Chùa Thắng Phúc vốn là một ngôi chùa cổ – Đại danh lam được xây dựng từ thời nhà Lý. Tại đây đã có rất nhiều các bậc cao Tăng trụ trì và hành đạo.
Trải dài tới những năm 1930, chùa Thắng Phúc đã được viện Viễn Đông Bác cổ Đông Dương xếp hạng là 1 trong 7 ngôi cổ tự lớn nhất ở Bắc Kỳ.
Đến thời 9 năm kháng Pháp, từ đây đã có 5 nhà sư đi bộ đội và hy sinh anh dũng, đồng thời ngôi chùa cũng bị tiêu thổ hoàn toàn.
Hơn 60 năm sau, ngày 16/10/2010 vừa qua, chỉ sau gần 2 năm xây dựng, chùa Thắng Phúc sống lại, tươi mới và to đẹp hơn xưa.
Tuy mới chỉ khánh thành giai đoạn 1, già nửa công việc còn nằm ở phía trước, song đại lễ lần này mang đến sự hân hoan đặc biệt đối với nhân dân tham dự:
Công trình hoàn thành giai đoạn 1 đúng vào dịp và được gắn biển chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, 55 năm giải phóng Hải Phòng.
Hơn nữa, khối lượng và chất lượng công trình đã (và sẽ) hoàn thành vượt lên trên cả sự mong đợi. Đây thực sự là một công trình quy hoạch và kiến trúc Phật giáo tiêu biểu về quy mô và chất lượng không chỉ của Hải Phòng mà còn ở tầm cả nước.
Chùa có 85 gian gồm: 15 gian chùa chính; 70 gian Tổ đường, Kim cương đường, La hán đường; an vị đại Phật tượng A Di Đà bằng đá cao 11 mét giữa hồ nước 2.000 m2 và tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm.
Các hạng mục công trình chủ yếu được xây dựng từ chất liệu gỗ quý và đá… với số kinh phí xây dựng ban đầu, (được nhà chùa quản lý chặt chẽ) là gần 40 tỷ đồng trên khuôn viên 150.000 m2, chạy dọc hữu ngạn cửa sông Văn Úc.
Công trình lại càng có ý nghĩa hơn trong điều kiện, ngoài 15ha đất được Thành phố cấp, còn lại toàn bộ số tiền giải phóng, san lấp mặt bằng, xây dựng mấy chục hạng mục đều do thập phương tín thí công đức. Huyện Tiên Lãng lại là một trong những vùng quê nghèo nhất của TPHP.
Tuy nhiên Phật là Phật chung, có những đàn việt tín thí ở xa gần cúng dàng thanh tịnh tới hàng chục tỷ đồng. Người nhiều người ít, góp gió thành bão. Người đóng vai trò gom góp, “điều phối” ấy là Đại đức trụ trì Thích Quảng Minh.
Vẫn biết rằng “Phật pháp vô biên” nhưng phúc báo, năng lực và phẩm hạnh của người trụ trì cũng hết sức quan trọng. Với thế gian “đồng tiền liền khúc ruột”, ai mà chẳng “trông mặt gửi vàng”. Huống hồ lại còn chọn người để mà gửi gắm, ủy thác niềm tin, ước vọng và cả sự mong cầu. Thầy trụ trì quả đã không phụ trên là Tam Bảo, dưới là thập phương bá tính.
Nhân đây nhìn lại, trên báo chí và dư luận có một vài ý kiến phê phán việc sử dụng nhiều đất đai, công sức, tiền bạc để xây chùa, nhất là những ngôi chùa lớn ở đâu đó. Theo họ, đáng lẽ để những thứ ấy dùng vào việc khác thì tốt hơn (!)
Để qua một bên các ý kiến vô tâm thiếu suy xét, còn lại là các ý kiến có chủ ý đố kị, cản trở sự hoằng dương Phật pháp. Nhà Phật có câu “sự lý viên dung” – “hình thức tương ứng với nội dung”. Nhà Phật với cách nhìn từ bi và trí tuệ thì một ngôi chùa lớn đúng nghĩa có khác chi một viện đại học, một viện y học…
Thay lời kết, nhớ lại rằng, vào ngày mùng 6/10 năm Giáp Tuất, tại lễ khởi công xây dựng chùa Hưng Phúc tại làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên – Hà Tây, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã khai thị:
“Tam bảo Phật Pháp Tăng, tự bản thể là thường trụ vĩnh hằng. Tam bảo thường trụ thế gian nương theo thế cuộc mà dường như có thịnh có suy. Song, là Phật tử thì cần kiên cố niềm tin xác quyết rằng, cho dù thế cuộc có thịnh có suy thì bản chất của Tam bảo là thường trụ vô nhiễm.”
“Chùa tháp đổ nát thì ta xây dựng lại. Rồi lại đổ nát, con cháu chúng ta lại xây dựng lại. Cứ thế, dù to dù nhỏ, nương theo duyên mà làm, nhưng nhất thiết phải trang nghiêm, hoành tráng. Tuyệt đối tin vào Tam bảo, tin vào Phật tử, việc tất thành. Xưa các cụ dùng gỗ đá tre lá, nay ta [cũng vậy và thêm cả] dùng xi măng sắt thép, đó là dấu ấn của thời đại, gọi là tuỳ thời.”
“Tất cả rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng Phật trong tâm, Chùa trong dân thì vĩnh viễn tồn tại. Cứ có đủ duyên lành là sẽ nảy nở.”
“Chùa là một trong những nơi thị hiện Tam bảo ở thế gian. Phật tử tại gia có có trách nhiệm chính trong việc trang nghiêm nơi đó, còn Tu sĩ, đặc biệt là Trụ trì có bản nguyện chính là phải Tu hành tinh tiến, Giáo hoá mô phạm, làm gương cho Phật tử tại gia. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng mà còn là và cơ bản phải là trường học lớn dạy Giáo Pháp cho Phật tử. Hiển dương được chính Pháp thì tà ma ngoại đạo phải lui.”
“Chư Phật được tôn kính, Chính Pháp được xiển dương, chư Tăng được thanh tịnh, mô phạm, Phật tử được giáo hoá thuần thành chính là mục đích để chúng ta làm Chùa, và đó là nguyên uỷ sâu xa của buổi Lễ ngày hôm nay”.