Đến chứng minh, tham dự buổi lễ có: TT.Thích Thanh Định, UV HĐTS TƯGH, Phó ban Thường trực BTS PG tỉnh; ĐĐ.Thích Thanh Vượng, Phó BTS PG tỉnh; ĐĐ.Thích Thanh Quyến, UV BTS PG tỉnh, Phó BTS PG Kiến Xương cùng chư tôn đức trụ trì các tự viện trong và ngoài huyện.
Tại buổi lễ, TT.Thích Thanh Định đã có thời pháp thoại, chia sẻ với quý Phật tử về cuộc đời và đạo hạnh của cố Ni trưởng, đức tính khiêm cung, giản dị, rất mực gần gũi, hòa đồng với nhân dân Phật tử; nhắc nhở quý Phật tử luôn nhớ ơn Tam Bảo, sư trưởng, ơn thầy tổ, cùng với chư Ni bản tự chăm lo xây dựng chùa cảnh, hoằng dương Phật pháp, tiếp nối sự nghiệp mà cố Ni trưởng đã để lại.
Cuối buổi lễ chư tôn đức làm lễ niêm hương, tụng kinh A Di Đà tưởng niệm giác linh đức cố Ni Trưởng Thích Đàm Doan.
Nhân lễ húy nhật lần thứ 9 cố Ni trưởng Thích Đàm Doan cùng ôn lại Tiểu sử của vị cố trưởng lão Ni của Phật giáo Thái Bình
Ni Trưởng Thích Đàm Đoan thế danh là Trần Thị Viên, trụ trì chùa Tam Bảo tên chữ là Thần Quang tự (xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nguyên Uỷ viên ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Bình, uỷ viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù đã được các cấp giáo hội, sơn môn pháp quyến và các y bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng vì tuổi cao sức yếu, Ni Trưởng đã thuận lẽ vô thường thâu thần an nhiên thị tịch vào hồi 9h20 phút ngày 18 tháng 6 năm 2007 nhằm ngày mồng 3 tháng 5 năm Đinh Hợi. Trụ thế 89 năm, hạ lạp 60 năm. Sự ra đi vĩnh hằng của Ni trưởng là một mất mát to lớn đối với Tăng ni Tổ đình và Phật tử địa phương. Nhân húy nhật lần thứ 8 của cố Ni trưởng, hàng hậu học chúng ta cùng ôn lại thân thế và sự nghiệp của vị trưởng lão Ni đức hạnh viên dung của Phật giáo Thái Bình.
I. THÂN THẾ
Ni trưởng Thích Đàm Đoan đạo hiệu Từ Chính thế danh Trần Thị Viên, sinh năm 1918 tại thôn Riêm Trì (xã Tây Phong huyện Tiền Hải). Thân phụ là cụ ông Trần Văn Liêu, thân mẫu là cụ bà Tô Thị Chi. Ni trưởng là con thứ hai trong một gia đình có ba anh chị em (1 trai, 2 gái).
II. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH VÀ XUẤT GIA TU HỌC
Xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc có truyền thống Nho giáo và Phật giáo, lại gặp buổi giao thời giữa hai nền văn hoá Đông Tây, trong lúc Phật giáo ba miền đang trấn hưng mạnh mẽ. Khi đó ở Thái Bình có các vị cao Tăng lãnh đạo phong trào như cố đại lão Hoà Thượng Thích Tâm Tịnh trụ trì tổ đình Bộ La, Tổ Giám Ngái, Ni trưởng Tổ đình Ni Đa Cốc, nên Ni trưởng được thấm nhuần Phật Pháp từ rất sớm qua song thân và phong trào trấn hưng Phật giáo tỉnh nhà. Mặc dù chưa xuất gia nhưng Ni trưởng đã phát nguyện trường trai từ năm 12 tuổi và thường theo hầu chư tiền bối như Hoà Thượng Ngộ Chân Tử, người đã khai sơn chùa Hoàng Pháp thành phố Hồ Chí Minh và đem giáo pháp phổ biến khắp vùng Thái Bình – Nam Định – Hải Phòng – Hà Nội.
Năm 1945 khi nhân duyên đã chín muồi, đồng thời được sự chỉ giáo của Đức Tăng Cang đại lão Hoà Thượng Thích Tâm Tịnh, người đã đến bái yết Ni trưởng Tổ đình Đa Cốc làm thầy nghiệp sư. Với đức tính cần mẫn học tập, chấp lao phục dịch, “phụng Phật, sự sư”, Nhận thấy Ni trưởng là người hiền lành siêng năng chất phác, với tư chất thông minh, tính tình hoà nhã, thiết tha cầu đạo nên thầy nghiệp sư đã làm lễ thế phát và trao truyền giới Sa Di tại giới đàn chùa Đa Cốc (Nam Bình, Kiến Xương, Thái Bình).
Đến năm 1946 trong khoá an cư kiết hạ tại Tổ đình Đa Cốc, Ni trưởng được dự đàn thụ giới cụ túc. Đàn giới này do Sư Tổ Thích Tâm Tịnh làm Hoà Thượng chủ đàn và chư vị giới sư cao thiền thạc đức trong các sơn môn lớn ở Thái Bình chứng đàn. Từ đây người thực sự dự vào hàng Tăng Bảo là sứ giả của đức Như Lai với trọng trách “Thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sinh”.
Sau khi thụ đại giới do tính tình khiêm cung hiếu học, tận tuỵ trong Phật sự, Ni trưởng được chư Tôn đức rất mực yêu quý, pháp lữ đồng tu kính nể và giao phó các Phật sự quan trọng. Cũng trong năm 1946, Ni trưởng được chư Tăng Ni trong sơn môn suy cử về trụ trì chùa Tam Bảo (xã Nam Hồng huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình).
III. QUÁ TRÌNH HÀNH ĐẠO
Khi nhận trọng trách trụ trì chùa Tam Bảo đang lúc miền Bắc gặp nạn đói, chính sự rối ren lại ở giữa vùng giáo dân, Song không quản nhọc nhằn Ni trưởng đã cùng các huynh đệ xây dựng chùa cảnh, hoằng pháp lợi sinh cứu đói cho dân và nuôi cán bộ trong chùa.
Từ năm 1945 đến năm 1954, Ni trưởng tham gia hội Phật giáo cứu quốc Nam, Ninh, Thanh, Thái và được bầu làm uỷ viên kiêm thủ quỹ của hội.
Năm 1958, hội Phật giáo thống nhất Việt Nam được thành lập, Ni trưởng được bầu làm uỷ viên Ban trị sự của tỉnh hội và giữ chức vụ thủ quỹ đến năm 1981.
Tháng 11 năm 1981 Ni trưởng được vinh dự cùng với Ni trưởng Đàm Hảo (Hà Nội), Đàm Nhương (Nam Định), Đàm Nhung (Thanh Hoá), đại diện cho Ni bộ Bắc Tông tham dự hội nghị thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ. Sau đó Ni trưởng trở về tỉnh nhà phụ tá chư Tăng thành lập tỉnh hội. Tại các kỳ đại hội của tỉnh hội Ni trưởng luôn được chư Tăng tín nhiệm bầu làm uỷ viên thường trực ban trị sự tỉnh, kiêm uỷ viên giáo dục Tăng ni.
Là bậc tôn túc trưởng lão ni đạo cao lạp trọng, giới luật tinh cần khiêm cung giản dị nên khoá hạ an cư năm nào Ni trưởng cũng đươc thỉnh làm ngôi thủ chúng, làm tùng lâm thạch trụ cho ni chúng nương theo tu học.
Từ năm 1958 đến năm 1981, Ni trưởng thường được thỉnh mời làm Thầy Tôn chứng sư trong các giới đàn Ni của tỉnh hội.
Từ năm 1981 đến khi viên tịch mỗi khi tỉnh hội khai đại giới đàn Ni trưởng lại được ban tổ chức cung thỉnh làm đàn đầu Hoà Thượng trao truyền giới pháp cho Ni chúng.
Ngoài việc phụng hành Phật sự ra Ni trưởng còn tham gia các công tác xã hội như uỷ viên UBMTTQVN xã Nam Hồng, uỷ viên UBMTTQVN huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Do có nhiều công lao đóng góp cho giáo hội và xã hội nên Ni trưởng đã nhiều lần vinh dự đón nhận:
– Bằng tuyên dương công đức của các cấp giáo hội.
– Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cùng nhiều bằng khen khác.
Mặc dù Phật sự đa đoan, nhưng Ni trưởng vẫn không quên nghiên cứu kinh điển, niệm Phật tham thiền, hướng về chân lý giải thoát giác ngộ. Có lẽ do hạnh nguyện mang thân nữ để độ chúng sinh mà đi đến đâu người cũng được, già trẻ, lớn bé, giáo dân cũng như lương dân quý trọng. Lại nhờ am hiểu sâu xa giáo lý Phật Đà, tuỳ cơ giáo hoá, biện tài vô ngại, và vượt trên tất cả là tâm hồn bao dung quảng đại, vô ngã vị tha, bình đẳng với người xa cũng như gần, thân cũng như sơ. Với bản thân Ni trưởng luôn sống giản dị, khắc kỷ làm gương sách tiến cho đại chúng. Với chư Tăng, Ni trưởng luôn thực hành theo đúng Bát kính pháp, với chư Ni, Ni trưởng là bạn thân của tất cả mọi người, với đệ tử người dạy bảo cặn kẽ nghiêm khắc, giữ gìn uy nghi giới luật. Với Phật tử, hàng năm Ni trưởng thường mở giới đàn truyền thụ Tam quy, ngũ giới, tuyên giảng đạo lý cho Phật tử gần xa và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng nhân dân.
IV. VIÊN TỊCH
Những tưởng trên bước đường phục vụ đạo pháp và chúng sinh, Ni trưởng còn đóng góp nhiều hơn nữa, thế nhưng trong một thời gian lâm trọng bệnh. Mặc dù đã được sự chăm sóc của các cấp giáo hội, của sơn môn pháp phái, thân quyến Phật tử và các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng Ni trưởng đã thuận lý vô thường thâu thần an nhiên thị tịch vào lúc 9 giờ 20 phút, ngày 18 tháng 6 năm 2007 (Tức ngày mồng 3 tháng 5 năm Đinh Hợi), trụ thế 89 năm, hạ lạp 60 năm. Thế là Ni trưởng đã từ bỏ huyễn thân trở về với thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Ni trưởng vẫn còn lưu lại thế thế gian trong tâm tư ký ức của Tăng Ni, Phật tử Thái Bình.
Nam Mô Tam Bảo đường thượng Liên Trì Bảo Tháp Ma Ha Sa Môn Tỳ Khiêu Ni Bồ – tát giới Pháp Huý Thích Đàm Đoan, hiệu Từ Chính Giác Linh Thiền Toạ Hạ.