Một vị thiền sư ẩn tu trong am tranh trên núi, một hôm nhân buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.
Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy am tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi, thì gặp thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm sẵn trong tay.
Kẻ cắp đang trong lúc kinh ngạc bối rối, thì Thiền sư nói:
– Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!
Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Hắn ta lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng.
Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, thiền sư không khỏi cảm thương liền khẳng khái thốt lên:
– Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.
Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào am tranh ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.
Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngoài mà ngài đã khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng sung sướng, thiền sư lẩm bẩm nói:
– Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.
LÂM THANH HUYỀN
(Theo Kinh điển truyện ngắn cực ngắn…)
Người dịch: VŨ CÔNG HOAN
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
“Nhân chi sơ tính bản thiện” nghĩa là bản tính ban sơ của con người vốn là hiền thiện. Theo thời gian con người lớn dần cùng năm tháng, rồi gia đình, học đường, môi trường sống, hoàn cảnh xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều để tác thành nhân cách của một con người.
Trong mỗi mỗi chúng ta ai cũng mong hướng đời mình đến những chân trời tươi đẹp sáng sủa và không ai tự chọn cho mình nơi đến là nhà tù ngục tối, là hố thẳm vực sâu. Thế nhưng cuộc đời không như ước muốn nên xã hội có đủ thành phần, nào: giàu sang, nghèo khó, trí thức, bình dân, thất học, trộm cắp, hút xách… Hiện nay xã hội luôn quan tâm đến những tệ nạn như trộm cướp, ma túy, mại dâm… nhưng xã hội đã làm gì nhiều cho họ chưa?
Đối với những thành phần này khi tiếp xúc ta sẽ nhìn họ với ánh mắt nào? Cảm thông chia sẻ hay rẻ rúng khinh khi? Chính thái độ ứng xử của chúng ta là động lực có thể xô đẩy họ xuống hố sâu hay khơi dậy tính thiện lương nơi con người họ.
Trong câu chuyện trên, thiền sư đã nhìn tên trộm với đôi mắt cảm thương, từ ái nên anh chỉ thoáng giật mình khi thấy ngài. Nhưng anh đã đến không đúng chỗ nên chẳng thu được vật gì. Do đó thiền sư đã nhẹ nhàng vỗ vai anh và cởi chiếc áo của mình khoác lên người anh giữa đêm sương lạnh, chiếc áo không là bao mà chứa đựng cả tấm chân tình của người cho và kẻ nhận. Nếu như tên trộm lấy được vật gì quý, hẳn thiền sư sẽ gọi anh lại và bảo anh hãy cám ơn rồi lặng lẽ ra đi. Thiền sư sẽ làm như thế vì ngài muốn anh là người được tặng chứ không mong biến anh thành một kẻ gian. Còn chúng ta thì sao?
Nếu trường hợp như vậy chắc ta không cần tìm hiểu và mau mau tống họ vào tù kèm thêm những lời sỉ mắng. Chúng ta đâu biết chính cách ứng xử đó đã vô tình đẩy họ ngày càng xa với ánh sáng cuộc đời, họ sẽ cảm thấy tủi nhục, oán hận rồi sống bất cần đời vì con người đã gắn vào họ cặp kính màu đen.
Cái nhìn của ta và thiền sư khác nhau xa quá. Nhưng thiền sư cho tên trộm đi không có nghĩa là dung dưỡng hành vi phi pháp của anh mà ngài muốn đánh thức “tính bản thiện” nơi con người anh, “Ta chỉ mong tặng anh một vầng trăng sáng”. Vâng, thiền sư muốn trao anh một vầng trăng sáng tự thuở nào, từ thuở anh chưa sinh ra trăng đã sáng và sáng rạng ngời theo từng bước anh đi, nhưng có lẽ vì miếng cơm, manh áo hay vì gia đình quá bế tắc khốn cùng mà anh không thể thấy trăng soi. Nên ngày ngày anh phải sống lén lút, rình mò với nỗi hồi hộp lo âu trong bóng tối để cuộc đời mình càng tối đen thêm. Và anh đã thật may mắn được gặp vị thiện hữu, người kéo anh lên và dẫn anh qua những khúc quanh ghồ ghề.
Tuy chúng ta chưa chan rải được đại bi tâm như vị thiền sư, nhưng đối với những người bất hạnh hơn ta, ta có thể trao cho họ ánh mắt cảm thông, nụ cười chia sẻ, cái bắt tay thâm tình. Chính những cử chỉ nhỏ đó có thể xoa dịu được nỗi đau của người, làm sống lại niềm tin nơi chính họ đối với cuộc đời này. Chúng ta hãy trải một tấm lòng để đến với mọi tấm lòng. Chúng ta hãy xòe đôi tay nhân ái để được nắm tất cả những đôi tay trong cuộc đời. Có những đôi tay bé bỏng ngây thơ của trẻ em mồ côi khuyết tật, có những đôi tay gầy guộc chỉ còn xương của người già neo đơn, có những đôi tay chai sạm thô ráp của người dân lam lũ với đồng khô nắng cháy và có cả những đôi tay lem luốc đã lỡ nhúng chàm của những tội nhân, con nghiện… Tất cả những đôi tay ấy rất ấm và thấm đẫm tình người.
Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những con người mà xã hội cho là nhân tố xấu cần phải chuyển hóa đã khóc nghẹn ngào khi nghe nhắc đến gia đình, người thân, về một tương lai phía trước. Họ rất khao khát được trở về để sống yên bình bên mái ấm thân thương, họ cố gắng nỗ lực hoàn thiện nhân cách của mình để trở thành một công dân tốt cho xã hội hôm nay. Thế mới biết hạt giống lành luôn sẵn có trong mỗi mỗi chúng sinh. Điều thiết yếu là chúng ta phải biết cách nuôi dưỡng cho hạt nẩy mầm, bón phân cho cây phát triển và bắt sâu không cho ảnh hưởng đến hoa màu, để mai sau cây sẽ dâng cho đời hoa trái tô điểm cuộc sống thêm hương.
Và những gì thiền sư mong ước đã toại lòng vì anh trộm đã được tưới tắm lại hạt giống lành thuở ban sơ. Cũng trên con đường mòn dưới ánh trăng khuya, anh trở lại lều tranh trả chiếc áo cho vị thiền sư với tâm an nhiên thư thái, vừa thưởng gió trời vừa ngắm trăng soi.
Thiền sư và anh, hai người không đối diện nhưng đã cùng mỉm cười khi hướng mắt về vầng trăng!