Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp, húy thượng Chơn hạ Phước, tự Đạo Thông hiệu Huệ Pháp. Thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi (1887), tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Thân sinh là cụ ông Nguyễn Vĩnh, một bậc lão nho tinh thông cả Dịch lý, toán số, suốt đời mở lớp gia giáo phổ biến Nho học, cả vùng Mộ Đức – Đức Phổ có đến hàng trăm môn đệ của Người, người dân Quảng Ngãi đương thời không ai là không nghe đến tên cụ; Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão nho trong làng. Ngài là con trai thứ trong gia đình bốn anh chị em, trưởng huynh mất sớm, chị cả là thân mẫu Hòa thượng Khánh Anh, bậc cao Tăng lương đống của Phật giáo Việt Nam, em gái út lập gia đình.
Thiếu thời Ngài học chữ nho với thân sinh. Ngài thường được cụ bà dắt đi chùa Cảnh Tiên gần nhà để lễ Phật và nghe Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh giảng đạo. Ngài cũng được cụ Nguyễn Vĩnh dắt về Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn học hỏi giáo lý của quý Đại lão Hòa thượng Hoằng Tịnh, Hoằng Thạc, Hoằng Đức. Từ nhân duyên này, Ngài được gặp và tham gia chống Pháp với nhóm cách mạng do nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cụ Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo.
Năm Kỷ Dậu (1909), lúc 22 tuổi, Ngài xin phép song thân cho xuất gia với Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên, được Bổn sư cho thọ giới Sa di và ban pháp danh là Chơn Phước. Ngài tinh cần chấp tác học tập qui tắc thiền môn, ngõ hầu làm long tượng Phật pháp cho tương lai.
Năm Tân Hợi (1911), Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn và là Thủ Sa di tại giới đàn này. Năm ấy Ngài 24 tuổi, được truyền Tổ ấn với pháp tự là Đạo Thông. Sau khi đắc giới, Ngài tiếp tục tu học tại Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn.
Năm Giáp Dần (1914), Ngài đi vào Bình Định để tham học với Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ. Duyên lành đã đến, Ngài gặp hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài một thảo am tại đồi cát ở khu 6, thành phố Qui Nhơn để tu học.
Năm Đinh Tỵ (1917), Ngài được chư Sơn thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng Giới đàn chùa Trừng Giác, Tuy Phước, Bình Định. Uy tín và đạo hạnh của Ngài lan rộng, nhờ sự phát tâm của tín đồ nên từ một thảo am, Ngài đã xây dựng thành ngôi Tam bảo Minh Tịnh được trang nghiêm vào năm Mậu Ngọ (1918).
Năm Giáp Tý (1924), Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát, Bình Định. Đến năm Bính Dần (1926), Giới đàn chùa Phước Quang, Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê.
Năm Đinh Mão (1927), Ngài được thỉnh làm Chánh Ký trường Hương chùa Long Khánh, Qui Nhơn, kiêm Giáo thọ Sư cùng quý Ngài : Trí Hải chùa Bích Liên; Như Phước chùa Liên Tôn; Hoằng Thông chùa Bạch Sa, dưới quyền Chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ. Cùng năm này, Lưỡng Xuyên Phật học đường miền Nam thỉnh Ngài vào làm Chủ giảng, Ngài đã cho Pháp sư Khánh Anh là một học trò ưu tú nhất vào đó để thay Ngài.
Năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài được chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định cung thỉnh vào ngôi Yết Ma A Xà Lê trong Đại giới đàn chùa Thiên Đức, huyện Tuy Phước.
Năm Giáp Thân (1944), tức năm Bảo Đại thứ 19, Ngài được triều đình nhà Nguyễn (Huế) sắc chỉ khâm ban đạo điệp Tăng Cang và sắc tứ Biển Ngạch chùa Minh Tịnh.
Năm Ất Dậu (1945), hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia mặt trận kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.
Năm Đinh Hợi (1947), Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh giới đàn chùa Thiên Bình, An Nhơn, Bình Định.
Năm Đinh Dậu (1957), tại Đại giới đàn Tổ đình Nghĩa Phương – Nha Trang (Khánh Hòa), Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Cùng năm, Hội Phật giáo Tịnh độ Tông thỉnh Ngài ngôi vị Chứng minh Đại Đạo sư Trung phần.
Năm Kỷ Hợi (1959), Hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư Trung phần.
Năm Nhâm Dần (1962), chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh Ngài tái thí Hòa thượng Đường đầu truyền giới.
Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư chuyên giảng kinh, luật, luận cho các trường Giới, trường Hạ, trường Hương và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê, Yết Ma A Xà Lê và Đường đầu Hòa thượng cho nhiều giới đàn khắp nơi Trung, Nam phần.
Ngài đã khai sơn và chủ trương tái thiết, trùng tu hàng trăm tự viện. Đệ tử xuất gia hàng trăm vị, có nhiều vị xuất chúng là bậc long tượng Phật pháp, lãnh đạo Giáo hội. Đệ tử tại gia của Ngài có đến hàng vạn người.
Một phần ba cuộc đời của Ngài tuy có nhiều ảnh hưởng chính trị trong công cuộc chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng nhờ giáo lý Phật đà thấm sâu, Ngài đã hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ cho đạo pháp.Công hạnh viên mãn, tâm ý hoan hỷ, thân không bệnh tật, Ngài viên tịch lúc 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão (1975), trụ thế 89 năm, đạo thọ 65 Hạ lạp. Tháp tàng nhục cốt của Ngài ở hướng Nam Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, thành phố Qui Nhơn.
Sau khi Tổ Khai sơn viên tịch, thừa kế đệ nhị trụ trì Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, Quy Nhơn (Bình Định) là Hòa thượng Thích Trí Giác, Phó Trưởng Ban Nghi lễ Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định, trụ trì từ năm 1975 đến nay.
Đệ tử Trí Bửu cung kính đảnh lễ lược soạn theo thư tịch Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh.
Tưởng niệm húy nhật lần thứ 38 Tổ Huệ Pháp (11.11.Ất Mão, 1975 – 11.11.Quý Tỵ, 2013