Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Thăm chùa Vạn An, chốn Tổ Chánh Thành

Thăm chùa Vạn An, chốn Tổ Chánh Thành

1478

Chùa Vạn An tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được biết đến là nơi giáo dục đào tạo Tăng tài nổi tiếng của Phật giáo Đồng bằng sông Cửu long vào đầu thế kỷ 20, là ngôi chùa cổ có nhiều bậc cao Tăng thạc đức miền Nam, Việt Nam tu học và xuất thân ở đây.

Chánh điện cũ và chánh điện mới của chùa Vạn An

Tòa chánh điện mới chùa Vạn An

   

Trước chùa là rạch Cái Xếp êm đềm nơi vùng đồng bằng sông nước miền Tây.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử và thời cuộc, mặc dù hiện nay chùa có nhiều thay đổi, vì đã có thêm tòa chánh điện mới kế bên. Song ngôi chánh điện cũ vẫn còn lưu lại với dáng dấp  uy nghiêm bởi đường nét kiến trúc, hoa văn tinh xảo, liễn đối, tượng Phật và điện thờ…

Tổ đường chùa Vạn An (cũ)
Tượng Phật Bổn sư nơi Chánh Điện
Long vị chư Tổ các thời kỳ tại chùa Vạn An

Chùa Vạn An là nơi gắn liền với cuộc đời hành đạo tu tập và hoằng truyền phật pháp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Thành, mà trong giới Phật giáo thường gọi  Ngài một cách hết sức tôn kính là “Tổ Vạn An”.

Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38 pháp húy Đạt Thới hiệu Chánh Thành, được xem là một bậc cao Tăng, tiền bối đức độ trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài,  chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX.

Ngài được Tổ sư Liễu Ngọc hiệu Châu Hoàn thượng nhân thế phát xuất gia và được Sư tổ Liễu Ngọc truyền trao Chánh pháp Nhãn tạng.

Năm Năm Bính Thân (1896) Niên hiệu Thành Thái năm thứ 8, Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ xứ về trụ trì chùa Vạn An, Rạch Cái Xếp (nay Xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đống Tháp).

Với tài đức và năng lượng tu học và hành đạo của mình, Hòa thượng Chánh Thành đã làm cho ngôi chùa Vạn An đã trở thành trung tâm giáo dục và truyền thừa phật pháp cho Tăng Ni thời bấy giờ.

Chánh điện chùa Vạn An cũ
Hậu liệu sau Tổ đường chùa Vạn An
Vách tường Chánh điện chùa Vạn An

Năm Giáp Tuất (1934), Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, chùa Vạn An đã tổ chức Đại Giới đàn do Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ, chùa Vạn An (1937) mở các lớp gia giáo truyền đạt Phật lý cho chư Tăng, trong đó có Hòa thượng Kiểu Lợi, Huệ Hưng, Phước Cần… theo học.

Năm Canh Thìn (1940) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 16, chùa Vạn An mở thêm trường đào tạo ni chúng tại Tây đường, trong đó có Ni trưởng Chí Kiên, Như Hoa, Huyền Học, Như Chơn… theo học.

Năm Nhâm Ngọ (1942) niên hiệu Bảo đại năm thứ 18, chùa Vạn An tiếp tục mở Đại giới đàn do Hoà thượng Chánh Thành đương vi Hòa thượng Đàn đầu. Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Phước Cần đã thọ giới cụ túc tại đây.

Những năm thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, Gia Định lại là trung tâm dấy lên phong trào Phật giáo cứu quốc. Chùa Vạn An là nơi liên lạc giữa các tăng sĩ yêu nước từ Gia Định có quan hệ với các nơi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long..

Về thăm chốn Tổ Vạn An, chúng ta ôn lại công hạnh cao dày của  Đức Trưởng lão Hoà thượng thượng Chánh hạ Thành, và tìm về kho pháp tạng diễn Nôm của Ngài lưu hành tại miền Nam như: Di Đà Sớ Sao; Pháp Hoa Pháp Bảo Đàn; Phật Tổ Tam Kinh; Quy Nguyên Trực Chỉ; Long Thơ Tịnh Độ; Đại học Hoằng giới; Tứ Phần Như Thích; Bồ Tát Giới Kinh; Tỳ Kheo Giới Kinh; Sa Di Sớ; Tỳ Ni Hương Nhũ…

Thật kính ngưỡng vô biên!


N.N