Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Tản mạn Mùa Xuân Di Lặc lục tặc

Tản mạn Mùa Xuân Di Lặc lục tặc

118

Người ta nói Tết có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương. Hồi đó, nhà Hạ ưa chuộng màu đen, vậy là chọn tháng Giêng (tháng Dần) làm tháng đầu năm. Rồi sang nhà Thương, thích màu trắng, nên lấy tháng Sửu (tháng Chạp) làm tháng đầu năm. Nhưng đến nhà Chu người ta thích màu đỏ, nên đổi tháng đầu năm sang tháng Tý (tháng Mười một).


Cái cách tính tháng ngày đầu năm để đặt ra lễ Tết như vậy không đơn giản chỉ là vì sở thích “ưa màu thời gian” của các bậc đế vương, mà người ta đã dựa vào thuyết quan niệm rằng, lúc mới tạo thiên lập địa, giờ Tý có trời, giờ Sửu có đất, giờ Dần sinh ra loài người, từ đó mà chọn tháng đầu năm, đặt ra ngày Tết khác nhau.


Ngày Tết vào tháng Mười một kéo dài đến đời Đông Chu, khi ấy Khổng Phu Tử ra đời, lại ấn định ngày Tết vào tháng Giêng. Nhưng khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, lại đổi qua tháng Hợi (tháng Mười). Mãi đến đời nhà Hán trị vì, Hán Vũ đế lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng). Từ đó về sau, không còn ai đặt lại ngày Tết nữa.


Đối với Phật giáo, khái niệm về thời gian là vô thỉ vô chung, chẳng có sự khởi đầu và cũng chẳng có sự kết thúc, bởi sự kết thúc của cái này là khởi đầu của cái kia, chỉ là sự “xuất thử một bỉ” (ẩn đây hiện kia) mà thôi! Cho nên, Xuân đến hoa nở, Xuân đi hoa tàn, và việc đời cứ trôi mãi trong khi tóc trên đầu đã điểm bạc cũng chỉ là sự biểu hiện của quy luật tuần hoàn vô thỉ vô chung đó thôi. Tuy nhiên, khi ngày đầu một năm mới được ấp ủ bao nhiêu điều tốt đẹp, con người thầm ước mơ bao điều tươi sáng, lành mạnh, hy vọng một ngày mai, một tương lai tràn đầy hạnh phúc, thì sự khẳng định “chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai” mới nhân bản và Phật giáo quá! Do đó, Phật giáo không thể thờ ơ và lạnh nhạt với những điều mơ ước của con người trong ngày đầu năm mới. Mà ước mơ và hy vọng đối với người Phật tử thì không có ước mơ nào đẹp hơn ước mơ thành Phật! Vả chăng, thành Phật đâu chỉ là ước mơ. Đức Thế Tôn đã từng nói chúng sanh là Phật sẽ thành. Vậy nên, ngày đầu năm, đối với người Phật tử, là ngày Đức Phật tương lai ra đời. Thật là một ngày xán lạn!


Vị Phật tương lai của chúng ta có tên là Di Lặc. Kinh Tạp A Hàm ghi: “Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di Lặc ra đời” (Tạp A Hàm, kinh số 66).


Di Lặc , tiếng Phạn là Maitreya, Trung Hoa dịch là Từ Thị (họ Từ). Tên Ngài là A Dật Đa (Ajita), dịch là Vô Năng Thắng (không gì hơn). Có khi người ta cho A Dật Đa là họ, còn Di Lặc là tên của Ngài.


Ngài sanh tại miền Nam nước Thiên Trúc trong một gia đình Bà la môn. Tương truyền, Ngài là vị Phật tương lai, tiếp sau Đức Phật Thích Ca, hiện đang là vị Bồ tát bổ xứ. Khi Quang Phật nhập diệt, Ngài sanh vào nội viện cung trời Đâu Suất. Ở đó đến 4 ngàn năm (tức là khoảng 56 ức 7.000 vạn năm ở cõi người), thì hạ sanh xuống nhân gian, dưới cây Long hoa ở  vườn Hoa Lâm, và thành Chánh giác. Trong quá khứ, Ngài đã từng tu tập thành công từ tâm tam muội, do đó mà có tên là Từ Thị. Đến khi thành Phật cũng lấy tên này (Theo Từ điển Bách khoa toàn thư).


Chú Duy Ma kinh, quyển 1, ghi: “Di Lặc là họ của một vị Bồ tát, tên là A Dật Đa. Người Nam Thiên Trúc, thuộc dòng dõi Bà la môn”. Thiên Thai Tịnh Danh Sớ, ghi rằng: “Di Lặc nghĩa Từ Thị. Trong quá khứ, ngài từng làm vua tên là Đàm Ma Lưu Chi, dùng lòng từ bi để cai trị thiên hạ, nên dân chúng tôn xưng ngài là Từ Thị. Từ đó trở đi, ngài luôn mang tên Từ Thị, họ là A Dật Đa, tức là không gì hơn”.


Câu Xá Quang Ky, quyển 18, ghi: “Maitreya dịch nghĩa là Từ Thị. Đó là vị Bồ tát sinh ra từ lòng từ bi, cho nên gọi tên như vậy”. Theo cách giải thích này, thì cứ một tâm niệm từ bi, thương người phát sinh là một vị Bồ tát ra đời. Trong ngày đầu năm mới, chúng ta hạn chế mọi cử chỉ, hành động, lời nói và cả suy nghĩ nữa, sao cho đừng phiền lòng ai, cố gắng giữ tâm hồn thanh thản, vui vẻ, hoan hỷ… đó là một ngày chúng ta sống trong niệm của Bồ tát Di Lặc. Một ngày đầu năm như vậy, và kéo dài suốt năm như vậy, thì Đức Phật Di Lặc đản sanh hàng ngày. Thật tốt đẹp biết bao!
Tương truyền, Bồ tát Di Lặc đã từng thị hiện ở cõi đời này. Một lần, vào thế kỷ thứ X, Ngài thị hiện làm Bố Đại hòa thượng.


Bố Đại hòa thượng ở vùng Phụng Hóa Minh Châu, vào triều Lương, đời Ngũ Đại, Trung Quốc. Thân hình mập tròn vui vẻ, nói năng tự tại, ăn ngủ tùy tiện, trẻ con hay quấn quýt xung quanh, thường mang trên vai một bao bố, có nhiều phép màu và có những hành động lạ lùng mang tính chất “cuồng thiền”. Ngài được quần chúng mến phục vì có tài tiên tri thời tiết mưa nắng. Một khi ngài ngủ ngoài đường, mọi người biết trời sẽ tốt, ngược lại lúc ngài đi giày dép và kiếm chỗ tạm trú thì trời sẽ mưa. Cho đến khi thị tịch, ngài ngâm kệ: “Di Lặc chơn Di Lặc, Phân thân thiên bách ức, Thời thời thị thời nhơn, Thời nhơn tự bất thức”, mọi người mới biết ngài là Bồ tát Di Lặc thị hiện. Từ đó, người ta họa hình ngài với dáng vẻ rất tự tại, hoan hỷ, có sáu đứa trẻ nít vây quanh. Hình ảnh này bây giờ ở đâu cũng thấy tôn thờ (Theo tạp chí Từ bi âm).


Sáu đứa trẻ nít, nhiều người lý giải, nó tượng trưng cho sáu tên giặc, gọi là lục tặc. Vậy bộ mặt thật của sáu tên giặc này là gì? Phật Quang Đại từ điển giải thích: Lục tặc là sáu tên cướp. Sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhờ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý làm môi giới, cướp đoạt công năng tài pháp, cho nên ví nó như sáu tên giặc cướp.


Kinh Niết Bàn, quyển 23, ghi: “Sáu tên cướp lớn tức là sáu trần bên ngoài. Bồ tát Ma ha tát xem sáu trần như sáu tên cướp lớn. Vì sao vậy? Bởi vì chúng có khả năng cướp đoạt hết thảy thiện pháp, giống như sáu tên đại tướng cướp có thể chiếm đoạt hết thảy tài sản của cải của người dân. Giặc ác sáu trần cũng như vậy, có thể cướp đoạt hết thảy thiện tài của chúng sanh như sáu tên giặc lớn.


“Sáu tên cướp lớn nếu đột nhập vào nhà người thì chúng sẽ lấy tất cả tài sản, không phân biệt tốt xấu, khiến cho người giàu phút chốc trở nên nghèo khó bần cùng. Giặc sáu trần cũng như thế, nếu đã xâm nhập vào các giác quan của con người rồi thì có thể cướp đoạt hết thảy pháp lành. Một khi thiện pháp đã mất hết rồi thì trở thành kẻ nhất xiển đề, thui thủi một mình trên con đường bần cùng khốn khổ. Vì thế, Bồ-tát nhìn nhận một cách đúng đắn sáu trần giống như sáu tên cướp lớn.


 “Ban đêm là môi trường hoạt động của bọn cướp, nên những tên cướp lớn thấy đêm đến thì sung sướng hí hửng. Giặc ác sáu trần cũng như thế. Vô minh là môi trường hoạt động của nó, nên ở chỗ tối tăm vô minh thì nó sung sướng hí hửng” (ĐTK/ĐCTT, tập 12, số 374, trang 0501a10, bản điện tử).


Kinh Lăng Nghiêm, quyển 4, ghi: “Hiện tiền sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của ngươi làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, vọng thành sự thắt kết phiền não. Do sự thắt kết này nên thế giới chúng sanh tự sanh ràng buộc từ vô thỉ, chẳng thể ra khỏi thế gian vậy” (ĐTK/ĐCTT, tập 19, số 945, trang 0122c03, bản điện tử).


Kinh Tạp A Hàm, quyển 43, kinh số 1172, cũng ghi: “Này bạn, bên trong còn có sáu tên giặc đang đuổi theo rình rập anh. Nếu bắt được, chúng nó sẽ giết. Anh nên đề phòng”.
Bấy giờ, người này vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù cầm dao, với sáu tên giặc ở bên trong, nên kinh hãi bỏ chạy, lại trở vào trong xóm vắng. Thấy một căn nhà trống mục nát nguy hại kia, với những đồ vật xấu ác, giòn tan, dễ vỡ, không có gì chắc thật. Trong xóm vắng lại cũng có bọn giặc đang hoành hành.


Đức Phật giải thích, sáu tên giặc ác bên trong là dụ cho sáu ái hỷ. Bọn giặc nơi xóm vắng là dụ cho sáu nhập xứ bên ngoài. Mắt bị sắc vừa ý, không vừa ý làm hại; tai đối tiếng, mũi đối mùi, lưỡi đối vị, thân đối xúc, ý đối pháp dù vừa ý hay không vừa ý cũng đều bị hại.


Quán tâm luận thì giải thích sáu giặc như sau: “Sáu căn cũng gọi là sáu giặc. Sáu tên giặc này chính là lục thức. Ra vào các căn tham trước vạn cảnh, có thể thành ác nghiệp tổn hao thể Chân như, cho nên gọi là sáu giặc. Hết thảy chúng sanh do ba độc và sáu giặc này mà rối loạn thân tâm, trầm luân trong sanh tử, luân hồi trong sáu nẻo, chịu không biết bao nhiêu khổ não. Cũng như dòng sông vì có cội nguồn nên mới luân lưu bất tuyệt, có thể chảy xa vạn dặm, nếu có người cắt đứt mất cội nguồn này, thì các dòng đều cạn. Người muốn cầu giải thoát thì cũng phải đoạn trừ ba độc và sáu giặc này” (ĐTK/ĐCTT, tập 85, số 2833, bản điện tử).


Như vậy, các kinh đều nói lục tặc là sáu trần, duy Quán tâm luận nói là sáu thức, điều mà Tạp A Hàm gọi là sáu giặc ác bên trong, tức sáu ái hỷ. Sáu căn làm môi giới cho sáu giặc bên ngoài, nên nó là nội gián. Vậy thì, 18 giới đều là giặc hoặc cùng phe giới giặc cả.
Đức Phật nói, những ai “đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà có ái niệm, đắm nhiễm; do ái niệm, đắm nhiễm, thường y trên thức và bị nó trói buộc, bị nó giữ chặt, nên không thể nhập Niết Bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy”. Đoạn kinh này làm chúng ta hiểu hơn về câu nói của Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Nghĩa là, “đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà không ái niệm, đắm nhiễm; vì không có ái niệm, đắm nhiễm nên không y trên thức. Vì không bị xúc, không bị dính mắc, không bị chấp thủ, nên các Tỳ kheo này nhập Niết Bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như thế”.


Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn hộ trì 6 căn, đừng để 6 cảnh đắm nhiễm. Cũng như con rùa sống trong bụi cỏ ven sông. Hôm nọ có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. dã can đói quá, tức tối bỏ đi.


“Này các Tỳ kheo, ngày nay các ông cũng lại biết như vậy. Ma Ba Tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ông. Mong đợi mắt các ông đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi dục sanh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên Tỳ kheo, các ông phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt rồi, dù mắt có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa thì ác Ma Ba Tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa, thì chúng cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào” (Kinh Tạp A Hàm).


Đó là lý do vì sao Bồ tát Di Lặc sống ung dung tự tại với sáu giặc vây quanh, và lúc nào trên khuôn mặt Ngài cũng rạng rỡ mùa Xuân. Đó, Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân, khi nào cũng thấy Ngài cười. Thật là hoan hỷ!