Trang chủ Diễn đàn Tản mạn về một chuyến đi xuyên Việt: Ngổn ngang trăm mối...

Tản mạn về một chuyến đi xuyên Việt: Ngổn ngang trăm mối tơ vò

110

Tuy nhiên, tôi vẫn cứ thắc mắc một điều: Hiện thực của Phật giáo Việt Nam có thật sự phản ánh những mô tả, những đo đếm, những nhận diện, những đánh giá … để trên cơ sở đó, các tác giả những bài tham luận trong cuộc hội thảo đề xuất các giải pháp không ? Có những lý thuyết khoa học, ngay cả khoa học nhân văn, xuất sinh từ bộ óc của những thiên tài. Còn thường thường thì một lý thuyết chỉ có giá trị thực sự sau khi đã được đối chiếu rồi kiểm chứng bằng thực tế.  Cho nên tôi vẫn tìm tòi những nghiên cứu xã hội học nghiêm túc, có cơ sở vững chãi, có phương pháp luận chặt chẽ, có mô tả định tính và định lượng thực tế … để làm tiền đề phân tích và đánh giá các hiện tượng xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, điều đó thật là khó. Lại càng khó hơn khi đối tượng nghiên cứu lại là một tổng thể phức tạp “vô hình vô tướng”như Phật giáo Việt Nam.


 


Vì vậy tôi thường ước mơ được thực hiện một chuyến du khảo điền giã bình thường, giới hạn trong một chủ điểm đặc thù, và khoanh vùng trong một đối tượng nhất định. Chưa phải để tiến hành một cuộc nghiên cứu xã hội học quy mô thì ít nhất cũng trực tiếp tiếp cận được với những đối tượng bằng da bằng thịt trong cuộc sống đời thường. May quá, vào tháng 11 năm 2006, một “phái đoàn” bốn Phật tử (hai trong nước và hai ngoài nước) thực hiện một chuyến đi xuyên Việt để mở rộng mạng lưới công tác từ thiện Phật giáo của họ. Tôi xin tháp tùng với mục đích rõ ràng là chỉ đặt một câu hỏi tổng quát để lắng nghe nhiều câu trả lời chi tiết, từ nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau, về một vấn đề nóng bỏng của Phật giáo Việt Nam, một vấn đề mà ai cũng cảm nhận từ nhiều góc độ khác nhau nhưng khó mô tả được rõ ràng và nghiêm túc: Những yếu tố gì đã cản trở Phật giáo Việt Nam chưa đóng đúng và đóng trọn vai trò của nó trong bước đồng hành với dân tộc và thời đại ở thời điểm này ? Đặc biệt, và đây là điều cố ý, tôi không quan tâm đến thành tựu và thuận tiện, cơ hội và triển vọng. Những thành tích này xin để vào một dịp khác, cho chuyến đi này, tôi chỉ muốn điểm mặt những cản trở.


 


Câu hỏi quá lớn, quá tổng quát, và có tính khẳng định tiêu cực ngay từ đầu. Lại mang tính phê phán khiêu khích làm cho người đối thoại phải lương thiện tra vấn tri thức và tự do bộc bạch tâm sự. Tri thức gì cũng được, tâm sự nào cũng xong. Tôi chọn câu hỏi đó cũng vì nó đánh động được vào chổ sâu thẳm nhất của một người Phật tử Việt Nam: sự gắn bó với Đạo pháp, tình yêu Dân tộc, hai tiêu chí đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Câu hỏi đã lớn, mẩu khảo sát lại quá nhỏ khi so sánh với con số 14.000 tự viện, 40.000 Tăng Ni (thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và 10 triệu Phật tử (thống kê do Nhà nước chính thức công bố). Cho nên, hỏi thì cứ hỏi, trả lời thì cứ trả lời, tôi chỉ nhắm mắt lắng nghe để xem đọng lại sau mỗi buổi họp, sau hết buổi họp này đến buổi họp khác trên cả ba miền đất nước, là cái vóc dáng gì của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Như người tạc tượng, bắt đầu bằng một khối đá sần sùi, từ từ gọt đẽo thành một hình tượng có chiều kích nghệ thuật và thông điệp văn hóa.


 


Chuyến đi kéo dài ba tuần, từ Bắc qua Trung rồi vào Nam, dừng chân ở 15 tỉnh thành [1] và làm việc với 26 Chùa [2]. Trong những lần tiếp xúc này, chúng tôi đã được dịp trao đổi với khoảng gần 300 quý Tăng Ni với giáo phẩm và chức vụ cao thấp khác nhau, và hơn 60 nam nữ Cư sĩ Phật tử ở lứa tuổi và góc độ nhận thức khác nhau. Chúng tôi cũng đã được hội kiến riêng tư với bậc cao tăng như Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN (ở Hà Nội) hay Hoà thượng Huyền Quang (đang tĩnh tâm tu tại Tu viện Nguyên Thiều – Bình Định), hay được lắng nghe tâm sự đầy trăn trở của các Phật tử “tóc đã muối tiêu” mà vẫn còn “hào khí 63” ở Huế và Đà Nẳng.


 


Đây là một chuyến đi tuyệt vời, cho tôi có dịp cảm nhận trực tiếp hàm lượng to lớn của Phật giáo khi quấn quít hòa trộn với văn hóa dân tộc. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau bao nhiêu vật đổi sao dời trong suốt 2000 năm lịch sử, bây giờ, Phật giáo đã thấm vào da thịt, đã ăn vào xương tủy của dân tộc. Phật giáo miền Bắc đang trở mình hồi sinh mạnh mẽ với bề dày lịch sử văn hóa làm nền tảng, Phật giáo miền Trung thâm hậu giữ gìn giềng mối cho đạo pháp, Phật giáo miền Nam hiện đại tràn đầy sức sống đa dạng và phong phú. Dù ngổn ngang trăm mối tơ vò, tôi vẫn không thể không vui mừng thấy một đạo Phật đặc thù Việt Nam đang nhọc nhằn nhưng bền bỉ vươn lên sau hơn hai thế kỷ dưới ách nô lệ và ngoại xâm. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, tôi cũng nghe, thấy, sờ mó được những đe dọa to lớn, những cạm bẫy tinh vi, những vết thương tự tạo, những cản lực trì kéo mà Phật giáo Việt Nam đang phải đối diện và cần phải đối trị để vươn lên.


 


Cho nên trong mỗi buổi gặp mặt, dù chung hay riêng, sau phần thảo luận và đúc kết liên quan đến công tác từ thiện, tôi lại xin phép được đặt câu hỏi của mình. Câu hỏi lạc lõng và lạnh lùng, nhưng sôi động lên theo chiều dài của buổi họp. Mang mang suốt 26 buổi họp của chuyến đi là những xúc động và kỳ vọng, là những đam mê và chán chường, là  những thoáng cam chịu và nỗi âu lo. Nhưng trên hết, vẫn là những trăn trở, thao thức của quý Thầy Cô và Phật tử về nguy cơ tụt hậu và suy thoái của Phật giáo Việt Nam so với những tiến bộ vũ bão của xã hội và thế giới dù, đằng sau cơn chuếnh choáng đó, vẫn thấp thoáng những quyết tâm và nỗ lực để đem lại hy vọng óng ánh vào một ngày mai hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam.


 


Kết thúc chuyến đi, tôi ghi nhận được 24 yếu tố tiêu cực có thể tổng kết lại trong năm vấn đề lớn:


(a)     Tình trạng lão hóa tư duy của một số cấp lãnh đạo trung ương và/hoặc điạ phương của Giáo hội rõ ràng làm cho một bộ phận của Phật giáo Việt Nam đang, ở nhiều nơi, trở nên còm cõi, mất sinh khí, đứng bên lề những chuyển đổi sinh động và thành quả tích cực mà thời đại cống hiến.


(b) Sự bất lực của pháp chế và giáo quyền trước tình hình tha hóa đạo đức và giới hạnh của một bộ phận Tăng chúng, nhất là trong hàng ngũ Tăng Ni trẻ. Có một khoảng cách phẩm hạnh và uy quyền giữa trung ương và địa phương, giữa sư phụ và đệ tử, giữa Tăng Ni và Phật tử.


(c) Hiện tượng Tăng đoàn phân liệt và cát cứ ở một số địa bàn vì nhiều loại hình mâu thuẫn và tranh chấp chồng chất lên nhau, đan bện vào nhau làm tê liệt nỗ lực hòa hợp để đồng tu, kết hợp để phát triển. Có những vùng điạ dư, thậm chí chùa, là một ốc đảo tự quản tự trị, chỉ gắn bó hàng dọc với nhau vì đạo tình cùng tông phái, hay liên kết hàng ngang với nhau vì công tác Phật sự. Ngoài tọa độ dọc-ngang đó, chùa không biết đến ai, và ai cũng chẳng biết đến chùa.


(d) Vai trò và đóng góp của Ni chúng và Cư sĩ bị hạn chế, thậm chí có nhiều nơi hoàn toàn không có. Một na lực lượng Trưởng tử Như Lai không được phát huy vai trò, hai trong tứ chúng khép nép trước hay xa lìa hẳn cửa chùa.  


(e) Còn có sự bất cập nhất định trong kế sách đào tạo Tăng Ni, thể hiện trong nội dung giáo trình đến triết lý đào tạo, từ ngân sách tiền bạc đến hành lang pháp lý, từ kinh sách đến giảng sư, từ cơ sở vật chất đến kiến thức ngoại điển. Một số Tăng Ni du học ngoại quốc không chịu về nước, Tăng Ni tốt nghiệp trong nước thì không chịu về vùng sâu vùng xa.         


 


Điều ngạc nhiên là hai hiện tượng mà tôi nghĩ, trước khi đi, sẽ tác động mạnh mẽ lên phong cách và hành xử của chùa/tăng thì lại tỏ ra không có ảnh hưởng gì nhiều: Đó là quan hệ giữa quản lý Nhà nước và Giáo hội, và sự thâm nhập của Kinh tế thị trường vào đời sống tu hành. Nhà nước tạo nhiều điều kiện cho Phật giáo hành đạo, thực hiện Phật sự, không chỉ cấp kinh phí tu bổ chùa chiền, cấp đất xây dựng các học viện Phật giáo… mà còn khuyến khích các cấp Giáo hội tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Hầu như các chùa đều ý thức được mối đe dọa và những thách thức mà một đất nước đang mở toang cửa để hội nhập, nên đều vận dụng một cách thiện xảo được mối quan hệ và sự thâm nhập này một cách tùy duyên khá tích cực trong các công tác Phật sự.   


 


Tuy nhiên, song song với 5 yếu tố tác động tiêu cực vào khả  năng phát triển lành mạnh và bền vững của Phật giáo Việt Nam, vẫn có những hiện tượng mà tôi được lắng nghe và tận mắt nhìn thấy để có thể cô đọng lại thành ba yếu tố tích cực lớn:


 


(a)     Thứ nhất là một niềm tin vững chắc gần như huyền hoặc vào nội lực và tiền đồ của Phật giáo Việt Nam của hầu hết quí Tăng Ni và Cư sĩ mà chúng tôi tiếp xúc. Niềm tin không thể giải thích và không cần luận bàn đó vừa đặt cơ sở trên vận động Thành-Trụ-Hoại-Không tự nhiên, vừa có tính quy luật rằng cái Thiện sẽ thắng cái Ác, cái dở sẽ thành cái hay rất có hậu của triết lý dân tộc. Đó là một niềm tin “tôn giáo” sôi nổi nhưng vẫn sâu đậm, bất khả tư nghì mà lại có tính logic. Tin để mà tu và hành, và tu và hành nhờ vào tin.


(b)     Thứ nhì là một ý thức có cả chiều sâu lẫn chiều rộng của đa số mọi người về thực trạng Phật giáo Việt Nam hiện nay. Ý thức đó được đúc kết từ cuộc sống đời thường ở cả hai bên trong và ngoài cửa chùa, qua thao tác tư duy với hàng nghìn thông tin xôn xao, và qua cả chứng nghiệm rốt ráo của bản thân, nên cô đọng lại và hừng hực cháy như than hồng trên bếp lửa. Điều đáng nói là từ ý thức chập chùng đa chiều và đa dạng về hiện trạng đó, ào ạt nổi lên sự cấp thiết và ước mơ về một cuộc thay da đổi thịt toàn diện và triệt để của Phật giáo Việt Nam. Chỉ cần một mệnh lệnh. Vì lòng người đã chín muồi, gió thời đại đã nổi lên, thì thuyền sẽ ra khơi thôi.


(c)     Và thứ ba là xuất hiện một số, không nhiều, những Thấy, Cô và Cư sĩ  tuổi trung niên, có hành trang Phật học và thế học vững vàng, có tầm nhìn chiến lược viễn kiến và bản lãnh hành động cấp tiến, nhưng lại chưa có cơ hội kết tụ và phát huy. Những vị này thì năng động, hiệu quả, và lặng lẽ hoàn thành các công tác Phật sự trong chuyên ngành của mình, trong lĩnh vực của mình mà thôi. Hầu như không có một tiếng nói có trọng lượng trong sinh mệnh của Phật giáo Việt Nam. Trong chuyến đi vừa qua, tôi đã chủ quan nhận diện ra được ít nhất là 5 vị như thế mà tôi thật sự thán phục và kỳ vọng. Tôi lạc quan nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam hiện nay đã có, và chỉ cần có, một khối 200 vị như vậy thì cũng có một làn sóng chấn hưng Phật giáo trong thời đại mới – thời đại hội nhập và mở cửa. Chỉ với hai điều kiện gian truân: Họ là một khối keo sơn, và thời đại dám trao cho họ một cơ hội để hoàn thành tâm nguyện phục vụ Đạo pháp và Dân tộc của mình.    


 


Ít nhất là đối với tôi, chuyến đi thăm chùa xuyên Việt vừa rồi đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Tin tưởng thì nhiếu mà âu lo cũng lắm. Dù chuyến du khảo tuyệt đối không phải là một nghiên cứu xã hội học nghiêm túc để rút ra được những kết luận khả tín, nhưng bức tranh về hiện trạng Phật giáo Việt Nam cũng đã rỏ ra thêm. Và xác định một quy luật của văn hóa Việt Nam: Mái chùa che chở hồn Dân tộc, Giềng mối muôn đòi của Tổ tông.








[1] Sóc Sơn, Tp Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Tp Đà Nẳng, Quy Nhơn, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Tp Hồ Chí Minh, Bến Tre, Mỹ Tho, và Vĩnh Long.



[2] Học viện Sóc Sơn, Quán Sứ, Pháp Vân, Phúc Chính, Thanh Hòa, Tâm Đức, Đông Hà, Châu Quang, Từ Đàm, Tường Vân, Pháp Lâm, Thanh Hà, Hải Hội, Bà Đa, Thiên Đức, Nguyên Thiều, Hải Ấn, Tỉnh hội Phan Thiết, Phật Quang, Giác Ngộ, Thiền viện Quảng Đức, Vạn Phước, Từ Tân, Tỉnh hội Bến Tre, Vĩnh Tràng, và Sơn Thắng.