Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thái độ khi tập Thiền Minh sát

Thái độ khi tập Thiền Minh sát

132

1. Đừng mong cầu bất cứ điều gì. Chỉ cần ngồi xuống rồi quan sát những gì xảy ra. Xem tất cả như một thử nghiệm. Thật sự quan tâm đến thử nghiệm, nhưng không bị xao lãng vì mong cầu kết quả, và không quan tâm đến kết quả. Để pháp hành thiền di chuyển theo tốc độ và chiều hướng của nó. Để thiền dạy bạn những gì nó muốn bạn học. Tỉnh thức của bạn tìm cách nhìn thấy sự vật như-là. Dầu có phù hợp với mong ước của bạn hay không, cần ngưng tạm thời mọi tiên kiến và tư duy. Bạn phải cất các hình ảnh, ý kiến và mọi luận bàn vô kho một thời gian; nếu không bạn sẽ vấp phải chúng.

2. Đừng ráng sức. Đừng tự ép buộc hay ra nhiều công sức quá độ. Thiền không là một pháp quá khích. Không nên năng nổ đến hung hăng. Nên cố gắng một cách thư thả và đều đặn.

3. Đừng bon chen. Nên khoan thai. Mỗi khi ngồi xuống gối, bạn tưởng tượng mình có trọn cả ngày để thiền. Những gì có giá trị đều cần có thì giờ để phát triển. Kiên nhẫn, nhẫn, và nhẫn.

4. Đừng bám víu mà cũng đừng xua đuổi. Quan sát và thích nghi với bất kỳ những gì xảy ra. Thiện tâm sở đến, tốt; bất thiện tâm sở đến, cũng tốt. Nhìn chúng như nhau và tạo trạng thái thoải mái đối với mọi sự việc xảy đến. Đừng chống lại những gì bạn chứng nghiệm, chỉ tỉnh thức quan sát chúng.

5. Buông xả. Tùy duyên; học xuôi theo dòng thay đổi. Thư giãn.

6. Tiếp nhận tất cả những gì xảy ra. Nhận tất cả cảm thọ, kể cả các cảm thọ mà bạn không muốn thấy. Nhận tất cả kinh nghiệm, kể cả các kinh nghiệm bạn ghét bỏ. Đừng tự kết tội mình có khuyết điểm hay thất bại trên trường đời. Học nhìn tất cả các hiện tượng tâm linh như là tuyệt hảo và có thể hiểu được. Tập có thái độ tiếp nhận không vì lợi lạc.

7. Nên hòa nhã với chính mình. Nên tử tế với chính mình. Bạn có thể không toàn mỹ nhưng bạn là tất cả mà bạn đang làm việc với. Tiến trình trở thành bạn bắt đầu trước tiên với sự chấp nhận trọn vẹn bạn là ai.

8. Tự khám phá: Đặt câu hỏi. Không bao giờ cho sự việc gì là đương nhiên. Đừng tin vì nghe nói có lý, vì mộ đạo, hay vì là lời của thánh nhân. Hãy tự mình thấy biết. Đó không có nghĩa là bạn phải yếm thế, vô lễ, hay không thích nghi mà là phải thực nghiệm. Bạn phải xác chứng bằng kinh nghiệm mọi sự việc và để kết quả chứng nghiệm làm đuốc soi đường đến chân lý. Nội quán phát huy từ pháp tâm muốn nhìn thấy sự thật và khám phá bản tánh thật của đời sống. Trọn pháp tu luyện dựa trên sự ước muốn nhìn thấy chân lý. Không thấy được như vậy, pháp tu bị xem như chưa đúng múc.

9. Xem mọi vấn đề như là những thách thức: Nhìn khuyết điểm như cơ hội để học hỏi và tăng trưởng. Đừng trốn chạy, buộc tội mình, hay âm thầm chịu đựng. Có vấn để? Tốt. Thêm lúa cho cối xay. Vui vẻ bước vô và quan sát.

10. Đừng suy tư: Bạn không cần tìm hiểu tất cả. Suy tư lan man không thể gở rối. Trong thiền, tâm được tịnh hóa tự nhiên bằng tỉnh thức, bằng sự chú ý đơn thuần. Bàn bạc suông không thể tháo gỡ những mối dây đang buộc chặt bạn. Chỉ cần nhận thức rõ ràng, không thiên kiến để xem vấn đề là gì và diễn tiến như thế nào. Có vậy mới giải quyết được. Quan niệm và lý luận chỉ gây thêm vướng bận. Đừng nghĩ. Chỉ thấy mà thôi.

11. Đừng dựa vào đối chiếu: Có rất nhiều khác biệt giữa người với người, nhưng dựa vào chúng rất nguy hiểm, vì không khéo sẽ bị rơi vào vòng ích kỷ. Tư duy của con người thường bị ô nhiễm bởi tham lam, ganh tị, và kiêu căng. Thấy một người nào đó ngoài đuờng anh nghĩ rằng "Anh ấy đẹp trai hơn tôi." Rồi anh tủi thân và muốn được như anh ấy. Thấy một cô gái, chị nghĩ: "Tôi đẹp hơn cô ta." Kết quả là chị hãnh diện. Những so sánh ấy nảy sinh do tập quán và thường dẫn đến tật xấu như tham, ganh, kiêu, tị hiềm, ghét bỏ. Đó là những trạng thái tâm không đẹp, nhưng chúng ta cứ bị vướng vô. Chúng ta hay so sánh sắc diện, thành công, gia tài, sự nghiệp, và cả chỉ số thông minh. Kết quả là bất hòa, ngăn cách, và hiềm khích xảy ra.

Nhiệm vụ của thiền giả là loại trừ tập quán vô bổ đó bằng cách quan sát nó tỉ mỉ rồi thay thế nó bằng tập quán khác tốt hơn. Thay vì để ý đến các khác biệt, nên học nhận biết các tuơng đồng. Nên để ý đến các yếu tố chung của đời sống, các yếu tố giúp người xích lại với nhau gần hơn. Nếu có so sánh, thì nên so sánh để đến với nhau thay vì xa nhau.

Thở là một tiến trình phổ thông nhất. Tất cả động vật có xương sống đều thở như nhau. Tất cả sinh vật trao đổi không khí với môi trường như nhau. Đó là lý do pháp thở được chọn làm tiêu điểm của thiền. Thiền giả được dạy khám phá pháp thở của mình để hiểu sự nối kết với cuộc sống. Nói vậy không phải rồi chúng ta nhắm mắt không nhìn dị biệt chung quanh, mà là coi nhẹ dị biệt và coi nặng tương đồng.

Khi cảm thọ đến, thiền giả không nhận nó một cách ích kỷ thông thường mà nên để ý quan sát tiến trình của chính sự cảm thọ. Người cần ghi nhận cảm thọ nảy sinh và các hoạt động của tâm cùng đi theo. Người cần ghi nhận các thay đổi nảy sinh trong tâm như là một kết quả. Khi quán chiếu các hiện tượng ấy, thiền giả cần nhận biết tính phổ quát của những gì được quán sát. Cần biết cảm thọ tiên khởi đó là cảm xúc tốt, xấu, hay không tốt không xấu. Cần nhìn xem cảm thọ đó có xảy ra trong tâm của người khác giống như trong tâm của mình, tức là có phổ quát không. Nhiều phản ứng xảy ra tiếp theo cảm thọ tiên khởi, có thể là tham lam, dục vọng, tỵ hiềm, sợ hãi, lo âu, khó chịu, hay buồn chán. Những phản ứng ấy có tính phổ quát, cần được biết là rất thường thấy nơi người đời.

Hành pháp không so sánh, chúng ta thoạt tiên có cảm tưởng như mình bị bắt buộc và không tự nhiên, nhưng kỳ thật không có gì khác với những điều chúng ta làm hằng ngày. Chúng ta chỉ không thấy mấy quen thuộc mà thôi. Được thực hành lâu dài, nó sẽ thay thế tập quán so sánh ích kỷ và trở thành tự nhiên. Kết quả là chúng ta sẽ thành người hiểu biết hơn. Chúng ta không còn thấy khó chịu với những khiếm khuyết của người khác. Chúng ta tiến dần đến sự hài hòa với mọi người.

Chơn Quán Trần Ngọc Lợi dịch