Trang chủ Tu học Phổ thông Tám mối lo thế tục trong Phật giáo

Tám mối lo thế tục trong Phật giáo

104

Vậy “Tám mối lo toan thế tục” là gì? Đó là những tình huống, những mối bận tâm và lo lắng làm xao lãng tâm thức và sự sinh hoạt của người tu tập.

Những mối bận tâm đó được phân chia thành bốn cặp :

– Mong ước được lợi lộc (labha) – lo sợ bị thua thiệt (alabha)

– Mong ước được lạc thú (sukha) – lo sợ khổ đau (duhkha)

– Mong ước được lừng danh, vinh quang (yasa) – lo sợ bị thất sủng, ghét bỏ (ayasa)

– Mong ước được ngợi khen (prasamsa) – lo sợ bị quở phạt (ninda)

Tóm lại đấy là tám mối bận tâm chi phối mọi sinh hoạt của con người trong xã hội, thể hiện bằng hai thái độ : mong ước và lo sợ.

Sự vận hành thật phức tạp của tâm thức tạo ra vô số tư duy và đủ loại xúc cảm, thế nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng thì đơn giản chỉ có hai tâm trạng đối nghịch nhau : hoặc hân hoan, ước mơ, chờ đợi hoặc khổ đau, lo âu, sợ sệt…

Cả hai tình huống này đều mang lại những xúc cảm ít nhiều bấn loạn.

Thể dạng trung hòa của tâm thức thật hết sức hiếm hoi. Có thể xem hai thể dạng trên đây tượng trưng cho hai thái cực của xúc cảm trong tâm thức, chúng vừa liên kết lại vừa đối nghịch với nhau.

Tâm thức thường xuyên vận hành dưới một trong hai thể dạng tương quan với hai tâm trạng mong ước và lo sợ phát sinh từ bản năng.

Nếu một cá thể bị chi phối bởi tâm trạng mong ước những điều tốt đẹp thì tâm thức có vẻ như tích cực, ngược lại nếu cá thể rơi vào sự lo sợ triền miên của thua thiệt, khổ đau, ghét bỏ… tâm thức sẽ mang tính cách tiêu cực và bấn loạn nhiều hơn.

Thật ra sự vận hành và sinh hoạt của tâm thức phức tạp hơn nhiều, rất khó phân định minh bạch và dứt khoát hai tâm trạng trên đây, lý do vì lục giác (gồm năm giác cảm và tri thức) luôn xen vào sự vận hành của tâm thức che lấp hai thể dạng trên đây.

Hơn nữa còn có sự tham gia của nghiệp tác động vào sự cảm nhận của lục giác làm phát sinh những xung năng khác nhau.

Dù chưa quen phân tích sự sinh hoạt của tâm thức chúng ta vẫn có thể hình dung ra hai xu hướng luôn chi phối mình là mong ước và lo sợ.

Hãy chọn một thí dụ đơn giản, chẳng hạn các mối lo toan như “mong ước được lợi lộc và lo sợ bị mất mát” thúc đẩy chúng ta “mong ước”  thu góp và tích lũy của cải để trở thành sở hữu chủ và sau đó chúng ta “lo sợ” của cải ấy sẽ bị mất đi.

Thí dụ ta mong ước có một chiếc xe đạp để đi làm. Thế nhưng khi đã có xe đạp thì ta lại mong ước tậu được xe gắn máy hay xe hơi, sự mong ước cứ thế tăng dần…

Trong khi sử dụng xe đi làm hay đi mua sắm ta khóa xe cẩn thận hay gởi xe ở bên đường, thế nhưng ta vẫn cứ áy náy sợ mất. Trong sở ta phải làm việc, nơi cửa hàng ta mải mê chọn lựa hàng hóa, thế nhưng sự lo sợ mất xe vẫn tiềm tàng trong trí, mặc dù ta không trực tiếp nghĩ đến…

Trên đường về nhà ta thấy các chiếc xe đẹp hơn, to hơn, tuy phải chú tâm vào việc lái xe nhưng sự thèm muốn vẫn tác động trong tâm thức…

Nếu suy luận rộng thêm ta sẽ nhận thấy vô số các mối lo toan liên quan đến tiền bạc, nhà cửa, hạnh phúc, danh vọng, sắc đẹp, người yêu, kẻ ghét, bệnh tật, ngợi khen, ganh tị …thường xuyên nổi lên trong đầu, chúng dồn dập hiển hiện chi phối và đày đọa ta.

Ý thức được tám mối lo toan thế tục có nghĩa là ý thức được tâm thức ta lúc nào cũng bị tràn ngập bởi những xúc cảm đủ loại, tu tập tức là làm lắng xuống những xúc cảm đó.

Vì những lý do trên đây nên Đức Phật khuyên người tu tập nên chọn lối sống khất thực. Thế nhưng trong cuộc sống dồn dập và xô bồ của xã hội tân tiến ngày nay, “tám mối lo toan thế tục” trở nên phức tạp và tinh vi gấp bội so với lối sống giản dị và đơn sơ của con người từ hàng nghìn năm trước.

Việc khất thực và sống bên lề xã hội trở thành gần như không tưởng hay ít ra cũng mất đi ít nhiều tính cách lý tưởng và cao đẹp của nó.

Thật vậy chẳng lẽ chúng ta lại chọn cuộc sống của những người ăn mày vô gia cư (clochard – tramp, homeless) tại các thành phố Tây phương ngày nay? Đấy là một tệ trạng không giải quyết được của các xã hội phương Tây.

Ngược lại trên một bình diện khác và một thái cực khác, hành vi vướng mắc trong tám mối lo toan thế tục của một số người xuất gia cũng có thể làm cho chúng ta khiếp sợ không kém.

Thế nhưng may mắn thay, dường như Đức Phật lúc nào cũng có sẵn cho chúng ta những liều thuốc hóa giải. Thật vậy trong đời sống thường nhật rất khó cho chúng ta vượt khỏi tám mối lo toan thế tục vì những ước mong và lo sợ luôn ám ảnh chúng ta.

Ta không thể làm gì khác hơn vì sự vận hành đó trong tâm thức là những gì thật tự nhiên, liên quan đến căn nghiệp và bản năng của chính mình, do đó ta đành phải chấp nhận tác động của những xúc cảm ấy nhưng hãy đảo ngược đối tượng của chúng.

Thay vì ước mong lợi lộc, lạc thú, vinh quang và ngợi khen cho riêng mình thì ta hãy ước mong tất cả chúng sinh đạt được những điều tốt đẹp ấy.

Thay vì lo sợ bị mất mát, khổ đau, ghét bỏ và quở phạt, ta quên mình và cầu mong cho tất cả chúng sinh tránh được những cảnh huống đọa đày này.

Đấy là lòng từ bi vô biên mà Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta hãy mang ra sử dụng như một liều thuốc hóa giải những vướng mắc của ích kỷ và những lo toan của thế tục.

Để thay cho lời kết chúng ta hãy đọc một giai thoại về đại thi hào Tô Đông Pha (Su Dongpo, 1037 – 1101). Tên là Tô Thức, tự Tử Chiêm, bút hiệu Đông Pha cư sĩ, ông là một người tu hành uyên thâm, một thi nhân, họa sĩ và nhà thư pháp nổi danh thời nhà Tống. Ông có làm một bài thơ tán tụng Đức Phật rất nổi tiếng như sau :

Khể thủ Thiên trung thiên,
Hào quang chiếu đại thiên.
Bát phong xuy bất động,
Đoan tọa tử kim liên.

Tạm dịch như sau :

Quỳ lạy vị Trời ở giữa trời,
Hào quang chiếu rọi khắp muôn nơi.
“Tám gió” tung hoành không lay động,
Tòa sen vàng tía, lặng im ngồi.

Khể thủ là mọp đầu xuống đất, Vị Trời ở giữa trời ngụ ý là Đức Phật, “tám ngọn gió” tượng trưng cho “tám mối lo toan thế tục”, tử kim có nghĩa là màu vàng sắc tím.

Tô Đông Pha làm bài thơ trên đây trong bối cảnh nào? Ông làm quan dưới triều Tống Thần Tông, theo đạo Phật, rất từ bi và yêu thương dân chúng.

Ông đứng về phe “bảo thủ” do Tư Mã Quang (Sima Guang) cầm đầu chống lại các biện pháp canh tân của thừa tướng Vương An Thạch (Wang Ashi), lý do ông nhận thấy các biện pháp cải cách của Vương An Thạch quá cực đoan làm nhân dân ta thán vì không theo kịp.

Tô Đông Pha bị người nhà của Vương An Thạch dèm pha khiến ông bị giáng chức và đày đi Hàng Châu.

Thời bấy giờ Hàng Châu mang tên là huyện Tây An, một thị trấn nhỏ bên bờ phía bắc của dòng Trường giang mênh mông.

Trong thời gian này ông kết thân với một vị đại thiền sư là Phật Ấn (Foyin) trụ trì ngôi chùa Kim Sơn (Jinshan) tọa lạc trên bờ phía nam.

Hai ông thường cùng nhau du ngoạn trên sông đàm đạo Phật Pháp và thi phú.

Tô Đông Pha làm bài thơ trên đây trong khoảng thời gian này. Ông rất tâm đắc khi làm xong bài thơ, vỗ đùi và ngâm đi ngâm lại suốt mấy hôm.

Sau đó ông sai người nhà lấy thuyền đưa tên tiểu đồng vượt sang bên kia sông tìm đến chùa Kim Sơn đưa bài thơ cho thiền sư Phật Ấn xem.

Sau khi tên tiểu đồng ra đi với bài thơ, bên này sông ông thấp thỏm đợi nó quay về với những lời ngợi khen của Phật Ấn.

Thế nhưng khi vừa xem xong bài thơ Phật Ấn lấy bút phê ngay bên dưới hai chữ : “Fang pi !”, có nghĩa là “Đồ đánh rắm!”.

Các bản Việt dịch xưa nay luôn tránh né hai chữ “fang pi” và dịch trại ra là “phóng thi’ ” hay “lỡ trôn”.

Nghĩ cũng lạ, chữ nào mà chẳng như nhau, dơ sạch là trong đầu của ta, chữ nghĩa nào có tội tình gì. Các tư liệu bằng ngôn ngữ Tây phương về giai thoại này dịch chữ “pi” rất từ chương và sát nghĩa (pet – fart).

Dầu sao thì cũng xin tạ lỗi với người đọc vì đã nêu lên các chữ quá “thô tục” trên đây, không thích hợp với nội dung của bài viết.

Tính cách bộc trực trên đây biết đâu cũng là những gì đặc thù nơi tính khí người Trung hoa nói chung và Thiền học nói riêng, nhất là đối với học phái Lâm tế.

Các vị thầy thuộc học phái này đôi khi dùng những ngôn từ rất nặng nề, kể cả sử dụng roi gậy trong mục đích giúp người đệ tử thức tỉnh.

Trở lại với bài thơ của Tô Đông Pha. Ông thấp thỏm trông ngóng tên tiểu đồng từ bên kia sông trở về mang theo những lời tán dương của Phật Ấn.

Thế nhưng khi mở tờ thư pháp ra và thấy bút tích của Phật Ấn phê hai chữ “fang pi” bên dưới bài thơ, Tô Đông Pha đùng đùng nổi giận, đích thân xuống thuyền căng buồm băng ngang sông để tìm Phật Ấn.

Phật Ấn biết trước nên đóng cổng chùa và trốn biệt, vì dù sao ông cũng hiểu Tô Đông Pha là một vị quan có chút quyền uy. Tô Đông Pha mò lên chùa thấy vắng tanh, cửa cổng có viết dòng chữ như sau :

Tám ngọn gió không lay chuyển được mi
[Thế nhưng] một cái đánh rắm cũng đủ để thổi mi sang đến bờ bên này.

Ấy thế, những người tu tập vẫn cứ tưởng mình đã siêu thoát, vậy mà trên thực tế tám mối lo toan của thế tục vẫn trói buộc mình thật chặt.

Tô Đông Pha sau khi làm xong bài thơ thì rất đắc chí, mong đợi sự vinh quang sẽ đến, lo âu và hồi hộp ước mong nhận được những lời khen thưởng và sau đó thì khổ đau và tức giận khi bị khinh miệt …

Dù sao Tô Đông Pha cũng là một người tu tập, cũng hiểu được Đạo Pháp là gì, vì thế ông đứng ngẩn người trước cổng chùa Kim Sơn một lúc lâu và hiểu được bài thơ của ông chỉ là những gì phản ảnh cái tôi của chính mình, cái tâm trạng thua thiệt của một người bị thất sủng, muốn tìm một lý do để bào chữa sự mất mát ấy.

Qua hình ảnh của Đức Phật ông tự cho mình là người khinh bỉ lợi danh, “tám ngọn gió” không lay chuyển được ông, thế nhưng lời phê của Phật Ấn đã xoáy sâu vào tâm thức giúp ông ý thức được tám mối lo toan của thế tục vẫn còn đang hoành hành trong tâm thức mình.

Hóa ra cái rắm của thiền sư Phật Ấn đã khiến cho ông tỉnh ngộ.

Bures-Sur-Yvette, 19.11.10