Cách đây đã vài năm, tôi đã có bài viết về thời cơ và thách thức đối với tổ chức “Gia đình Phật tử”.
Đó là bối cảnh hoạt động mới, trong đó, các tổ chức thanh thiếu niên nhi đồng trước đây đều hoạt động trở lại, đặc biệt là tổ chức hướng đạo, tổ chức thanh thiếu niên của các tôn giáo khác.
Khi đó, con em của gia đình Phật giáo không có chỉ một tổ chức “Gia đình Phật tử” để chọn lựa, hoặc sinh hoạt hoặc không, mà sẽ là nhiều tổ chức, thậm chí con em gia đình Phật tử có thể đi theo bạn bè sinh hoạt ở các tổ chức thanh thiếu niên nhi đồng các tôn giáo khác, vì trong đạo Phật vẫn có quan niệm đạo nào cũng tốt, con em được giáo dục trong đoàn thể tôn giáo là tốt rồi.
Trung thu, tôi gọi taxi, bảo chỗ nào có hội vui cho trẻ em thì chở cháu tôi và tôi đến. Anh taxi chở đến nhà thờ. Quả nhiên, đèn nến lung linh, múa lân, ca hát, phá cỗ… Nhưng lồng đèn thì hơi khác thường, ngoài đèn ông sao, có đèn thập tự, đèn thánh phê rô, tháp chuông nhà thờ.
Tổ chức Thiếu nhi Thánh thể mở rộng cửa cho mọi trẻ em vào nhập cùng hội Trung thu trong sân nhà thờ. Cháu tôi được phát một lá cờ vàng trắng để vẫy.
Trước đó, đọc Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 6 (132), 2014 tôi được thông tin về nhiều hội đoàn thanh thiếu niên, nhi đồng đạo Ca tô La Mã qua trường hợp một địa phương, “đan xen yếu tố tôn giáo và yếu tố chính trị xã hội” (tạp chí đã dẫn trang 68), như Hội Thanh niên Thánh úy, Hội Giáo lý viên, Hội Giới trẻ, Hội Thanh niên, Hội Trung binh… (Bài nghiên cứu về việc này tôi sẽ có dịp giới thiệu).
Thế nhưng, đáng quan tâm là trên một kênh truyền hình phát toàn quốc của lực lượng vũ trang, trong chương trình giới thiệu sách, một cuốn sách về hướng đạo đã được giới thiệu, trong khi phát thanh viên giới thiệu mặc đồng phục đeo khăn quàng hướng đạo.
Ngỡ là các tổ chức thanh thiếu niên nhi đồng như trên đều đã được phép hoạt động cả rồi, tôi lên mạng search để tìm thông tin, thì chỉ thấy văn bản của các đơn vị đạo Ca tô La Mã tự tái lập tổ chức thiếu nhi thánh thể còn Wikipedia tiếng Việt vẫn nói Hướng đạo tại Việt Nam vẫn chưa có phép.
Mấy năm trước, chúng tôi viết bài về bối cảnh mới sẽ đến của tổ chức “Gia đình Phật tử” thì sinh hoạt của Hướng đạo vừa chớm hình thành, chủ nhật đi qua Tao Đàn hay công viên Gia Định chỉ mới thấy mấy vòng tròn sinh hoạt. Chỉ đến trưa, khi các đơn vị hướng đạo giải tán, vì đồng phục hướng đạo khá nổi bật, nên thấy có vẻ hơi đông đoàn sinh.
Sáng chủ nhật giữa tháng 9/2014, tôi ghé qua Tao Đàn để xem các tổ chức thanh thiếu niên đang trên đà tái lập, dù chưa có phép, sinh hoạt như thế nào. Thì quả thật bất ngờ, gần như hướng đạo sinh chiếm gần trọn công viên Tao Đàn, có thể nói là không còn chỗ trống.
Cờ xí giăng giăng, chỗ nào cũng thấy đồng phục, vòng tròn sinh hoạt. Tiếng ca hát, tiếng hô ra lệnh, tiếng còi điều khiển vang động cả công viên. Lại có một vài lều trại dựng lên sau các cổng chào đơn sơ, trong khi có nhiều nhóm đang chơi những trò chơi đến hàng trăm đoàn sinh tham dự.
Ước tính tổn cộng số thanh niên nhi đồng sinh hoạt ở Công viên Tao Đàn sáng chủ nhật hôm đó lên đến nhiều ngàn người, tạo nên một cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp, vui vẻ, sinh động khác thường, đến mức chưa từng thấy.
Số lượng đoàn sinh thanh thiếu niên nhi đồng đông đảo tham dự sinh hoạt như thế chỉ thấy vào cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi phong trào đoàn đội lên đến đỉnh điểm.
Còn bây giờ, cũng với đỉnh cao đó, nhưng màu khăn quàng đã đổi, huy hiệu trên các lá cờ cũng đổi.
Trước đây, việc sinh hoạt thanh thiếu niên mang tính bắt buộc, nhưng nay là hoàn toàn tự nguyện. Do vậy, tự nguyện tham gia sinh hoạt đông đảo trong các tổ chức thanh thiếu niên đang phục hồi, trong giai đoạn chưa được phép nhưng đã đến mức quy mô như thế, thì ý nghĩa đã vượt lên rất nhiều so việc đông đảo như đã nói trước đây.
Diện mạo sinh hoạt thanh thiếu niên nhi đồng của thành phố đã hoàn toàn đổi khác. Đó chính là bối cảnh thời cơ và thách thức đối với sinh hoạt của tổ chức “Gia đình Phật tử” mà chúng tôi đã tiên lượng trước đây.
Mặc dù hướng đạo và những tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên tương tự chưa được phép tái lập, nhưng trong thực tế họ đã tổ chức sinh hoạt quy mô đến mức như thế. Một khi họ đã cấp phép chính thức, thì sẽ lên đến mức thế nào?
Thực tế đó đương nhiên ảnh hưởng đến các tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên đã có mấy chục năm nay. Trong đó có tổ chức Gia đình Phật tử.
Như đã nói, đó là thực tế các em nhi đồng, thiếu niên, thanh niên có nhiều lựa chọn hơn khi sinh hoạt đoàn thể, kể các em trong gia đình theo đạo Phật.
Dạo quanh Tao Đàn một lúc, chúng tôi ghé vào một vài chùa, tìm xem tổ chức Gia đình Phật tử sinh hoạt thế nào, thì không thấy đâu cả. Vào các chùa, không khí chung là vắng vẻ, u tịch, trầm buồn với tiếng kinh ê a cúng ngọ. Có lẽ đến trễ quá chăng?
Đi trên đường Ba Tháng Hai, thì lại gặp hàng đoàn thể thiếu nhi thánh thể tan họp trên đường về, khăng quàng chữ thập nổi bật cả một góc phố.
Buổi chiều, tôi đến một ngôi chùa ở quận 3, thì thấy một đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt, như mọi lần vẫn thấy. Chỉ một vòng tròn nhỏ vài chục đoàn sinh, không có sự gia tăng đột biến nào. Dù vẫn có những lời ca, tiếng hát, nụ cười, nhưng nhìn vòng tròn ít ỏi trong sân chùa, tôi cảm thấy nặng lòng.
Số lượng những vòng tròn thưa vắng ít người như thế, so với hàng trăm vòng tròn sinh hoạt mà tôi có dịp thấy vào sáng này, thì đây là vòng tròn nhỏ đến mức đến mức hiếm hoi cá biệt, để ý tìm lắm vòng tròn nhỏ như thế thì cũng có ở Tao Đàn, nhưng lẻ loi một góc vườn khuất.
Nhưng với “Gia đình Phật tử”, một vòng tròn nhỏ như thế cũng là đáng mừng, đáng khích lệ, vị đi qua mấy chùa, tôi không thấy một vòng tròn nào.
Mãi lên hướng Tân Bình, thì không phải vòng tròn, mà là hàng hàng lớp lớp… thiếu nhi thánh thể chật kính một sân nhà thờ rộng. Sự đông đảo ở đây không thể hiện qua sự náo động, nhộn nhịp mà là qua đội hình đội ngũ ngay hàng thẳng lối san sát nhau kín hết khoảng sân rộng. Và cùng với đội ngũ là tiếng hò hét đồng thanh.
Những ghi nhận qua quan sát ngẫu nhiên của tôi như thế tất nhiên có những hạn chế của nó. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học quan sát với những mẫu lựa chọn ngẫu nhiên cũng vẫn có thể đưa tới những kết quả phần nào có giá trị.
Kết luận, có thể là định tính, chủ quan của tôi là bối cảnh sinh hoạt đoàn thể thanh, thiếu niên, nhi đồng. Ở TPHCM đã phát triển qua một giai đoạn mới. Ở giai đoạn này, các đoàn thể thanh, thiếu niên, nhi đồng có trước 1975 đã khôi phục cơ bản trên thực tế, dù chưa hoàn toàn chính thức, hợp pháp. Bối cảnh này đưa các tổ chức đoàn thể thanh thiếu niên vốn có vào hẳn một cục diện mới.
Trong bản tổng sắp các đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng hoạt động trên thực thế (dù có thể có đơn vị chưa chính thức), tổ chức Gia đình Phật tử có thể rơi xuống vị trí sau cùng và ở thứ hạng ngày càng lớn hơn, tức là xếp hạng ngày càng thấp hơn với số 1 là quy mô nhất.
Tổ chức “Gia đình Phật tử” có thể vẫn duy trì hoạt động trong một thời gian dài nhưng vai trò ngày càng mờ nhạt trước sự khôi phục của nhiều đoàn thể như Hướng đạo và đoàn thể tương tự trong các tôn giáo khác.
Tổ chức “Gia đình Phật tử” cũng có thể có những chuyển động nhất định trong sự cởi mở chung của xã hội đối với sinh hoạt đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng, tuy nhiên không có mức đột phá, nhảy vọt so với các tổ chức Hướng đạo, Thiếu nhi Thánh thể. Điều này thể hiện trước hết qua số lượng gia tăng đoàn sinh có thể quan sát trực tiếp ở những địa điểm sinh hoạt thường xuyên, quy mô tập trung đoàn sinh.
Theo tôi, đối với tổ chức Gia đình Phật tử, cơ hội đang trôi dần qua, và hiện nay là vấn đề chính, là thách thức.
Qua kết quả có thể tìm thấy bằng những công cụ tìm kiếm trên mạng, thì có vẻ như là các đoàn thể thanh thiếu niên đạo Ca tô La Mã nhận được sự chăm sóc, hậu thuẫn, đầu tư lớn hơn từ giáo hội, từ hàng giáo phẩm so với những gì mà đoàn thể Gia đình Phật tử nhận được từ giáo hội và các nhà tu hành Phật giáo.
Đó có thể cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức Gia đình Phật tử ngày càng tụt về phía sau trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ những đoàn thể sinh hoạt thanh thiếu niên, nhi đồng như hiện nay.
Tình trạng như thế của tổ chức “Gia đình Phật tử”, phải chăng là sự biểu hiện của tình trạng thiểu số hóa Phật giáo diễn ra trên lãnh vực sinh hoạt giới trẻ. Sinh hoạt của đoàn thể “Gia đình Phật tử” không khởi sắc mấy, mà càng ngày càng tụt hậu trong bối cảnh các đoàn thể tập họp thanh thiếu niên nhi đồng dù chưa hợp pháp, lại có những bước tiến lớn trong việc thành lập, củng cố đội ngũ, triển khai sinh hoạt ngày càng mạnh mẽ.
Là một Phật tử, tôi luôn luôn mong muốn tổ chức “Gia đình Phật tử” ngày càng lớn mạnh.
Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là mong muốn những người có trách nhiệm đối với tổ chức “Gia đình Phật tử” cố gắng hơn nữa, tranh thủ tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa tổ chức “Gia đình Phật tử” phát triển phát triển mạnh mẽ, phù hợp với vai trò tổ chức tập hợp thanh thiếu niên nhi đồng của một tôn giáo có bề dày lịch sử ở Việt Nam, có số lượng tín đồ đông đảo nhất Việt Nam.
Không thể để “Gia đình Phật tử” trở thành một đoàn thể thanh thiếu niên nhi đồng rơi xuống mức thiểu số, trong một tôn giáo có chiều hướng thiểu số hóa.
Mong rằng các cấp Giáo hội, các đạo tràng, chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo quan tâm nhiều hơn đến đoàn thể Gia đình Phật tử. Chăm sóc, đầu tư nhiều hơn cho tổ chức này chính là góp phần hoằng dương chính pháp, xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.