Giáp Tết. Mẹ dắt ba chúng tôi đi chợ phiên, dặn dò kĩ lưỡng rằng chợ ngày Tết đông người vì thế phải bám vào mẹ không bị lạc mất. Chợ phiên ngày Tết nêm chặt người, tràn ra ngoài mặt đường, kéo dài cả một con phố.
Phiên chợ Tết rất nhiều màu sắc: Màu sắc rực rỡ của tranh Đông Hồ, câu đối đỏ, màu vàng của cam, quýt, màu xanh của trầu, cau chen lẫn với màu đỏ của mận, hồng; những hàng bán lá dong mướt xanh cùng lạt buộc bánh trắng muốt; màu đỏ sậm của những tràng pháo, màu hồng phớt hoặc đỏ thắm của hoa đào…
Âm thanh của chợ Tết cũng đặc biệt hơn ngày thường, tiếng rao bán hàng, tiếng kêu của gà vịt, lợn con. Hương Tết thấm đẫm: Mùi thơm của bánh, mứt; mùi beo béo của lòng lợn, chả giò, mùi hăng hăng của trầu cau, mùi ngai ngái của lá dong, mùi thoang thoảng của hoa tươi, mùi của những bó nhang….
Trong cảm nhận non nớt của một đưa trẻ 12 tuổi như tôi thì dường như bao nhiêu màu sắc, hương thơm và sự no đủ của cả năm dồn cả vào những phiên chợ Tết.
Thích nhất là đêm 30 cùng mẹ trông nồi bánh chưng. Mẹ nấu nước lá mùi, lá thơm bảo ba đứa tắm táp cho sạch sẽ, thơm tho. Ngọn lửa vờn ấp ui quanh nồi bánh, ba đứa con cuộn tròn trong lòng mẹ ngoan lành ăn củ khoai, củ sắn mẹ lùi chín thơm phức, nghe mẹ kể chuyện ông bụt, bà tiên rồi ngủ thiếp.
Gần đến giao thừa, mẹ đánh thức chúng tôi dậy, trách yêu: “Bảo là trông bánh với mẹ mà đứa nào cũng say ngủ như cún con ấy. Dậy nào, cùng mẹ cúng tổ tiên đón giao thừa”. Mẹ đã vớt bánh ra khi nào chẳng biết, mẹ còn chuẩn bị mâm cúng có xôi gấc, có con gà ngậm quả ớt, có đĩa bánh chưng nóng hổi thơm phức.
Nhiều năm sau tôi không còn được đón Tết ở quê ngoại nữa. Sau ngày mẹ mất, chị em tôi lưu lạc tận miền Tây, cuộc sống cơ cực khiến có những năm Tết đến mà chúng tôi không có Tết.
Giờ đây, sau những ngày tháng vất vả là những ngày chúng tôi được sống thong thả, yên ấm với nghề dạy học của mình… Những ngày cận Tết như thế này sao mà tôi nhớ Tết nôn nao, ước ao một lần trở lại với cái Tết trong kí ức tuổi thơ, được đi chợ phiên, được nằm trong lòng mẹ, bên nồi bánh chưng say ngủ….