Nhiều người gọi là chùa Vàng (bởi ở đây lát rất nhiều vàng). Tôi thì gọi là chùa Ngọc, hay chùa Phật Ngọc (Bởi có pho tượng Phật Ngọc rất quý, hiếm và có lịch sử vô cùng hào hùng và thú vị).
Phải nói rằng, dù đến Băng Cốc cả chục lần rồi nhưng tôi vẫn phải luôn thốt lên rằng, Cung điện Hoàng gia Thái Lan là một quần thể kiến trúc tuyệt vời. Nơi đây rất cổ kính, trang nghiêm và lung linh. Nơi đây thật xứng đáng cho các vị vua trị vì. Đây thật đúng là trung tâm của thủ đô Băng Cốc và đất nước Thái Lan.
Những người bạn tôi đến đây lần đầu thì trầm trồ khen ngợi những tháp vàng, chùa vàng, những đỉnh vàng, chóp vàng,.. Khắp nơi là vàng. Rất nhiều vàng. Thật đẹp và sang trọng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý và thấy rằng đây là một ví dụ điển hình của sự hòa trộn và giao thoa giữa kiến trúc cổ Thái Lan và phong cách phương Tây. Trong chuyến đi này tôi đã trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho các bạn: Liên, Hương, Huế, Loan, Đức, Nguyên Minh, Thánh Đức, Nguyên Niệm, Mỹ Lệ, Anh Thư, và cháu Nguyên Tuệ. Chúng tôi cùng nhau lang thang khắp Hoàng cung với cả một quần thể kiến trúc hoành tráng. Chúng tôi thả sức ngắm từng khu vực trong 3 khu chính: Hoàng cung, Văn phòng Hoàng gia và các ngôi chùa. Mấy bạn trẻ đến đây lần đầu nhiều lần trầm trồ và ngỡ ngàng nhiều lần trước sự rực rỡ, trước những ánh sáng đẹp đến mê hồn phát ra từ những lá vàng 24 cara được dát trên tháp chùa.
Tôi phân tích cho các bạn trong đoàn về những nét độc đáo trong quần thể như là những nét tinh hoa văn hóa, như niềm tự hào của người dân Thái Lan. Mỗi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được sự linh thiêng nơi này. Nơi đây, bao năm nay, bao thế kỷ nay đã luôn linh thiêng, hấp dẫn và huyền bí. Không chỉ vậy, ngay vào thời nay, tại chính nơi này, hằng năm vẫn diễn ra nhiều nghi lễ cũng như sự kiện quan trọng của Hoàng gia Thái Lan.
Trong khu Hoàng cung có bức tượng Phật bằng ngọc xanh rất đẹp và rất đặc biệt. Bạn Suthatip người Thái của tôi cho biết rằng bất cứ ai có duyên lành đến lễ Phật Ngọc sẽ nhận được phước lành, may mắn. Đúng sai không biết nhưng đoàn chúng tôi đã thành tâm lễ Phật nơi đây. Chúng tôi ngồi thiền khá lâu ngay trước tượng Phật Ngọc. Chúng tôi cùng nhau đi nhiễu quanh Phật Ngọc đến 7 vòng. Bởi lễ Phật, nhiễu Phật luôn là tuyệt vời, dù ở nơi đâu. Rất tiếc rằng nơi đây quá đông khách du lịch nên chúng tôi không thể niệm Phật hay tụng kinh được.
Tất cả chúng tôi ngồi thanh bình ngắm Phật Ngọc. Trong ngôi chùa Wat Phra Kaew đặc biệt này, tất cả đều rất im lặng. Tượng Phật được tạc từ khối ngọc bích xanh đậm nguyên khối. Trên tượng còn có áo tơ vàng. Bức tượng Phật rất đẹp, rất sáng. Bức tượng Phật được tạc rất tinh xảo, đặc sắc, không tỳ vết. Tượng Phật tỏa ra năng lượng. Thật lung linh và huyền ảo. Quả thật rằng người dân Thái Lan coi đây là quốc bảo không hề sai.
Thực ra câu chuyện về bức tượng Phật Ngọc tôi được bạn Suthatip kể lại. Bạn còn mang theo 1 cuốn sách tiếng Thái như 1 bằng chứng để thuyết trình cho tôi (Suthatip học với tôi từ ngày xưa ở nước ngoài). Truyền thuyết được gắn liền với Đức Phật bên Ấn Độ ngay vào thế kỷ thứ 5 kể từ ngày Phật nhập Niết Bàn, khi bức tượng được tạc. Bức tượng được chính thức “tỏa sáng” tại Băng Cốc tai chùa Wat Phra Kaew này vào năm 1782 dưới thời vua Rama I trị vì (1782 – 1909). Bức tượng quý chỉ cao khoảng 66 cm và là 1 khối ngọc xanh đậm, nguyên khối. Pho tượng được tạc trong tư thế Đức Phật ngồi thiền. Bạn Suthatip nói với tôi rằng, ngoại trừ nhà vua, không ai được chạm tay vào bức tượng. Đích thân nhà vua thay áo phía ngoài bức tượng 1 năm 3 lần vào các mùa hè, đông và mùa mưa.
Truyền thuyết nói rằng xuất xứ bức tượng từ bên Ấn Độ. Rằng đến thế kỷ thứ 15 thì được tìm thấy ở Campuchia, đến thế kỷ thứ 16 thì được chuyển đến Lào, rồi bức tượng được lưu tại Viêng Chăn đến 215 năm và cuối cùng được đưa đến Thái Lan vào thế kỷ thứ 18. Bạn tôi cũng bảo rằng, theo các nhà hiền triết cổ đại nói thì tượng Phật Ngọc có mặt ở đâu đều mang lại may mắn và thịnh vượng cho quốc gia đó. Chính vị vậy, bức tượng Phật Ngọc đã và đang được chính phủ và các Phật tử Thái Lan bảo vệ nghiêm mật.
Bạn Suthatip kể thêm 1 tình tiết khác rằng vua của xứ Chiang Mai quyết định xây 1 ngôi chùa đặc biệt để thờ bức tượng Phật Ngọc đặc biệt này vào năm 1434 sau khi các chú voi cố gắng đến 3 lần để vận chuyển tượng ra khỏi vùng đất Lampang mà không nổi. Sự kiện này làm cho nhà vua kinh ngạc và biết rằng có 1 điềm đặc biệt và đã quyết định để tượng tại đây thờ. Chính vậy nên vùng đất Lampang có duyên may thờ tượng ngọc quý trong 32 năm trời.
Trước đó tượng Phật đã được đưa ra khỏi Ấn Độ, từ vùng đất Patna ngày nay đến Sri Lanca để tránh bị chiếm hay hủy hoại bởi cuộc nội chiến. Năm 457 vua Anuruth của Myanma đã cử đặc phái viên của mình đến Sri Lanca để xin thỉnh tượng về với mong muốn được phát triển Phật giáo tại đất nước mình. Lời thỉnh cầu đã may mắn được chấp nhận. Tuy nhiên, trên đường vận tải về Myanma, tàu chở tượng Phật Ngọc gặp bão lớn và đã lạc đường, bị trôi dạt về Campuchia. Năm 1432 người Thái đánh chiếm Ăng Co để rồi tượng Phật Ngọc quý giá được đưa từ Campuchia về Lào, rồi đưa đến Chiang Rai. Viết đến đây, tôi lại nhớ về những chuyến thăm Ăng Co và về bức tượng Phật Ngọc tại thủ đô Pnom Penh (mà tôi sẽ có dịp viết vào những bài viết khác).
Lại tiếp câu chuyện, rằng đến năm 1434, bức tượng được tìm thấy ở Chiang Rai sau 1 trận bão lớn, sấm sét ngang trời. Bức tượng được phủ 1 lớp bùn. May thay, có 1 vị cao tăng tìm thấy và tháo gỡ lớp bùn bảo vệ bên ngoài ra. Ngài quá ngạc nhiên khi biết rằng đây là bức tương Phật Ngọc quý được tạc từ ngọc xanh thẫm nguyên khối. Để rồi Phật Ngọc được mang đến một số chùa tại vùng bắc Thái Lan, từ Chieng Rai đến Chiang Mai. Đến năm 1560, như chúng ta biết, bức tượng được đưa đến Viêng Chăn. Và Ngài ở đây đến năm 1778.
Vua Taksin lên ngôi năm 1768 là người đã chiến thắng quân Myanma và thống nhất đất nước Thái Lan. Năm 1778 vua đem quân đánh chiếm Viêng Chăn và đã mang tượng Phật Ngọc về nước mình. Tượng quý được vận tải bằng đường sông và đưa đến chùa Wat Phra Kaew. Vua Rama I khi chuyển thủ đô từ Thonburu về Băng Cốc đã quyết định tháo dỡ chùa cũ và cho xây chùa mới. Ngôi chùa phải tráng lệ, nguy nga, xứng đáng để tôn thờ bức tượng Phật Ngọc quý giá này.
Cũng phải nói thêm, bạn Suthatip của tôi giải thích ý nghĩa của chủa Wat Phra Kaeo có nghĩa là Phra Sri Rattana Satsadaram mang ý nghĩa: Nơi yên vị của Phật Ngọc Quý Giá (The residence of the Holy Jewel Buddha). À thì ra vậy! Thật là hay!
Nghe xong câu chuyện tôi bần thần cả người. Tôi quyết định vòng lại ngôi chùa quý và đặc biệt thêm 1 lần nữa. Tôi ngắm kỹ hơn ngôi chùa cùng với khuôn viên của Hoàng cung với diện tích tận 94,5 héc ta. Toàn bộ khu vực này có đến hơn 100 công trình xây dựng. Thật sự là nguy nga và tráng lệ. Những di sản do con người lập nên đã có đến 200 lịch sử, đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước và loài người. Tất cả trông rất là “Thái”!
Tôi ngắm kỹ ngôi chùa từ các phía. Mái chùa màu cam với những họa tiết màu xanh rất ấn tượng. Những chiếc cột bằng đá sống mãi với thời gian. Tôi bước vào chùa thêm 1 lần nữa. Tôi nhắm mắt ngồi thiền và như thấy rõ cả hành trình bí hiểm và linh thiêng của Phật Ngọc. Tôi thấy mình quá may mắn khi được ngồi nơi đây bên Ngài, khi mình biết rõ về lịch sử của Ngài. Sau khi biết sâu sắc về những câu chuyện, tôi càng thấy bức tượng quý hơn, linh thiêng hơn, nhiều năng lượng hơn.
Pho tượng chỉ cao có 66 cm và chiều ngang chỉ là 48.3 cm mà sao linh thiêng đến vậy. Tôi ngắm kỹ con mắt thứ 3 của Ngài được gắn vàng sáng lóng lánh. Đức Phật như đang nhìn xuống tôi và các bạn trong đoàn, như nhắc chúng tôi tu tập tinh tấn. Ngài như nói rằng “Ngay thân phận ta đây à còn chịu nhiều sóng gió đến vậy, huống chi là con!”.
Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu tôi đến Hoàng cung Thái Lan. Tuy nhiên, đây là lần đầu tôi hiểu hết ý nghĩa và lịch sử của pho tượng quý. Tôi lặng lẽ bước đi trong khuôn viên Hoàng cung với bức tường bao quanh dài đến 2 km. Tôi nhớ đến vị vua đặc biệt Rama I của vương quốc Thái Lan. Tôi nhắc mình không quên học theo các hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và cả hạnh của bức tượng Phật Ngọc với bao thăng trầm này nữa. Cuối cùng thì ngọc vẫn là ngọc. Rốt cuộc thì cái gì quý giá vẫn giữ nguyên giá trị của nó, dù thời gian có trôi đi hàng trăm, hàng ngàn năm.
Tôi đi vòng quang 12 ngôi tháp xung quang ngôi chùa Wat Phra Kaew đặc biệt này trước khi ra cổng. Tôi thật sự thích và ấn tượng về chùa Phật Ngọc. Nơi đây rất linh thiêng và mang đến cho mọi thành viên của đoàn những cảm xúc kỳ lạ. Hình như đến đây, chỉ cần đến đây thôi, ta cũng hiểu về đất nước và con người của Thái Lan. Hình như chỉ cần có mặt ở đây thôi, chúng ta cũng đã được bên Phật rồi. Có lẽ đây cũng là 1 điểm tạo duyên lành cho những ai muốn tiếp bước trên con đường tu tập mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tìm ra. Ít nhất là đúng với tất cả mọi thành viên trong đoàn của chúng tôi.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà
Mời đón đọc:
Bài 2: Bức tượng Phật bằng vàng đặc biệt ở Bangkok Thái Lan
Bài 3: Lễ thọ giới tân tu ấn tượng
Bài 4: Lần đầu tiên được tham dự lễ xuất gia đặc biệt và lớn đến vậy
Bài 5: Lễ truyền đăng – sự kiện khó quên