Cũng đã hơn mười mấy năm sau 1975, cũng trong Học viện này, khi ấy hòa thượng viện trưởng Thích Minh Châu còn sức khỏe, đã có một hội thảo tạm gọi là quốc tế với sự tham gia của các giáo sư người Đức với chuyên đề “”Phật giáo và vấn đề môi sinh”. Thuở ấy còn rất khiêm tốn, đạm bạc. Từ đó đến hôm nay, “cơ hội” tổ chức hội thảo quốc tế mới trở lại trong tầm tay. Tuồng như mọi vô thường đều là những thách thức tính kiên trì. Và Vạn Hạnh đã có thừa tính “dũng” trong hạnh “nhẫn” được thể hiện trong từ bi của HT Thích Minh Châu và hôm nay trong tiếng cười sảng khoái, lạ thường của Thầy Mạnh Thát sau bao gian truân, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật Học tại Tp HCM, và trong những đóng góp của các tăng ni của Học Viện và cư sĩ khắp nơi. Được biết trong buổi họp báo sau Hội thảo, kinh phí đài thọ Hội thảo hoàn toàn do sự đóng góp của các Phật tử trong và ngoài nước. Hội thảo đã được tổ chức thành công trên nhiêu mặt, ai đã tham dự, đều đã hưởng được mọi tiếp đón chu đáo (cơm chay ngon, nước uống, trái cây không thiếu…) đến độ ngạc nhiên.
Hôm ấy, Thầy Mạnh Thát chỉ 200 cái ghế dành cho khách mời một cách hoan hỉ trong sự tíu tít của các tăng ni đang trang hoàng từng chậu cây, cành hoa. Thầy bảo, quyết định lấy phòng ở tầng lầu tư là vừa mới mấy hôm, vì có khách ngoại quốc, nếu làm dưới sous sol sợ không đủ trang nghiêm cho khách nước ngoài. (Phòng dưới hầm được dùng làm phòng triển lãm tranh Thiền của họa sĩ Phương Hồng, đồng thờI được bố trí hàng trăm ghế với màn ảnh và máy truyền trực tuyến cho Phật tử đến nghe). Từ lan can, Thầy chỉ cảnh thành phố trong gió lộng và bảo: khách sẽ thích khi nhìn cảnh thành phố rộng xa… Thiện ý nên thơ này không may đã bị những cơn mưa Sài Gòn ồ ạt vào những giờ giải lao trong hai ngày hội thảo sau đó đánh thốc đi, may mà cửa không sập! Và lầu thứ tư, tuy cao quí, lãng mạn, đẹp, nhưng cũng khá bất tiện cho sự đi lại của hơn 200 khách mời không phải là thanh niên trẻ trung. Nhiều người lên đến nơi thì lại không có chỗ. Hệ thống âm thanh khá hoàn chỉnh nhưng khó nghe do điều kiện kiến trúc của phòng họp. Dù ban phiên dịch ra Anh ngữ và Hoa ngữ đã làm việc ráo riêt nhưng vẫn có những trở ngai vì máy nghe cá nhân trục trặc. Nhiều khiếm khuyết kỹ thuật và điều kiện phòng ốc chưa làm hài lòng mọi khách đến, nhưng mọi người đêu háo hức được tham dự cuộc hội thảo đã lâu mới có lại. Nhiều người lên đến nơi không còn chỗ, vẫn cố đứng chen với 200 khách ngồi, nhưng trang nghiêm trật tự vẫn còn đuợc giữ đúng cách cho nên mọi trở ngại đều được vượt qua.
Và dĩ nhiên, gần như một thông lệ, sáng ngày 15.07, lúc 7 giờ 30, khách đã tề tựu đông đủ, bỗng nhiên điện tắt bất ngờ, có lẽ vì quá tải năng suất, một thứ trục trặc kỹ thuật rất điển hình… làm cho ban tổ chức không khỏi bối rối. Thầy Mạnh Thát hôm truớc đã khoe với tôi là Viện có chuẩn bị sẵn máy nổ tự động, Thầy chỉ lên khoảng không, phòng sự cố bất ngờ! Nhưng loay hoay mãi, máy không nổ, đã có dấu hiệu xôn xao, may sao, khoảng 8 giờ 30, đèn bỗng phựt lên, quạt máy hoạt động, micro sùng sục chạy, mọi người thở phào nhẹ nhõm như được hưởng một ân huệ vô hình nào đó! Và cuộc Hội thảo đã bắt đầu dưới sự điều khiển chững chạc, tự tin của Thầy Lê Mạnh Thát.
Đối với hai ngày ngắn ngủi, với một đề tài mông mênh, quả thật là một thách đố cho tham vọng muốn quán xuyến tất cả mọi vấn đề. Và quả nhiên nhiệt tình trí thức không thiếu: đã có cả thảy 103 bài tham luận được gửi đến tham gia trong 4 cụm chủ đề: Phật giáo và toàn cầu, Các vấn nạn và giải pháp, Phật giáo và dân tộc, Phật giáo và kinh tế, chính trị.
Không dám lạm bàn về hệ thống khái niệm suy diễn từ “Phật giáo trong thời đại mới”, tự mỗi chủ đề đều đáng được là đề tài cho một hội thảo. Nhưng sự hứng thú trong cuộc trao đổi đầu tiên, sau mấy mươi năm tắt tiếng, đã làm cho cử tọa bị thu hút vì đang được chứng kiến, được xem, ngoài nghe, một hội đàm khoa học về tôn giáo như một thứ của lạ và hiếm. Hầu như đó là khát khao dồn nén lâu năm của phần đông người tham dự, và có lẽ đó là thành công hàng đầu của Hội thảo, một thành công có tính quần chúng quảng bá trước khi là một thành công có tính trí thức. Lần đầu tiên, dù còn rất khiêm tốn cho một hội thảo quốc tế, đã có sự tham dự đông đảo: 21 vị học giả, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu người nước ngoài (Ấn Độ, Nhật, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Sri Lanka, Đài Loan, Hoà Lan…), 28 vị tăng sĩ và cư sĩ trí thức Phật giáo người Việt nam ở nước ngoài, 25 vị giáo sư tiến sĩ thuộc các viện, trường trong nước, Viện tín ngưỡng, Viện tôn giáo, Học viện chính trị quốc gia HCM, Viện Chíến lược và khoa học, Viện nghiên cứu về tôn giáo và Viện Văn học, Viện nghiên cứu lịch sử, của các trường ĐHKHXH-NV Tp HCM và Huế và những nhà nghiên cứu tự do từ các thành phố Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh vv… cùng các giáo sư, tiến sĩ, giảng sư thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cùng một số vị cư sĩ trí thức chủ yếu đến từ Tp Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Kontum… Ngoài ra, một số đại biểu nhà báo quốc tế, trung ương, Tp. Hồ Chí Minh cùng dự để theo dõi và đưa tin (theo bản tin hội thảo).
4 buổi thảo luận vừa bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Việt về các chủ đề đều có một bài chủ đạo và những bài tham luận được phát biểu thật ngắn. Nói chung về nội dung, Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề cốt lõi: Nêu vị trí, yêu cầu và cũng là khả năng của Phật giáo thích nghi với thời hiện đại trên các mặt tiến bộ khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức và thị trường, toàn cầu hóa…; đồng thời đáp ứng công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa – dân chủ hóa Đất nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Vai trò của Phật giáo trong quan hệ hữu nghị, bảo vệ hòa bình thế giới và môi trường sống; Nhìn nhận đạo Phật hòa nhập với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh cơ bản, truyền thống của Dân tộc; Đề nghị liên kết Phật giáo với chính trị, kinh tế và khoa học trong đường lối trị quốc; Xác định nhiệm vụ cấp thiết và cơ bản trước mắt của Phật giáo Việt Nam là hòa hợp đoàn kết (giữa nội bộ Phật giáo trong nước, giữa Phật giáo trong nước và Phật giáo ở nước ngoài…) và tinh tấn phát triển (khế cơ khế lý với Đất nước và thời đại); Coi trọng đào tạo nhân lực (trang nghiêm Tăng già, tinh cần Tứ chúng) là yêu cầu hàng đầu hiện nay; Chú ý nỗ lực đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cứu tế, an sinh xã hội – nhất là ở vùng sâu vùng xa.
Do lượng thời gian hạn chế nên một số chủ đề thiết thân và quan trọng đã phải hoãn lại hay chỉ mới đề cập một cách sơ lược, như: Thấm nhuần và trưởng dưỡng đạo đức học Phật giáo trong xã hội và nhân sinh hiện đại; Xây dựng Giáo hội hòa hợp, tinh tấn và trang nghiêm phù hợp với tình hình và yêu cầu mới; Phát triển hàng Phật tử tại gia – nhất là cư sĩ thiện tri thức và thanh thiếu đồng niên; Phát huy vai trò và bổn phận của Ni chúng; Tăng cường sứ mạng hoằng pháp lợi sinh ở vùng sâu vùng xa, nhất là các địa bàn dân tộc – miền núi; Mở rộng hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong tình hình mới…
Chính sự đa dạng của đề tài quá hoành tráng trong buổi hội thảo này lại trở thành một trở ngại, dù là trở ngại nhỏ, ở chỗ, nhiều cây nên không thấy được rừng, bởi lẽ Hội thảo quốc tế này chỉ mới “nêu” lên nhiều vấn đề mà không có đủ thì giờ để thảo luận tường tận rốt ráo một vấn đề, nhiều người chưa thấy những biện pháp cụ thể đề ra cho Phật giáo Việt nam trong tương lai, ngoài viễn tượng mang hi vọng. Nhưng có lẽ những đòi hỏi này chỉ muốn nói lên một điều: sự cần thiết của công luận, của sự công khai hoá có trình độ khoa học khai sáng những tư tưởng, suy tư về yếu tính của Phật giáo Việt nam song song với những kinh nghiệm của Phật giáo các nước từ Á sang Âu Mỹ có mặt trong buổi Hội thảo đã tắm gội trong truyền thống Phật giáo hay đang đón nhận nếp sống cao đẹp rất cần thiết cho thời đại mới. Nhưng nếu chỉ là thế thì buổi Hội thảo đã thành công lớn trong việc đem lại niềm tin về một nếp sống đạo đức cao quí của Đức Phật đã thấm nhuần trên đất Việt, mà không những Phật tử, ngay cả giới trẻ Việt nam, đang rất cần, đó là món ăn tinh thần có ý nghĩa và có chất lượng trong thời đại mới đang chạy đua, đắm chìm theo vật chất và thế lực, sa đọa trong băng hoại đạo đức.
Cho nên trong không khí sôi nổi của những tranh luận về tiến trình thế tục hóa Phật giáo trên mọi lĩnh vực, nỗi băn khoăn về phía những thiện tri thức Việt nam làm thế nào để Phật giáo Việt Nam theo kịp với thờI đại đã khiến tôi tự hỏi, điểm nổi bật của Phật giáo nằm ở đâu? Chắc chắn không nằm trong sự chạy đua về phía thế lực thế tục. Khuynh hướng này có thể tìm thây trong những tham luận của các học giả và tăng ni nước ngoài. Quả thật nếu Phật giáo tự thế tục hoá trong đà chạy đua như mọi cuộc chạy đua khác trên thế giới, thì chẳng bõ công đi tìm một phương thức mới. Những người khách đến từ Mỹ Âu đã cho ta nhiều gợi ý qua kinh nghiệm chọn lựa của họ, họ đã chọn lựa Phật giáo như con đường khai sáng song song với con đường văn minh kỹ thuật Tây phương. Kinh nghiệm của các nước bạn Phật giáo Á châu cho thấy đạo Phật đã phát triền thâm sâu vào cuộc sống an lạc tỏa hiện ngay trong cung cách của các vị sư, cư sĩ. So với các nước bạn, Phật giáo Việt Nam, với trí tuệ sắc sảo của người Việt Nam, đã có một truyền thống đặc thù, rút tỉa những tinh hoa của đạo Phật để vun trồng gầy dựng một bản lai văn hóa độc lập và tự chủ. Phật Giáo Việt Nam chắc chắn đóng góp phần mình trong sứ mệnh đem vui cứu khổ trên địa cầu vẫn còn nung nóng hận thù tham lam và càng ngày càng chật hẹp tình người này. Mỗi thời có một cách chữa trị khác nhau. Vấn đề là phải nhìn ra được căn cơ của cơn bệnh, nguyên nhân của khổ, mới có thể chữa trị được. Đạo Phật linh diệu chỉ ở một chữ “KHÔNG”, như một diễn tả của trí tuệ về tự do và sáng tạo, đối trị căn bệnh của thời đại là hư vô chủ nghĩa,. Càng vong thân trong vật chất càng tự chôn mình trong hư vô. Triết học, chính trị, kinh tế, kỹ thuật công nghệ truyền thông điện tử đang trên đường tiến đến hư vô, trong nghĩa tự sát bằng thủ thuật giả mạo (Simulation) thay thế nhân bản. Đối trọng của nó là chữ “KHÔNG” như một lối thoát tìm về chân như, tự chủ, tự do. Bồ Tát Long Thọ đã trả lời rốt ráo, bóc hết mọi giả tướng để chỉ còn HẠNH GIỚI: thực hiện hạnh Bồ tát trang nghiêm, sống đạo đức trong hòa bình. Con đường cho Phật tử Việt Nam nằm trong hướng ấy với những điều kiện nhân duyên cụ thể mà mỗi Phật tử phải thức tỉnh nhận ra được trong lúc Tu Tâm.
Tôi muốn nói, trong tất cả những căng thẳng tập trung tâm ý để lắng nghe những lý luận khúc chiết của các bậc thức giả, tôi đã có lần vẩn vơ, và hình như chỉ có Phật giáo mới cho phép vẩn vơ như thế. Thật bất ngờ, sau buổi hội thảo, gặp một nữ ký giả, phó tổng biên tập một tờ báo lớn tại Thành phố, tôi hỏi cảm nghĩ của cô về buổi hội thảo. Cô cười bảo, em có nghe gì đâu, số là, vì không còn chỗ ngồi đứng mãi mỏi chân, cô đi xuống sân, ngồi ở tầng cấp nghe chim hót, và thấy vui. Có người đến, thấy cô đeo bản tên tòn teng trước ngực, hỏi mượn thẻ của cô để được đi lên xem Hội thảo (hình như đã nhiều người lên “chui” kiểu này, cho nên thiếu ghế!), cô bảo mượn thẻ làm gì, lên trên ấy thì cũng như ở dưới này, ở đây còn khỏe chân hơn, vừa nghe chim hót và nghe tiếng tham luận, và cô đã có một đồng bạn cùng nghe. Cũng là một cảm nhận hội thảo đấy chứ! Nghe nói ở dưới sân Phật tử đến nghe khá đông và họ đều được mời dùng cơm chay với các đại biểu, khách ăn hơn 400 người.
Sau khi nghe “một câu chuyện Thiền” của cô ký giả, tôi lại sực nhớ thắc mắc của mình ngay từ buổi đầu hội thảo, không hiểu có phải vì lý do tắt điện, nên nghi lễ thường có khi bắt đầu và kết thúc các đàm luận Phật giáo không được thực hiện, mà tôi rất tâm đắc mỗi khi tham dự: đó là niệm Bổn sư và hồi hướng công đức. Những lời niệm này giúp cho ta định tâm để chánh niệm và chánh ngữ. Theo chương trình, buổi lễ cầu quốc thái dân an Mạn Đà La do các vị sư Tây Tạng cũng không thực hiện được, buổi lễ đã được cử hành sau đó với các sư Việt Nam.
Nói gì thì nói, phải nói Hội thảo quốc tế Phật giáo đã thành công trong những điều kiện ngoại tại còn hạn chế. Theo chương trình, ngày thứ ba, khách được mời đi tham quan cơ sở xây Đại Học Phật Giáo trong tương lai thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Tp HCM, trồng cây Bồ Đề làm kỷ niệm. Sau đó mọi người đi thăm Thiền Viện Thường Chiếu ở gần Vũng Tàu, cũng nghe nói gần cả nghìn Phật tử từ tỉnh Bà Rịa đứng đợi cả ngày để đón khách, đã gây ấn tượng không nhỏ cho khách nước ngoài.
Sau hội thảo, tôi gặp lại Thầy Mạnh Thát, vẫn tiếng cười sang sảng, Thầy nói với tôi, giọng trầm xuống, với âm Quảng Trị, “lạy Phật, nhờ Phật phù hộ, mọi chuyện được tốt đẹp!” Có lẽ, đây là lời đẹp nhất trong buổi hội thảo mà tôi nhận được từ một tu sĩ Phật giáo đã có những công trình nghiên cứu khoa học đáng kể trên lĩnh vực văn học, lịch sử và triết học Phật giáo Việt nam.
Huế – Mùa Vu lan 2006