ĐÁP:
Tâm là một thuật ngữ rất quan trọng của giáo điển Phật giáo. Vốn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau, nhất là có sự sai biệt trong quan niệm về tâm giữa hai truyền thống A tì đạt ma (Phật giáo Nam tông) và Duy thức học (Phật giáo Bắc tông), nên khi nghiên cứu về Tâm học Phật giáo nếu không nắm vững những điều cốt yếu này thì sẽ rất lúng túng.
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng chủ đề riêng biệt của giáo điển (như giáo lý Năm uẩn, Mười hai nhân duyên v.v…) mà tâm, ý và thức được sử dụng với ý nghĩa đồng nhất hoặc dị biệt nhau. Đơn cử, theo giáo lý Năm uẩn, chúng sanh gồm tập hợp của sắc, thọ, tưởng hành và thức. Trong đó, sắc thuộc về vật chất, sắc pháp còn phần tinh thần thọ, tưởng, hành và thức thuộc về tâm hay tâm pháp. Giáo lý Mười hai nhân duyên cũng vậy, khi phân tích chúng sanh thành hai phần Danh-Sắc (tinh thần và vật chất) thì phần Danh thuộc về tâm hay tâm pháp.
Theo Kinh tạng Pàli và Abhidhamma, tâm (Pàli[P].citta), nghĩa gốc là suy nghĩ, là “cái gì hay biết về một đối tượng” hoặc “sự nhận thức, hiểu biết về một đối tượng”. Cứ theo định nghĩa này thì khái quát tâm tương đồng với thức (P.vinnana). Với Abhidhamma, ngoại trừ những tâm siêu thế (P.lokuttara) và những tâm sở phụ thuộc thì thực tại hay tại thế (P.lokiya) gồm tâm vương, tâm sở và sắc. Theo Nàrada (Vi diệu pháp toát yếu, Phạm Kim Khánh dịch), thì tâm (P.citta), ý (P.mana) và thức (P.vinnana) được xem là đồng nghĩa trong Abhidhamma. Vì thế, theo quan điểm A tì đạt ma, không có sự khác biệt giữa tâm và thức. Chúng ta có thể thấy quan điểm này thể hiện rất rõ trong Pháp Cú (Dhammapada [Dh]), nói về “ý dẫn đầu các pháp” (Dh.1) thì dùng từ mana (P), “tâm hoảng hốt, dao động, vùng vẫy, khó thấy, khó nắm giữ, khó điều phục” (Dh.33,34,35) thì dùng citta (P) và rõ ràng tâm và ý được đề cập trong Pháp Cú gần như có ý nghĩa tương đồng.
Trong Kinh tạng Sanskrit và Hán tạng, nhất là Duy Thức tông thì phân biệt cặn kẽ có đến 8 tâm vương (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mạt na và a lại da thức) và 51 tâm sở. Trước hết, tâm (Sanskrit [S].citta) có nhiều nghĩa: a. Chỉ chung cho toàn bộ tâm vương và tâm sở, nói chung là tâm pháp, đối nghĩa với sắc pháp. b. Chỉ riêng cho tâm vương, nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của tâm (như thức uẩn trong ngũ uẩn, ý thức và a lại da thức). c. Chỉ riêng cho thức thứ 8, thức a lại da (S.alaya), căn nguyên của mọi hiện tượng tâm lý. Mặt khác, tâm (S.hrdaya) có ba nghĩa: 1. Nhục đoàn tâm tức trái tim. 2. Tinh yếu tâm tức tâm tích tụ hết thảy mọi yếu nghĩa trong các kinh. 3. Kiên thật tâm tức là tâm kiên cố, chân thật, không sinh diệt; là Chân như. Đặc biệt, tâm (citta) còn có ba nghĩa: 1. Duyên lự tâm (thức) tức là thức thứ 6, ý thức (S.manovijnana) và năm thức giác quan, có vai trò nhận thức đối tượng. 2. Tư lượng tâm (ý) tức là thức thứ 7, mạt na thức (S.manas), giữ vai trò tư duy, chấp ngã. 3. Tập khởi tâm (tâm) tức thức thứ 8, a lại da thức (S.alayavijnana), có công năng chứa nhóm chủng tử, là toàn bộ tâm thức, cơ sở của mọi hoạt động tâm lý. Như vậy, theo Duy thức học thì tâm (tập khởi tâm), ý (tư lượng tâm) và thức (duyên lự tâm) có công năng và ý nghĩa khác nhau.
Thức (S.vijnana) là sự phân biệt, nhận biết, nhận thức. Chức năng của thức là phân tích, phân loại và nhận biết đối tượng. Theo Duy Thức tông, có tám thức gồm năm thức giác quan (tiền ngũ thức), ý thức, mạt na thức và a lại da thức. Như vậy, thức đơn thuần chỉ là nhận thức, phân biệt, nhận biết. Tùy theo căn (giác quan) nào nhận thức mà thức ấy được xác định cụ thể như con mắt (nhãn căn) phân biệt và nhận biết đối tượng sắc trần (màu sắc, hình ảnh) thì gọi là nhãn thức v.v… Xét theo định nghĩa về tâm như đã trình bày thì thức khác với tâm (kể cả trong ý nghĩa là 8 thức). Tuy nhiên, trong kinh luận, một vài trường hợp sử dụng “thức” để chỉ “ý thức” (S.manovijnana) hoặc “thức” để chỉ cho “tâm” nói chung, điều này có thể gây khó hiểu thậm chí ngộ nhận cho người sơ học.