Trang chủ Quốc tế Taliban thay đổi thái độ về việc bảo tồn các di sản

Taliban thay đổi thái độ về việc bảo tồn các di sản

Hồi tháng 3 năm 2001, Taliban đã gây chấn động thế giới khi cho nổ tung các bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan. Hai thập niên sau, họ đã trở lại nắm quyền và tuyên bố đang có những bước tiến trong việc bảo tồn di sản hàng ngàn năm tuổi của Afghanistan, bao gồm cả các di tích thời kỳ tiền Hồi giáo.

Ngay cả nhiều tháng trước khi họ tiếp quản toàn quốc Afghanistan hồi năm 2021, Taliban đã kêu gọi bảo vệ các di tích cổ trong nước, làm dấy lên sự hoài nghi trong giới quan sát.

“Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ, giám sát và bảo tồn chặt chẽ các hiện vật này” và các khu di tích ở Afghanistan, theo một lệnh do chính quyền Taliban đưa ra vào tháng 2 năm đó.

Họ cho biết, chúng là “một phần của lịch sử, bản sắc và nền văn hóa phong phú của đất nước chúng ta”.

Kể từ khi họ trở lại nắm quyền và nhiều thập niên chiến tranh đã kết thúc, các phát hiện khảo cổ học – đặc biệt liên quan đến Phật giáo – đã gia tăng, với những khám phá được chính quyền [Taliban] công bố.

Ở phía đông Tỉnh Laghman, các hốc đá được chạm khắc trong Làng Gowarjan được cho là kho chứa đồ có niên đại từ thời đế chế Kushan, trải dài từ Sa mạc Gobi đến Sông Hằng cách đây 2.000 năm.

Cũng tại Laghman, người ta đã tìm thấy những dòng chữ Brahmi được khắc, cùng với một phiến đá rỗng dùng để giã nho làm rượu.

“Người ta nói rằng lịch sử Afghanistan đã có từ 5.000 năm trước — những di tích cổ đại này chứng minh điều đó; người ta đã từng sống ở đây,” Mohammed Yaqoub Ayoubi, giám đốc sở văn hóa và du lịch của tỉnh cho biết.

“Cho dù họ có theo đạo Hồi hay không, họ vẫn có một vương quốc ở đây,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Taliban “rất chú ý” đến việc bảo tồn những di tích này.

Tại Tỉnh Ghazni gần đó, người đứng đầu về thông tin và văn hóa Hamidullah Nisar cũng đồng tình với quan điểm này.

Những bức tượng Phật giáo mới được phát hiện gần đây phải được “bảo vệ và truyền lại cho các thế hệ tương lai, vì đó là một phần lịch sử của chúng ta”, ông nói.

Những di vật này có thể đã gặp phải một số phận khác trong thời kỳ Taliban cai trị lần đầu tiên từ năm 1996 đến năm 2001.

Vài ngày sau khi Mullah Omar (người sáng lập Taliban) ra lệnh phá hủy tất cả các bức tượng Phật giáo để ngăn chặn việc thờ thần tượng, những bức tượng Phật khổng lồ 1.500 năm tuổi ở trung tâm tỉnh Bamiyan đã bị phá hủy — Taliban không hề nao núng trước tiếng kêu gọi [bảo vệ tượng Phật] của quốc tế.

“Khi họ trở về nắm quyền, mọi người nghĩ rằng họ sẽ không coi trọng các di tích lịch sử,” theo lời Mohammed Nadir Makhawar, giám đốc bảo tồn di sản tại Laghman, một vị trí mà ông nắm giữ dưới thời nước cộng hòa bị lật đổ, cho biết. “Nhưng chúng tôi thấy rằng họ coi trọng chúng.”

Vào tháng 12 năm 2021, Taliban đã mở lại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan, nơi họ từng phá hủy các hiện vật tiền Hồi giáo.

Năm sau, họ đã liên hệ với Aga Khan Trust for Culture (AKTC) để giúp bảo tồn di tích Phật giáo lịch sử Mes Aynak, nơi cũng có một mỏ đồng theo hợp đồng phát triển với một tập đoàn Trung Quốc.

“Yêu cầu này thật bất ngờ”, Ajmal Maiwandi, người đứng đầu AKTC tại Afghanistan, cho biết, ông thậm chí còn ghi nhận “sự nhiệt tình” từ chính quyền trong việc hỗ trợ công tác bảo tồn.

“Tôi nghĩ Taliban đã hiểu được việc phá hủy các bức tượng Phật Bamiyan đã làm tổn hại đến danh tiếng của họ như thế nào”, Valery Freland, giám đốc của tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo vệ Di sản (Alliance for the Protection of Heritage) cho biết.

“Họ dường như ngày nay quan tâm đến việc bảo tồn di sản vật chất trong mọi sự đa dạng của nó”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng chính quyền Taliban không mở rộng mối quan tâm tương tự đối với di sản phi vật thể: âm nhạc, khiêu vũ, văn hóa dân gian và bất kỳ điều gì liên quan đến phụ nữ vẫn là một ranh giới đỏ trong cách giải thích nghiêm khắc của họ về đạo Hồi.

Và trong khi một giáo đường Do Thái lịch sử ở thành phố Herat được bảo tồn sau khi Taliban tiếp quản, chính quyền địa phương gần đây đã phản đối sự chú ý của giới truyền thông về địa điểm này và về cộng đồng Do Thái trước đây của thành phố.

Afghanistan đã ký một số công ước về di sản kể từ khi Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên, với việc phá hủy nó được coi là tội ác chiến tranh vào năm 2016.

Ngoài nguy cơ làm phật lòng cộng đồng quốc tế — những người mà Taliban đang tìm kiếm sự công nhận — di sản của Afghanistan đại diện cho “một đòn bẩy tiềm năng cho du lịch và phát triển kinh tế của đất nước”, một chuyên gia trong ngành giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, chính quyền phải đối mặt với hai thách thức lớn, nguồn tin cho biết, chỉ ra tình trạng thiếu nguồn lực tài chính và sự ra đi — sau khi họ tiếp quản — của “giới tinh hoa khảo cổ và di sản”.

An ninh cũng có thể cản trở tham vọng du lịch; một nhóm người đến thăm Bamiyan đã bị tấn công khủng bố chết người vào năm ngoái.

Trong bảo tàng Laghman nhỏ bé, một túi nhựa và tờ báo đóng vai trò bảo vệ các bức tượng nhỏ, một trong số đó khắc họa khuôn mặt của một vị thiên nữ Phật giáo.

Người ta đã phát hiện ra nó vào năm ngoái trong sân của một trang trại, giữa những con bò và dê đang xay xát ngũ cốc.

Ayoubi cho biết ông cần sự giúp đỡ để bảo quản và nghiên cứu chúng một cách thích hợp nhằm xác định độ tuổi chính xác của chúng, một quá trình bị cản trở bởi bốn thập niên chiến tranh ở Afghanistan.

Cướp, trộm di sản cũng đã chứng minh là một thách thức đang diễn ra, với hơn 30 địa điểm vẫn đang bị “cướp bóc tích cực”, theo một nghiên cứu năm 2023 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago cho biết.

Ngay cả khi các dự án bảo tồn không bị gián đoạn, Maiwandi vẫn “lạc quan thận trọng”.

“Tình hình ở Afghanistan có thể thay đổi nhanh chóng”, ông nói.

Nguyên Giác (dịch), Theo Taipei Times, Thứ Tư, ngày 23 tháng 4/2025