Có ai đó viết về làng quê của tôi là “làng lúa, làng hoa” nên mùa xuân ở làng quê tôi cũng là mùa của sắc màu. Tôi yêu những điều giản dị ấy, những điều mà chỉ riêng mùa Xuân ở làng quê tôi mới có.
Khi cái rét buốt của mùa Đông đang đậm bỗng nhường chỗ trong giây lát cho một chút ấm nồng, bỗng nhiên trời xanh lên cao và những tia nắng phớt nhẹ “thế rồi mùa Xuân đến”. Trong chúng ta ai cũng mong đợi mùa xuân để xóa đi cái lạnh của những ngày đông giá, vậy mà khi Xuân đến vẫn cứ luôn bất ngờ. Bởi vì xuân quá đỗi dịu dàng. Mùa xuân ở làng quê tôi đẹp như một nàng thiếu nữ, trên môi luôn chúm chím sắc màu vàng của cánh đồng lúa chín và ánh mắt long lanh như giọt sương buổi sớm. Xuân đẹp mơ màng, mong manh.
Bởi vì xuân là giao hưởng của đất trời nên hoa lá tưng bừng mở hội. Trong những con đường làng, trên những cánh đồng, trên những mái nhà, tràn cả ra khắp thôn xóm là hoa và lá. Làng quê tôi mùa Xuân đến là yêu kiều đến thế, làm cho người ta phải sững sờ và đam mê. Mùa xuân ở làng quê chỉ cần đơn giản ngồi lại dưới hiên nhà, bên một chén trà, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi thì ta cảm thấy cuộc sống thật chan hòa và đẹp đẽ vô cùng. Mùa Xuân ở quê tôi thơ mộng đến vô cùng, nó đã cho tôi một sự đồng “Cảm Xuân” với Bảo Định Giang:
Ngồi ngắm chim ca trong nắng sớm
Nằm nghe suối hát khoảng đêm dài
Yêu đời ra sức chăm vườn cũ
Cho khúc nhạc Xuân trỗi giữa đời.
Xuân cứ đi rồi trở lại. Mỗi mùa Xuân là một mùa khác, mỗi mùa qua là một tôi khác. Xuân về, tức nhiên là Tết đến rồi. Những ngày lễ Tết thì lúc nào cũng thật hay, thật thích. Tôi cũng thích được dành một chút thời gian ở làng quê trong mùa Xuân để cảm nhận cái cảm giác ấm áp của tình làng, nghĩa xóm. Mọi cảm giác cùng làng quê đều hết sức tuyệt vời. Nếu mùa Xuân nào chúng tôi cũng cùng nối tay nhau đi dạo quanh cánh đồng để ngắm những bông lúa vàng trĩu hạt, để ngửi mùi hương của những hoa cỏ dại và để cho những cọng cỏ quấn vào chân một cách thích thú thì hay biết mấy.
Xuân ở làng quê tôi là như thế, còn mùa Xuân ở thành phố thì không thơ mộng như vậy mà rất nhộn nhịp. Trong những nẻo đường thành phố, đèn đường cũng không soi tỏ mọi thứ. Thành phố dịp Xuân sang là một bức tranh đủ màu. Những gam màu sáng nổi bật lên bởi những gam màu tối. Và những gam màu tối chìm dần đi trong ánh sáng mập mờ. Người thành phố cũng sắp đón Tết rồi! Mỗi người lại mang trong mình những thứ tình cảm khác nhau giống như bức tranh mà họ đang vẽ nên. Ngoài sân ga, bến xe và bến tàu những người xa quê trở về nhà. Họ lục tục kéo nhau trở về quê hương. Họ đã xa quê bao nhiêu năm rồi nhỉ? Năm năm, mười năm hay chỉ mới vài tháng. Thành phố nay vắng người hơn khi họ đi tìm những ngôi nhà với khoảng vườn trước ngõ, với nắng trưa nhè nhẹ, và tiếng chim thi thoảng đưa theo gió. Những người ở lại với thành phố mỗi người cũng mang một tâm trạng khác nhau. Có người vừa mất đi người thân, niềm vui đón Xuân chưa đến, nỗi buồn đã chợt dâng trào, biết bao điều muốn nói với người ra đi cũng không còn nói được. Có người ở nhà suốt những ngày tết, tưởng chừng Xuân không đến bên mình, không đi chơi cùng bạn bè, không lang thang qua những đường phố lung linh bao ánh đèn. Xuân sẽ đến và xoa dịu nỗi đau cho họ. Xuân sẽ đến thành phố bằng hoa mai màu vàng, câu đối màu đỏ, bằng nụ cười trẻ thơ, bằng gió lạnh của phương xa. Xuân sẽ đến, sẽ đến…
Và khi Xuân đến trong chúng ta ai cũng thích chúc tụng và muốn nghe những câu an lành, may mắn gặp nhiều điều như ý trong cuộc sống. Nhưng rồi khi chim én thôi liệng trên trời cao, xác pháo nằm xơ xác, im lìm dưới gốc mai vàng buồn bã từng cánh rơi tàn theo cơn gió Hạ, và rồi lại đến mùa Thu dịu dàng cười mỉm, làm đắm say bao lòng người thi sĩ. Chưa thỏa lòng giao cảm tình Thu với bao luyến lưu sông núi, cỏ cây, thì lại đến cái giá lạnh của mùa Đông. Xoay vần bốn mùa cứ thế nối tiếp hợp tan làm cho con người cũng vì đó mà trôi theo dòng đời sanh diệt. Càng bị thời gian cuốn trôi và sống trong sự chi phối của ngoại cảnh, chúng ta càng trầm luân trong hợp tan, thương ghét, hạnh phúc, khổ đau. Cứ thế mà đi trong đêm dài vô minh với con đường lầm kiến, chấp trước. Bởi lẽ không thoát ngoài ràng buộc của vọng niệm, nên mùa Xuân của chúng ta chỉ quanh quẩn trong món ăn ngon, quần áo mới và những bóng dáng màu sắc tạm bợ của thế gian. Cho nên nếu chúng ta càng dấn thân vào vòng vây giới hạn của mùa Xuân thì chúng ta càng bị thời gian vô thường quay cuồng trong sự khổ đau triền miên thì không bao giờ được sống với “Xuân bất tận” của Nhất Tâm:
Nghe gió Đông về trong trở trăn
Chuyển mình vạn vật đón Xuân hoàng
Thời gian vô tận Xuân vô tận
Vũ trụ vĩnh hằng đời vĩnh hằng
Cũ mới xoay dần cơ tiến hóa
Mất còn tiếp nối cuộc tuần hoàn
Đất trời rạng rỡ mùa giao hội
Thu mãn Đông tàn Xuân lại sang.
Như vậy, từ Xuân ở làng quê cho đến Xuân ở thành phố thì tất cả cũng đều là Xuân thôi! Tôi luôn cảm thấy mình bối rối và không tài nào diễn tả được hết những gì mà mùa Xuân đã khiến tôi cảm thấy, những ngôn từ khốn khổ, những nốt nhạc sai khuông… làm cho tôi phải ngoảnh nhìn lại những năm tháng sống xa quê hương với bao nghiệt ngã thăng trầm, trong cuộc sống vốn nhiều những danh lợi, hơn thua, quyền chức. Trong chúng ta nào ai có được phút giây huyền diệu, thiêng liêng nghe tiếng chuông chùa vọng đưa theo làn gió nhẹ giữa trời khuya với tiếng suối chảy rì rào, hòa điệu cùng âm thanh của muôn côn trùng, và càng không thể nào thấy được ánh trăng thanh hiền hòa, dịu mát trên mái chùa trong những đêm rằm, cho nên khi nhẹ bước trên đất mẹ, là khi chúng ta được trở lại cố hương của chính mình mà sống lại với những gì êm ái, sâu lắng, đậm đà nhất cho cuộc đời mình trong tràn đầy sức sống Xuân như tâm sự của Hải Phương:
Cây cối tiết Xuân chồi lộc lá
Rêu phong mái ngói, dấu thời gian
Khói hương thoang thoảng đưa theo gió
Ngan ngát hoa lan cạnh cổng chùa.
Chúng ta hãy dành cho mình một giây phút để quay về với tâm linh của chính mình thì thấy lòng mình thật êm ả và sống với cái hằng hữu mà nhìn Xuân như Đặng Hữu Ý:
Buổi sáng trước liêu vắng
Không một cánh mai vàng
Nhà sư thức dậy sớm
Tự biết Xuân vừa sang.
Trong mùa Xuân tươi đẹp tô thắm núi sông và giữa đất trời bát ngát một sức sống mãnh liệt với muôn ngàn kỳ hoa, dị thảo, thì chúng ta hãy để hồn mình hòa vào núi sông cho thêm nhiều ý nghĩa và thi vị. Giữa cuộc đời vốn lắm nhiều đau thương, bi lụy, chỉ có giác ngộ và thật sự giải thoát thì mới có một mùa “Xuân không hạn cuộc”.
Vậy, chúng ta hãy thức tỉnh và trở lại cuộc sống bình thường để lắng nghe hơi thở của mình với nhịp đập quả tim trong từng giờ, từng phút thì lòng chúng ta mới nhỏ nhẹ gọi “Xuân ơi”.