Trang chủ Tuổi trẻ Tâm Sự với Tăng Sinh

Tâm Sự với Tăng Sinh

84

Điều đầu tiên tôi muốn nhắn nhủ với quí thầy cô đoa là sự Tri hành hợp nhất. Điều hay lẽ phải thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được. Chúng ta được học biết bao điều hay, nhưng học chỉ để biết chớ không áp dụng, thực hành thì vẫn chỉ là “cái đãy sách”. Ngày xưa khi Bạch Cư Dị nói với Ô Sào thiền sư rằng: “Những điều ông nói đứa trẻ lên ba cũng nói được” thì thiền sư đã trả lời: “Những điều tôi nói đứa trẻ lên ba cũng nói được nhưng ông già tám mươi chưa chắc đã làm được!” Từ cái sự nói đến cái sự biết đã là một khoảng cách, rồi từ cái sự biết đến cái sự làm lại là một khoảng cách lớn hơn nữa.


Đức Phật ngày xưa cũng đã nói: “Pháp của ta là pháp để tu chớ không phải là pháp để học”. Bây giờ cũng vậy, tôi mong rằng những điều tôi nói hôm nay sẽ được các thầy cô để tâm vận dụng, chớ không phải chỉ ngồi nghe trong vài tiếng đồng hồ này thôi, rồi sau tiết học, đứng lên chắp tay hồi hướng là những điều tôi nói cũng “hồi” trả lại tôi luôn!


* Vấn đề thứ nhất, tôi muốn trao đổi với các thầy cô là vấn đề học tập:


Đã gọi là tăng ni sinh thì vấn đề cấp thiết đầu tiên là học. Việc học của các thầy cô hôm nay gồm có cả nội điển và ngoại điển.


Học xong phổ thông cũng như học xong chương trình cơ bản Phật học đó là trình độ bắt buộc mà một tăng ni trong thời đại ngày nay phải có. Nhưng xong các chương trình này rồi thì phải học tiếp như thế nào thì rất nhiều thầy cô băn khoăn, không biết chọn lựa ra sao? Có người cho rằng tuổi còn nhỏ, có điều kiện nên lo học đại học bên ngoài trước, còn việc học nội điển có thể học sau hoặc tự nghiên cứu lấy, không học ở trường cũng được. Theo tôi, điều này phải tuỳ theo khả năng và chí hướng hoằng pháp của từng người. Nếu là người có khả năng chứng ngộ thì cũng có thể tự học bằng trí huệ của mình, cộng với ý chí quyết tâm tìm cầu thì có thể tự nghiên cứu và học nội điển. Còn việc học ngoại điển nếu đã có chí hướng hoằng pháp lợi sanh, thì tuỳ theo khả năng của mình mà chọn một chuyên ngành thực sự hữu ích, làm phương tiện thiết thực cho việc hoằng pháp. Muốn theo học như vậy thì phải là người thực giỏi, thực tài mới thực hiện được, nếu khả năng khiêm tốn mà nghĩ mình có thể tự học và theo học cao như vậy là không xong! Mất cả chì lẫn chài, mất thời gian, không thu được kết quả, uổng phí một đời, đó là chưa nói vì vọng tưởng, xu hướng, chạy theo phong trào, học để lấy bằng, lấy tiếng thì thật là đáng trách. Chúng ta là người xuất gia, ăn bát cơm ngàn nhà, nếu chúng ta tiêu phí thời gian và công sức vào những việc không ích lợi cho Phật pháp thì tội nặng không lường. Quí thầy cô còn nhớ sự tích một hạt cơm làm chìm cái áo cà sa không?


Do vậy, việc chọn cái để học là vô cùng quan trọng. Đối với người tu, tôi nghĩ rằng không học gì tốt hơn là học Phật. Đứng trên bục thuyết pháp cho mọi người, điều kiện đầu tiên là sự thông hiểu Phật pháp. Ông bà ta thường nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mình đi tu, nếu có làm kỹ sư bác sĩ chắc cũng không làm lại người đời. Vả lại kỹ sư bác sĩ ngoài đời đâu có thiếu, cái mà đời thiếu là thiếu những bậc chân tu. Một ông thầy rành về vi tính hơn giáo lý thì có tốt không? Một ông thầy nói tiếng Tây tiếng Tàu ro ro mà giảng một câu kinh của đấng Từ Phụ mình không đạt thì có tốt không? Có người bảo: “Còn trẻ lo học ngoại điển, về già sẽ lo học nội điển”. Nói như vậy có khác gì các Phật tử bảo rằng: “Còn trẻ cứ sống cho đã, về già vô chùa tu!” Già rồi học gì nữa? Già rồi tu gì nữa? Già, đầu óc còn đâu nhạy bén để học để tu? Lo chống chọi với bệnh tật còn không xuể! Đó là chưa nói kiếp sống vô thường, ta hẹn lần hẹn lữa, bất ngờ chết bất đắc kỳ tử thì không có cái gì để đem theo. Đối với chuyện học giáo lý, chuyện tu, chúng ta phải học, phải tu với tinh thần tưởng như mình không còn sống bao lâu nữa thì mới được. Không nên lãng phí thời gian.


Học Phật không chỉ là lên lớp ngồi nghe giảng. Kho tàng giáo lý mênh mông, kiến giải của vị giảng sư chỉ là một góc hiểu biết, chúng ta phải tự tìm tòi, nghiên cứu, ngẫm nghĩ thêm để phát huy trí huệ. Học giáo lý không phải để cho xong chương trình các cấp lớp như học trò bậc tiểu học, trung học ngoài đời. Học giáo lý không chỉ để biết, để có kiến thức về giáo lý, học giáo lý phải hiểu sâu giáo lý, từ đó mới có thể “hành thâm” để “chiếu kiến” mới “độ nhất thiết khổ ách” được chớ!


Học giáo lý là học cho mình, cho chính mình cuộc đời mình, đừng học như đối phó, học cho có, cho xong. Lớp cơ bản Phật học Vĩnh Nghiêm có khi tăng vắng đến gần nửa lớp, tôi thấy thật xót xa, thương mấy thầy cô còn trẻ, cạn nghĩ, cứ buông lung giãi đãi, không biết mình đã bỏ phí thời gian, tự làm hại mình, công thầy tổ cho đi học, công đàn na tín thí cúng dường mà mình lơ là như thế thiệt tội lắm!


Thời đại bây giờ vấn đề học được đặt lên hàng đầu. Điều đó không chỉ đúng ở ngoài đời mà nó cũng đúng ở trong đạo. Các thầy, các sư cô bây giờ không có cơ hội được sống trong Phật Học Viện nội trú nên không cảm nhận được cái giá trị của việc vừa học vừa hành như thế nào. Cái nhu cầu được học, được mở rộng tri kiến bao giờ cũng có, cũng lớn và nhất là những người trẻ thì không bao giờ thiếu được. Không chỉ học Phật pháp cho tinh tường, mà phải học thế học cho rộng rãi, cho thông suốt nữa. Mình phải diễn bài giáo lý của đức Phật sao cho người ta dễ nghe, dễ hiểu, dễ chấp nhận và dễ thực hành. Mình phải nắm vững nhu cầu cấp tiến của xã hội, phải cập nhựt thông tin khoa học. Giáo lý được trình bày dưới ánh sáng khoa học thì càng thu hút và gây niềm tin cho người đời, nhất là tấng lớp trí thức. Nhưng nếu chỉ có học thôi, chỉ có biết thôi thì cũng chẳng là gì hết đối với lý tưởng và sự nghiệp của mình. Lý tưởng và sự nghiệp của mình là phải đi tới chỗ tự tại, chỗ an lạc, chỗ giải thoát. Mình không bị danh lợi, tài sắc, quyền lực khống chế đã đành rồi mà chữ nghĩa, kinh điển, giáo lý cũng không thể ràng buộc được mình nữa. Mình phải thoá ly danh tự. Mình phải vượt thoát ngôn luận. Mình phải thực chứng những gì mình biết, mình nói. Phật giáo sẽ chẳng còn chỗ đứng, sẽ bị người ta ngoảnh mặt làm ngơ nếu chỉ có ba tàng kinh điển khô cứng và im lìm bất động. Chúng ta là những học trò tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn, của chư vị Tổ sư thì cái hoài bão được độ sanh phải luôn canh cánh trong lòng. Muốn bước ra độ sanh thì chúng ta phải xem lại mình có cái gì để hiến tặng đây? Chúng ta phải thành công, phải tìm được viên kim cương trong mỗi người thì gia tài của đức Thế Tôn để lại mới mong tiếp tục được bảo quản lâu dài.


* Vấn đề thứ hai tôi muốn nói với các thầy cô đó là vấn đề tu tập. Không gì lý do học mà lơ là chuyện tu. Các thầy cô đã từng trị nhật, nấu nướng, làm bếp chưa? Bếp lửa phải đều, nếu chỉ xoáy đốt vào một chỗ thì cơm khét! Chỉ lo học, không lo tu thì…tẩu hoả nhập ma, nói ra chỉ toàn lý thuyết! Đã gọi là xuất gia đi tu mà không tu thì là gì? Có tu mới có phước, có đức mới sinh huệ thì học giáo lý mới tốt được. Người không tu, đến với giáo lý chỉ bằng kiến thức thì mãi mãi chỉ biết đạo chớ không ngộ đạo được! Chỉ biết thôi thì chúng ta trở thành một nhà nghiên cứu Phật học chớ không trở thành một nhà tu được! Vấn đề tu này tôi không nói nhiều, vì với người tu mà nhắc chuyện tu hoài thì kỳ quá, bởi đó là chuyện đương nhiên, sở dĩ tôi nhắc đây là nhắc các thầy cô trong lúc học không được lơ là chuyện tu thôi. Hoà thượng Thiện Hoa tuy có chia cuộc đời của người tu qua ba giai đoạn: 1- học; 2- hoằng truyền; 3- chuyên tu; nhưng cả ba giai đoạn đó đều có trong nhau. Nghĩa là trong khi học vẫn phải tu tập hết lòng, và vẫn có thể hoằng truyền bằng thân giáo qua phẩm hạnh. Trong khi hoằng truyền mình vẫn tiếp tục học vì sự nghiệp học sẽ không bao giờ dừng, vẫn phải hết lòng thực tập pháp môn. Trong khi chuyên tu mình vẫn là kẻ đang học và hoằng truyền bằng sự toả sáng thân tâm của mình. Tuy là ba nhưng vẫn là một, nói có ba tại vì trong mỗi giai đoạn như vậy thì ta cần làm nổi bật cái nào hơn cái nào thôi.


* Vấn đề thứ ba tôi muốn tâm sự với các thầy cô là các mối quan hệ. Các thầy cô còn trẻ, tính tình còn bồng bột, do vậy dễ vấp phải vấn đề về các mối quan hệ. Sống trên đời chúng ta có rất nhiều mối quan hệ: Mối quan hệ với gia đình, với xã hội, với thầy tổ, với huynh đệ đồng môn, với phật tửv.v… Ở đây vì các thầy cô là tăng ni sinh nên tôi đề cập trước đến hai mối quan hệ: đó là mối quan hệ thầy trò và mối quan hệ huynh đệ đồng học. Mối quan hệ thầy trò thì chắc tôi không cần nhắc, đã là người tu thì mối quan hệ thầy trò các thầy cô đã hiểu rất thông. Tôi chỉ nhắc một phần nhỏ trong mối quan hệ huynh đệ đồng học.


Ngoài xã hội, vấn đề phân chia kỳ thị vùng miền là hiện tượng khá phổ biến. Hiện tượng này vẫn không biến mất khi các thầy các cô đã khoác áo tu sĩ. Đành rằng đặc điểm văn hoá tập tục, thói quen mỗi địa phương có khác nhau. Những người cùng sinh ra và lớn lên ở cùng một vùng đất thì có đặc tính cơ bản giống nhau nên dễ gần nhau, dễ thông cảm, do vậy sinh hoạt chung nhau có thuận tiện hơn. Nhưng chúng ta chớ vì điều ấy mà để tâm phân biệt. Trong lớp chúng ta có huynh đệ nhiều vùng miền, pháp Lục hoà phải luôn được ghi nhớ, áp dụng. Đã là người tu áo vuông đầu trọc như nhau, cùng chung chí hướng, chung đấng Từ Phụ, chúng ta phải hành xử, tôn trọng quí mến nhau đúng như pháp Phật đã dạy. Chúng ta khởi lòng thương yêu tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới mà huynh đệ ngồi cạnh mình, mình lại bưng bỏ ra xa ngoài Bắc, trong Nam, miền Trung, xứ Huế… Thử hỏi có đúng tinh thần từ bi hỷ xả chưa? Anh em sống chung với nhau có rất nhiều tình thương. Cái tình thương đó quan trọng trong đời tu hành dữ lắm. Người ta nói: “Ăn cơm cần có canh, tu hành cần có bạn”, tôi nghĩ đúng vì khi mình rời bỏ gia đình, xóm làng, người thân, nguyện theo lý tưởng, theo sự nghiệp giải thoát và độ đời thì những người đồng chí hướng sống chung là mối quan hệ rất cần thiết. Họ tuy khác miền, khác địa phương, khác phong tục tập quán nhưng họ giống mình ở cái lý tưởng nên mình dễ được nuôi dưỡng và lớn lên từ họ lắm. Họ là bạn mình nhưng họ cũng là anh, là thầy của mình. Chỉ cần mình đi lệch một chút, làm sai một chút, nghĩ quấy một chút là họ kéo mình lại liền. Con mắt của tăng và bàn tay của tăng thật quan trọng. Cho nên tinh thần hoà hợp là điều kiện tiên quyết và bắt buộc phải có trong một đời sống cộng đồng, nhứt là cộng đồng của những người làm đạo đức cho nhân loại.


Thế hệ chúng tôi có duyên may được kề cận học hỏi với các vị trưởng lão tài đức như: Hoà thượng Thanh Từ, Hoà thượng Bửu Huệ, Hoà thượng Thiền Tâm. Sống dưới bóng mát của ba vị tôn túc đó, chúng tôi luôn thấy an ổn và vững niềm tin. Những gì các ngài truyền trao đều là sản phẩm của sự thực tu thực chứng chứ không phải lý thuyết suông. Hạt giống dầu tốt đến đâu nếu không có môi trường tốt, nếu không có những tăng thượng duyên tốt thì nó cũng không thể lớn lên và cho hoa trái lành được. Mình dù có căn lành bao nhiêu mà không được dưỡng nuôi trong một môi trường tu học nghiêm túc, hiểu sai, thực hành sai, không ai bảo hộ thì không chỉ gây tai hại cho chính bản thân mình và còn gây ra tai hoạ cho giáo hội, cho xã hội nữa. Cho nên chọn bến để đỗ, chọn cây để đậu, chọn đất để mọc là chuyện mà mình phải cẩn thận và đắn đo kỹ lưỡng. Mình phải thông minh và biết mở lòng ra để quan sát. Mình không nên dễ dãi phó thác cuộc đời mình vào những nơi mà mình chưa biết sự thật về nó rồi sau này có hối hận thì mình cũng đã dang dở hết nửa đời hoặc cả đời tu rồi. Tu như vậy thì thà đừng đi tu còn hơn. Tu phải đi cho đúng đường, phải được học tập, phải được thực hành, phải được bảo bọc thì mới đáng với việc làm bỏ nhà, bỏ xóm, bỏ sự nghiệp thế gian. Mình đi tu phải với tư cách của tập thể, cộng đồng, của xóm làng, của quê hương đất nước thì mình mới mau tới được. Tại vì mình sẽ không cho phép mình thất bại, té xuống rồi thì phải biết đứng dậy mà đi tiếp. Mình thất bại thì tất cả sẽ thất bại theo. Sự nghiệp tu hành thì cũng giống y chang như sự nghiệp ngoài thế tục. Ngoài đời nếu mình không ăn nên làm ra, cứ long bong cho hết ngày tháng thì người ta sẽ khinh mình dù đó là người thân. Huống chi xã hội sẽ đào thải mình. Mình sẽ bị bỏ lại, sẽ bị loại trừ. Đi tu cũng vậy, nếu mình trở thành một ông thầy tu có danh phẩm mà kinh điển không thông suốt, thực hành chẳng có phẩm chất nào thì mình cũng bị loại trừ và bỏ lại.


Lời cuối cùng nhắn gởi là mong các thầy cô hãy nhìn lại tâm Bồ đề của mình mà tinh tấn lên. Trong quá khứ có thể đã có những vụng về, những đổ vỡ, những thất bại, nhưng chúng ta có thể sửa sang lại ngay từ bây giờ. Chúng ta hãy ngồi lại với nhau trong tinh thần của một bó đũa để sức mạnh của Tăng-già luôn luôn bền vững mà không bị bất kỳ thế lực nào có thể bẻ gãy. Thế hệ chúng tôi sắp đi qua rồi, các thầy là sự tiếp nối của chúng tôi thì hy vọng các thầy sẽ làm hay hơn chúng tôi nhiều. Bây giờ việc học của các thầy có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi thuở trước, đời sống tự viện của các thầy đầy đủ phương tiện hơn chúng tôi thuở trước, nhưng đời sống tâm linh tức nội lực thì phải coi lại, nhìn kỹ lại, tại vì cái đó quyết định tất cả đó các thầy ơi! Các thầy phải định hướng cuộc đời mình ngay từ bây giờ, không còn chần chờ gì nữa. Các thầy phải nhìn sâu sắc để thấy cái gì có lợi cho con đường của mình thì mình tiếp tục vun đắp, còn cái gì phương hại tới thì phải từ bỏ liền, từ bỏ một cách cương quyết bằng tất cả hùng lực mà không luyến tiếc gì hết.


Vào đầu năm học mới, tôi có đôi điều tâm sự, nhắc nhở các thầy cô như thế, mong rằng suốt khoá học, các thầy cô sẽ thu thập nhiều điều bổ ích cho sự tu học của mình.