Trang chủ PGVN Cửa thiền Tăng, ni cũng tần tảo làm ruộng

Tăng, ni cũng tần tảo làm ruộng

87

Làm ruộng không thuốc sâu

Chùa Từ Hiếu nằm trên đường Lê Ngô Cát, TP. Huế, là một trong những ngôi chùa còn sở hữu nhiều ruộng ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đây là ngôi chùa do các thái giám trong cung xây dựng dưới thời Nguyễn, nên ruộng đất cũng do thái giám cúng dường. Hiện chùa có tổng cộng 10,5 mẫu ruộng, tập trung ở các phường Tây Lộc và Thuận Lộc của TP. Huế. Số ruộng này được nhà chùa xác lập quyền sở hữu từ thời Tự Đức và nay đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các tăng ni chùa Từ Hiếu nô nức trong mùa gặt.

Cũng như hơn 100 tăng, ni khác của chùa Từ Hiếu, từ khi còn là chú điệu, sư thầy Thích Mãn Hạnh đã quen với việc cày ruộng, bón phân, cấy lúa và gặt lúa. Thầy Hạnh cho biết, với diện tích ruộng lớn và thực hiện lời chư tổ dạy “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, nên các sư của chùa là những nông dân áo nâu, đầu nhẵn.

Mỗi năm hai vụ, sau khi cày, ruộng của chùa được bón phân hữu cơ thật đều và bừa nhuyễn, phẳng như mặt giấy rồi mới cấy. Việc cấy lúa cũng hết sức tỉ mỉ. Cây lúa được cấy thẳng như kẻ chỉ, đứng trên bờ nhìn xuống sẽ thấy từ cây đầu tiên của hàng đến cây cuối cùng.

Mùa gặt, tất cả tăng, ni của chùa đều ra đồng, không phân biệt sư lớn hay sư nhỏ. Một ngày theo chân các sư ra ruộng gặt lúa, chúng tôi bất ngờ khi thấy tăng, ni gặt lúa chuyên nghiệp không thua gì nông dân. Giữa thửa ruộng trũng, các sư xắn quần ngang gối, tay thoăn thoắt cắt, bó và gánh lúa, áo nâu đẫm mồ hôi.

Điều đặc biệt trong hoạt động làm ruộng của các chùa là không bao giờ sử dụng thuốc trừ sâu bọ và thuốc diệt cỏ, vì Phật giáo quan niệm không sát sinh. Do đó, cây lúa ở các ruộng chùa sinh trưởng và phát triển tự nhiên, không có sự can thiệp của hóa chất. Cũng vì vậy mà kết quả sản xuất có tính may rủi, bởi nếu gặp năm sâu bọ nhiều thì lúa coi như mất trắng. Nhưng theo nhà sư ở nhiều chùa, mặc dù không sử dụng hóa chất, nhưng lúa của chùa rất ít khi mất mùa.

“Dĩ nông vi thiền”

Theo sử liệu, khác với chùa ở những địa phương khác, ngay từ buổi đầu xuất hiện, các chùa ở Thừa Thiên- Huế đã có chủ trương “dĩ nông vi thiền”, tức là lấy việc cày cấy làm thiền. Do đó, cuộc sống của các chùa khá sung túc, các tăng, ni không phải hổ thẹn vì đã sống bằng sự lao động cật lực của mình.

Cũng như chùa Từ Hiếu, ở các chùa Phước Duyên, Tường Vân, Pháp Hải, Long Thọ… tăng, ni cũng là những nông dân thực thụ.

Dưới thời Nguyễn, ruộng của các chùa gồm nhiều loại, như ruộng do vua cấp; ruộng do các hoàng tử, công chúa và quan lại cúng dường; ruộng do các trụ trì chùa mua về hoặc do các tín đồ phật tử giàu có mua cúng; ruộng do làng xã trích cúng… Tuy nhiên, đến nay, trong số hơn 150 ngôi chùa ở tỉnh, số chùa còn làm ruộng chỉ còn ở con số vài chục.

Theo sư thầy Thích Pháp Chân Đăng – giáo thọ chùa Từ Hiếu, làm ruộng không chỉ giúp chùa tự túc lương thực, mà còn hỗ trợ cho việc tu hành. Bởi lẽ, tăng, ni làm ruộng thì mới thấu hiểu và cảm thông được sự vất vả của quần chúng, từ đó mới có thể gần gũi để cảm hóa, dìu dắt quần chúng trở về chánh pháp, tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra làm ruộng còn giúp người tu hành tập được cái tính kham nhẫn, cẩn thận và đây là tiền đề để đi đến các Phật sự lớn.

Thượng tọa Thích Trí Tựu – trụ trì chùa Thiên Mụ tâm sự rằng, nhiều lão nông tri điền khi thấy sư của chùa cày cấy, gặt hái bằng đức tính kiên nhẫn, tỉ mẩn cũng phải đem lòng nể phục. Khi đó, các “nhà sư nông dân” giải thích: nông dân làm ruộng để có lương thực, còn nhà chùa làm ruộng là vừa để tăng gia sản xuất, vừa nhằm đào tạo ra những thầy tu để giúp đời.