Trang chủ Thời đại Truyền thông Tết: Đề xuất băng rôn mừng xuân Phật giáo

Tết: Đề xuất băng rôn mừng xuân Phật giáo

381

Những vấn đề chung về mặt lý luận của việc sử dụng băng rôn trong tổ chức sự kiện Phật giáo đã được đề cập trong một bài trước.

Vì vậy, dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào vấn đề cụ thể của việc sử dụng băng rôn trong mùa Tết ở các chùa.

Việc giăng băng rôn đón tết đã có từ vài chục năm nay và dần dần đã trở thành một tập quán chung của cả xã hội.

Đầu tiên, chỉ có các cơ quan nhà nước, trường học, nhà văn hóa… treo băng rôn “Chúc mừng năm mới”.

Sau đó, là các cửa hàng, cổng hẻm, quán ăn… Thậm chí nhiều chung cư, biệt thự cũng treo, góp phần tạo nên sắc xuân vui nhộn, tưng bừng cho đường phố.

Vì được sử dụng nhiều nên băng rôn mừng tết được sản xuất hàng loạt, bán rộng rãi với giá rất rẻ, nhưng thường chỉ là màu đỏ, với hàng chữ “Chúc mừng năm mới” và cành mai, cành đào, nên hơi đơn điệu.

Nhiều chùa cũng mua băng rôn bán sẵn về treo, vì sự tiện lợi của nó.

So với chậu mai, khóm quất, cành đào, lồng đèn, thì băng rôn là phương tiện trang trí rẻ nhất, dễ thấy nhất, giữ được không khí xuân lâu nhất (vì không héo như hoa). Hết tết, hạ xuống giặt sạch, ủi thẳng, giữ kỹ, năm sau lại dùng tiếp.

Vì vậy, treo băng rôn “Chúc mừng năm mới” đã trở thành tập quán nhiều chùa.

Tuy nhiên, vì chùa treo băng rôn cũng như công sở, cửa tiệm, tổ dân phố, nên nhà chùa không tạo ra nét độc đáo riêng, chưa tạo thành điểm nhấn cho ngày tết, góp phần Phật giáo hóa ngày tết.

Do vậy, chúng tôi đề xuất nhà chùa nên treo một loại băng rôn mừng tết riêng, mang đậm bản sắc Phật giáo, gia tăng không khí Phật giáo trong ngày tết.

Trước hết, xin đề xuất băng rôn nên  có màu nền là màu vàng, màu đặc trưng của Phật giáo.

Nền màu vàng thì cành mai khó nổi, vì vậy có thể trang trí bằng cành đào đỏ, cành sen hồng.

Hoa sen là hoa Phật, vì vậy để tạo hình ảnh Phật giáo, thiết tưởng cần có cành sen, hàm tiếu hay mãn khai, bên cạnh những loại hoa đặc trưng ngày tết.

Trên băng rôn cũng nên thể hiện cờ Phật giáo, cách điệu hoặc nguyên mẫu.

Còn nội dung chữ trên băng rôn thì, theo ý kiến riêng của tôi, nên tránh dùng từ “Chúc mừng năm mới” vì quen thuộc quá. Mà mỗi chùa nên có một nội dung chữ in trên băng rôn riêng.

Trong lý luận về truyền thông trực quan, chữ dùng băng rôn phải ngắn gọn dễ đọc, lướt nhanh qua là nắm được nội dung. Chữ in nên dùng các kiểu chữ thường sử dụng trong tít báo, dễ đọc.

Chúng ta thử cùng nhau đề xuất trong mục phản hồi các nội dung khác nhau dành cho băng rôn tết Phật giáo.

Riêng tôi, có một số câu đề xuất như sau:

– Mừng xuân Di Lặc

– Xuân an lạc, Tết đạo vị

– Năm mới, công đức mới, phúc lành mới

– Mừng xuân, mừng lộc Phật

– Tết đạo hạnh, xuân phúc lộc

– Mừng xuân vui đạo

– Mừng xuân, lễ chùa, đón lộc

– Xuân quốc thái, tết dân an

– Xuân Phật trọn năm

– Chúc lành xuân Phật

– Tết bồ đề, xuân phúc lộc

– Chúc xuân tinh tiến

– Năm mới nước hưng đạo thịnh…

Chắc chắn,  nhiều bạn đọc có thể đề xuất những nội dung băng rôn mừng xuân Phật giáo hay hơn nhiều.

Ngoài băng rôn, chùa chiền có thể trích thư chúc tết của Đức pháp chủ, in khổ lớn trang trọng, dựng trước cửa chùa.

Vì nội dung khác nhau, trình bày khác nhau, thiết kế khác nhau, nên mỗi chùa có thể đặt ma két riêng, in Hiflex.

Các thiện tín thí chủ Phật giáo có thể tự làm các tấm băng rôn Phật giáo với nhiều nội dung khác nhau để cúng dường các chùa treo trong dịp tết. Một chùa có thể treo nhiều băng rôn mừng xuân trước cổng chùa, trước chánh điện, trước giảng đường…

Nội dung băng rôn là nội dung Phật giáo, khuyến khích thiện nghiệp, công đức, khuyến khích đạo hạnh, vì vậy đây là bố thí pháp rất có công đức.

Ở những chùa có điều kiện, nên dựng bảng lớn Phật ngôn, với nội dung đề dẫn “Phật ngôn chúc phúc là lời chúc tết quý nhất”. Thiện tín khách thập phương lễ chùa đọc đi đọc lại Phật ngôn nhiều lần, thì dù muốn, dù không, cũng ghi khắc vào tâm trí.

Mục tiêu kế hoạch mà tôi đề xuất là làm sao để băng rôn Phật giáo tết với hình thức riêng, nội dung riêng, độc đáo, đặc trưng đạo Phật vàng rực cổng chùa, sống động, tưng bừng như băng rôn mùa Vesak 2008, đủ lời chúc xuân mừng tết, phong phú, đa dạng, đọc không nhàm chán mà càng độc càng hoan hỷ, lạc quan.

Như vậy, là thêm một nét Phật giáo hóa ngày tết (1).

MT

1. Cảm ơn bạn đọc Nguyễn Hoài Nam đã gọi điện gợi ý tôi viết bài này.