Câu chuyện về cơ duyên được sở hữu khối ngọc quý nặng đến 4.5 tấn là câu chuyện dài và rất thú vị. Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn cả là tại sao lại quyết định tôn tạo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà không phải là các vị Phật hay Bồ tát khác như: Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa tạng,…
Trên thực tế, nhóm doanh nhân có duyên lành được sở hữu khối ngọc quý này đã suy nghĩ rất nhiều và bàn bạc ngày đêm để đưa ra phương án cuối cùng, làm sao để thuyết phục được tất cả mọi người, làm sao, để khối ngọc quý được sử dụng đúng mục đích nhất, ý nghĩa nhất. Tất cả các đề xuất đều được nghiên cứu thấu đáo. Hơn thế nữa, ngay sau khi ra quyết định cuối cùng, nhóm doanh nhân đã đi tham khảo ý kiến của rất nhiều vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như những người có uy tín khác trong nước.
Trên thực tế, trên cả thế giới này, có rất ít các vị vua quyết định từ bỏ cung vàng, điện ngọc, từ bỏ những gì mà ai ai cũng mơ ước để xuất gia tu tập. Đức vu Trần Nhân Tông (1258-1308) của chúng ta đã làm được việc này và trở thành Đệ Nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam.
Nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Ngài, những người tâm huyết thấy rằng Trần Nhân Tông là vị vua đời – vua đạo. Năm 16 tuổi Ngài được lập làm Hoàng thái tử. Năm 21 tuổi Ngài lên ngôi Vua. Tuy làm vua nhưng Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập theo triết lý Phật giáo. Vua Trần Nhân Tông tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy. Ngài tín tâm với đạo Phật, lại có tâm hồn nghệ sĩ và khí tiết hào hùng trong việc trị nước an dân. Ngài là vị vua thật sự có tâm Phật, lấy tâm Phật làm cốt tủy trong cuộc đời cũng như công việc.
Trần Nhân Tông là vị vua anh minh và đức độ. Tất cả những đức tính cao quý nhất mà được Đạo Phật đề cao như: từ, bi, hỷ, xả, trí tuệ, bác ái, bình đẳng, khoan dung, tinh tấn, .. đều kết tinh trong con người của Ngài. Vua Trần Nhân Tông luôn lấy đức trị dân nên trên thuận dưới hòa. Ngài luôn lấy ý dân làm gốc nên toàn dân tộc được vui hưởng hạnh phúc.
Sự kiện làm cho nhóm doanh nhân ấn tượng nhất là năm 35 tuổi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm thái Thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng, Ngài đã chỉ dạy cho con được sáu năm, sau đó Ngài xuất gia tu đạo Phật ở núi Yên Tử. Ngài quyết định tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh). Từ một vị vua việc Ngài quyết định tu khổ hạnh làm cho ai ai cũng xúc động! Một tấm gương sáng cho mọi doanh nhân, Phật tử chúng ta noi theo.
Trần Nhân Tông là con người vẹn toàn. Vẹn toàn cả đời lẫn đạo. Ngài là một nhà vua tài năng. Ngài là một thiền sư tu tập viên mật và tinh tấn. Ngài là một vị tướng lĩnh tài giỏi. Dưới triều đại của Ngài, hai hội nghị lịch sử là hội nghị Diên Hồng và hội nghị Bình Than đã diễn ra vì đoàn kết dân tộc với tinh thần quyết tâm cứu nước. Ngài là vị vua đã trực tiếp lãnh đạo quân dân nước Việt hai lần đánh tan giặc Nguyên – Mông. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của Ngài.
Một thành viên của nhóm doanh nhân – Phật tử cho biết thêm rằng chị rất ấn tượng với việc vua Trần Nhân Tông quan tâm nhiều đến giáo dục, nâng cao tri thức và trí tuệ của mọi người dân đất Việt. Các đợt ân xá tù nhân, cách tổ chức thi để chọn người tài giúp nước, sự tự nghiêm khắc trong hoàng gia để làm gương cho dân,… vẫn như những bài học tuyệt vời cho hậu thế chúng ta ngày nay.
Một thành viên khác của nhóm nhấn mạnh những hoạt động của Ngài góp phần đẩy mạnh phát triển của nền văn hóa Đại Việt. Thành viên này cũng nhấn mạnh rằng chính Trần Nhân Tông là ông tổ Thiền tông Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông có công để các thiền phái khác nhau thời đó sáp nhập làm một.
Một thành viên trẻ của nhóm tâm sự “Sinh ra trong những năm đầu thời kỳ đất nước mới giải phóng, tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với những tập truyện tranh lịch sử, ký ức luôn hiện về những hình ảnh về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, âm thanh vang dội của 2 chữ “Quyết đánh” từ hội nghị Diên Hồng, “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã”, “Hịch tướng sĩ” bi tráng hào hùng, gạt bỏ những hiềm khích riêng tư của Trần Hưng Đạo, kế hoạch “vườn không nhà trống”, Thoát Hoan chui ống đồng, 2 chữ “Sát Thát” được thích trên cánh tay của vua tôi nước Việt… Hào khí của dân tộc của một thời lịch sử ấy đã hun đúc nên nghị lực, quyết tâm của chúng tôi khi xa quê lập nghiệp. Nhân duyên may mắn, chúng tôi đã gặp Phật giáo, tin và thực hành theo Phật pháp đã giúp chúng tôi xua tan đi mệt mỏi, lo âu trước bao thách thức của mưu sinh, chúng tôi trở lại cân bằng, yên tĩnh ngay trong cuộc sống ồn ào, sôi động. Và một ngày chúng tôi đã nhận ra giá trị của Phật giáo đối với chúng tôi là vô cùng lớn, khi chúng tôi đặt trọn niềm tin và thực hành theo Phật pháp chúng tôi đã tìm được sự an lạc.”
Chị cũng tâm sự tiếp “Cơ duyên chúng tôi đã sở hữu được một khối ngọc bích thật đẹp và như là một sự cảm ứng linh thiêng. Từ khi có khối ngọc bích, trong tôi luôn hiện về những ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm của những câu chuyện lịch sử thời Trần mà đặc biệt là hình ảnh của Đức vua Trần Nhân Tông – Đệ Nhất Tổ thiền phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Điều đó thôi thúc chúng tôi dành khối ngọc bích để tôn tạo tượng Trần Nhân Tông danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, tổ khai sinh nền Phật giáo riêng của Việt Nam.”
Tất cả mọi thành viên của nhóm đều thống nhất rằng trong mười thế kỷ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một ông vua giỏi và tài hoa. Rằng, lịch sử đã xem ông là “vị vua hiền” thời Trần, có công lớn trong sự nghiệp phục hưng đất nước. Rằng, văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ sâu sắc, đầy triết lý và rất đỗi hào hùng.
Quả thật, Trần Nhân Tông là vị vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Ngài cũng đã xử hết sức nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm vua. Ngài khoan dung cho người có lỗi đã biết hối cải, xóa bỏ mọi tỵ hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước.
Khi viết đến đây, tôi chợt như thấy hình ảnh Ngài khi xuất gia. Việc rời cung vua vào núi tu không chỉ để tìm giải thoát cho cá nhân của Ngài mà cho cả dân tộc Việt. Rõ ràng rằng đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã rất thành công trong việc “mượn đạo để xây đời và qua đời để dựng đạo”.
Tôi mong sao khâu cuối cùng: đánh bóng bức tượng sớm hoàn thành để nhân dân Việt Nam, nhất là các Phật tử có dịp được chiêm bái ngài – một thiền sư người Việt, một vị vua văn võ song toàn, và hơn thế nữa, một vị Phật Hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc. Tôi cũng biết rằng, tất cả những ai yêu quý Ngài rất vui khi nhóm doanh nhân – Phật tử đã có một quyết định đúng đắn và tuyệt diệu: tôn tạo bức tượng Ngài bằng ngọc quý./.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books