Ngày 30, mùng 1 tết là ngày cao điểm thiện tín đến chùa lễ Phật. Tuy nhiên, không nên để những ngày trên là những ngày duy nhất Phật tử đến chùa trong dịp tết, mà những ngày này nên được thiết kế là những ngày thông tin, để đưa Phật tử lên chùa sinh hoạt liên tục trong những ngày đầu năm và trọn tháng giêng lễ hội.
So với các tôn giáo khác, ngày tết và lễ hội tháng giêng có thuận lợi là dàn trải trong suốt một thời gian dài, có đến hơn một tháng. Đây là một cơ hội tốt để Phật giáo chúng ta tổ chức dàn trải những sinh hoạt tín ngưỡng trong suốt một khoảng thời gian kéo dài, tạo thuận lợi cho phía tổ chức (nhà chùa) lẫn phía tham dự (thiện tín, Phật tử, khách thập phương).
Mồng một tết chưa phải là đỉnh điểm kết thúc của ngày tết (như ngày 25/12 của Noel, để rồi sau đó các hoạt động đi dần vào kết thúc), mà ngày mùng một chỉ là thời điểm khai mạc lễ hội, còn ngày kết thúc thì không hạn định, mà tùy theo từng chùa, tùy nơi, có thể đến ngày lễ hội Quán Thế Âm trong tháng 2 Âm lịch.
Quỹ thời gian dồi dào trong việc tổ chức lễ hội tháng giêng giúp nhà chùa tính toán làm sao đẩy số Phật tử lên chùa ở mức đỉnh điểm, và duy trì ở mức cao trong một thời gian.
Một trong những đề xuất của chúng tôi là các chùa lớn có hội trường, giảng đường lớn, có thể tổ chức các buổi gặp gỡ đầu xuân giữa các văn nghệ sĩ Phật giáo với đông đảo thiện tín, khách thập phương.
Thường nhật, pháp tòa giảng đường, hội trường chùa chiền dành riêng cho việc thuyết pháp của chư tôn đức.
Ngày tết và lễ hội tháng giêng, để thay đổi không khí, đưa không khí ngày xuân vào sinh hoạt Phật giáo và đưa yếu tố Phật giáo vào không khí mùa xuân, các buổi gặp mặt văn nghệ sĩ Phật giáo, với tính chất sinh động vui tươi, có thể tạm thời thay thế hoạt động thuyết giảng.
Đây là dịp mở rộng đối tượng người đi chùa ra khỏi giới hạn Phật tử thuần thành, gắn bó với nhà chùa, ra đối tượng là khách thập phương, chịu ảnh hưởng Phật giáo, nhưng chưa quy y, thụ giới.
Trong số các Phật tử thuần thành, có rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng (như các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Kim Cương…). Số các vị là người của công chúng này, nếu khéo xây dựng quan hệ với Phật tử và thiện tín rộng rãi, sẽ góp phần đưa nhiều người đến gần với Phật pháp hơn nữa. Các fan ca nhạc, các độc giả gắn bó với nhà văn, nhà thơ Phật giáo có thể trở thành các “fan” trong bước đường tu học, theo tấm gương các văn nghệ sĩ thần tượng của họ.
Như thế, Phật giáo chúng ta đã có các văn nghệ sĩ, có nhu cầu gặp gỡ từ phía công chúng. Vấn đề còn lại chỉ là khâu tổ chức của nhà chùa.
Các văn nghệ sĩ tất nhiên sẵn sàng phát tâm hộ trì Phật pháp bằng các buổi gặp gỡ. Phần còn lại là nhà chùa đi tìm cửa tọa.
Theo tôi, chương trình hoạt động tết và lễ hội tháng giêng của nhà chùa nên nhân dịp cao điểm khách đến chùa, trong đó có thư mời, lịch trình về các buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các văn nghệ sĩ Phật tử và thiện tín.
Trong lý luận tổ chức sự kiện, tên tuổi các văn nghệ sĩ là một yếu tố quan trọng để thu hút người tham gia sự kiện.
Nội dung các buổi gặp gỡ giao lưu có thể là chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp, giải đáp thắc mắc của cử tọa, và nếu có thể, vài tiết mục văn nghệ ngắn.
Đối với nhà văn, nhà thơ thì nội dung có thể là bình thơ, ngâm thơ tết, giới thiệu tác phẩm…
Cần Làm sao, để các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật làm phong phú hơn nội dung sinh hoạt các chùa trong ngày tết, thay vì chỉ cúng bái suông.
Chắc chắn, lời sách tấn của các văn nghệ sĩ Phật tử sẽ có tác động mạnh mẽ đối với việc tinh tiến tu học của đại đa số thiện tín.
MT