Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni sinh Tâm tình bạn đạo

Tâm tình bạn đạo

108

Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh được khai mở (nay là Học Viện Phật Giáo Việt Nam) và tiếp theo, trường Cơ bản Phật học của các tỉnh, thành hội Phật giáo cũng được ra đời (nay là các trường trung cấp Phật học). Lớp Tăng Ni sinh đầu tiên được đào tạo trong hệ thống giáo dục của Giáo hội ngày nay đã trưởng thành, nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội và trong ban trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo, đủ sức gánh vác nhiệm vụ Phật sự mà các bậc Tôn túc hằng mong mỏi.


Có một số Tăng Ni trẻ sau khi tốt nghiệp các trường Phật học thường ưu tư: Không biết ra trường sẽ làm gì? Bản thân tôi cũng là một học Tăng, đã trải qua môi trường giáo dục học đường Phật giáo nên cũng có tâm lý lo lắng như các Tăng Ni trẻ ngày nay. Sau đây, tôi xin chia sẻ cùng quý vị.


Phải xác định rõ công việc của người xuất gia


Ngay từ buổi sơ tâm đầu Phật xuất gia, lúc được thụ giới Sa-di, chúng ta quỳ trước các bậc Tôn túc tam sư thất chứng mà nói rằng: “Chúng con tên là…… xin trọn đời quay đầu về nương nhờ ngôi Phật bảo, xin trọn đời quay đầu về nương nhờ ngôi Pháp bảo, xin trọn đời quay đầu về nương nhờ ngôi Tăng bảo. Chúng con nay theo Phật xuất gia. Tỷ khiêu…….. làm thầy Hoà thượng. Như Lai, bậc chí chân đẳng chính giác là đấng Thế Tôn của chúng con”.


Tự quỳ và nói như vậy thành đủ tam quy, tam kết và từ giây phút đó trở đi, chúng ta đắc giới thể, trở thành người xuất gia đệ tử Phật. Vì vậy, đã xác định rõ ta là người xuất gia (hành giả) thì mọi người phải nghĩ tới việc làm tương ứng để đi đến mục tiêu giải thoát giác ngộ, kể cả mọi việc học tập cũng nhằm đưa đến mục đích ấy.


Chúng ta phải luôn luôn xác định rõ mình là người tu hành luôn sống, làm việc và an trú trong giới luật của Đức Thế Tôn. Không thể vượt ra ngoài khuôn khổ ấy được. Tôi còn nhớ một câu chuyện về Hoà thượng Thanh Từ. Hoà thượng có nhân duyên được nói chuyện với số đông thính giả tại giảng đường của một trường đại học. Ban tổ chức giới thiệu với thính giả về Hoà thượng là một học giả uyên bác. Trước khi nói chuyện, Hoà thượng đính chính lại với thính giả rằng Hoà thượng là một “hành giả” (người tu hành) chứ không phải là học giả như ban tổ chức giới thiệu.


Sau đây tôi xin mượn lời dạy của tổ Quy Sơn để nói về công việc của người tu hành như sau: “Này như người xuất gia! Cất bước chân tới phương trời cao rộng, tâm tư và hình hài khác người thế tục, làm rạng rỡ hạt giống Phật, trấn nhiếp ma quân để báo bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu chẳng làm được như vậy thì là kẻ lợi dụng xuất gia…”


Chỉ học tập những thứ mình cần


Trong cuộc đời hành hoá của Đức Phật với 49 năm giáo hoá thuyết pháp, Ngài đã để lại kho tàng giáo pháp vô cùng đồ sộ với 12 phần giáo, hàng vạn bộ kinh điển. Với ngần ấy Thánh giáo nội điển, một hành giả dẫu cố gắng kiên trì, tinh tiến trọn đời cũng không học hết được. Đối với nội điển đã vậy, ngoại điển cũng bao la phong phú vô cùng. Vì ngoại điển bao gồm tri thức của nhân loại, bao gồm nhiều chuyên môn, nhiều lĩnh vực mà một người thông minh, dù tài giỏi đến đâu cũng không thể học hết được. Chỉ nói ngay lĩnh vực Y tế, tuy là giáo sư bách sĩ nhưng không phải giáo sư bác sĩ nào cũng chữa được mọi tật bệnh của con người mà có phân ra bác sĩ nội khoa, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ tim mạch v.v…. Trong ngành giáo dục cũng chia ra làm thầy giáo dạy văn sử địa, thầy giáo dạy toán lý hoá. Không phải đã là thầy giáo thì đều dạy được tất cả các môn.


Hệ thống giáo dục đào tạo Tăng Ni của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bao gồm sơ cấp Phật học, trung cấp Phật học và học viện Phật giáo. Sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo tại học viện, những Tăng Ni nào tự thấy có khả năng du học thêm ở nước ngoài thì Giáo hội vẫn ủng hộ, tạo điều kiện giới thiệu để các vị Tăng Ni có nhu cầu đó được đi du học.


Các huynh đệ Tăng Ni nay đã tốt nghiệp trung cấp Phật học thì tuỳ theo sức khoẻ, tuỳ theo điều kiện của mỗi người, tuỳ theo chí hướng nhiệt tâm của từng cá nhân mà ta có thể học tiếp lên học viện và xa hơn nữa là đi du học thêm ở nước ngoài. Những ai chưa đủ điều kiện thì cũng có thể trở về trụ xứ tu tập và làm Phật sự. Sự học chỉ là bước đầu của tam tuệ, tức là văn tuệ, còn tư tuệ và tu tuệ thì dù ai có học đến đâu cũng không thể bỏ qua được.


Đối với bất cứ việc gì, nếu ai chú tâm và nhiệt tâm tinh cần thì đều thu hoạch những kết quả tốt đẹp. Chúng ta là hành giả thì việc tu tập, thực hành giáo pháp là rất quan trọng. Việc học là giúp cho tu hành. Nếu có thuận duyên học ngoại điển thì cũng chỉ giúp ích thêm cho làm Phật sự được thuận lợi mà thôi.


Người tu hành ngoài việc đi sâu vào kiến thức nội điển để phục vụ cho tu tập thì cũng có thể học thêm các môn ngoại điển nếu cần thiết và thấy rõ học rồi có thể sử dụng được chúng. Tránh tình trạng học xong để có bằng cấp nhưng chẳng để làm gì. Thực tế có một số Tăng Ni trẻ sau khi tốt nghiệp Phật học, chưa muốn trở về chùa tu tập mà cố kéo thời gian bằng cách tiếp tục xin vào các trường để học ngoại điển mà chưa xác định được mục đích lựa chọn rõ ràng; hoặc cốt để có bằng cấp, học vị cho bản thân. Đến nỗi Hoà thượng Thích Minh Thông, một vị luật sư của Phật pháp phải cảm thán rằng: Tăng Ni trẻ ngày nay phần nhiều thiên về học vị, bằng cấp của thế gian.


Trong những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước, hầu như các bậc Tôn đức tu hành đều không có học vị bằng cấp. Nhưng sự tu hành, giáo hoá của các Ngài rất thành công và có hiệu quả như Hoà thượng Tố Liên, Hoà thượng Trí Hải… với công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Ở miền nam, trong khoảng 50 năm trước cũng có Hoà thượng Khánh Anh, Hoà thượng Thiện Hoa, Hoà thượng Thiện Hoà… cũng rất thành công trong tu tập và hoằng pháp độ sinh.


Bằng cấp học vị thế gian không phản ánh cấp độ tu tập của hành giả mà chỉ là một phương tiện, có thể có khi đủ duyên nhưng không thể xa bỏ tu tập để đi sâu vào lĩnh vực học thuật.


Qua tấm gương tu hành của chư Tôn đức nêu trên, tôi mong các huynh đệ noi theo các bậc tiền bối để tu hành và làm Phật sự vì rằng sự sống là có hạn định. Chư tổ có dạy: “Sinh tử là việc lớn mau chóng bất thường, người học đạo cần phải lấy đây để mà suy nghĩ”. Chúng ta không thể sa đà vào mọi lĩnh vực học vấn mà bỏ bê, sao lãng việc tu hành.


Học gì, hành gì sau khi ra trường là băn khoăn của nhiều Tăng Ni trẻ. Thực ra không thể có một công thức chung cho mọi người bởi điều kiện, khả năng, trình độ mỗi người khác nhau. Tuỳ theo điều kiện và khả năng của từng người mà lựa chọn. Hãy học những thứ mình cần chứ đừng học tất cả những thứ gì mà mình chưa biết.


Tôi xin mượn câu chuyện trong Tương Ưng Bộ kinh, phẩm Cư sỹ để kết thúc: Có người Bà-la-môn đang cày ruộng, ông ta thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua bèn nói:


– Này sa-môn, tôi cày và gieo lúa. Sau khi cày và gieo lúa, tôi sử dụng sản phẩm đã thu hoạch. Vậy sa-môn có cày và gieo lúa, sau khi cày và gieo lúa có sử dụng sản phẩm đã thu hoạch không?


Thế Tôn dùng bài kệ trả lời:


Lòng tin là hạt giống


Khổ hạnh là trận mưa


Trí tuệ đối với ta


Là cày và cái ách.


Tàm quý là bắp cày


Ý căn là dây buộc


Chính niệm là lưỡi cày


Thân, khẩu được hộ trì.


Ta nhổ lên tà vạy


Chứng đạt chân giải thoát


Như vậy cày ruộng này


Đưa đến quả bất tử.


Tóm lại, hành giả đã gieo nhân gì thì sẽ gặt hái quả tương ứng như vậy. Tăng Ni sinh nên học những gì, hành những gì mà kết quả của nó đưa đến an lạc, giải thoát giác ngộ để báo đền bốn ân, cứu giúp ba cõi, làm lợi ích cho mình và cho mọi người trong hiện tại và mai sau.


Mong thay!