Trang chủ Diễn đàn Tại sao sân chùa Việt Nam không trồng hoa đào?

Tại sao sân chùa Việt Nam không trồng hoa đào?

Ý nghĩa hoa đào

Từ thủa khai sơn lập địa ở lãnh thổ Việt Nam đã có hoa đào mọc khắp trên những vùng đất ở các tỉnh miền Tây bắc, mỗi mùa xuân về hoa đào nở tưng bừng khắp dẻo núi cao. 

Từ những nét độc đáo của sắc đào, dáng cây, nét cành, cho dù là đào cắt cành cắm trong lọ, cây đào cảnh trồng trong chậu, cây đào trồng trong vườn hay hoa đào rừng đều sở hữu những ngôn ngữ tuyệt mỹ về nó. Tại Hà Nội trước đây ngoài các vườn trồng hoa đào ở Nhật Tân, rất nhiều gia đình ở Nghi Tàm, Quang Bá, Tứ Liên cũng trồng hoa đào trong vườn nhà mình, cứ vào mùa xuân có nhiều nhà nhiếp ảnh đã tới đây ghi lại những nét đẹp của loài hoa quý này. 

Theo phong cách chơi hoa đào của người xưa, hoa đào ngày tết để dành tiếp đón khách quý đến thăm nhà đã trở thành nếp sống có từ hàng ngàn đời đến nay. Do vậy,  

Chùa Cái Bầu Quảng Ninh

cứ vào dịp giáp tết cổ truyền là người người, nhà nhà đi thưởng lãm hoa đào ngoài chợ, ngoài phố và tùy theo khả năng mà lựa chọn mua hoa đào cành lớn hay cảnh nhỏ. Hoặc mua đào cây, đào thế, đào kiểng, hoa đào rừng… Không chỉ các gia đình mà các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị kinh doanh cũng không thể thiếu cây đào hoặc cành đào trong ngày tết. Hoa đào đã song hành với không khí ăn tết của dân tộc ta.

Từ thủa thành Thăng Long xưa, dù là kẻ sĩ đến kẻ chợ, sĩ phu, người lao động chân đất đều có thú chơi hoa đào và cúng hoa đào vào ngày tết nguyên đán nên đất kinh kỳ đã hình thành hẳn một chợ hoa đào nhộn nhịp trên các dãy phố Hàng Rươi, Hàng Lược, Hàng Khoai và cửa chợ Đồng Xuân. Ngày nay hoa đào bán tràn lan cả ra phố Hàng Giấy, một đoạn phố Phan Đình Phùng giáp phố Hàng Cót, và hoa đào bán rong trên mọi nẻo đường phố Hà Nội từ ngoại thành đến Nhật Tân, Nghi Tàm, các con phố cổ, phố cũ, cho đến các khu phố mới xây dựng sau này đều có hoa đào của người bán dạo. 

Chùa Phước Huệ tại Úc

Nhiều năm nay, hoa đào cũng khoe sắc trong các chợ hoa tết ở Sài Gòn và hình tượng cụ đồ và cây hoa đào không chỉ có trong thơ ca ngoài miền bắc mà xuất hiện nhiều ở “Hòn ngọc viễn đông” này.

Hoa đào với tâm linh

Theo ông bà xưa kể lại truyền thuyết hoa đào trong ngày tết. Tại một vùng núi phía bắc có một cây hoa đào cổ thụ quanh năm xanh lá, đỏ hoa khi mùa xuân về mang lại hòa khí của thực vật, cây, hoa, cỏ và gió quanh vùng thêm sức sống. Trên cây hoa đào này thường được hai vị thần linh có oai lực hàng phục được ma chướng đã sống ở trên cây đào. Nhờ vậy, khắp vùng đó bọn ma quỷ không dám đến quấy nhiễu, thấy bóng vía hai vị thần là đều thối lui không để lại dấu vết, dân làng được đêm ngày an lành, chăm lo lao động, cầy cấy quanh năm với cuộc sống an bình. 

Do vậy, hoa đào còn được coi là một loài hoa không những là cây cảnh quý trong ngày tết mà còn được các gia chủ tin rằng nó sẽ phá tan chướng khí khi trưng bày trong phòng khách, ngoài cửa, hy vọng là có uy lực về tâm linh xua đuổi ma quỷ. Rất nhiều gia đình còn mua hoa đào tỉa cành về cắm trên bàn thờ Phật hoặc bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài.

Chùa Thiên Hậu Malaisia

Hoa đào trong văn hóa nghệ thuật

Để tôn vinh ý nghĩa của hoa đào với đời sống dân Việt, nhà biên kịch Trúc Đường khi viết một kịch bản về vua Quang Trung đã viết thêm một chi tiết, khi nhà vua đánh tan quan Mãn Thanh về đến làng hoa Ngọc Hà ở đất Thăng Long mua một cành đào rồi cho lính cấp tốc mang vô xứ Phú Xuân để tặng cho vợ là công chúa Ngọc Hân. Mặc dù trong sử không ghi chép chi tiết này, nhưng nhà biên kịch Trúc Đường vì quá yêu hoa đào nên đã đưa hoa đào lên sân khấu với chi tiết sáng tạo này.

Những thi sĩ lại càng dễ dàng thả hồn chau chuốt ý đẹp mô tả về loài hoa xuân này, như nhà thơ Bạch Cư Dị ở Trung Quốc trong một lần giữa tiết xuân vãn cảnh chùa thưởng thức sắc hoa đào trong sân chùa đã tâm đắc viết:

Một ngôi chùa tại Đài Loan

Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận,

Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai.

Trường hận xuân quy vô mịch xứ,

Bất tri chuyển nhập thử trung lai.

Thi sĩ Tản Đà ở Việt Nam đã dịch:

Tháng tư hoa đã hết mùa.

Hoa đào rực rỡ cảnh chùa mới nay.

Xuân về  kín chốn ai hay,

Biết đâu ẩn khuất trong này núi non.

Hoa đào còn là nguyên mẫu cho các họa sĩ mô tả phong phú về vẻ đẹp rực rỡ của nó bằng các loại hình từ các bức vẽ sơn dầu, sơn mài, mầu nước, tranh lụa, tranh thêu v v…

Đền Heian Nhật Bản

Hoa đào với chùa chiền

Chuyện kể rằng ở Trung Quốc đời Đường có một thiền sư Chí Cần là người quê Phước Kiến trên ba mươi năm định tâm công phu tu tập ở núi Linh Vân vùng Phước Châu. Trong sân chùa có một cây hoa đào cứ đến mùa xuân nở rộ nhưng thiền sư vẫn nhìn với cái tâm không phân biệt. Bỗng một năm Thiền sư thấy hoa đào nở rộ khác thường chiếu vào nhỡn quang liền bừng ngộ làm một bài kệ về hoa đào là: 

Kiếm khách bao năm mãi đợi chờ

Từng mùa lá đổ vẫn trăng mơ

Một phen chợt thấy hoa đào nở

Nghi sạch tiêu tan sáng không ngờ

Ngay từ câu đầu có hai từ “Kiếm khách” là ý nói bản tâm con người can trường khinh thường danh lợi, luôn vượt qua những nhỏ nhen tranh chấp. 

Rõ ràng hoa đào không chỉ được thăng hoa trong đời sống văn hóa của nhân gian mà còn mang tính nhân văn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Phật giáo

Ở xứ Phù tang, dường như ở đâu có chùa là ở đó có hoa anh đào từ trong sân chùa cho đến ngoài sân và hai bên lối đi vào cổng chùa đẹp đến nỗi người ta không thể mô tả hết những nét đẹp vô vàn với cảnh quan tuyệt mỹ nhường ấy.

Một Ngôi chùa đường Nguyễn Chí Thanh, Fancipan Tây Bắc

Tại Trung Quốc không có nhiều hoa anh đào như Nhật Bản, nhưng hoa đào bích cũng được đánh giá cao và phát triển rộng rãi ở một số tỉnh, bích đào phát triển mạnh nhất là ở thung lũng Peach Blossom tỉnh Nyingchi thuộc dân tộc Tây Tạng, đây cũng là vùng núi tuyết. Lễ hội hoa đào không chỉ có ở Nhật Bản, mà hàng năm tỉnh Nyingchi ở Trung Quốc cũng tổ chức lễ hội hoa đào thu hút rất nhiều Phật tử và du khách, người ta ví hoa đào ở vùng núi tuyết này là “Thụy Sĩ ở Tây Tạng”. Tây Tạng nguyên là một quốc gia độc lập nhưng Trung Quốc thâu tóm trở thành một vùng dân tộc của quốc gia này từ năm 1954. Cũng như ở Nhật Bản, những ngôi chùa ở Trung Quốc, Đài Loan cũng trồng hoa đào quanh chùa, tạo cho quần thể chốn tâm linh được thăng hoa phần thẩm mỹ.

Riêng Tây Tạng ở vùng núi cao có khí hậu khá khắc nghiệt, nhưng vào mùa xuân từ thủ đô Lhasa đến các vùng thảo nguyên, thung lũng, hoa đào cũng chen nhau khoe sắc khắp nơi. Những cây đào an nhiên tự tại bên những Tu viện, Bảo tháp, Thánh tích càng tôn lên giá trị kiến trúc độc đáo của những công trình Phật giáo xứ tuyết này.

Một ngôi chùa ở Paris Pháp

Việt Nam cũng là đất có một số tỉnh có khí hậu trồng hoa đào, ngoài đào bích còn có đào phai, bạch đào còn gọi là hoa mai trắng. Riêng các tỉnh thuộc vùng núi Tây bắc hoa đào nở trong rừng rất nhiều. Tại các tư gia , người dân ở đây cũng trồng hoa đào trước cửa, trong sân. Miền xuôi có Hà Nội, miền trung cao nguyên có Đà Lạt, thành phố này trước đây chỉ có hoa mai anh đào, khoảng mười hơn năm trở lại đây có ông Bùi Văn Lời là người miền bắc sống ở Đà Lạt đã mang cây đào là giống của Hà Nội lên thành phố núi này ghép cành nhân giống rất thành công.

Tuy vậy, ở cả ba miền có hoa đào phát triển nói trên không có một cây hoa đào nào được các chùa trồng ở sân chùa hay bên ngoài cửa chùa. 

Từ lâu đời những ngôi chùa ở miền bắc được các nhà sư chỉ trồng trong chùa phổ biến nhất là cây hoa đại (miền nam gọi là hoa sứ), cây hoa ngâu, các cây xanh và cây ăn quả khác. Cho đến ngày nay kinh tế phát triển thì cũng chỉ trồng thêm những loài cây hoa mới, hoàn toàn không có hoa đào. Có lẽ chỉ duy nhất chùa Vân Đồn ở Quảng Ninh có trồng hoa đào đã giúp cho các Phật tử thập phương tới đây được tận hưởng trọn vẹn tâm linh và khí xuân ở chốn thiền môn này. 

Nepal

Vào những ngày tết cổ truyền, các chùa chỉ mua đào chậu về để ở sân chùa cho gọi là có chút sắc tươi của hoa đào mà thôi. 

Ngay ở thành phố Đà Lạt mệnh danh là “thành phố hoa”, nhưng các Tu viện, các chùa, các Tịnh xá cũng chỉ có thêm các loại hoa thuộc giống mới nhập từ nước ngoài về, cho dù các con đường ở Đà Lạt rực rỡ hoa mai anh đào, thế nhưng rất ít chùa trồng hoa đào mà chỉ có Tu viện Vạn Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm và vài chùa khác trồng mai anh đào mà thôi vì loại mai anh đào này phù hợp khí hậu ở thành phố Đà Lạt. Nhưng như thế có thể nói là quá ít chùa trồng mai anh đào, ít đến mức không thấy nữa.

Ningchi Tây Tạng

Cho đến tận bây giờ Phật tử Việt Nam nghĩ nát óc đặt ra nhiều câu hỏi cũng không thể biết lý do tại sao chùa chiền ở Việt Nam phát triển như rừng mà chẳng có ngôi chùa nào trồng hoa đào, trong khi đó một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Bhutan v v… là những nước phát triển mạnh về Phật giáo thì hầu hết các chùa ở các quốc gia này đều trồng hoa đào trong và ngoài chùa vừa tạo thêm sinh khí vừa tạo cảnh quan và ý nghĩa hơn cả là thể hiện lòng kiên định yêu đất, yêu nước, yêu gió, yêu thiên nhiên, đặc biệt hơn là thể hiện rõ tấm lòng quý mến của những tu sĩ với đông đảo Phật tử đến thăm viếng chùa và chiêm bái Phật là bản hòa tấu đẹp đẽ thiêng liêng sẽ khắc sâu vào tâm khảm Phật tử.