Trang chủ Diễn đàn Tại sao Học viện PGVN (tại TP.HCM) vẫn im lặng?

Tại sao Học viện PGVN (tại TP.HCM) vẫn im lặng?

3927
Ảnh chụp màn hình Phước Nguyên giảng dạy cho Tăng Ni sinh tại HVPGVN TP.HCM từ bài giảng Đại Thừa Bách Pháp - Tùy Phiền Não.

Lời tác giả: “Chỉ mong sao, HVPGVN-HCM sớm nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự việc để sớm có câu trả lời cho công luận, cho tăng ni sinh, cho lòng tín phụng của tín đồ Phật tử các giới.”


Tại sao Học viện PGVN (tại TP.HCM) vẫn im lặng?

I. Dù bảo vệ hay nhận sai, cần phải lên tiếng

Xin mở đầu nơi đây bằng một nhận định của một vị thượng tọa đồng học với Thầy Nhật Từ: “Từ khi tôi biết Thầy Nhựt Từ đến nay thì sự hấp tấp, vội vã luôn đồng hành với Thẩy trong mọi mặt từ dáng đi, nhận thức, tuyên bố v.v… Điều tai hại hơn là Thẩy cứ nghĩ mình là phát hiện, đổi mới. Sự nhầm lẫn này sẽ còn đem đến những điều hại mình, hại người hơn nữa trong tương lai.”

Sự hấp tấp vội vã và qua loa là một tính cách không nên có ở nơi một vị xuất gia, nhất là những vị giữ vai trò then chốt của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo như Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (VNCPHVN) và Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (HVPGVN-HCM). Tính cách ấy nếu tồn tại ở cấp lãnh đạo sẽ cho thấy những tổ chức hay cơ sở này thiếu tính nghiêm túc, sàng lọc cần thiết cho hàng ngũ chuyên môn chuyên ngành của mình.

Nguyễn Thành Long (2013) biến thành “Đại đức Thích Phước Nguyên” – tác giả của “Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà” (2016), được xem là “giá trị đẳng cấp” chưa từng có ở Việt Nam

Sự việc nổi cộm liên quan đến Phước Nguyên (PN) (người tự xưng là tỳ kheo, mặc dù chưa từng thọ giới Sadi hay Tỳ kheo) vừa qua liên đới trực tiếp đến bản thân thầy Nhật Từ, và cũng gián tiếp liên quan đến hai tổ chức nói trên. Nói cách khác, nếu không có sự nâng đỡ vội vã khinh suất của thầy Nhật Từ thì không có một PN “tài không đợi tuổi”. Dù chưa trải qua chương trình đào tạo Phật học nào nhưng PN đã được thầy Nhật Từ nâng đỡ vào dạy ở HVPGVN-HCM. Đứng trên bục giảng Học viện, PN huyên hoa nhào nặn những con chữ trống rỗng mụ mị khiến cho bẽ mặt cả HVPGVN-HCM, khiến cho bao lớp tăng ni trẻ ấm ức khi thấy bị coi thường, khiến cho VNCPHVN cũng bị qua mặt trong khâu in ấn những tác phẩm không rõ ràng làm hệ lụy chung cả cộng đồng nghiên cứu Phật học.

PN giảng dạy trên giảng đường HVPGVN TP.HCM (ảnh: Internet)
Những tác phẩm đã được xuất bản với tên “Phước Nguyên”

Điều đáng nói là, sau khi sự việc vỡ lở (gồm ăn cắp sở hữu trí tuệ và lừa dối các bậc trưởng thượng cũng như những cơ quan trọng yếu của Giáo Hội), những cá nhân và tổ chức liên đới sự vụ động trời này vẫn dửng dưng như không có gì xảy ra. Cá nhân thầy Nhật Từ chỉ có vài lời phân bua trên trang nhà như thể qua đường vướng vấp tà áo. Còn PN, dưới sự chỉ đạo của thầy Nhật Từ chỉ đăng một cái “Thư Xin Lỗi” vu vơ đâu đó trên không gian mạng. VNCPHVN thì ra một cái văn bản “Cải chính thông tin sai sự thật” bảo rằng chuyện mượn danh VNCPHVN in ấn sách cho PN đã được cơ quan này “xí xóa”. Thật là rộng lượng!

Đến đây thì bao nhiêu hy vọng của quần chúng Tăng Ni Phật Tử đối với Giáo Hội, với HVPGVN-HCM, với VNCPHVN đều như chìm nghỉm dưới đáy bùn sâu. Than ôi, đau đớn!

Là người Phật từ, ai cũng đã từng nghe chư Tôn Đức nhắc lời Phật rằng: trên thế gian có hai hạng người dũng mãnh, đó là hạng người không gây lầm lỗi và hạng người biết sám hối những điều lầm lỗi đã gây ra. Dù là cá nhân hay tổ chức, khi có những thất trách đều theo đó mà tự kiểm điểm và công khai kiểm điểm để khắc phục sửa chữa. Ở thế gian đã như thế huống là Phật giáo, một tôn giáo tự xem mình là từ bi, trí tuệ và dũng mãnh (bi-trí-dũng)! Một chút tự kiểm điểm đã không có thì làm sao giữ vai trò lãnh đạo, đào tạo, làm sao nêu gương cho bao lớp tăng ni tín đồ, làm sao có thể đứng đầu những cơ quan tổ chức tiêu biểu cho tinh thần Tự Giác – Giác Tha của Phật đà?!

Có lẽ quý vị vẫn chưa thấy được điều gì chăng?

II. Nói thêm về PN

Vậy thì nơi đây, người viết xin nói một chút về chuyện trộm cắp và lừa gạt của nhân vật PN mà quí vị đã đề cao cho đứng trên bục giảng của một nơi quan trọng như HVPGVN-HCM.

Trước hết, PN là một cậu bé mới lớn phát tâm muốn xuất gia nhưng sự việc chưa thành, bởi mới vào chùa được chừng 5 tháng mà đã lắm trò ma mị nên bị đuổi hết lần này đến lần khác, hết chùa này đến chùa khác. Đến giờ này, PN vẫn chưa có cơ hội để thọ nhận giới pháp xuất gia, dù đó chỉ là giới tập sự Sadi! Thế nhưng PN vẫn cứ ậm ờ nhận là Tỷ Kheo và đi đâu cũng thể hiện như thể là một vị thượng tọa cao đức!

Thứ đến, PN lân la ở tang lễ của các vị tôn đức đạo cao đức trọng rồi tự dựng lên những câu chuyện như thể bản thân là đệ tử thân tín của quý ngài hòng đánh lừa thiên hạ. Chuyện đã được làm rõ qua bài viết “4 Chữ ‘Pháp Trung Lương Kiệt’ Trong Tang Lễ Của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Thực Sự Là Những Chữ Gì?” đăng trên Thư Viện Hoa Sen.

Thứ nữa, PN đã ăn cắp sở hữu trí tuệ và dối gạt trong vấn đề nghiên cứu và in ấn sách như nhiều bài viết gần đây nêu ra.

Một vài hình ảnh đối chiếu về việc đạo văn của PN

Tổng thể những việc như trên thiết nghĩ không đủ nghiêm trọng hay sao? không di hại đến lớp tăng ni trẻ, gây tai tiếng cho cộng đồng nghiên cứu học thuật, làm mất tín tâm của quần chúng phật tử hay sao?

III. Nói thêm về người nâng đỡ

Người ta vẫn nói, oan có đầu nợ có chủ. Sự việc diễn ra đến như thế là bởi thầy Nhật Từ đã nâng đỡ không đúng. Thầy ấy đã thể hiện tính thiếu nghiêm túc trong việc chọn lựa nhân sự cho HVPGVN-HCM và cả VNCPHVN.

Mặc dù chỉ mới biết PN chưa lâu, chưa thẩm định thực lực cũng như chưa tìm hiểu nhân thân gốc tích, thầy Nhật Từ đã đưa PN lên diễn đàn Phật Giáo như bao câu chuyện khôi hài trong giới showbiz, chỉ một đêm được bầu ưu ái là trở thành sao lớn!

Từ một cậu bé chưa học hết bất kỳ chương trình đại học hay cao đẳng nào bỗng một ngày được thầy Nhật Từ “phong hàm” giáo sư cổ ngữ, dự vào hàng học giả năm châu. Đúng là chuyện cười cho thiên hạ. Vũ Trọng Phụng mà sống dậy thì cũng chắp tay bái thua! Đốc tờ Xuân nếu có gặp cũng phải cúi đầu ái ngại!

TT.Thích Nhật Từ và PN cùng chứng dự trong một buổi lễ tri ân của khoa Triết khoá 12 HVPGVN TP.HCM

Nói đến chuyện thầy Nhật Từ mượn danh VNCPHVN in sách cho PN, đây không phải là lần đầu! Trước đây sự việc cũng xảy ra tượng tự với sách của Thượng Tọa Hạnh Bình, sau đó rồi cũng đôi co, xí xóa cho qua. (Xem thêm “Thư gởi Sư Chánh Minh và thầy Giác Dũng” tại https://www.tuvienquangduc.com.au/Diendan/153namvieccuadaithien2.html). Người ta thường nói, con người khó tránh lỗi lầm, nhưng một lỗi mà lặp lại lần thứ hai là điều không thể chấp nhận! Thế thì lỗi của thầy Nhật Từ tính sao?

Chuyện PN bị cho là cóp nhặt sách của người khác đã được báo cho thầy Nhật Từ từ lâu, nhưng thầy vẫn không quan tâm. Điều này thể hiện đúng con người của thầy ấy. Tại sao nói thế? Bởi đó là bản tính của thầy Nhật Từ. Nơi đây, người viết chỉ đơn cử thêm một việc nữa cho mọi người rộng đường dư luận.

Thầy Nhật Từ hiện là Phó viện trưởng đặc cách Đại Tạng Kinh Việt Nam (ĐTKVN) của VNCPHVN. Công việc thực hiện ĐTKVN ban đầu vốn không phải do thầy Nhật Từ đảm nhiệm, thầy ấy chỉ mới nhận sau này do một sự chồng chéo nào đó. Lúc đầu bộ phận này do thượng tọa Chúc Phú đảm trách.

Trong công việc thực hiện ĐTKVN, bộ phận thực hiện gặp khó khăn khi xử lý bộ A Hàm của Hòa thượng Tuệ Sỹ. Đó là, VNCPHVN xin phép không được. Lý do là Hòa thượng Tuệ Sỹ không bằng lòng với cách làm của VNCPHVN. Vì trước đó, VNCPHVN đã hai lần in bản kinh A Hàm do Hòa thượng dịch nhưng không xin phép Hòa thượng! Để tiếp tục thực hiện công việc, bộ phận thực hiện đã lấy bộ cũ của VNCPHVN để san định lại. Khi thầy Nhật Từ về đảm trách vai trò trưởng ban thực hiện ĐTKVN, thầy đã hủy bỏ kế hoạch đó và nói rằng, cứ lấy bộ của Hòa thượng Tuệ Sỹ in, không sao cả! Lúc đó mọi người ai cũng bỡ ngỡ trước cách làm của thầy ấy. Đúng là phong cách của người làm càn!

Qua việc này, chúng ta có thể nói rằng bản thân thầy Nhật Từ rất coi nhẹ chuyện bản quyền cho nên đối trước chuyện đạo văn của PN, thầy ấy không quan tâm là điều hợp lý.

IV. Kết luận

Nói tóm lại, liên quan đến sự vụ đáng tiếc PN, dù bảo vệ hay nhận sai, là một tổ chức nắm giữ vai trò giáo dục đào tạo của Phật Giáo, HVPGVN-HCM cần phải lên tiếng chứ không thể nín thinh như thể không có gì xảy ra. Sai mà không thừa nhận là một điều đáng xấu đáng hổ. Chỉ mong sao, HVPGVN-HCM sớm nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự việc để sớm có câu trả lời cho công luận, cho tăng ni sinh, cho lòng tín phụng của tín đồ Phật tử các giới.

Cầu mong Chư Phật Bồ tát gia hộ cho quý vị.

– HẢI TUỆ –


(Bài viết phản ánh theo quan điểm của tác giả Hải Tuệ, không thể hiện quan điểm chung của BBT PTVN)