– Bạch Thầy! Rẫy mình vừa bị mất trộm, sáng nay lên nhổ sắn chúng con mới biết.
– Thế à!
– Dạ mất đâu khoảng chừng vài vồng.
Nhà Sư dừng lại, chậm rãi nói:
– Con ạ! Mất sắn và trộm sắn không phải là vấn đề của chúng ta! Là kẻ tu hành, vấn đề của chúng ta là, nhân đó, ta thử lắng nghe lại lòng mình một cách trung thực hơn. Ta sẽ lắng nghe rằng: ta có thể rộng lượng tha thứ được cho người chăng? Ta có móng khởi một tiếc rẻ nào khi mất đi một ít vật chất, của cải? Ta có thể san sẻ cho người bằng cách nhịn ăn một vài bữa! Và, sau hết, trong ta có dậy mối bất bình, phiền não chăng? Chúng ta là người học hạnh giải thoát, có gì phải giải quyết ngoài những vấn đề tương tự?
Liễu Minh sững lại, Nhà Sư mỉm cười nắm tay chú theo lối mòn lên rẫy.
Liễu Minh nói:
– Bạch Thầy! Hồi nãy, con với chú Bất Đạt cãi nhau. Con thì nói "tha". Chú Bất Đạt lại nói "bắt". Con và chú ấy thường có quan niệm bất đồng.
Bất Đạt và Bất Ác từ trong những lùm sắn bước ra, mỗi người tay xách mấy chùm sắn vụn. Thấy Nhà Sư, Bất Đạt cất giọng oang oang:
– Bạch Thầy! Cái lũ ăn trộm này, gặp con, chúng sẽ biết tay!
Liễu Minh cãi lại:
– Biết tay như thế nào? Chú "bắt" chăng? Ý Thầy là Thầy sẽ "tha" cho phù hợp với tâm từ!
Nhà sư nói:
– Không , Liễu Minh con! Thầy không "tha"! vì tâm từ nên Thầy không "tha"!
Bất Đạt reo lên:
– Đó, chú Liễu Minh thấy chưa? Vì tâm từ nên Thầy không "tha", Thầy sẽ "bắt".
Nhà sư cười:
– Không, Bất Đạt con! Thầy không "bắt"! vì tâm từ nên Thầy sẽ không "bắt".
Cả ba chú đều ngơ ngác:
– Bạch Thầy thế thì…
Thấy vầng trán và cặp chân mày của Liễu Minh cau lại, Nhà Sư dịu dàng nói:
– Liễu Minh! Con hiểu về tâm từ như thế nào mà bảo nên "tha"?
– Vì tâm từ là thương người, yêu chúng sanh!
– Như vậy, vì tình thương mù quáng, con sẽ dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian!
Bất Đạt góp lời:
– Vì không muốn dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian, cho nên, con sẽ "bắt" mới đúng nghĩa tâm từ!
– Như vậy, vì tâm từ nóng vội con sẽ nuôi dưỡng hận thù giữa cuộc đời!
Im lặng một lúc, Nhà Sư tiếp:
– Các con ạ! Từ bi là vậy mà không phải vậy. Thật ra, trong các con, chưa ai hiểu tâm từ là gì!
Biết là cả hai chú đều rơi vào hoài nghi to lớn, nhưng Nhà Sư vẫn chưa trả lời vội, người dẫn cả ba chú đến một lùm cây rậm, chỉ vào đám cỏ rạp.
– Đêm kia, Thầy thấy cậu ăn trộm rình núp ở đây. Người bạn ăn đêm kiên nhẫn đợi Thầy tắt đèn và đi nghỉ, nên thầy đã tắt đèn và đi nghỉ!
Không cưỡng được ý mình, Liễu Minh buột miệng:
– Thế là thầy đã tha!
– Ừ! Thầy đã tha nhưng cái tha của Thầy khác với cái tha của con. Thầy tha mà không dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian. Rồi con sẽ hiểu điều ấy.
Im lặng một lúc, Chú Liễu Minh lại nói:
– Thế là con sai ít mà chú Bất Đạt sai nhiều. Thầy đã không "bắt"!
– Không, không phải thế đâu con! Thầy có bắt, nhưng không nuôi dưỡng hận thù, nên cái bắt của Thầy khác với cái bắt của Bất Đạt!
Đầu óc của các đệ tử rối loạn như một mớ bòng bong, như tổ chim, chẳng biết đạo lý câu chuyện nó nằm ở đâu nữa!
*
Buổi chiều, trong giờ học Đạo, Nhà Sư lấy trong túi ra một lá thư bằng giấy học trò, nét chữ cứng cáp, không thẳng hàng thẳng lối, chẳng có chấm phết, sai chính tả lung tung.
Liễu Minh và Bất Đạt chăm chú đọc:
"Thưa Thầy,
Thầy biết con là thằn ăn cắp không những hai vồng thắn mà còn ăn cắp một tượng Phật nhỏ bằng đồng đen, ăn cắp mười giò phong lan tước đây nữa. Thầy biết mà Thầy lặng lẽ không nói với ai, cũng không hề tả lời một câu khi công an xã qua điều ta! Bây giờ Thầy lại còn giúp con vốn liếng, tiền ăn tiêu mười ngày để con lên "đá bạc" khai thác đá là nghề cũ tước đây của con. Tiền Thầy cho, con còn dư dã để thắm thanh dụng cụ hành nghề. Ơn đức thầy thật là kể thao cho xiết. Con hứa từ nay cho đến tọn đời, con thề làm người lương thiện để khỏi phụ tấm lòng cao cả của Thầy.
Con, …"
Lá thư bên dưới có ký tên nhưng Nhà Sư đã lấy kéo cắt đi rồi.
Bất Ác bây giờ mới cất giọng nói:
– Con nhận nhiệm vụ bí mật của thầy, con biết cả. Con nghe hai chú Liễu Minh và Bất Đạt cãi nhau, con chỉ cười.
Nhà Sư hỏi:
– Con cười sao?
– Con cười vì cả hai chú đều sai!
– Không đâu con! cả hai chú đều không sai!
Câu trả lời của Nhà Sư thật bất ngờ.
Nhà Sư lại phải giải thích:
– Cả hai không sai, nhưng cả hai chú đều không đúng! Tại sao vậy? Vì trên sự tướng, tha hay bắt không quan trọng. Tha hay bắt chỉ quan trọng là khi tha để làm gì và bắt để làm gì? Tha rồi có giáo hóa được người và bắt thì có giáo hóa được người? Trên tất cả, đối với chúng ta, tha hay bắt là để học bài học giác ngộ mà thôi!
Bất Đạt chợt nói:
– Ý con cũng có thể là vậy lắm! Con "bắt" rồi con sẽ tìm cách giáo dục người ta nữa chứ!
Liễu Minh nhíu mày:
– Chú mà giáo dục! Chú thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì có! Rồi chú còn bắt trói người ta mà giải qua công an! Cái bắt đó là cái bắt của người đời, chỉ tăng thêm oán thù chứ không được tích sự gì!
Bất Đạt không giận mà cười khì khì:
– Còn chú thì sao hử? Chú "tha" rồi chú giáo dục người ta làm sao nào, nói đi? Tha trống không cái kiểu của chú thì chi bằng kêu ba thằng ăn trộm vô khiêng chùa chiền đi hết cho khỏe! Vậy là tha theo hạnh "Bố thí Ba la mật" đấy!
Nhà Sư khoát tay:
– Các con tranh cãi hay tranh luận đấy? Các con đừng nghĩ rằng giải pháp của Thầy là tối ưu, từ đó, lấy làm thước đo để xử sự ở đời! Các con có biết rằng, tha hay bắt chỉ là sự thể hiện bên ngoài? Tha hay bắt rồi sau đó tìm cách giáo hóa, cũng chỉ là sự khôn ngoan của sự thể hiện bên ngoài ấy mà thôi. Có một cái tâm, các con ạ! Khi biết cái tâm ấy, trú nơi cái tâm ấy, thì tha hay bắt đều trở nên đúng cả vậy. Tâm ấy là tâm gì, ai biết?
Cả ba chú đồng đáp:
– Dạ, Tâm Từ!
– Đúng thế! Vậy thì từ rày về say, khi gặp bất cứ tình huống nào cũng phải sáng suốt, bình tĩnh. Sáng suốt là Tuệ, bình tĩnh là Định. Từ Tuệ, từ Định mà khởi Tâm Từ thì mọi hành động của các con đều phù hợp với giáo pháp cả, không sợ sai lầm đâu!
– Chúng con đã hiểu cả rồi. Ôi! Thật tuyệt vời thay cái bài học hôm nay!
Nhà Sư từ bi nhìn ba chú, tủm tỉm cười, thầm nghĩ: "Chỉ nên dẫn cho chúng lên ngang chỗ đó thôi! Chúng đâu có hiểu rằng, Tâm Từ còn có trước ý, dụng ý, còn vấn đề lợi và hại, hay và dở, tốt và xấu thì Tâm Từ ấy đâu đã được gọi là Từ vô lượng?"
Huyền Không
Lăng Cô – Hải Vân
1977
Lăng Cô – Hải Vân
1977
Theo: Chuyện cửa thiền