Cũng như các thành phần khác trong không gian cư trú, cây cối chịu tác động của môi trường và thích ứng với môi trường thông qua biểu hiện hình thế như cao – thấp, to – nhỏ, cứng – mềm v.v. Nếu khéo chọn sao cho hài hòa âm dương, ngũ hành thì không những đem lại thẩm mỹ cao mà còn thúc đẩy sinh khí, hưng vượng cho nơi cư ngụ trong dịp xuân về.
Từ mâm ngũ quả
Xuất phát từ quan niệm về chuộng số lẻ của văn hóa phương Đông, về bộ ngũ hoàn hảo (ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc…), về sự đầy đủ (như bàn tay 5 ngón)… mà mâm trái cây dâng cúng tổ tiên và chưng ngày tết của người Việt được gọi là mâm ngũ quả, dù hiện nay không chỉ có 5 loại trái cây mà đến cả trên chục loại!
Và tùy theo vùng miền mà số lượng và loại trái chưng cũng khác nhau. Ví dụ như theo âm tiết Nam bộ thì mâm ngũ quả nên có cầu – vừa- đủ – xài – sung (bao gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung hoặc chùm nho), nhưng lại không chưng nải chuối (sợ bị "chúi" cả năm) hay trái cam (sợ quýt làm cam chịu) như là ở miền Bắc (vốn chưng khá nhiều loại quả, miễn sao tươi tắn đẹp mắt là được).
Xét về mặt âm dương – ngũ hành thì một mâm ngũ quả hài hòa nên có các yếu tố bổ sung, tương hỗ cho nhau, như bản chất cuộc sống trong tự nhiên và xã hội đòi hòi như vậy.
Cần cân đối giữa những trái cây có màu xanh hay màu nhạt, dịu mát tượng trưng cho âm với các trái màu nóng như đỏ cam, vàng rực… tượng trưng cho dương. Người Việt cũng thiên nhiều về hai hành thổ (sinh kim, tiền tài) và mộc (phát triển, nảy lộc, bám rễ lâu bền) nên mâm ngũ quả chủ yếu là các trái có vị ngọt (thuộc thổ) như lê, dưa hấu, đu đủ, xoài… và những trái có vị chua (thuộc mộc) như bưởi, cam.
Đến ngũ hành sinh khắc của cây cối
Trong chọn cây chưng tết thì cách làm theo phong thủy là chọn cây theo hành làm chủ đạo (hành bản mệnh gia chủ), rồi bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên và bố trí theo công năng, thẩm mỹ.
Ví dụ một ngôi nhà với gia chủ thuộc hành kim, nhà sơn màu trắng xám, thì nên chọn các cây xén tròn, đặt trong chậu vuông hoặc tròn (thổ sinh kim), đồng thời có thể thêm một số cây thủy sinh để kim sinh thủy.
Cũng nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, và có lúc khắc lại tốt hơn là sinh. Ví dụ nếu phòng khách có mảng sơn màu đỏ cam, thuộc hỏa, thì cây chưng đó nên có dạng thấp và nhấp nhô, tán tròn, lá xanh đậm có ánh trắng (thuộc kim và thủy, là hai hành xung khắc với hỏa) để giảm bớt tính hỏa. Gặp khoảng sân dạng vuông vức trong phố, diện tích hẹp, tường chung quanh kín (thuộc thổ) thì nên dùng cây thuộc hai hành mộc và thủy để khắc chế tương tác, giảm đi sự bằng phẳng vuông vức đơn điệu.
Nếu trường hợp này mà dùng hành hỏa (cây có hoa lá màu đỏ hoặc cam, dáng cây nhọn) nhằm tương sinh thì lại càng làm cho không gian thêm ngột ngạt.