Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni sinh Tăng ni trẻ giữ vững tinh thần tu học, tạo năng lượng...

Tăng ni trẻ giữ vững tinh thần tu học, tạo năng lượng bình an trong khu cách ly tập trung

900

PTVN – Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. 

Theo thống kê tình hình cách ly tập trung (tính đến 08 giờ 00 ngày 31/03/2020) tại TP.HCM có 8.934 trường hợp, tại  Đà Nẵng có 2.273 trường hợp. Trong số những trường hợp cách ly tập trung có không ít Tăng Ni là du học sinh trở về từ đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan. Chúng tôi cùng trò chuyện với họ về những thể nghiệm của mình trong những ngày cách ly tập trung chống dịch Covid-19 tại khu cách ly tập trung, trường Quân sự TP Đà Nẵng và tại ký túc xá Đại học Quốc gia, Thủ Đức, TP.HCM.

Một góc của khu cách ly tập trung, trường Quân sự TP Đà Nẵng

Nỗ lực tu tập cùng gửi năng lượng bình an đến mọi người

PV: Theo thầy, nhiệm vụ của người tu sĩ trẻ trong việc phòng dịch hiện nay là gì?

TL: Bản thân là một tu sĩ thì việc ở yên chuyên tâm tu tập là một nhiệm vụ hàng đầu, nhất là trong bối cảnh nhân loại đang đối mặt với Đại dịch toàn cầu Covid-19 này. Tôi nghĩ rằng, cho dù Tăng Ni chúng tôi đang ở tại trú xứ già lam hay khu cách ly tập trung này thì cũng không quên nhiệm vụ thiêng liêng vẫn là phải tu tập, đem năng lượng thiền quán, năng lượng an lạc xoa dịu nỗi đau và nỗi sợ hãi mà bệnh dịch mang đến.

Tại trường Quân sự TP Đà Nẵng, hằng ngày mỗi người chúng tôi đều phải dành thời gian để tu tập, để thiền quán, để cùng cộng hưởng năng lượng bình an đến cho người thân và toàn thể nhân loại, với mong muốn dịch bệnh sớm tiêu trừ. Đó được xem là hành động thiết thực hơn bao giờ hết, và chúng tôi đã cùng sống chung, thực hành, nhắc nhở nhau trong suốt hơn tuần qua.  (thầy P.C – tại khu cách ly tập trung trường Quân sự TP Đà Nẵng khẳng khái trả lời như vậy).

Giữ tinh thần tu tập tại khu cách ly tập trung

PV: Ngoài việc tu tập cho thân tịnh tâm an, thì các hoạt động hàng ngày của một vị tu sĩ trong khu cách ly tập trung còn có gì đặc biệt hơn không!?

TL: Hôm nay là ngày thứ 8 của chúng tôi (thầy T.Đ) ở tại khu cách ly kí túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Không khí nơi cách ly khá yên ổn, ngoài kia các anh bộ đội, dân quân vẫn miệt mài, vất vả dọn dẹp, lo lắng cơm nước cho mọi người. Mỗi ngày, phải lên gõ cửa từng phòng, quan sát và thực hiện kiểm tra thân nhiệt cho từng người một. Điều kiện sống không có gì phải phàn nàn, có cả wifi để phục vụ cho việc tra cứu học tập khi cần thiết.

Phòng chúng tôi gồm 4 huynh đệ, tất cả đều là tu sĩ nên các hoạt động cũng hòa hợp, nhịp nhàng và không gặp gì trở ngại khi sống và sinh hoạt với nhau. Trong suốt tuần qua, chúng tôi thường động viên, quan tâm nhau nhiều hơn, hỏi thăm về đời sống tu tập của từng người. Có những câu chuyện của nhau về quan niệm tu hành, pháp môn tu tập cá nhân mà trước kia chưa có dịp trao đổi thì giờ đây được chia sẻ, kết nối một cách cởi mở hơn.

(Thầy P.C nói) Cũng chính vì ảnh hưởng của Covid-19, cho nên việc học tập tại trường đại học ở Thái Lan bị gián đoạn do đó phần lớn thời gian còn lại dù cách ly tập trung nhưng chúng tôi phải học trực tuyến, kết nối với giáo viên qua các ứng dụng học tập hỗ trợ như Zoom, Line và phải hoàn thành các bài tập, báo cáo mà quý giáo sư giao cho.

Bên cạnh đó là các hoạt động như là dọn vệ sinh khu vực sinh hoạt, thể thao rèn luyện sức khỏe… cũng là những hoạt động thường nhật của chúng tôi khi sống và tuân thủ quy định cách ly ở đây.

Tăng Ni tập trung cách ly tại Đà Nẵng khá đông, cho nên ban quản lý bố trí cho quý thầy cô ở một khu vực riêng biệt. Do đó, quý tăng ni ở đây hầu như không tiếp xúc nhiều với các đồng bào khác cũng về cách ly, chỉ có tiếp xúc với các cán bộ kiểm tra sức khỏe và các anh chiến sĩ làm nhiệm vụ phun thuốc khử trùng hàng ngày.

Học tập tại khu cách ly tập trung

Lao động dọn vệ sinh tại khu cách ly tập trung

Ân tổ quốc, ân đồng bào

PV: Tâm thế hiện nay của mọi người ra sao? Và việc ăn uống quen dần chưa ?!

TL: Tâm thế mọi người ở đây rất lạc quan, tất cả đều chấp hành nội quy tốt. Cho đến hôm nay thì việc hút thuốc nơi công cộng, không đeo khẩu trang y tế của một số bạn trẻ đã tốt hơn rất nhiều so với những ngày đầu.

Còn việc ăn uống, đầy đủ 3 món canh, mặn, xào (khuyến mãi thêm 2 trái ớt). Theo mọi người ở đây cho biết, khu KTX Đại Học Quốc Gia – Thủ Đức là nơi cách ly tập trung có số lượng gần như đông nhất Sài Gòn, cho nên đến giờ cơm các anh dân quân phải làm việc hết công suất.

Đến bây giờ thì chúng tôi đã nhớ gần hết giọng nói và dáng dấp của các anh, và đồng cảm với công việc của những người lính áo xanh trong chiến dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân là thế nào! Thương và quý mến các anh vô cùng.  (thầy T.Đ chia sẻ).

Còn ở Đà Nẵng thì nhằm để giảm sự vất vả của các anh chiến sĩ, dân quân, việc chăm lo chế độ ăn chay cho quý tăng ni đã được sự hỗ trợ tốt nhất từ Trường Trung cấp Phật học TP Đà Nẵng. Tuy vậy, Ban quản lý khu cách ly tại trường Đại học Quận sự Đà Nẳng vẫn hỏi han và nắm bắt tình hình, chăm sóc một cách chu đáo trong những ngày sống và sinh hoạt ở tại đây.

Qua đó, chúng tôi mới cảm nhận được hết những nhân duyên sâu dày, những ân nặng trong đời, đó không phải chỉ là trách nhiệm đối với tổ quốc, với đồng bào của những người lính, mà đó là cả những ân tình cao quý của tình đồng bào, tình quê hương tổ quốc. Thọ nhận ân nghĩa này, chúng tôi càng có ý thức cao trách nhiệm tu học của mình, phải thật tinh chuyên, đồng thời chấp hành, chung tay, chung sức với cộng đồng để đẩy lùi và chuyển hóa dịch bệnh (thầy P.C trầm ngâm nói).

 

Mong dịch bệnh chóng qua

PV: Mong muốn điều gì lúc này!?

TL: Sau khi hoàn thành cách ly, chúng tôi sẽ trở về trú xứ của mình tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng ngừa dịch bệnh, tuyên truyền với huynh đệ việc ở yên, bảo vệ chính mình là bảo vệ cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch bồi dưỡng thêm tiếng Anh và một số bộ môn hỗ trợ cho việc học tập sắp tới. Riêng về vấn đề thời điểm quay lại trường bên Thái Lan để tiếp tục học thì hiện tại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chưa chắc chắn khi nào sẽ bắt đầu học lại. Chúng tôi mong là sẽ dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để tất cả mọi người đều có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường, không còn sống trong sự bất an, sợ hãi. (Thầy P.C trả lời)

Gam màu cuộc sống

PV: Những thể nghiệm trong những ngày cách ly tập trung?

TL: (Thầy T.Đ chậm rãi nói) Những ngày ở đây, chúng tôi đã tiếp xúc và cảm nhận biết bao nhiêu gam màu của cuộc sống: Gam màu nâu lam của các sư anh sư em  trong những phút tĩnh tọa uy nghi, trong những đêm thức khuya ôn bài, trong những buổi học trực tuyến… dù trong hoàn cảnh nào huynh đệ chúng tôi cũng không cho phép quên nhiệm vụ và vai trò của mình là tu sĩ; Gam màu màu xanh, của những chiếc áo lính, dân quân tận tụy phục vụ, bốc vác những kiện thực phẩm tiếp tế cho các khu cách ly; Gam màu của gió và nắng nơi những thanh niên tình nguyện, thay nhau trong những ca trực bảo vệ sự an ninh cho mọi người; Gam màu trắng áo Blue của những nhân viên y tế chu đáo kiểm tra, sàng lọc ca bệnh và chăm sóc chúng tôi… Cảm ơn những chiến sĩ, cán bộ, các cô, các bác, những người anh, người em dân quân, bác sĩ đã bao ngày chưa về nhà, đã bao đêm thức khuya, đã qua những buổi cơm vội, và cảm ơn những giọt mồ hôi đã rơi trên con đường nắng gắt chói chang trên mọi nẻo đường TP.

Các anh bộ đội làm việc tại khu cách ly tập trung Trường đại học Quân sự Đà Nẳng

Cảm ơn nơi đây cho chúng tôi những sự thấy, biết, trân quý về sức khỏe, về sự sống, về những giá trị văn hóa mới mẻ, về sự kết nối bao la của tình đồng bào, dân tộc, anh em, giống nòi. Đây là sự kiến dấu ấn trong đời để chúng tôi quán chiếu thấu đáo hơn về tinh thần Từ bi, cứu khổ ban vui rộng lớn nơi mình, nơi người và nơi cách ly tập trung đầy ắp tình người này giữa mùa bảo giông Covid.(thầy P.C – tại khu cách ly tập trung trường Quân sự TP Đà Nẵng kết thúc câu chuyện bằng lời cảm ơn chân thành này)

Giới thiệu một số hình ảnh sinh hoạt tại đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan trước khi về nước của Tăng ni sinh Việt Nam:

N.G (Hình ảnh: Phổ Chiếu)