Sau một năm làm ăn bận rộn, người Huế lên chùa để lắng lòng mình, đồng thời cầu cho sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng. Trong đó, cũng không thiếu những du khách tham quan, vãn cảnh chùa ngày xuân, thưởng thức trà bánh, phát lộc, xin chữ đầu năm, tạo thành nét đặc trưng của chùa Huế.
Những ngôi chùa Huế chính là nơi gửi gắm tâm linh, mang trong mình bao nét văn hóa của vùng đất cố đô. Chùa Huế vốn không gian tĩnh tại, linh thiêng nhưng cũng ngập tràn sắc xuân của chùa Huế.
Huế được xem là kinh đô phật giáo và là thành phố có nhiều chùa chiền nhất nước, khoảng hơn 100 ngôi chùa lớn nhỏ, nhiều ngôi nguy nga, ngày trước do có sự đóng góp công sức của triều đình, tầng lớp quý tộc, nhưng cũng không ít ngôi chùa mộc mạc gắn với làng quê của dân gian.
Số lượng tăng ni phật tử ở Huế cũng khá đông, chiếm gần 1/3 dân số thành phố Huế. Nếp chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt, nhưng tinh tế, không đồ sộ, không khoa trương, ít rườm rà và không nhiều gian.
Ngôi chùa thường là ngôi nhà rường bình dị, thân thiết, gần gũi dân gian. Chánh điện thường chỉ khiêm tốn có 3-5 gian, hai chái, cắt mái hai tầng nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn mái chùa nặng nề phía Bắc.
Chái nhà hai bên dành cho Phương trượng, Trụ trì, Giám tự. Tiếp theo Chánh điện là chiếc sân trong bao quanh bởi Thiền đường, Tăng xá. Vườn Chùa trồng cây ăn trái, bố trí Tháp mộ các vị Tổ, Trụ trì, Tăng chúng. Sau vườn là khu canh tác, trồng hoa màu. Nội thất chùa bình dị, cân đối và không trang trí sặc sỡ.
Cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, chùa Từ Hiếu tọa lạc tại thôn Dương Xuân, xã Thủy Xuân, Tp Huế trên một ngọn đồi được bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh mướt, đường sá đi lại dễ dàng và khí hậu trong lành, mát mẻ nên lượng người lên chùa viếng cảnh thường rất đông.
Tương truyền, chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một cái am nhỏ có tên là An Dưỡng Am là do nhà sư Nhất Định lập ra để phụng dưỡng mẹ già. Cảm động trước tấm lòng hiếu kính của nhà sư, vua Tự Đức đã ban tặng tấm biển “Sắc tứ Từ Hiếu Tự,” từ đó chùa có tên là Từ Hiếu. Các vị thái giám trong cung nội thường xuyên ghé thăm và góp tiền công đức để tu sửa và mở rộng ngôi chùa.
Theo thời gian, mặc dù đã bị tàn phá nhiều nhưng nhìn chung, kiến trúc tổng thể của ngôi chùa hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Chùa Huế cũng phát xuất ra các món ăn chay Huế khá phong phú. Cơm chay Huế vì thế là một trong những nghệ thuật nấu ăn lâu đời và nổi tiếng. Cơm chay giữ vị trí chủ đạo trong chùa chiền và trong không ít gia đình đạo hữu thường tổ chức vào những ngày cúng kỵ và ăn chay kỳ hàng tháng (ngày rằm và mồng một).
Nghệ thuật nấu cơm chay tồn tại và không ngừng được phát triển, nâng cao cùng với sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng. Các thế hệ đầu bếp Phật tử nối tiếp nhau đã bổ sung và làm cho các món ăn chay ngày càng thêm phong phú.
Các gia đình Phật tử ở Huế mời bạn bè ăn một bữa cơm chay là sự thể hiện lòng quý mến và trân trọng. Làm một bữa tiệc chay cho sang trọng thật khó, những người nội trợ Huế coi đó là cơ hội để họ trình diễn tài khéo léo của mình. Từ cách nấu các món ăn cho tới cách trình bày đẹp, hấp dẫn tạo cảm giác thích thú, ngon miệng không kém gì ăn mặn. Tuy nhiên, nguyên liệu chỉ đơn thuần bằng phù chúc, đậu khuôn, đậu xanh, bánh trang, nấm mèo tất cả đều bằng thực vật.
Có người đã ví, đến Huế mà chưa từng tới một ngôi chùa nào thì cũng coi như chưa đến Huế. Chùa Huế có đặc điểm là thường có không gian rất rộng với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và kì vĩ, xung quanh chùa là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và hoa nở bốn mùa.
Một số ngôi chùa có đông người đến viếng thăm ở Huế ngày Tết là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Đế, chùa Huyền Không Sơn Thượng.