Trang chủ Diễn đàn Tâm thư gửi đồng bào Công giáo “cầu nguyện” đòi “Tòa khâm...

Tâm thư gửi đồng bào Công giáo “cầu nguyện” đòi “Tòa khâm sứ”

61

Trong vài tuần nay, tôi được biết một số giáo dân Hà Nội và ở một vài địa phương – những người đồng bào cùng máu đỏ da vàng, cùng chung dòng giống Lạc Hồng, chung cội nguồn đã xuống đường “cầu nguyện”, thắp nến đòi Nhà nước trả lại “Tòa khâm sứ”, đòi “công lý” để phục vụ Thiên chúa, phục vụ Giáo hội. Đó là lý do để tôi, một người Phật tử Việt Nam, từ trong tâm, từ tình cảm đồng bào, từ vị trí của người công dân Việt Nam viết bức thư này gửi đến quý vị.


Cứ mỗi lần từ phố Tràng Thi rẽ phải vào phố Nhà Chung, đi qua nhà thờ Lớn, lòng tôi lại trào dâng nỗi niềm xúc động, ngậm ngùi. Trên con đường này, mảnh đất này của Thăng Long ngàn năm văn hiến đã từng có một ngôi chùa, một ngôi chùa hết sức đặc biệt trong lịch sử dân tộc, trong tâm khảm của bao lớp người dân xứ kinh kỳ.


Năm Bính Thân (1057), vua Lý Thánh Tông cho làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn. Vua cho xây tháp Đại Thắng Báo Thiên 12 tầng, cao vài chục trượng. Đứng trên tầng cao nhất của tháp có thể trông thấy quang cảnh khắp Thăng Long. Ngôi tháp đã được coi là “An Nam tứ khí”. Cả Tháp, Chùa đều quay mặt về hướng đông nhìn ra chiếc hồ lớn màu xanh biếc tên gọi hồ Lục Thủy (đến thời Lê mới đổi là hồ Hoàn Kiếm), có nhiều người cũng gọi là hồ Báo Thiên. Trước mặt Tháp Báo Thiên có một bãi cỏ rộng chạy dài tới sát mép hồ. Bên kia hồ là là những ruộng dâu xanh ngắt trải dài đến tận bờ sông Cái.


Thời Trần, Tháp Báo Thiên là một tụ điểm lớn của kinh đô Thăng Long. Ngày tết và tháng giêng, hội chùa Báo Thiên là một lễ hội tưng bừng bậc nhất kinh kỳ. Trải qua gần ngàn năm lịch sử, ngôi chùa, ngọn tháp đã trở thành một biểu tượng văn hóa, tâm linh, trở thành một di sản vật chất và tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc.


Ấy thế rồi thực dân Pháp xâm lược, đô hộ nước ta. Ðến năm 1884, sau khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá Chùa để xây dựng nhà thờ Thánh Josep, tức Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay. Rồi những ngôi chùa khác quanh hồ Hoàn Kiếm, chùa thì bị Pháp triệt hạ (như chùa Báo Ân), chùa thì bị Pháp lấn chiếm cấp đất cho giáo dân (như chùa Bà Đá – trụ sở THPG Hà Nội ngày nay).


Trước một sự thực lịch sử như thế, được đặt chân đến một mảnh đất như thế, tôi như được giao cảm, được hòa mình vào cảnh cũ, chùa xưa, dù chỉ trong tâm thức. Cứ mỗi lần đi qua, tôi lại trào dâng niềm xúc động vì Phật giáo đã hòa mình vào lịch sử dân tộc, đã trở thành một thành tố làm nên nền độc lập, tự chủ và văn hiến của dân tộc. Tôi tự hào vì đạo Phật đã trở thành đạo của dân tộc Việt Nam. Người Phật tử trước hết là một người con Việt, vì đất Việt, theo đạo Phật để tu thân, tích đức, phụng sự tổ quốc và dân tộc.


Nhưng mỗi lần đi qua con phố ấy, mảnh đất ấy, tôi cũng không khỏi ngậm ngùi trước lẽ vô thường, trước sự biến thiên của lịch sử. Đất còn đó, Thăng Long còn đó mà Chùa, Tháp đâu còn. Thậm chí một phần trên mảnh đất ấy hiện diện nhà thờ Lớn của quý vị. Và tôi càng không biết phải nói thế nào khi chính trên mảnh đất ấy mới đây thôi, đồng bào Công giáo đã đem tượng Đức Mẹ đến, đặt hoa, thắp nến, cầu nguyện, gây áp lực để đòi đất về cho mình.


Nhiều lần tôi thầm ước, trên mảnh đất thiêng của Thăng Long ấy, người Hà Nội hôm nay sẽ phục dựng lại chùa Báo Thiên, tháp Báo Thiên để tìm về cội nguồn, khơi dòng tâm linh, phát huy truyền thống. Tôi sẽ thấy cả chùa, tháp Báo Thiên và nhà thờ Lớn cùng tồn tại như một biểu tượng về sự gắn kết và hòa hợp dân tộc, bởi vì dù là người Phật tử hay người Công giáo, cũng đều là người Việt Nam, vì dân tộc Việt Nam. Tôi đã từng ước mong đồng bào Công giáo sẽ đề nghị Nhà nước cấp một phần mảnh đất “Tòa khâm sứ”  phục dựng lại chùa, tháp Báo Thiên, như một hành động tôn vinh công lý và hòa bình.


Tôi thấy quý vị nói nhiều về công lý trên các website Ki-tô giáo, thậm chí còn gây sức ép với Nhà nước bằng cách kiến nghị các nghị sĩ Mỹ can thiệp. Nếu thực sự vì công lý và hòa bình, chắc hẳn người Pháp đã không xâm lược và đô hộ nước ta. Nếu thực sự vì công lý và hòa bình, hẳn là đồng bào Công giáo đã không xây nhà thờ trên chính những mảnh đất có những ngôi chùa cổ kính, lâu đời. Nếu vì công lý và hòa bình, hẳn là một bộ phận đồng bào Công giáo đã không tiếp tay cho người Pháp thống trị dân tộc Việt Nam…


Nếu thực sự tôn trọng công lý, hẳn là quý vị đồng đào Công giáo đã không đòi đất “Tòa khâm sứ”, bởi vì trên phương diện lịch sử hay pháp luật hiện tại, mảnh đất đó không phải của riêng Phật giáo, Công giáo, hay của Nhà nước. Mảnh đất đó là máu, là xương mà cha ông (chứ không phải Chúa trời) đã đổ xuống để vun đắp, giữ gìn, mảnh đất đó là của Tổ quốc, của Nhân dân Việt Nam.


Tôi, một người Phật tử cũng như hầu hết những người Phật tử Việt Nam khác lên tiếng không phải để đòi, để tranh giành hay bênh vực, bảo vệ ai. Phật giáo chưa bao giờ có ý định đòi lại mảnh đất đó về mình. Phật giáo Việt Nam cũng không nhìn lịch sử mất mát và đau thương của bao nhiêu đất chùa biến thành đất nhà thờ như một mối hận thù hay nguồn gốc của chia rẽ. Nhưng sự thực lịch sử và pháp luật cần được tôn trọng. Nếu trong quá khứ đô hộ của thực dân xâm lược đã không có công lý, thì nay công lý cần được quý vị đồng bào Công giáo thừa nhận và tôn trọng.


Để kết thúc bức tâm thư này, một lần nữa tôi muốn chia sẻ với quý vị đồng bào Công giáo rằng mảnh đất “Tòa khâm sứ” cũng là biểu tượng, là di sản, là truyền thống của Dân tộc và Phật giáo. Hy vọng rằng ước mong của tôi ở trên, cũng như của quý vị đồng bào Công giáo sẽ cùng trở thành hiện thực. Đó mới thực sự là công lý và hòa bình. Hãy sống vì điều thiêng liêng nhất: sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.


Kính chúc quý vị đồng bào Công giáo luôn “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “kính Chúa, yêu nước”.


Phật tử Tâm Minh – Nguyễn Quốc Dũng