Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Thái độ đương đầu với bệnh tật

Thái độ đương đầu với bệnh tật

88

Ngược lại, chúng ta (nếu là Phật tử) có thể xem đó như là một sự thử thách xem chúng ta hiểu lời dạy của đức Phật như thế nào, xem chúng ta áp dụng cái hiểu biết mà chúng ta học được như thế nào.

Nếu chúng ta không thể đương đầu bằng ý chí, nếu chúng ta suy sụp, thì điều đó chứng tỏ rằng mức hiểu biết đạo pháp, sự luyện tập của chúng ta, vẫn còn yếu. Do vậy, đây là một thử thách và một cơ hội cho chúng ta xem chúng ta thấu triệt sự tu tập của chúng ta đến mức nào.

Lại nữa, bệnh tật là một cơ hội cho chúng ta trau dồi đúc kiên nhẫn và bao dung. Làm sao chúng ta có thể thực hành và phát triển những đức ba la mật (*) như là tính kiên nhẫn nếu chúng ta không bị thử thách, nếu chúng ta không bị đặt vào những điều kiện khó khăn và nặng nề? Theo cách này thì chúng ta xem bệnh tật như là một cơ hội cho chúng ta trau dồi kiên nhẫn.

Chúng ta cũng có thể xem sự khỏe mạnh không phải như là không có bệnh, ngược lại xem khỏe mạnh như là cái khả năng có thể bị bệnh, và khả năng để học tập và phát triển từ đó. Vâng, sự định nghĩa tân kỳ này về sức khỏe phát xuất từ một số chuyên gia y học, như là Bác sĩ Paul Pearsall thuộc bệnh viện Sinai ở Detroit, Hoa Kỳ.

Vì biết bệnh tật sẽ không bao giờ bị loại trừ hoàn toàn và biết trước sau gì ai cũng bị bệnh chết cách này hay cách khác, các vị bác sĩ này đã tìm ra một định nghĩa cho sự khỏe mạnh để giúp chúng ta đương đầu với bệnh tật khi bệnh tật đến với chúng ta. Cho dù chúng ta có tạo ra bao máy móc, phương pháp, thuốc men tân kỳ, con người vẫn chịu khuất phục trước bệnh ung thư, AIDS, bệnh tim và hàng đống bệnh khác, có phải đúng vậy không? Rốt cuộc rồi thì không có lối thoát.

Chúng ta phải hiểu và chấp nhận sự thật này, để mà khi chuyện phải đến và chúng ta phải ra đi, chúng ta có thể ra đi một cách thanh thoát. Dĩ nhiên chúng ta sẽ cố chữa bệnh hết sức mình, nhưng khi chúng ta thất bại và cơn bệnh tiếp tục phát triển mặc dù chúng ta đã cố gắng tối đa, chúng ta phải chấp nhận và thích nghi với điều không tránh được.

Phân tách cho cùng, điều quan trọng không phải là chúng ta sống thọ bao lâu mà là chúng ta sống khỏe được bao nhiêu, kể cả cách chúng ta chấp nhận bệnh tật một cách dễ dàng đến mức nào, và cuối cùng là cách chúng ta có thể chết một cách nhẹ nhàng như thế nào. Về điểm này, Bác sĩ Bernie S. Siegel đã viết như sau trong cuốn sách An bình, Yêu thương & Lành bệnh của ông:

Các bệnh nhân hiếm có, vượt hơn mức tầm thường là những người không cố tránh chết. Họ cố sống trước khi chết. Do đó họ là những người thành công, bất kể kết cục cơn bệnh của họ như thế nào, vì họ đã chữa lành cuộc đời của họ, cho dù họ không chữa lành căn bệnh của họ.

Và ông cũng nói như sau:

Một cuộc đời thành công không tính bằng cái chết, mà tính bằng cách sống có tốt đẹp đến mức nào. Tôi biết có những em bé hai tuổi và chín tuổi đã từng thay đổi người khác và thay đổi được cả nhiều cộng đồng nhờ vào khả năng thưong người của các em, và cuộc đời của các em được xem là thành công dù ngắn ngủi. Mặt khác, tôi biết nhiều người khác sống lâu hơn nhiều nhưng chẳng để lại gì ngoài sự trống rỗng.

Vậy rốt cuộc lại thì thật là tuyệt khi cuộc đời của chúng ta có thể chữa lành được cho dù bệnh tật của chúng ta không thể cứu chữa được. Tại sao? Bởi vì sự khổ là một vị thầy và nếu chúng ta học kỹ bài học thì chúng ta có thể thành một con người tốt hơn một cách bất ngờ. Chẳng phải chúng ta đã từng nghe nhiều câu chuyện về những người chịu qua nhiều đau khổ, rồi thoát qua được để trở thành một người thay đổi và tốt đẹp hơn?

Nếu những người đó trước kia ít nhẫn nại, ích kỷ, kiêu ngạo và thiếu suy nghĩ, họ đã trở thành kiên nhẫn, tốt bụng, tử tế và nhún nhường hơn. Đôi khi họ nói rằng cơn bệnh là điều tốt cho họ – nó cho họ một cơ hội xem xét lại cách sống và những giá trị quan trọng hơn trong đời. Họ trở nên quý trọng gia đình và bạn bè hơn, và biết đánh giá cao thời gian họ dành cho những người thân yêu. Và nếu họ được lành bệnh, họ sẽ dành nhiều thời gian cho người thân hơn và làm những điều thật sự quan trọng và có ý nghĩa.

Nhưng ngay cả nếu chúng ta bị khuất phục trước cơn bệnh chúng ta vẫn có thể học hỏi để từ đó vươn lên. Chúng ta có thể hiểu sự mong manh của cuộc đời và thấy lời dạy của đức Phật đúng như thế nào – rằng cuộc đời có một vết hỏng cơ bản. Chúng ta có thể trở nên tử tế hơn và quý trọng sự tử tế chúng ta nhận từ người khác hơn. Chúng ta có thể tha thứ những người đã làm khổ chúng ta.

Chúng ta có thể thương yêu mặn mà hơn, sâu sắc hơn. Và khi cái chết đến, chúng ta có thể chết với sự chấp nhận và an bình. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng cuộc đời chúng ta đã đươc chữa lành bởi vì chúng ta cảm thấy chan hòa với thế giới và chúng ta được thanh thản.

Chúng ta có thể hành thiền

Khi chúng ta bị bệnh và nằm một chỗ, chúng ta không cần phải tuyệt vọng. Chúng ta có thể hành thiền ngay cả khi đang nằm trên giường. Chúng ta có thể quan sát tinh thần và cơ thể của chúng ta. Chúng ta có thể lấy được sự yên tĩnh và sức mạnh bằng cách thiền theo hơi thở. Chúng ta có thể quan sát hơi thở vào và hơi thở ra, biết rõ từng cơn hít thở. Điều này có thể cho chúng ta một tác dụng lắng dịu. Hoặc chúng ta có thể quan sát sự phồng xẹp của cái bụng khi chúng ta hít vào thở ra. Tâm trí chúng ta có thể theo dõi sự phồng xẹp này và khi đó trở thành chính sự phồng xẹp.

Điều này cũng cho chúng ta sự thanh tịnh. Và trong sự thanh tịnh như vậy, sự hiểu biết có thể hiện lên. Chúng ta có thể thấy cái bản chất nhất thời và tan biến của mọi hiện tượng, và có thể chấp nhận sự kiện vô thường, khổ và vô ngã. Nếu chúng ta có học về tỉnh giác và thiền Minh sát (**), chúng ta có thể thấy thời gian trôi qua một cách dễ dàng.

Có nhiều đối tượng mà chúng ta có thể quan sát từ bất cứ oai nghi nào, nằm, ngồi, đi, đứng. Chúng ta biết mình đang ở tư thế nào, và nhận biết những cảm giác đang nổi lên trong cơ thể. Chúng ta có thể quan sát những cảm giác đó với một tinh thần vững chãi và yên tĩnh. Và dĩ nhiên, tâm thức chúng ta cũng là một đối tượng để quan sát. Như vậy chúng ta có thể quan sát các trạng thái của tâm thức.

Tất cả mọi thứ đều có thể được quan sát – buồn bã, chán nản, ray rứt, lo âu, suy nghĩ – và tất cả rồi sẽ đi qua, nhường lại cho sự thanh thản, bình an, và trí tuệ. Các trạng thái thiện hay bất thiện sẽ đến rồi đi. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy tất cả với sự hiểu biết và thanh tịnh.

Đôi khi chúng ta có thể thể hiện từ bi tâm. Lần này qua lần khác chúng ta có thể chúc mọi người :

Mong mọi người được khỏe mạnh và hạnh phúc.
Mong họ không bị tác hại và nguy hiểm.
Mong họ không bị đau khổ về tinh thần.
Mong họ không bị đau khổ về thể xác.
Mong họ lo cho bản thân một cách vui vẻ.

Với cách này chúng ta có thể dùng thì giờ một cách hạnh phúc ngay cả khi chúng ta nằm liệt giường. Chúng ta có thể biểu hiện từ bi tâm với các bác sĩ, y tá, và các người cùng nằm viện. Chúng ta cũng có thể gửi từ bi tâm đến người thân thương, bà con và bạn bè. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng ta có thể nằm ngẫm nghĩ về đạo pháp, nhớ lại những gì chúng ta đã đọc, đã nghe hoặc đã hiểu. Với sự suy niệm như vậy, chúng ta có thể đáp ứng với sự đau khổ bằng trí tuệ và lòng an tịnh.

Lời chỉ dẫn của đức Phật là trau dồi tinh thần, hành thiền, và làm như vậy ngay cả lúc chúng ta bị bệnh. Thật ra, chính những lúc đó mới là lúc chúng ta càng phải nỗ lực vận động tỉnh giác. Biết đâu, chúng ta có thể đạt đến Niết bàn tức là tuệ giác cao nhất khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng!

Trong kinh, đức Phật có thuật trường hợp một người bị bệnh – cơ thể bị hành hoành bởi cảm giác đau đớn, nặng nề, buốt giá, hủy hoại, mất tỉnh táo và khó chịu, làm cạn dần sức sống. Nhưng người đó không chán nản. Ông ta cảm nhận được samvega – một cảm giác thôi thúc mình phải vươn lên ngay cả trong những giờ phút cuối cùng. "Ông đã nỗ lực đúng mức," đức Phật nói. "Với tâm thức hướng về cõi Niết bàn, ông đã thể nhập chân như, ông chứng đắc được bằng tuệ giác trực chỉ."

Không Tuệ (dịch)

————-

(*) Mười đức ba la mật là bố thí, trì giới, hy sinh, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, thành thực, quyết tâm, từ bi, và thanh tịnh. Mọi bồ tát (tức là những ai muốn thành Phật) đều phải trau dồi các đức tính này. Mọi Phật tử cũng phải trau dồi các đức tính này tới một mức nào đó trước khi có thể đạt giác ngộ do Phật dẫn dắt.

(**) Thiền Minh sát là thiền Vipassana hay là thiền Quán. Trong thiền Minh sát, người thiền dùng chánh niệm tỉnh thức để quan sát bản chất của hiện tượng tâm linh và thân xác, cuối cùng nhận chân các đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã.