Viết về tết ư? Viết gì bây giờ? Thú thật, hai mươi mấy năm hiện hữu trong kiếp sống này, mình chưa từng nghĩ về một bài viết cho tết.
Mình thích mùa thu có mưa bay và gió lạnh, được êm đềm thả mình trên mấy vòng xe chạy qua bao con đường im lìm và rất thơ xứ Huế.
Mình thích mùa thu để ngồi bên song cửa, nghĩ ngợi mông lung và chợt ngẫu hứng, “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, lòng vắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu, ai khóc ai than hời…” để sư phụ đi ngang, ghé mắt vào, này, hát chi đó? Sợ không tả nổi.
Mình thích mùa đông lạnh xứ Huế, để đêm đêm, sau giờ học, ngồi lắng lòng nghe tiếng còi tàu kéo về trong mưa, xa xa áo não như tiếng người vừa chia tay nhau cuối đường, nhớ ai nói, cuộc đời chỉ là sự mất đi chứ không bao giờ thêm vào, thấm thía.
Mình thích mùa đông, lúc đó, mình sẽ đi, lang thang, và nhận ra trên liếp đường hoang lạnh, có bà lão nghèo cụm rụm bởi gánh hàng rong không được mấy thứ ở trong, có phải mưa và lạnh làm gánh hàng thêm nặng. Rồi còn bao cảnh đời nữa, trong mưa đông sẽ hiện ra rõ rệt, đầy cô đơn và trống vắng. Tất cả điều ấy, mình có thể gởi tâm sự vào trang giấy nhanh chóng và xúc cảm tận đáy lòng.
Còn tết? Còn mùa xuân? Trời, viết gì đây?
Thiền sư Mãn Giác viết cành mai, người ta nhớ và rưng rưng nhất vì cái gì đây? “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rung hết. Đêm qua sân trước một cành mai). Đó, thấy chưa, viết về mai, mà phải là cành mai sau mùa xuân, đó mới là mai bất sinh diệt, lạ lùng! Thế thì xuân là gì đây mà viết được chứ?
Mình không muốn viết về mùa xuân, tại vì, ở đó có quá nhiều lời nói phân chia đúng-sai, tốt-xấu… ngặt nỗi, sự phân chia đó nhiều lúc… cũng lắm nợ nần!
Cái tốt, đúng với chỗ này nhưng sai lắm với chỗ kia, mà xét cho cặn nguồn, sai cả. Như ngày tốt chẳng hạn. Ngày tốt, tổ chức đám cưới, đám tang, rồi giết hại loài này loài khác, cho rằng thế là tốt. Ôi chao, với sinh vật, quả thật, đó là ngày địa ngục. Tốt và địa ngục, sao mà gần gũi nhau ngay trong từng món ăn như vậy nhỉ? Mà tết hay phân chia lắm. Thế Tôn dạy: “Đối với bậc thạnh tịnh, ngày nào cũng ngày tốt; đối với bậc thanh tịnh, ngày nào cũng ngay lành”, tốt-xấu là gì đây? Thêm ví dụ nữa.
Mồng một, Huế có tục “đạp đất” hay “xông đất” đầu năm. Người không máu mặt, không khá giả, không trí thức, nếu tới “đạp đất” đầu tiên nhà ai đó, họ sẽ buồn khổ, thầm trách, lo lắng, cho rằng cả ăm đó không làm ăn gì được. Thì ngay trong giờ đầu tiên đã lo lắng, suốt năm lo lắng, cái tâm không trống rỗng, lấy đâu ra chỗ bình an cho hạnh phúc ùa vào trú ngụ chứ. Thêm ví dụ nữa.
Tết, người ta lần lượt về quê ấm tình cùng gia đình. Mà ai được về ai phải tha phương? Con số nào cũng lớn cả. Người về thấy vui, kẻ tha phương lòng sẽ lạnh gấp bao lần mùa đông, dù bước đi bên mai vàng nở rộ. Đường về xa xa gần gần, mơ hồ nên bước mãi chẳng bao giờ về quê cũ bao la. Quê nhà, mẹ già còn mỏi mắt chờ trong, cha già quên uống tách trà vừa pha ấm. Hai đầu nỗi nhớ hai cái lạnh quàng vai.
Sao mình thấy tết mà buồn đến thế! Đáng phải vui chứ? Cái vui ở đó, mong mọi người đều cảm nhận được. Đức Phật dạy mục đích duy nhất trong 45 năm truyền trao chân lý là dạy khổ và con đường thoát khổ, để rồi Ngài khẳng định “Khi thanh tịnh ta thấy thế giới thanh tịnh” dù ngoài đạo vẫn bảo “Khi thanh tịnh ta thấy thế giới bất tịnh”. Nhìn khổ, mà thoát chấp thủ tham ái, bỗng dưng thế giới rộng thênh thang và cuộc đời bỗng bao dung thanh tịnh. Con đường mình đi đều phải thế.
Tới đây, bỗng giật mình, phải chăng, đó là cành mai Ngài Mãn Giác âm thầm trao gởi? Nghe cành mai mà gần gũi như mùa đông. Mời bạn, mời ai, đây chén trà, đây lát mứt, xin ngồi lại, ấm tình đạo và cảm nhận những nhiệm mầu của cuộc sống, trên bao ảnh hình vang vọng đâu đây. Yêu thương và Trí tuệ, ươm mầm ngày mới thăng hoa…