ngay dòng sanh tử mà tự tại với thể tính bất sinh. Bản tâm thể tính ấy là cành mai của Thiền sư Mãn Giác, là hoa cúc của Tam Tổ Huyền Quang; ấy là mùa xuân miên viễn lung linh chiếu diệu trong thời gian vô cùng và không gian vô biên.
Chúng ta thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân nhân gian, nên ngay đó mà nhận ra thẩm mỹ của mùa xuân siêu thế. Xuân ấy chỉ ở trong mỗi người.
Khi tâm thanh tịnh, không dính mắc trần cảnh sinh niệm vọng động, thì nơi muôn hoa tàn nở, ta nhận ra hoa xuân chưa từng tàn nở bao giờ.
Cầu chúc tất cả chúng ta, trong mùa xuân của đất trời đang đến, sống được với xuân trong lòng mình và chan hòa ý xuân ấy cho mọi người, để hạnh phúc vĩnh cửu luôn tỏa sáng muôn nơi, bây giờ và mãi mãi!