Trang chủ Người thời nay Tấm lòng từ mẫu của một sư thầy

Tấm lòng từ mẫu của một sư thầy

128

Thương lắm những tiếng khóc trẻ thơ

Trong không gian yên tĩnh, gió thổi vi vu, ngoài cổng chùa Thái Ân (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) bỗng cất lên tiếng khóc của một bé gái khoảng 2 tuổi. Vừa khóc bé vừa gọi mẹ. “Khi đó thầy mới về làm trụ trì chùa (thầy về chùa năm 2006). Lúc ấy thầy và mọi người chỉ nghĩ là con của vị khách nào đó bị lạc. Nhưng hóa ra bé gái đó bị mang đến chùa bỏ. Đấy là bé đầu tiên”, sư thầy Thích Đàm Thảo nhớ lại.

Hai năm sau, vào ngày 27/4/2009, cũng tại chỗ ấy, những người đi chùa phát hiện một đứa trẻ sơ sinh được quấn trong khăn tã to. Mọi người vào báo cho sư thầy. Mở khăn ra, đó là một bé gái sơ sinh đỏ hỏn chưa rụng cuống rốn. Tìm khắp người bé, mọi người phát hiện mảnh giấy viết tay: “Tôi vì hoàn cảnh khó khăn, không thể nuôi con được, xin nhờ nhà chùa nuôi giúp. Khi nào có điều kiện, tôi xin được đón cháu sau”. Chính vì lời hứa ấy, sư thầy đã giữ bé lại chùa để chăm sóc. Thầy đặt tên bé là Thanh Tâm. Đến nay bé được gần 6 tuổi, đang theo học lớp mẫu giáo lớn trong làng.

Ngày ấy, sư thầy không nghĩ mình sẽ nuôi các bé lâu dài bởi bản thân thầy lo cho mình còn chưa xong. Khi đến trụ trì ở chùa Thái Ân, hành trang của sư thầy là một túi vải với vài bộ quần áo. Nơi để ở cùng rất khó khăn, mưa gió dột nát… lấy đâu tiền để mua sữa, mua bỉm cho Thanh Tâm. Cực chẳng đã, sư thầy mang bé về nhà bố mẹ ở Sơn Tây nhờ họ chăm sóc giúp. “Khi đó thầy chỉ nghĩ mình sẽ cưu mang Thanh Tâm một thời gian ngắn vì nghĩ cha mẹ bé sẽ đến đón”. Được một thời gian, cha mẹ già yếu, không thể chăm sóc bé tốt, sư thầy mang Tâm về chùa ở. Hai thầy trò rau cháo nuôi nhau.

Sư thầy Thích Đàm Thảo chăm chú xem từng đơn thuốc

Gần hai năm sau (2011), mọi người lại phát hiện có một bé sơ sinh bị bỏ ở cổng chùa. Sau khi báo với chính quyền địa phương về tình trạng trẻ bị bỏ rơi, thầy quyết định cưu mang đứa trẻ sơ sinh đó (tên Tuệ Tâm). Thầy bảo “mỗi đứa trẻ đến với mình là một cái duyên, mình không thể bỏ mặc”.

Để có tiền mua sữa, bỉm, tiền đi viện cho các bé, sư thầy không ngại khó, ngại khổ trồng trọt kiếm thêm. Mỗi khi thu hoạch xong, thầy cùng mọi người ra đồng vơ rạ, chất đống đốt lấy tro để bón rau hay trồng ít rau vụ đông để bán. Thương con, vất vả, cha mẹ sư thầy còn cho cô con gái út xuống phụ chị việc chăm sóc các bé.

Thương nhất là bé Tâm Phúc, bị bỏ ở cổng chùa năm 2013. Tâm Phúc không thể cất tiếng khóc như những đứa trẻ khác. Khi mở đống khăn quấn bé, mọi người giật mình vì người bé đã tím tái. Thậm chí nhiều người còn nói “trường hợp này không hi vọng gì”. Thế nhưng nhìn bé, sư thầy thương vô cùng. Không nản lòng, dù 12h đêm, thầy cũng vội vã bắt xe đưa bé ra Viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Đến nơi, bé được đưa vào lồng kính chăm sóc ngay lập tức.

“Sau khi khám xét, bác sỹ bảo với thầy, bé bị sinh non (chỉ khoảng 7 tháng). May đưa đến viện kịp thời bởi sinh non, phổi của bé vẫn chưa hoàn thiện, nhịp thở rất khó khăn. Nhịp thở của bé khò khè, như bị tắc nghẹn ở lồng ngực, nghe xót xa vô cùng. Thậm chí mắt bé cũng chưa hoàn thiện (chưa mở hết)…”, sư thầy tâm sự. Sau 23 ngày nằm trong lồng kính, sức khỏe của bé khá lên rõ rệt. “Những người mẹ khác khi nghe con khóc lớn thì xót xa, còn thầy thì mừng rỡ khi nghe thấy tiếng khóc to của Tâm Phúc. Bởi lúc ấy thầy biết bé đang khỏe. Có khỏe mới khóc được to”.

Luôn “xù lông” để bảo vệ “con”

Đang kể cho chúng tôi nghe về những mảnh đời sơ sinh bất hạnh ấy đến với mình như thế nào, thầy đứng bật dậy khi nghe tiếng ho của Nhân Tịnh (bé thứ 3, 10 tháng tuổi). Sư thầy bảo: “Đợi thầy chút, thầy lấy nước cam cho bé uống khỏi ho”. Hay khi bé Tuệ Tâm chào thầy để đi chơi cùng cha đỡ đầu, nhìn cảnh thầy căn dặn, âu yếm bé, tôi hiểu tình thương thầy dành cho chúng lớn lao như thế nào.

Chẳng ruột thịt, máu mủ với Tâm Phúc, ai cũng bảo “chẳng còn hi vọng” vậy mà thầy vẫn “chiến đấu” với “tử thần” đến cùng để giữ tính mạng cho bé. Bao ngày bé ở viện là bấy nhiêu ngày thầy ăn không ngon, ngủ không yên. Bé được nuôi trong lồng kính ở chế độ đặc biệt,không phải chăm sóc, thế nhưng sư thầy cũng chẳng rời nửa bước vì lo lắng… Ngày bé được xuất viện, thầy theo dõi từng cử chỉ nhỏ của bé. Nhìn cách thầy bế bé trong tay cũng như cách thầy chăm chú xem đơn thuốc… tôi thấy tình mẫu tử thật thiêng liêng.

Bé Tâm Phúc sống và khỏe mạnh nhờ sự chăm sóc của sư thầy

Thầy bảo: “Trong 6 đứa nhỏ, Tâm Phúc sức khỏe yếu nhất. Bé hay phải đi viện cấp cứu vì bệnh nọ, bệnh kia, đơn thuốc cũng theo đó mà thay đổi liên tục. Gần như lúc nào bé cũng phải uống kháng sinh để trị bệnh. Lúc 2 tháng tuổi cứ ăn vào bé lại nôn ra hết, hiện nay thì bị viêm tai giữa. Bác sỹ nói phải chú ý chăm sóc đặc biệt, bệnh chỉ đỡ chứ không khỏi”. Vậy mà dưới bàn tay chăm sóc của sư thầy, từ một đứa bé yếu ớt nặng 1,6kg nay bé được hơn 7kg, trộm vía rất kháu khỉnh, bụ bẫm.

Nhớ lại những năm tháng khó khăn, thầy bảo: “Để có được như ngày hôm nay, ngoài công sức của thầy còn là sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Người cho hộp sữa, người góp củi, góp công…”. Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ sư thầy nghĩ đến chuyện buông xuôi, từ bỏ việc chăm sóc bọn trẻ. Chúng như “khúc ruột” của thầy. Thầy đau nỗi đau của chúng và vui niềm vui của chúng.

Thấy thế, chúng tôi thắc mắc “sao thầy không cho nhận con nuôi”, thầy bảo “không cho vì chờ một lời hứa”. Những đứa trẻ đến với thầy đều kèm theo mảnh giấy ghi “sẽ trở lại đón con khi có điều kiện”. “Nhiều người xin thầy được làm cha, mẹ đỡ đầu cho bé này, bé kia, thầy còn phân vân và phải xem xét kỹ lưỡng mới quyết định. Chúng đã thiệt thòi, không có cha mẹ, thế nên nếu thật lòng yêu thương, quý mến chúng, thầy mới cho nhận”.

Với thầy, mong ước lớn nhất là được thấy chúng được cha mẹ đón về, sống trong vòng tay yêu thương của họ. Bởi ở với thầy, chúng rất khổ cực. 6 đứa nhỏ ở với thầy lớn được như ngày hôm nay là nhờ vào sự hảo tâm của mọi người. Quả thật, chỉ vài tiếng ngắn ngủi, chúng tôi thấy có mấy vị khách tay cầm hộp sữa đến cho các bé. Thậm chí đến củi đun, thầy cũng phải ra đồng kiếm. Thương thầy, một tín chủ mang củi đến cho thầy …

Sư thầy chỉ có thể lo cho chúng cái ăn, cái mặc không thể chăm lo, dạy dỗ việc học hành của chúng. Thầy chỉ hi vọng 6 đứa nhỏ hiện tại sẽ được hạnh phúc như trường hợp cô bé 2 tuổi bị bỏ đầu tiên (bé được mẹ đón về nuôi vài ngày sau đó. Bé chào đời trước khi cha mẹ bé tổ chức đám cưới. Giờ bé được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ). Thế nên, mỗi lần có người đến nhận, sư thầy đều hỏi han, quan sát kỹ lưỡng. “Rất nhiều trường hợp mạo danh là cha mẹ bị thầy phát hiện, họ ngượng ngùng đi về. Thầy không báo công an vì nhìn họ cũng tội nghiệp. Có lẽ họ hiếm muộn”…

Trời tối dần, chúng tôi xin phép thầy ra về. Sau lưng tôi, gian nhà dành để chăm sóc các bé đèn đã sáng. Tiếng trẻ con khóc hòa lẫn tiếng nựng yêu của thầy…