Bên trong Phật giáo Việt Nam nguyên khí suy yếu, bên ngoài ngoại tà xâm nhập nhiều cách, đánh phá lắm kiểu, do vậy Ban Trị Sự Phật giáo Gia Lai chúng con có những nỗi niềm ưu tư trăn trở, xin được kính trình Chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng, chư tôn đức đang lãnh đạo trung ương GHPGVN về sự sinh hoạt của các ban ngành trong Giáo Hội:
Ngành Tăng Sự
Sự tồn tại của Giáo Hội là sự tiếp nối, kế thừa của Tăng Ny trẻ, do vậy mở giới đàn để truyền giới là điều cần thiết, không thể không có. Nhưng tình hình giới đàn mở những năm gần đây quá nhiều, tỉnh hội Phật giáo của từng tỉnh coi Phật sự giới đàn là cấp thiết, cần phải tổ chức, bởi vậy năm nào cũng có tỉnh mở giới đàn, để cho giới đàn thành tựu viên mãn, rất cần phải có giới tử.
Chính điều đó dẫn đến trường hợp giới đàn cần giới tử, không đủ điều kiện ắt có và đủ của ban Tăng sự quy định vẫn cho thọ giới, xuê xoa châm chước trong nhiều trường hợp, mới thọ giới Sa Di được một năm, năm sau giới đàn khác vẫn cho thọ Tỳ Kheo, ái nam ái nữ vẫn cho thọ Tỳ Kheo, sáu căn khiếm khuyết vẫn được thọ Tỳ Kheo, có trường hợp có người đi khấp khiểng, vừa nhảy vừa đi vẫn cho thọ giới Tỳ Kheo……
Sau năm 1975 Giáo hội thiếu Tăng Ny, nhưng hiện nay tình hình đã khác: “ Lạm phát Tăng Ny”. Tóm lại ngành Tăng Sự của nhiều tỉnh, thành đã quản lý Tăng Ny lỏng lẻo dẫn đến tình trạng ngoại đạo xâm nhập đánh phá, bôi nhọ Phật giáo.
Ngành Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử
Hơn 30 năm GHPGVN thành lập, tới thời điểm này Giáo hội vẫn chưa có bản kinh Nhật Tụng Thiền Môn bằng Quốc văn chung cho các chùa và Phật tử trong nước. Rải rác có Kinh Nhật tụng do thầy Nhật Từ biên soạn, thầy Chân Tính biên soạn cho Phật tử chùa Hoằng Pháp…… Nhưng cũng chỉ là cách tự phát của mỗi chùa, chứ Giáo hội vẫn chưa có bản kinh Thiền Môn Nhật Tụng do ban văn hóa trung ương soạn áp dụng chung cho các chùa toàn quốc.
Chính điều đó dẫn đến tình trạng Phật tử chùa này qua chùa kia tụng không được, hoặc bở ngỡ không hòa nhập được. Sức mạnh của Giáo hội là ở chỗ: “ Tất cả là một, một là tất cả”.
TWGH phải có phương pháp nào nhắc nhở tín đồ Phật giáo khi làm giấy CMND cho mình, cho con cháu xin ghi vào mục tôn giáo: Nên ghi là Phật giáo thay vì hời hợt như lâu nay ghi “tôn giáo không”. Vì nếu ghi thì trong vài mươi năm nữa nhà nước thống kê tín đồ theo tôn giáo, Phật giáo sẽ là tôn giáo thiểu số trong một nước có bề dày lịch sử là Phật giáo có mặt 2000 năm trên đất nước Việt Nam.
Ngành Hoằng Pháp
Ngành Hoằng Pháp của mỗi tỉnh thành nên liên kết lại với nhau, tỉnh có ngành Hoằng Pháp mạnh giúp đỡ những tỉnh thành ít Tăng Ny, ngành Hoằng Pháp yếu. Nhất là các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và các tỉnh ở biên giới phía Bắc, Tây Nguyên.\
Nên mở lớp đào tạo giáo lý căn bản, phật học ứng dụng cho cư sĩ Phật tử, và Giáo hội tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho họ trở thành Hoằng pháp viên, phụ giảng trong Ban Hoằng pháp của mỗi tỉnh. Điều động họ đi vào vùng sâu vùng xa thuyết giảng, những nơi không có Tăng Ny trụ trì.
Nên vận động các đại gia Phật tử cúng dường ngân quỹ Hoằng Pháp. Quan niêm xưa nay Phật tử thường nghĩ rằng chỉ có cúng đúc chuông, tạo tượng, xây chùa thì mới được phước lớn, còn ủng hộ cúng dường các Phật sự Hoằng Pháp để mọi người biết đến đạo Phật và quy y Tam Bảo không có phước bằng, do vậy ít để tâm cúng dường đến Phật sự quan trọng này. Bởi nếu ngành Hoằng Pháp mà ngân sách không có, không lớn, không thể nào Hoằng Pháp hiệu quả được. Chư Tăng Ny, cư sĩ hữu tâm dẫu có tâm đạo lớn trong công việc hoằng dương chánh pháp nhưng giáo hội thiếu hỗ trợ tài chính thì các vị cũng không thể nào làm việc bền bỉ lâu dài được.
Ngành Hoằng Pháp TƯGH nên mở khóa dạy Thiền trị bệnh cho các ban Hoằng Pháp các tỉnh thành và cấp giấy chứng nhận để hoằng pháp viên về địa phương chia sẻ lại với Phật tử. Thiền là cốt tủy của Đạo Phật, thiền trị bệnh là của Đạo Phật, vậy mà các tôn giáo khác đã cử người học lóm và đã đem ra áp dụng trước Phật giáo về lãnh vực này để lôi kéo tín đồ.
Ngành Giáo dục Tăng Ny
Phật giáo Việt Nam rất cần một bộ môn Phật học ứng dụng, vừa học vừa tu, vừa thực hành. Tốt nghiệp xong về lại địa phương, về lại chốn Tổ chùa xưa biết cách dạy cho tín đồ phương pháp điều tâm tịnh ý, phương pháp chuyển hóa niềm đau nỗi khổ, phương pháp thiền trị bệnh, phương pháp Phật hóa gia đình, phương pháp giữ gìn tín đồ chống cải đạo. Nền giáo dục Phật giáo hiện nay đã thiếu bộ môn Phật học ứng dụng, nên khi Tăng Ny sinh ra trường tốt nghiệp có bằng cử nhân Phật học đã không giúp được gì nhiều cho giáo hội, phần đông về lại chùa Thầy Tổ tham gia vào công việc ứng phó đạo tràng là chính, nói rõ hơn là đi cúng đám, rồi thôi. Đào tạo 4 năm Trung cấp, 4 năm Học viện, thiếu đi bộ môn Phật học ứng dụng đã mất đi cơ hội cho Tăng Ny sinh nhập thế vào đời để hoằng pháp lôi kéo tín đồ về với Đạo Phật.
Phật giáo có thể đóng góp tốt cho nền giáo dục cộng đồng, chia sẻ gánh nặng cho nền giáo dục quốc gia bằng cách mở các trường Mầm non, mẫu giáo và trường tư thục Bồ Đề. Điển hình Phật giáo Long An đã mở được trường tư thục Bồ Đề. Phật giáo cả nước cũng có thể theo mô hình Phật giáo Long An triển khai lãnh vực này.
Ngành Văn Hóa
Ban văn hóa Phật giáo TW nên thường xuyên tổ chức thi đua viết truyện ngắn, tùy bút, truyện dài, thi ca, âm nhạc….. Và cấp thiết hơn hết nên phối hợp với Ban Nghi lễ, Ban Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử, Ban Hoằng Pháp soạn Nghi thức tụng niệm bằng quốc văn, trình Giáo hội TW, sau khi được thông qua, áp dụng chung cho Phật giáo toàn quốc. Hai ngàn năm Phật giáo có mặt ở Việt Nam, đến thời điểm này vẫn chưa có một bản kinh Nhật tụng cho Phật tử trong nước tụng niệm thống nhất với nhau. Phật tử không thống nhất trong nghi thức tụng niệm hằng ngày, khó thống nhất ý chí và hành động trong sinh hoạt Giáo hội.
Những ngày lễ lớn trong năm như Phật đản, Vu lan, Thành đạo, tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, …Ngành văn hóa Phật giáo nên tham mưu, hướng dẫn, đột phá trong cách tổ chức để lễ hội Phật giáo trở thành lễ hội dân tộc.
Ngành Nghi Lễ
Nghi lễ của Phật giáo mỗi nước đều có bản sắc riêng, nhìn vào cách ăn mặc của Tu sĩ, cư sĩ của Phật giáo mỗi nước, chúng ta biết họ là Tăng sĩ, Phật tử nước nào. Còn Phật giáo Việt Nam cách ăn mặc lễ phục, pháp phục của Phật giáo ba miền cũng khác nhau, chưa thống nhất được (điều muốn nói ở đây là Phật giáo Bắc tông trong nước).
Ưu tiên cho Tăng Ny dấn thân Hoằng Pháp, coi họ là hạt nhân lãnh đạo kế thừa cho Giáo hội:
Mỗi năm ngành giáo dục của Phật giáo của ba miền cho ra trường hàng 1000 cử nhân Phật j học, một số ít thì học thêm lớp cao học, còn phần đông về lại địa phương, hoặc cất am cốc, tịnh thất tu tập cho riêng mình. Không cần biết đến giáo hội, không liên quan đến Giáo hội. Do vậy Giáo hội cũng không thể điều nơi thừa đến nơi thiếu. Có nhiều tỉnh như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh……. Số lượng Tăng ni mỗi tỉnh trên số ngàn, còn một số tỉnh như: Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tỉnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn…..Số lượng tăng Ny ở mỗi tỉnh này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Chính từ tỉnh thì quá thừa Tăng Ny, tỉnh thì quá thiếu Tăng Ny, còn Giáo hội thì vẫn không có cách nào điều động bổ sung Tăng Ny cho các tỉnh thiếu. Cũng may mắn cho Phật giáo Việt Nam là vẫn còn một số ít Tăng Ny lo lắng cho tiền đồ Phật pháp tự tìm kiếm chùa ở các tỉnh Phật giáo suy yếu, bằng nỗ lực tự thân để làm đạo hoằng pháp.
Giáo hội nên quan tâm đến số Tăng Ny ít ỏi này, hỗ trợ giúp đỡ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ làm đạo, hoằng dương chánh pháp. Điều quan trọng nhất là nâng đỡ các Tăng Ny biết hy sinh cho tương lai Phật pháp, vào vị trí trong Giáo hội để họ có cơ hội đóng góp tốt hơn.
Với niềm thao thức, ưu tư trước vận mệnh của Phật giáo Việt Nam, BTS Phật giáo tỉnh Gia Lai chúng con kính trình một vài ý kiến thô thiển lên Chư tôn trưởng lão Hòa thượng, Thượng tọa lãnh đạo, trong Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Phật giáo Việt Nam, kính mong quý Ngài quan tâm định hướng.
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.