Tôi và một số anh chị trong Ban Hướng dẫn phân ban Gia Đình Phật tử VN tách đoàn ra nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ Tổ khai sơn GĐPTVN- BS Tâm Minh Lê Đình Thám. Một nghĩa trang xa thành phố, trang nghiêm, yên tĩnh, nhưng thiếu bóng mát cây cao. Hai bên nghĩa trang là hồ nước, những dãy mộ nằm dọc đường vào là mộ phần các lãnh tụ và đảng viên cao cấp. Rẽ tay mặt vào hơn 30m, trước khi vào hàng mộ thứ năm là nơi an nghĩ của Bác sĩ Lê Đình Thám, hàng đầu tiên là mộ của nhà thơ Cù Huy Cận. Các anh em kính cẩn thắp nhang, chụp chung hình lưu niệm. Các công nhân chỉnh trang và làm vệ sinh nghĩa trang núp dưới cội cây tán gẩu tuy tầm 10 giờ trời không nắng lắm. Ngoài lộ, xe cộ qua lại như không hề biết có những người đang yên nghĩ nơi đây.
Bác sĩ Lê Đình Thám là người dầy công giáo dục chư Tăng vào đầu bán thế kỷ 20 và là một trong những sáng lập viên GĐPTVN khi đất nước chưa lâm vào cuộc phân ly. Người có công lớn trong việc chấn hưng PGVN cũng là người phiên dịch chú giải kinh Lăng Nghiêm dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa lúc bấy giờ. Lần lượt những công việc Bồ Tát của các vị đương thời lặng lẽ đi vào giáo sử VN. Thế hệ kế tục có nhiều thuận lợi hơn những thế hệ đàn anh trong hoàn cảnh đất nước chinh chiến. Số lượng Tăng Ni trẻ hiện nay có điều kiện du học, tầm kiến thức và khả năng còn nhiều hứa hẹn, nhưng thục sự số tu sĩ đó vẫn chưa có dịp góp công cho Phật sự hiện hành, vì Hiến Chương Giáo hội vẫn còn hạn chế, chưa thật sự thông thoáng.
Đúng 14 giờ, đại biểu tiếp nhận Tài liệu Đại hội, nghe báo cáo thẩm tra tư cách Đại biểu, giới thiệu Đại biểu. Báo cáo Nội quy và chương trình làm việc và một số vấn đề để chuẩn bị cho buổi lễ chính thức vào ngày hôm sau.
Qua cách thức tổ chức, đưa đón, tiếp nhận Đại biểu, phân bố nơi ăn nghĩ, thật chu tất., với lượng số Đại biểu trên ngàn người không đơn giản. Chư Tăng và khách mời phía Nam lẫn nước ngoài trú tại khách sạn Kim Liên, 600 vị; chư Tăng miền Bắc ở tại khách sạn La Thành., trên 500 vị. Theo báo cáo nhà bếp, ngày 10/12, buổi sáng 300 phần, chiều 350. Ngày kế tiếp, sáng 400. chiều 450. Ngày 12, sáng 500, chiều gần 600 tại nhà ăn Kim Liên. Riêng xe bus chuyển tải Đại biểu từ hai khách sạn về chùa Quán Sứ hoặc hội truờng, gần 30 chiếc.
Khi Đại biểu đã đến Hội trường đông đủ, một đoàn Tứ Linh, đội trống Vĩnh Bảo, Hải Phòng, từng góp vui tại Sóc Sơn đầu năm nay và một đoàn cồng chiêng sắc tộc Kontum dẫn đầu ban rước lễ có phang lọng, linh, bê tích đón từ chùa Quán Sứ về Hội trường cách khoảng 300m. Khi các Đại biểu sinh hoạt trong phòng hội thì bên ngoài một số chư Tăng Ni, Phật tử thăm viếng khu triển lãm..
Gần 20 gian hàng triển lãm pháp khí linh cụ, sách vở hình ảnh sinh hoạt của Phật Giáo trên 55 tỉnh thành trong cả nước. Trong những gian hàng triển lãm, có gian hàng Diệu Pháp Âm của chùa Khuông Việt, hình ảnh sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử, Ban Giáo dục Tăng Ni, Ban Hoằng pháp, Ban Nghi lễ, Tạp chí Văn Hoá Phật giáo, Tạp chí Giác Ngộ; Ban Phật Giáo Quốc Tế, Ban Từ Thiện Xã Hội, Viện nghiên cứu PG…Đặc biết là sinh hoạt của PG Khmer Nam Bộ.
Với nhịp độ sinh hoạt xã hội hiện nay của kinh tế thị trường, PG như tan loãng, thậm chí phai nhạt trong cộng đồng dân tộc, nhưng có trực diện nhìn những hình ảnh, sách vở , pháp cụ mới thấy sự phong phú trong sinh hoạt của PGVN. Ngoài những sinh hoạt thuần túy tôn giáo, Đạo Phật đã có mặt trong những lễ hội nhân gian, chung tay xoa dịu khổ đau của đồng bào bị thiên tai và đã quan tâm tới đồng bào sắc tộc. Một vài nhóm PG vào vùng xa đào giếng, mở lớp học tình thường, trường mầm non, giữ trẻ… Những sinh hoạt xã hội , hình ảnh than thương của tu sĩ PG luôn có mặt giữa cộng đồng. Những gắn bó đó cho thấy PG lấy lại niềm tin với quần chúng,
Giữa lòng Thủ đô, các banderoles về ngày Đại hội cũng được quảng bá. Các xe chuyên chở Đại biểu được giao thông mở đường để tránh ùn tắc. Khi Hoà thượng chủ tịch xuống phi cơ, có xe đón cắm cờ Phật Giáo, theo sau là đoàn môtô của Phật tử, quần chúng hai bên đường ngơ ngẩn nhìn. Một cậu cảnh sát ven biên buột miệng hỏi: Đoàn khách nước nào mà cắm cờ lạ thế? Thầy Thanh Phong trả lòi đùa: Nước Cực Lạc đấy!!!
Khi lấy vé cho Hòa thượng Chủ tịch, chả hiểu người đăng ký thế nào lại lên phi cơ để ngài ngồi cuối cùng, thầy Thanh Phong phải can thiệp để Ngài lên được bên trên. Mọi sự đi lại của quý Đại Biểu tương đối thuận lợi. Có thấy tận mắt mới biết được sự vất vả của Ban Tổ Chức. Từ đó ta có thể suy ra rằng những cuộc Hội nghị Quốc tế mà có các lãnh tụ thế giới tham dự thì mọi tiểu ban phải làm việc cật lực đến thế nào!
Việt Nam tuy mới mở cửa hội nhập nhưng đã thể hiện khả năng tổ chức khá tốt. Riêng nội bộ, cơ cấu nhân sự của PGVN hiện nay, nhiệm kỳ qua bất hợp lý. Đại hội nầy, Hiến chương cố gắng thay đổi, nhưng những tiết mục được tu chỉnh không quan trọng, hoán chuyển một vài nhân sự, công cử một số Thượng tọa, Đại đức, và thêm tiết mục Giáo kỳ, Đạo ca cũng như Chi hội PGVN Hải ngoại.
Tuy chỉ là Hội nghị trù bị, nhưng không khí mang màu tươi sáng hoan hỷ. Các thành viên trật tự cũng khá vất vả với nhiệm vụ, mọi người không vì thế mà cáu găt. Các cụ, nam nữ Phật tử tham dự, thành tâm chấp tay khi chư tôn đức đi qua. Truyền thống tín ngưỡng miền Bắc quá thành kính lắm khi đâm ra mê tín.. Chùa Quán Sứ nghi ngút nhang khói, từng đụn giấy vàng mã đốt một cách vô tội vạ. Các sư miền Bắc chưa giúp người dân hiểu được thế nào là chánh tín và mê tín. Hàng năm, số lượng đồ vàng mả được đốt có thể nuôi sống một gia đình ba người trong mười năm. Tuy đất nước còn nghèo, mức thu nhập của người dân còn khiêm tốn, nhưng tập quán tín ngưỡng như thế vẫn chưa thay đổi được. Rõ ràng PG không có những thái cách đó, nhưng PG hoà quyện với tín ngưỡng dân gian làm cho một người nước ngoài khó phân biệt thế nào là văn hoá PGVN và tín ngưỡng Việt Nam.
Vài năm trước đây, một sinh viên nước ngoài du lịch đến VN, tham quan các chùa, hỏi một tu sĩ người Việt: Tôi đã học PG tại Âu Mỹ, đâu thấy Đạo Phật có ThầnTài Thổ Địa, đâu có thờ nhiều ngẩu tượng như thế…Vị thầy kia khó khăn để giải thích cho người nước ngoài hiểu một PG đặc thù của VN, và nếu sinh viên đó trở lại lần nữa sẽ kinh ngạc thấy ngày nay một vài chùa thờ thêm Bác Hồ và Đức mẹ Maria bên cạnh Quán Thế Âm!
Vâng, triết lý và tín ngưỡng còn cách nhau một khoảng nhất định, vì thế đạo Phật đã hoà nhập một cách êm thuận với bất cứ tín ngưỡng tôn giáo nào. Tuy hình thái như thế, nhưng tinh thần giáo lý vẫn không bị lệch hướng.
Cũng thế, tuy tổ chức PG không chặt chẻ như các tôn giáo khác, cho dù màu sắc trái nhau, nhưng vẫn một hương vị giải thoát như hương vị mặn của bể cả. Với tinh thần Bát Nhã, tổ chức của PG là một tổ chức không có tổ chức, vì thế tinh thần đó đã bàng bạc trong nếp sống Thiền môn vượt qua lắm vướng bận hệ lụy. Nếu PG có một tổ chức nghiêm túc, thì đó là một tổ chức tâm linh tự nguyện theo sự truyền thừa tông môn, cho nên ai muốn lạm dụng PG như lạm dụng một tổ chức, thì chỉ lạm dụng cá nhân chứ khó lạm dụng hữu hiệu qua một guồng máy thống nhất. Cái ưu thế đó kéo theo cái hệ lụy trì trệ khó chỉnh chu trong một thời gian ngắn. Ai hiểu được đặc tính đó đều thông cảm và thương cho PG, ngoài tinh thần chuyên tu, PG khó thích ứng những thế sự đòi hỏi một tinh thần tập thể có tổ chức hoàn chỉnh!
So với 26 năm qua, ngày khởi sự hình thành một Giáo Hội sau ngày thống nhất đất nước, ngày nay, PG vẫn khá hơn, đa diện hơn và sắc màu lung linh hơn. Tuy một số học Tăng học Ni hoàn tất học trình Trung cấp, cao cấp, nhưng đa phần ngại khó khi đề nghị lăn xả vào chốn xa xôi. Một số Ban Trị sự khác cũng không muốn GH cử người về hổ trợ, mặc dù tự thận địa phương không hoạt động hữu hiệu. Tuy còn lắm chướng duyên như thế, cá nhân một số tu sĩ, và một vài địa phương có những thành quả đáng trân trọng. Ví dụ như thành phần nhân sự trong Ban Trị sự của PG Bình Định thuần nhất về phẩm chất và đời tư, đủ uy tín cho chính quyền và quần chúng quy kính, chính vì thế mà Đại Hội kỳ nầy tại Trung ương, Ban Tôn giáo Bình Định đã tháp tùng theo đoàn Đại biểu Bình Định để chiêu đãi đoàn trước khi nhập cuộc; chẳng những thế, còn hổ trợ cho đoàn một số ngân khoản lớn cho chuyến đi.. Chẳng bù cho những lôi thôi tại một số tỉnh phía Nam và vùng cao!
Than phiền là thế, nhưng nhìn chung những thành quả trong nhiệm kỳ V, Giáo hội PGVN đã đạt một số thành quả nhất định, đáng trân trọng. Hy vọng rằng, rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới, Giáo hội sẽ có những bước ngoặt do những sáng tạo từ chư tăng ni Phật tử trẻ đóng góp.