Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Tản mạn hương vị Tết quê xưa

Tản mạn hương vị Tết quê xưa

79

Nó thật sự thèm cái cảm giác lạnh buốt những ngày giáp Tết của một thời xa lắc.

 Ảnh minh họa

 Chợ Tết quê xưa

Còn nhớ, Tết của thời bao cấp, cái gì cũng phải “phân phối”, từ gói mì chính, chai dầu…, đến gói Mứt tết. Nó thích nhất là ngày 27 Tết, được U cử lên cửa hàng mậu dịch xếp hàng. Có thể vì nó sẽ không phải ra đồng lội xuống đám bùn lạnh buốt để lấy rau lợn dự trữ cho 3 ngày Tết, nhưng, cái lý do chính đáng và hấp dẫn hơn cả là được sờ hộp Mứt Tết có vẽ cành đào đỏ thắm, trong đó là vài miếng mứt gừng, mứt lạc, mứt bí… và quả táo tàu nhàu nhĩ nhưng có vị ngọt đặc biệt mà nó chưa từng thấy ở các món ăn khác.

Còn một điều khiến nó háo hức nữa là bao giờ cũng được phân phối một bánh pháo tép Bình Đà xếp trong túi giấy kính, nó tha hồ mà hít hà và cẩn thận, nâng niu như là báu vật. Bởi ngày ấy, trong sự hiểu biết non nớt của thằng bé nhà quê lam lũ 7 tuổi, bánh pháo chính là hiện thân rõ ràng nhất của cái Tết cổ truyền, và đêm giao thừa, tiếng pháo nổ to hay nhỏ, tơi xác pháo hay bị “xịt” là báo hiệu cho một năm mới may mắn hay rủi ro. Ấy vậy nên năm nào nó và anh trai cũng hì hụi cho bánh pháo vào trong một cái nồi gang, đốt rơm, rang cho nó thật khô, thật “nỏ” để mong những tiếng nổ thật đanh, thật giòn và phải thật… liên thanh hòng mang lại may mắn cho cả nhà.

 Ảnh minh họa

 Trẻ con vui pháo Tết

Quê nó chợ Tết vào ngày 28. Đó là cái ngày trẻ con vui nhất. Chợ quê 5 ngày 2 phiên, lại là phiên cuối cùng nên từ sáng sớm, người tứ xứ đã đổ về đông nghịt. Thiên hạ mang hàng hóa đến, còn người dân quê nó thì không nhà nào là không đi chợ, có nhà kéo theo cả vợ chồng, con cái đùm rúm nhau lên chợ, đầu tiên là làm bát cháo lòng, sau đó là đi mua sắm thêm cây mía, quả bưởi và đặc biệt là phải mua lá dong, lá trít và chục ống dang để làm lạt gói bánh chưng. Lũ trẻ con ăn nhoáy cái là hết bát cháo, vì miệng thì ăn nhưng mắt và đầu óc nó chỉ nghĩ đến những quầy hàng bán pháo tép và những đồ trang trí trong nhà. Tụi con gái thì sà vào những hàng hoa, hàng xén. Hoa ở chợ quê nó được làm bằng lông gà và bọt biển, nhuộm màu đỏ thắm hoặc xanh biếc. Những cành hoa nhìn rất bắt mắt, tươi tắn, dù chỉ là nhúm lông gà nhuộm màu. Mấy đứa điệu đà thì sẽ mua cái gương, cái lược và vài ba cái cặp chỉ. Đứa nào sắp thành người lớn thì thể nào cũng mua một cái khăn mùi – xoa thêu những bông hoa sặc sỡ bằng chỉ màu và một ít phấn rôm. Đám con trai thì nhâu nhâu vào những quầy pháo Tết, những đứa con nhà khá giả được mẹ cho vài hào bạc, “cống nạp” hết cho mấy bà bán pháo. Chúng thích chí nhìn những quả phảo tép nổ “tạch, đùng” và xịt khói xám xanh, thơm lừng cả góc chợ.

Nó rất nhớ ngày 29 Tết, vì đó là ngày được theo chị gái gánh gạo và đỗ ra sông để đãi. Làng nó ven sông Cầu xanh biếc và uốn lượn như dải lụa. Hồi đấy nước sông xanh và trong vắt. Nó cứ nghĩ, chắc tại vì nước sông Cầu sạch và trong vắt như thế, nên con gái làng này, ai cũng trắng nõn trắng nà. Nó chả bao giờ quên được cảnh ngồi ngay bờ sông, trên những phiến đá xanh bóng láng nhìn chị nó đãi gạo nếp. Chị xắn chiếc quần lụa lên ngang gối, nước xâm xấp bắp chân nõn nà của chị loang loáng theo nhịp tay xoay chiếc rá đựng những hạt nếp thơm ngần. Đãi xong đỗ và gạo, nó lại lon tay chạy theo nhịp gánh của chị về nhà. Hai chị em lôi lá dong trong bếp ra, cho vào nồi quân dụng để luộc, rồi mang ra bờ giếng để cọ lá. Chị nó rất đảm đang nên làm việc gì cũng thoăn thoắt và thành thạo. Nó cũng bắt chước chị cọ lá, từng chiếc lá dong được nhúng vào chậu nước giếng cho nguội, rồi lấy một chiếc khăn ướt cọ từng li từng tí, cả hai mặt và cuống lá, đến khi sạch mới tráng lại bằng nước giếng và để lên chiếc nong cho khô.

 Ảnh minh họa

 Bánh chưng ngày Tết

Sáng 30, khi nó và thằng út còn say giấc nồng trong chiếc chăn bông hoa cà ấm sực thì làm xóm đã râm ran tiếng lợn kêu ụt éc. Nó thường lẳng lặng dậy và rón rén ra sân xem cả nhà đang thịt lợn. Nào chọc tiết, nào cạo lông, nào làm lòng… tất cả đều diễn ra rất vui vẻ trong tiếng nói cười của mọi người. Sau khi mọi người đã xẻ thịt và chia nhau thì nó chạy ra góc sân, nơi U và chị gái đang ngồi gói bánh. Những chiếc bánh chưng to và dài quấn lạt dang trắng muốt được chất thành đống, chờ người mang đi luộc. Nó và thằng út năm nào cũng được U ưu tiên gói cho 2 chiếc bánh xinh xinh có cái dây đeo cổ. Và chính nó và thằng em là những người được thưởng thức mùi vị Tết đầu tiên trong nhà.

Nhà nó gần đình làng nên cảm nhận thời khắc giao thừa một cách rõ ràng nhất. Hầu như năm nào cũng thế, cứ gần giao thừa là U lại đánh thức nó dậy. Nhiều lần ngái ngủ uể oải thì U giục, mày có dậy đốt pháo không thì động thổ đến nơi rồi, làng xóm người ta đốt hết thì mình bị mất dông đấy. Vậy là nó nhảy tót ra khỏi chăn, cùng ông anh trai ra sân buộc pháo vào cây sào, dựng lên và… đốt.

 Ảnh minh họa

 Niềm vui ngày Tết

Tết của những ngày xưa thật vui, thật háo hức. Bây giờ nó vẫn thích Tết vì đơn giản là để được trở về mái nhà xưa, bậc thềm cũ, để nghe lại những thanh âm của Tết, thay vì sự ồn ã của phố phường. Về để được ấm lòng bằng những lời chúc Tết giản dị, nhưng chân thành và thấm đẫm tình người, “Năm sớm, chúc gia đình ta mạnh khỏe, phát tài, làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái nhá”.