Trang chủ Thời đại Truyền thông Tết: Phật hóa việc “xin xăm”?

Tết: Phật hóa việc “xin xăm”?

107

Do vậy, trong bài này, chúng tôi xin ghi nhận cố gắng trên để bạn đọc tham khảo và các chùa có thể ứng dụng

Ở nhà chùa, xin xăm kiểu cũ là một hình thức bói toán. Người xin xăm bói rút một thẻ trước bàn thờ, rồi liên hệ với nội dung tương ứng với thẻ, và nhờ thầy giải đoán.

Thực ra, không ít người chẳng tin vào xin xăm, nhưng họ vẫn thích xin xăm, vì cảm giác khi xin xăm, và nghe giải đoán xăm, vẫn là một cảm giác thú vị vào những ngày đầu năm.

Xin xăm vừa là bói toán, mê tín dị đoan, nhưng đồng thời lại chứa đựng phần nào yếu tố giải trí, hiếu kỳ, hồi hộp do may rủi. Có người miêu tả cảm giác khi lắc xăm giống như cảm giác khi… lật bài.

Nếu xăm xấu, có hạn vận thì một số người xin xăm không lo buồn mà quan tâm hơn đến cách cúng kiến giải hạn.

Như thế, nên chăng tìm cách loại yếu tố bói toán, gia tăng yếu tố tích cực trong việc giải đoán, hướng về việc chuyển tải giáo lý Phật giáo, ứng dụng giáo lý trong cuộc sống?

Một số chùa đã thay việc xin xăm bằng việc hái ngẫu nhiên như hoa mai giả gắn trên cây mai (còn gọi là cây mùa xuân) sau khi lễ Phật.

Việc hái ngẫu nhiên những đóa hoa mai có chứa nội dung bên trong tạo ra một tâm lý thích thú cho người hái hoa, tương tự như xin xăm.

Nội dung in trên tờ giấy nhỏ gói trong hoa mai giả (có thể chỉ là số để tra nội dung liên hệ) không liên hệ gì đến các bài xăm trong bài toán, mà là các câu Phật ngôn, các bài thơ Phật của những vị thiền sư…

Nội dung được rút chọn ngẫu nhiên đó cũng được các nhà sư giải thích, theo hướng khuyên người chọn được nội dung tập trung vào vấn đề mà mình chọn được ngẫu nhiên. Thí dụ chọn được bài thơ “Cáo tật thị chúng” thì thầy sẽ khuyên là nếu có chuyện không may, như bệnh tật, thì cũng nên lạc quan, đồng thời ý thức, suy niệm nhiều hơn đối với việc vô thường của thời gian.

Như vậy, thì việc hái hoa có số để tra nội dung hay lắc xăm đều không quan trọng, vì đó chỉ là một cách chọn ngẫu nhiên, còn vấn đề chính nằm ở nội dung và sự diễn giải. Hướng tới tương lai, thì mọi việc xấu tốt, lành dữ đều có thể xảy ra, nhưng nếu nhìn nhận nó theo đúng tinh thần Phật pháp, cố gắng làm phúc để chuyển nghiệp xấu, tăng nghiệp lành, vun bồi công đức, thì nội dung mê tín dị đoan được chuyển thành tinh thần Phật pháp.

Nhiều chùa hơn chuyển sang hình thức “cây mùa xuân” để tránh ngộ nhận là vẫn duy trì hoạt động mê tín dị đoan, nhưng một số Phật tử vẫn hoài niệm cảm giác hồi hợp khi quỳ trước bàn thờ khấn vái, lắc xăm, dù hiểu rằng nội dung không còn là những câu thơ tiên đoán vận mạng nữa.

Nếu loại trừ hẳn yếu tố bói toán, mà chú trọng đến sự quan tâm vào lãnh vực được chọn ngẫu nhiên, trong tinh thần có thể (tức là có thể có, có thể không có), đặt nặng ở cách nhìn nhận lý giải dưới ánh sáng Phật pháp, thì “xin xăm” kiểu mới theo cách nào đều có thể chấp nhận, vì đó chỉ là hình thức mà thôi.

Việc giải thích các Phật ngôn do thiện tín ngẫu nhiên chọn được sẽ là một cơ hội thầy trò tiếp xúc đầu năm, trong không khí tình huống đặc biệt của ngày tết.

Cũng nghe nói đến việc một số chùa vẫn còn giữ cách xin xăm cũ, nhưng giải xăm theo cách tích cực, trên nền tảng Phật pháp, là nếu lá xăm có báo chuyện xui rủi, vận hạn, thì vị thầy khuyên nên làm phúc nhiều hơn, tu tập thiện nghiệp nhiều hơn. Nếu tu tập tích phúc tích đức đạt đến mức cần thiết, thì ắt tai qua nạn khỏi.

Tuy nhiên, riêng tôi, nên thay hẳn nội dung xăm bằng Phật ngôn và trước tác của chư tổ sư thì hay hơn, gần với chính pháp hơn.

Có chùa tổ chức việc quý thầy giải xăm kiểu mới thành một buổi thuyết pháp nhỏ. Tức là nhiều người lần lượt cùng nghe nội dung diễn giải Phật ngôn hay thơ đạo mà thiện tín xin được, tức là hình thành một buổi giảng giải nhiều câu Phật ngôn, thơ đạo nối tiếp nhau.

Chúng tôi xin ghi lại việc cải tiến, Phật hóa hoạt động xin xăm đầu năm như trên. Mong bạn đọc có ý kiến. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng nếu thay thơ xăm bằng Phật ngôn và giải thích đúng đắn trên tinh thần Đạo pháp thì đây cũng là một hoạt động Phật giáo hóa ngày tết, mục tiêu mà chúng tôi đã đề xuất.

MT