Trang chủ Tết Việt Du xuân Tết muộn Rằm tháng Giêng

Tết muộn Rằm tháng Giêng

76

Người xưa có nhiều cách lý giải về Lễ Rằm tháng Giêng: Những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; Tết muộn cho những người thân đi làm ăn xa do tính chất công việc không kịp về quê ăn Tết nguyên đán; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán , được ăn tết ” bù “…


Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.


Theo sử liệu thì từ trước thời nhà Trần, người Việt đã có tục Lễ Rằm tháng Giêng. Tương truyền, ngày này chư Phật từ cõi Cực lạc giáng lâm chùa chiền để chứng độ lòng thành của những tín đồ. Người đến chùa tụng kinh, lần tràng hạt kể hạnh (tức là những bài ca thuật lại sự tích của các Phật, các bồ tát) và khuyến thiện, răn đe tội lỗi, ca ngợi sự hy sinh cho đồng bào, đồng loại. Vì vậy ngoài ý nghĩa là cái Tết muộn, đây còn là ngày hướng tới Đức Phật của người Việt.








Người dân tấp nập đi lễ chùa. Ảnh: Thu Ngà



Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Trung Vũ, Rằm tháng Giêng cũng được coi là ngày vía Thiên quan nên người dân thường cúng sao giải hạn trong năm. Ở đồng bằng Bắc bộ, các cụ bà thường lập hội, góp quỹ, luân phiên dâng lễ ở chùa cầu cho Quốc thái dân an.


Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày Rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Cuộc sống với sự cạnh tranh ngày càng lớn, con người càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì vậy nhu cầu ăn một cái Tết muộn không còn nhiều như trước mà thay vào đó là nhu cầu tâm linh. Người dân không quá cầu kỳ chuẩn bị việc ăn Tết mà chủ yếu dành thời gian, tiền bạc để đi lễ chùa và giải hạn đầu năm.








Tín đồ, Phật tử tại chùa Quán sứ, Hà Nội. Ảnh: Vân Nhi



Theo cụ Bính, người cao tuổi quận Hoàng Mai, vào ngày Rằm tháng Giêng, người người, nhà nhà muốn dâng sao giải hạn, vì vậy nhiều ngôi chùa ở Hà Nội trong dịp này, lâm vào tình trạng quá tải. “Mọi người đổ xô, chen lấn nhau để tham dự khiến cho lễ dâng sao giải hạn ít nhiều mất đi tính trang nghiêm của một nghi lễ tâm linh”, cụ Bính nói.

Không chỉ tấp nập đi lễ chùa gần, nhiều người còn đầu tư tiền bạc, công sức chọn những chùa ở xa nổi tiếng linh thiêng để đi lễ. Ba năm trở lại đây, Chị Tâm (phố Hồng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cứ vào dịp Rằm tháng Giêng lại cùng nhiều gia đình trong khu phố thuê xe ô tô đi khắp các chùa: Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Tam Giáo (Lạng Sơn)… để cầu Phật cho một năm làm ăn gặp nhiều may mắn.

Cũng giống như chị Tâm, chị Tú (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) cũng dành hẳn hai ngày để đi lễ ở chùa Hương. “Tâm lý Bụt chùa xa bao giờ cũng… thiêng hơn vì vậy, lễ xa cảm thấy hiệu nghiệm hơn”, chị Tú nói.

Tuy nhiên, theo Trụ trì chùa Phúc Khánh (Hà Nội) Hòa thượng Thích Thanh Quyết, vào ngày này mọi người nên đi cầu an để bày tỏ thành kính với Phật, không cần sắm lễ nhiều, chủ yếu là thành tâm.