Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Tây Thiên thiền viện- Không gian của thiền

Tây Thiên thiền viện- Không gian của thiền

62

Tôi đến Tây Thiên vào ngày cuối cùng của năm dương lịch, rét ngọt nhưng mây trời xanh ngắt trong màu nắng vàng. Vượt quãng đường 70 km tới chân dãy Tam Đảo, rẽ tay trái, 10 km đường bê tông,Tây Thiên từ xa in màu núi sẫm huyền bí trên nền trời màu thanh thiên.


Đường lên núi Tây Thiên đã được trải nhựa rất tốt nên dù phải chạy xe ngoằn nghoèo theo các cua tay áo  gấp khúc nghiêng đến 30 độ, nhưng không cảm thấy gì. Càng lên cao, nghe tiếng gió đuổi nhau trên ngọn rừng thông, mây mỏng màu khói nhạt vờn trước mặt, và nhất là khi hiện ra trước mắt cả một công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ như được chạm khắc vào đá núi – Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thì đã như lạc vào cõi khác, bốn bề là hoa cỏ khoe sắc, tiếng thông reo, suối chảy róc rách xen vào tiếng chim rừng hót …


Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, chủ trì Thiền viện, trước khi xuất gia đã từng là Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Cần Thơ, sau đi theo Hòa thượng Thích Thanh Từ tu ở Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Lâm Đồng, đã cho biết sơ qua việc xây dựng Thiền viện, một công trình kiến trúc  có thể nói là kỳ tích trên đỉnh núi Tây Thiên mà không chỉ có con người với  bao tâm sức, hơn thế còn là sự trợ giúp của tâm linh vùng núi này.


Thiền viện được xây dựng trên nền một Thiền tự cổ có từ thời Hùng Vương – Thiên Ân thiền tự. Được phép của chính quyền địa phương, Hòa thượng Thích Thanh Từ, thuộc tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã giao cho Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt phụ trách việc xây dựng Thiền viện.


Bắt đầu là việc xẻ núi làm đường để đưa vật liệu lên xây cất các công trình, rồi là từng viên ngói, miếng gạch, thước gỗ, hàng ngàn vật liệu khác, cùng với bàn tay tài hoa của những người thợ lành nghề có tâm Phật đã kết hợp làm nên công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ, tạo một không gian thiền uy nghiêm trên ngọn núi thiêng.


Việc xây dựng thiền viện từ tháng 7.2004 đến 4.2005 là hòan thành. Kinh phí lúc đầu là 1 tỉ đồng, sau đó nhiều Phật tử, cư sĩ và khách thập phương đóng góp. Nhờ Phật tử và sự giúp đỡ của các Tổ nên việc xây dựng nhanh chóng, cuối cùng hết 10,740 tỉ đồng.


Thiền viện được xây theo kiến trúc của chùa Việt Nam, các hình chạm khắc và tranh tượng cùng các pháp khí ở điện thờ đều mang dấu ấn của làng nghề thủ công, nghệ nhân Việt Nam. Như đá xây là của nghệ nhân Đà Nẵng, hòanh phi câu đối ở Sơn Động, Hà Tây, chiêng ở Phổ Đức, Huế, trống ở Đồng Nai, gỗ xây dựng ở Gia Lai, mõ làm ở Nha Trang…


Được biết Thiền viện đang xúc tiến đúc tượng Phật cao 43m dựng trên đỉnh núi, hòan thành vào dịp Lễ Phật Đản năm 2008, và là công trình hoằng dương Phật đạo chào mừng Đại lễ Vesak của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào tháng 5.2008 tại Việt Nam.


Tòa đại điện là một công trình kiến trúc đẹp từng chi tiết nhỏ, từ các bức chạm khắc trên các cánh cửa đến tranh đắp nổi trên tường, trần nhà, các cột, vì kèo, rui, mè… đều được đẽo gọt điêu khắc công phu, bộ pháp khí với sự tinh xảo của nghệ thuật tạo hình mỹ thuật Phật Giáo  như tỏa ra linh khí, mang sự uy nghiêm thành kính.


Thiền viện còn cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc nhỏ mang dáng dấp những đền đài xưa dùng vào việc tiếp khách,thư viện, bảo tàng các cổ vật khi đào móng xây Thiền viện, nhà tu tập của các nhà sư và tiểu tăng, nhà thiền tọa, nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm…


Và các nhà sư tu trì ở Thiền viện, mỗi người có một hòan cảnh khác nhau trước khi xuất gia, nhưng ở họ đều tóat lên vẻ thư thái, ung dung tự tại, một nụ cười nhẹ với khách thập phương một giọng nói “A Di Đà Phật “ khi chào nhau thoảng qua như hơi thở, hay một dáng đi trong áo cà sa vàng như một làn nắng lướt qua mấy ngọn lá cỏ trên triền núi…


Bữa cơm chay của Thiền viện không chỉ là sự khám phá về nghi lễ ẩm thực của sự chay tịnh trong Phật giáo, mà còn là một khám phá về tính khoa học trong các món ăn chay thật tinh tế. Trước bữa ăn, tất cả các nhà sư, tiểu tăng, cư sĩ đều làm lễ, trước là ơn Đức Phật, sau là tạ ơn người đã cho họ được hưởng cái ăn để nuôi sống họ, cho họ được trọn vẹn thành tâm hướng thiện về Đức Phật.


Trong bữa ăn là một sự im lặng gần như tuyệt đối, tất cả dường như chỉ chú tâm vào việc ăn – với những người tu thiền thì ăn – một cách nạp năng lượng như hít thở không khí, như một cách thiền nên khi ăn không được tạo ra tiếng động, gây ảnh hưởng đến người khác.Sau bữa ăn cũng có một nghi lễ nhỏ để chấm dứt, rồi dọn dẹp và bắt đầu cho một công việc tu thiền khác trong ngày.


Mâm cơm chay là tổng hòa của màu sắc, của hương vị và của cả sự kết hợp hài hòa những chất bổ dưỡng từ các lọai thực vật. Từ rau lá, rau củ, rau quả đến các lọai hạt ngũ cốc như ngô, đậu… được chế biến với nhiều dạng thức khác nhau, không chỉ ngon miệng mà đầy đủ dinh dưỡng. Ngòai ra còn có thức uống từ các lọai quả, mùa nào thức đó.


Trong bữa trưa ở Thiền viện, tôi đã được nếm ít nhất là 6 món chay gồm 3 đĩa 3 bát có màu sắc từ xanh, vàng, đỏ, tía… rất đẹp mắt, ngon miệng.  Và uống, một thức uống được nấu từ nhiều lọai lá rừng mà theo một vị tu sĩ cho biết, là những lọai thuốc nam tránh gió, chống cảm mạo hàn khí vào mùa rét, tăng cường sức đề kháng cơ thể…Có lẽ thế mà tôi thấy các nhà sư đi lên, đi xuống núi thoăn thoắt không mệt, chỉ với một áo len mỏng bên trong áo cà sa.


Ra về khi sương chiều rơi xuống màu xám bạc lên các ngọn thông, mây sà xuống thấp quấn lấy người, thinh không vang vọng tiếng chuông của Thiền viện như để cho người phàm thêm một lần thấm không gian thiền của vùng núi  Tây Thiên linh thiêng.