Đạo giản dị
Theo truyền thống, Bát chính đạo bao gồm tám nhánh, đó là Chính Kiến, Chính Ngữ, Chính Định…Nhưng Bát chính đạo thật nằm trong chúng ta, đó là hai mắt, hai tai, hai mũi, một lưỡi, và một thân. Tám cửa này là toàn bộ Con Đường của chúng ta và tâm chúng ta bước đi trên đó. Nhận biết những cửa ngõ này, và quan sát chúng, rồi tất cả mọi vật sẽ đều hiển lộ.
Cốt tuỷ của Đạo rất đơn giản. Khỏi cần phải giải thích dài dòng. Đừng dính mắc vào sự yêu ghét, thản nhiên trước mọi việc. Đó là tất cả sự tu hành của tôi.
Đừng có trở thành một thứ gì. Đừng cố biến mình thành một người nào. Đừng muốn làm một thiền giả. Đừng muốn trở nên khai ngộ. Khi bạn toạ thiền, chỉ việc thiền. Khi bạn đi bộ, chỉ việc đi. Không nắm giữ một thứ gì cả. Không kháng cự một điều gì cả.
Dĩ nhiên, có hàng chục pháp thiền để phát triển định lực và có nhiều cách để thiền quán, nhưng tất cả đều có cùng một yếu chỉ : hãy để cho mọi việc vận hành tự nhiên. Hãy bước qua đây – chốn an lành , dịu mát và vĩnh viễn ra khỏi trận chiến đảo điên.
Tại sao không thử xem ? Bạn có dám không ?
Trung Đạo
Đức Phật không muốn chúng ta đi theo con đường đôi – một bên là tham ái, buông lung và bên kia là sợ hãi, ghen ghét. Hãy tỉnh thức trước mọi lạc thú. Sự tức giận, sợ hãi, bất mãn không phải là đường lối của thiền giả, mà là lối sống của thế nhân. Kẻ tĩnh lặng tu hành theo Trung Đạo, buông bỏ sự khoái lạc ở bên trái và xa lìa sự sợ hãi, ghen ghét ở bên phải.
Kẻ nào muốn bước vào con đường tu hành phải đi theo Trung Đạo này : “Tôi sẽ chẳng quan tâm đến sự khoái lạc hay đau khổ. Tôi sẽ bỏ chúng xuống.” Nhưng, dĩ nhiên, điều này lúc ban đầu sẽ khó làm. Chúng ta có cảm tưởng như mình đang bị đấm đá ở hai phía – bị thúc qua, đẩy lại như cái đồng hồ quả lắc vậy.
Trong bài pháp đầu tiên, Đức Phật thuyết giảng về hai thái cực – khoái lạc và đau khổ, bởi đây chính là những thứ ràng buộc con người. Ham muốn hạnh phúc đá sang bên này, sự đau khổ và bất toại nguyện đá sang bên kia. Cả hai luôn áp đảo chúng ta. Nhưng khi bạn theo Trung Đạo, bạn buông bỏ cả hai thứ này.
Nếu bạn đi theo những thái cực này , thì như thường lệ, bạn sẽ đả kích kịch liệt khi bạn tức giận, và tìm cách chiếm đoạt những gì bạn ưa thích, không một chút kiên nhẫn và chịu đựng. Bạn có thể sống kiểu này được bao lâu ? Thử nghĩ xem : nếu bạn thích một thứ gì đó, bạn theo đuổi nó, nhưng nó chỉ lôi kéo bạn tiếp tục đi tìm phiền não. Tâm tham ái này thật là khôn ngoan. Nó còn lôi kéo bạn đi đến đâu nữa đây ?
Đức Phật dạy chúng ta xa lìa những cực đoan. Đây là chính đạo, con đường thoát khỏi sinh tử. Con đường này không có khoái lạc hay đau khổ, không có cả thiện lẫn ác. Than ôi ! có bao nhiêu người đầy rẫy tham ái, chỉ tìm cầu khoái lạc, chẳng biết gì đến con đường của Đấng Toàn Giác, con đường của người tầm đạo chân chính. Khi chúng ta theo trung đạo, tâm chúng ta tĩnh lặng, không phiền não mà cũng không quá phấn chấn. Những kẻ không đi trên trung đạo vì còn dính mắc vào quan niệm sướng khổ và tốt xấu, thì sẽ không thể trở thành bậc đại trí, không thể giải thoát.
Bạn sẽ thấy rằng tâm không luyến ái là tâm trong trạng thái bình thường. Khi nó bị khuấy động vì những ý niệm và cảm xúc, và những ảo tưởng cũng ảo tưởng cũng hình thành từ đó. Hãy tập quán sát tiến trình này. Khi tâm động niệm, sẽ dẫn tói một trong hai thái cực của sự buông lung hay ghen ghét, và từ đó tạo ra nhiều oả tưởng hơn, nhiều ý niệm hơn. Xấy hay tốt cũng chỉ từ tâm mà ra. Nếu bạn tiếp tục quan sát tâm của mình, và chỉ làm vậy thôi suốt đời, tôi cũng có thể bảo đảm rằng bạn sẽ chẳng bao giờ buồn chán.
Dứt bỏ nghi ngờ
Nhiều người có trình độ đại học, với bằng cấp tiến sĩ và thành công trên đường đời, nhưng vẫn thấy đời sống của họ vẫn thiếu thốn. Mặc dù họ thông thái, lỗi lạc, tâm của họ vẫn đầy rẫy những hoài nghi và lo toan thường tình. Chim kền kền bay cao đấy, nhưng chúng ăn những gì ?
Pháp là kiến thức vượt ra ngoài sự hiểu biết giới hạn, tổng hợp, có tính cách điều kiện của thế gian. Dĩ nhiên, tri thức thế tục có thể được dùng vào những mục đích tốt đẹp, nhưng tri thức của thế giới cũng có thể làm cho tôn giáo và đạo đức suy đồi. Điều quan trọng là phát triển trí huyệ siêu thế gian để có thể sử dụng những kỹ năng của thế gian mà vẫn không dính mắc vào đó.
Trước hết, phải học hỏi những điều căn bản. Đó là căn bản đạo đức, thấy được bản chất giả tạm của cuộc sống, và nhìn nhận đúng đắn sự già nua và chết chóc. Chúng ta phải bắt đầu từ đó. Bạn phải tập đi trước, rồi mới có thể học lái xe, dù là xe hơi hay xe đạp. Sau này bạn có thể lái máy bay hay đi khắp thế giới trong một chớp mắt.
Nghiên cứu kinh điển không quan trọng lắm. Hiển nhiên, kinh điển là đúng, nhưng nó không thể cho bạn sự hiểu biết thật. Nhìn thấy chữ “tức giận” trên giấy thôi thì không đủ hiểu được cảm giác giận dữ thật sự là như thế nào. Cũng vậy, nghe tên một người và thật sự gặp mặt người đó là hai việc không giống nhau. Chỉ có kinh nghiệm của chính bản thân mói có thể đem lại đức tin.
Có hai loại đức tin. Loại thứ nhất là lòng tin mù quáng vào Đức Phật, kinh điển, hay một vị thầy, khiến chúng ta muốn tu hành hay xuất gia. Loại thú hai là chính tín – niềm tin vững chắc không lay chuyển – phát sinh từ sự hiểu biết của mình. Tuy rằng vẫn còn phải khắc phục nhiều chướng ngại khác, nhưng khi một người nhận thức rõ sự diễn tiến của tâm, người đó có thể dứt bỏ nghi hoặc, đạt được đức tin trong sự tu hành.
Tự chứng ngộ
Trong việc tu hành của bản thân, tôi chưa bao giờ đặt nặng vấn đề nghiên cứu kinh điển. Tôi lấy những lời dạy giản dị, thẳng thắn của Đức Phật làm căn bản và bắt đầu quan sát tâm mình một cách tự nhiên.
Khi tu hành, hãy quan sát chính mình, rồi dần dần trí tuệ và tri kiến sẽ tự chúng tìm đến. Nếu bạn ngồi thiền với ý nghĩ rằng thiền phải như thế này hay như thế kia, thì đừng thiền làm gì. Đừng đem những định kiến hay ước muốn vào sự tu hành của bạn. Hãy xếp vào kho mọi quan niệm và kiến thức của bạn. Hãy vượt lên tất cả ngôn từ, biểu tượng, dự định, và kế hoạch, và rồi bạn sẽ tìm thấy chân lý hiển lộ ngay tại đây.
Nếu bạn không quay vào trong, bạn sẽ không bao giờ biết sự thật. Tôi bỏ ra vài năm đầu trong quá trình tu học của mình để nghiện cứu kinh điển và đi nghe các vị thầy và học giả thuyết giảng, cho đến khi những kiến thức này gây trở ngại nhiều hơn là hỗ trợ cho tôi. Thật ra, tôi đã không biết cách nghe pháp, bởi vì tôi chưa biết nhìn vào bên trong.
Các vị thiền sư giảng dạy về chân lý nội tại. Qua sự tu hành, tôi bắt đầu hiểu rằng nó nằm ngay trong tâm tôi. Sau một thời gian dài, tôi mới biết rằng những vị thầy này đã chứng ngộ chân lý, và nếu chúng ta đi theo con đường của các Ngài, chúng ta sẽ chứng nhận tất cả những gì các Ngài đã nói. Và rồi chúng ta có thể nói “đúng, họ nói đúng. Có gì khác hơn đâu ? Chỉ vậy thôi”. Khi tôi dốc tâm tu tập, tôi thấy nó quả thật như vậy.
Nếu bạn thích học hỏi giáo pháp, hãy bỏ xuống. Chỉ nghiên cứu lý thuyết không thôi thì chẳng khác nào “bỏ hình bắt bóng” . Bạn không cần tìm hiểu nhiều. Nếu bạn tu hành dựa theo những điều căn bản, bạn tự nhiên sẽ nhận biết giáo pháp.
Chỉ nghe pháp không thôi không đủ. Hãy chỉ nói với chính mình. Hãy quan sát chính tâm mình. Nếu bạn dứt bỏ được đầu óc suy nghĩ, lý luận này, bạn sẽ có được một tiêu chuẩn chân chính để phán đoán, nếu không thì sự hiểu biết của bạn sẽ không đủ sâu sắc. Cứ tu tập thế đi, rồi những gì phải đến sẽ đến.