Trang chủ Tu học Tâm ngã mạn

Tâm ngã mạn

Ở đời ít nhiều trong chúng ta ai cũng có tâm ngã mạn, tùy điều kiện, hoàn cảnh môi trường mà tâm này được nuôi dưỡng thể hiện ra bên ngoài một cách thô hay vi tế mà thôi.

3904

Cho nên quan sát tâm ngã mạn để chúng ta có cơ hội xả bỏ và tiệm tiến từng bước một trên con đường tu tập, giải thoát từng phần.

Ngã mạn thuộc tham phần, nằm trong 14 tâm sở hữu bất thiện (si, vô tàm, vô qúy, phóng dật, tham, tà kiến, ngã mạn, sân, tật, lận, hối, hôn trầm, thuỵ miên và hoài nghi).

Có thể hiểu như sau “ngã” là so sánh, liên hệ cái mình đang có so với người khác, “mạn” là liên hệ tới những gì mình không có mà tưởng rằng mình có. Biểu hiện của ngã mạn như “tôi là thế”, “tôi bằng ngang với…”, “tôi cao qúy hơn”, “tôi thấp thua hơn…”…

Chánh Tạnh có nêu ra 27 trạng thái kiêu hãnh, bạn đồng hành của ngã mạn như sau: kiêu hãnh chủng tộc, kiêu hãnh họ tộc, kiêu hãnh sức khoẻ, kiêu hãnh tuổi thanh niên, kiêu hãnh đời sống tiện nghi, kiêu hãnh lợi lộc, kiêu hãnh kính ngưỡng, kiêu hãnh trọng vọng, kiêu hãnh tôn vinh, kiêu hãnh tuỳ tùng, kiêu hãnh tài sản, kiêu hãnh dung nhan, kiêu hãnh học vấn, kiêu hãnh biện luận, kiêu hãnh lão thành, kiêu hãnh khất thực, kiêu hãnh danh dự, kiêu hãnh oai nghi, kiêu hãnh thần thông, kiêu hãnh danh tiếng, kiêu hãnh giới hạnh, kiêu hãnh thiền chứng, kiêu hãnh nghề nghiệp, kiêu hãnh tài cao, kiêu hãnh tính khoáng đạt, kiêu hãnh địa vị, kiêu hãnh sung túc.

Các trạng thái kiêu hãnh này sẽ trở nên uế nhiễm khi dùng nó để tôn cao mình và hạ thấp người khác, lấy đó để tranh những phần hơn về mình, đẩy thua thiệt cho người khác…

Ngã mãn là cái tâm so sánh, đi đến đâu, tiếp xúc với ai cũng khởi so sánh về tuổi tác, địa vị, tài sản, danh tiếng để tỏ thái độ kẻ cả: tôi như thế này mà phải ngồi đây à, tôi như thế này mà phải tiếp họ à, tôi như thế này mà phải ăn thứ này à…

Ngã mạn đi với kiêu hãnh thì thích khoe khoang, quảng cáo quá sự thật, thích đến những nơi sang trọng đẳng cấp để tạo danh tiếng, thích chụp hình chung với giới giàu sang quyền chức, phóng ảnh to lớn treo trong nhà, luôn muốn tạo ra khoảng cách và cách biệt giữa mình và người khác lấy đó làm tự mãn thích thú.

Ngã mạn cũng là hiểu sai tà kiến, hoặc chấp có, hoặc chấp không, hoặc chấp thường, hoặc chấp đoạn. Đôi khi cũng biết đó là hiểu sai nhưng khi người ta góp ý chỉ ra cho mình nhưng mình vẫn không sửa đổi đó chính là ngã mạn.

Biết sai mà vẫn làm là do si phần (si, vô tàm, vô quý, phóng dật), hôn phần (trạng thái tâm chìm đắm của hôn trầm, thuỵ miên) và hoài nghi phần (hoài nghi) chi phối kết hợp với 12 tâm bất thiện và 7 tâm quả bất thiện mà ngã mạn gây tác hại tới mức không còn đường lui.

Chẳng hạn như nhóm phụ nữ giết người đổ xi măng giấu xác trong thùng nhựa là một ví dụ. Do ngã mạn tự xưng mình chứng quả thông thiên, thấy người tu khác đi sai phương pháp của mình, hoài nghi mình, chống đối mình, nên mình cảm thấy bị mất đi sự trọng vọng, nảy sinh tâm thù hận và ra tay sát hại.

Khi so sánh cái tôi có và người khác có như so sánh về phước báo giàu sang, địa vị, quyền lực, kiến thức, thấy người khác có vẻ thua kém mình nên nảy sinh ngã mạn, muốn người khác phải phục tùng mệnh lệnh, chỉ thị, ý kiến của mình một cách vô điều kiện thì mình mới vui lòng.

Từ tâm ngã mạn ấy mà người ta nâng hay giảm cấp ứng xử khi quan tâm tới người khác. Cho nên ở đời thường khi thấy người giàu, người có địa vị, học vấn, họ thường tiếp đón trịnh trọng, niềm nở hơn, vì nó cũng nâng cấp cho ngã mạn của chính họ.

Và cái người được đón tiếp kia mà thấy không có sự đón tiếp trịnh trọng, không giới thiệu hết chức danh chức vụ thì cảm giác cái ngã của mình bị tổn giảm, dẫn đến để bụng, hờn trách, không mặn mà trong giao du nữa.

Ngã mạn có 2 trạng thái tự tôn và tự ti. Nhưng tự tôn mà núp trong lớp vỏ tự ti, thì gọi là giả trang thiền tướng, sống ở nơi xa hoa, lên xe xuống ngựa, tiêu tiền hoang phí, vẻ ngoài cố tỏ ra mình bần hàn, ăn mặc rách rưới, lôi thôi, mà bên trong thái độ thì “mục hạ vô nhân”, ưa thích quát tháo, chen trước, ngồi trên…

Ngã mạn mà đi với tâm đố kỵ thuộc sân phần (sân, tật, lận, hối) trong 14 tâm sở hữu bất thiện, thì không muốn, không vui khi người khác hơn mình, hoặc chỉ muốn kéo người khác xuống thấp cho bằng mình, kém hơn mình, nên ra sức tìm lỗi trong hành vi cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói của họ để dìm họ xuống.

Một xã hội ngã mạn (tự tôn, tự ti) chính là xã hội mà người ta luôn sống trong trạng thái tâm lý ghen ăn tức ở, không vui với cái vui của người khác, không mừng với những thành công của người khác, do khác tư tưởng, chính kiến, niềm tin tôn giáo, tầng lớp, hệ phái…

Chẳng hạn một tỷ phú trong nước, ai cũng nghĩ sự giàu có của ông ta, chắc chắn cũng phải thuộc lợi ích nhóm nào đó, cho nên khi họ xảy ra chuyện thì nhiều người vỗ tay vui mừng.

Nhưng ở một bức tranh toàn cảnh hơn, giá trị họ tạo ra là hình ảnh của một xã hội hiện đại. Từ cách thức buôn bán đến giao tiếp ứng xử đều tiệm cận với trình độ phát triển của một lối sống xã hội văn minh.

Muốn đổi thay xã hội này theo hướng ấy đâu thể thiếu các hình tướng như vậy.

Xã hội của một tâm thức nghèo nàn, thiếu ăn thiếu mặc, giành giật vụ lợi, thường đem đến tâm lý so sánh hơn thua, nảy sinh cảm giác tự ti, thua thiệt sinh ra buồn khổ, đố kỵ.

Đó cũng là tướng trạng bất thiện của tâm ngã mạn.

Một xã hội gia trưởng cũng là một xã hội ngã mạn. Người đản ông ngồi rung đùi, nói chuyện chính trị, triết lý cao siêu kỳ bí, nhưng để vợ nấu nướng, rửa bát, giặt giũ, chùi nhà vệ sinh, mà không biết phụ giúp vợ các việc trong gia đình. Đó chính là ngã mạn về giới.

Những bậc cha mẹ không cho con trai vào bếp không cho con trai dọn dẹp vệ sinh, giặt giũ, coi việc đó là việc của đàn bà, cũng là ngã mạn về tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Tự cho mình cái quyền dẫn dắt dư luận, lấn át thông tin cũng là hiện tướng của một xã hội ngã mạn. Báo chí đưa tin không khách quan trung thực gây hại đến uy tín cá nhân tổ chức nhưng không cải chính, xin lỗi, đó là ngã mạn về quyền lực thông tin.

Ngã mạn luôn đồng hoá với địa vị chức tước nên hai mặt danh thiếp bao giờ cũng ghi kín các chức vụ, học hàm, học vị. Ngã mạn cũng thường tung hô lãnh tụ của mình là cứu tinh nhân loại, thường xem đất nước mình có vai trò canh giữ hoà bình thế giới. Ngược với nó là thái độ tự ti, xem nước mình là thấp kém, nhục nhã…

Còn rất nhiều biểu hiện của ngã mạn trong tâm thức cá nhân cộng đồng. Nhưng gốc của ngã mạn cũng từ tham sân si mà ra, nên nó cũng nằm trong 12 tâm bất thiện dục giới.

Ngã mạn cũng có kích lực mạnh mẽ khiến họ luôn đi đứng ưỡn ngực, thái độ kẻ cả, tự hào cái gì nằm trong tay mình cũng giải quyết được hết…

Cho nên tu hành là thấy biết các trạng thái tâm ngã mạn nổi lên trong chính mình để tự mình điều chỉnh khiến nó ít gây tác hại hơn.

Và cũng xin chớ vội khinh khi ai quá mức khi họ một lúc nào đó có bộc lộ sự ngã mạn. Bởi yên tâm đi, khi chưa chứng đến thánh quả thứ tư thì ngã mạn tùy mức độ thân thiết vẫn tìm đến gõ cửa tâm thức để mời mình đi ngao du sơn thủy hoài hoài…