Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Tấm bia đá cổ đặc biệt trong hang động và mối lương...

Tấm bia đá cổ đặc biệt trong hang động và mối lương duyên Việt Nhật

295

Chiều 16/2, Thượng tọa Thích Huệ Vinh (trụ trì chùa Quán Thế Âm) cho hay, vào ngày 6-2 tại động Hoa Nghiêm thuộc ngọn Thủy Sơn, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), đại diện cộng đồng người Nhật sống tại TP cùng với Thượng tọa và chùa Tam Thai đã làm lễ tưởng niệm 350 năm ngày mất của thương nhân Kadoya Shichirobei.

Đây là thương nhân nổi tiếng đã theo các đoàn thuyền Châu Ấn đến Việt Nam vào Hội An thông qua sông Cổ Cò. Các đoàn thuyền đi từ cửa Hàn của Đà Nẵng ghé qua Ngũ Hành Sơn. Các thương nhân Nhật Bản thường ghé tham quan Ngũ Hành Sơn và đóng góp xây dựng, trùng tu chùa Tam Thai.

Vì vậy năm 1640, Thiền sư Huệ Đạo Minh trụ trì chùa đã cho dựng tấm bia ký ghi lại việc xây dựng và đóng góp của các thương nhân Nhật Bản và các quan lại, gia đình ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Tấm bia ký có tên Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật, hiện nay, còn lưu giữ ngay chánh điện của động Hoa Nghiêm.

Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật là là loại bia ma nhai rất hiếm và là hiện vật gốc độc bản hiếm thấy mang những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt. Từ năm 2010, đại diện của TP Đà Nẵng đã mang bản dập của tấm bia ký này sang tặng cho đại điện gia tộc của thương nhân này.


Trong khi đó, tại TP Matsusaka (Nhật Bản) hiện nay còn lưu giữ các tài liệu, ghi nhận những thông tin về việc các chúa Nguyễn tặng cho thương gia này : 01 cái chuông và bức tranh Thác Kiến Quan Thế Âm. Bức tranh này đang được thờ tại chùa Jomyo, TP Nagoya, tỉnh Aichi.

Ngôi chùa này còn có bức tranh nổi tiếng là Giao Chỉ Hải Đồ Mậu Dịch được lưu giữ cẩn thận hàng trăm năm nay, thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các thương nhân Nhật Bản với Việt Nam.

Cùng thời điểm, tại Nhật Bản cũng diễn ra lễ tưởng niệm này. Ảnh: ĐH

Đặc biệt, cũng trong ngày 6-2-2022, cùng thời điểm tổ chức tại động Hoa Nghiêm thì tại Nhật Bản cũng tổ chức tưởng niệm 350 năm ngày mất của thương nhân Kadoya Shichirobei. Bản dập tấm bia kí là món quà của TP Đà Nẵng gửi tặng đã được chính quyền và giá tộc này trưng bày trang trọng.

Được biết, ngay bến sông của chùa Quán Thế Âm cũng từng là nơi bến đỗ của thuyền ngự Vua Minh Mạng khi đi kinh lý ghé thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bến đỗ này cũng là nơi các thương nhân thuyền Châu Ấn của Nhật Bản dừng chân.

Vì vậy, những năm gần đây đã có nhiều đoàn Phật giáo Nhật Bản đến giao lưu với chùa Quán Thế Âm. Hằng năm vào dịp lễ Hội Quán Thế Âm các chùa của Nhật đều cử đại điện tham dự lễ hội này.

Thượng toạ Thích Huệ Vinh cho hay, việc tổ chức lễ tưởng niệm cũng là hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Ngày 19-2 âm lịch tới đây chùa vẫn tổ chức lễ Hội Quán Thế Âm nhưng quy mô nhỏ vì dịch bệnh.

LÊ PHI/PHÁP LUẬT