Trong tu học luôn cần tự thấy mình có đem “cái Ta” ra tu hay không? Trong toàn bộ việc tu học của mình là “Ta tu” hay “tánh biết” tự nhiên học hỏi? Việc tu học của mình là hữu ngã hay vô ngã?
Hiện nay đa số các trường thiền chủ yếu dạy phương pháp hành thiền để được an lạc, dạy các thiền sinh cứ làm đúng theo phương pháp như vậy thì tâm sẽ hoàn toàn ổn định và bình an. Nếu thiền sinh thực hành chăm chỉ, việc học thiền diễn ra tốt đẹp thì đúng là họ sẽ được ổn định và an lạc, nhưng ở đây có một câu hỏi quan trọng: “Được an lạc để làm gì?”
Nếu một người đã thật sự hiểu Đạo sẽ thấy cái “an lạc” ấy vẫn là luân hồi sinh tử, chính cái “an lạc” ấy còn đau khổ & nguy hiểm hơn, vì lúc đó các thiền sinh phải bảo vệ cái “an lạc” đó, phải gìn giữ nó, và khi mất đi thì phải tìm kiếm nó trở về lại với mình. Cái “an lạc” ấy luôn bao hàm một “cái Ta an lạc”, và càng an lạc thì cái Ta càng lớn. Lúc đó chỉ có tập trung ngồi thiền suốt ngày chứ không còn làm việc khác được nữa.
Thầy phát hiện ra tu học qua cách sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha vẫn tốt hơn, vì qua đó mình không bám víu bất cứ đều gì trên đời. Còn khi mình bám víu vào an lạc, vào tâm ổn định, khi đã yêu thích việc ngồi yên tĩnh rồi thì làm sao có thể sống tùy duyên thuận pháp? Sao có thể khi gặp chuyện đau khổ thì sẵn sàng chịu đau khổ mà làm? Sao có thể dũng cảm hy sinh, nhiều khi là chết đi khi cần? Làm sao có thể sống vô ngã vị tha như vậy được?
Khi mình cứ sống vô ngã vị tha thì sẽ gặp rất nhiều chướng ngại, đau khổ và phiền não, nhưng chính những chướng ngại ấy, phiền não ấy, đau khổ ấy mới có thể đập vỡ “cái Ta” nơi mình. Còn khi bị ràng buộc vào “định” rồi, vào “an lạc” rồi thì ngay đó đã rơi vào “bản ngã ổn định” chắc rồi.
Chuyện khá buồn cười rằng có người sống ngoài đời gặp nhiều phiền não nên muốn xuất gia vào chùa tu học, biết đâu vào chùa rồi mới thấy trong đó cũng “đụng độ” dữ dội. Ông thì người Huế, ông thì người Bắc, ông thì lớn tuổi, ông thì ít tuổi, ông thì có học, ông thì ít học, làm sao mà không đụng độ? Thầy lại cho rằng “đụng độ” vậy mà lại hay, chính những xung đột ấy mới mài mòn những ảo tưởng do mỗi người dựng nên, mới mài giũa đi những “định hình” của bản ngã.
Vậy. tu học chỉ là sống bình thường, tập luôn tự biết mình, tập ứng xử mọi chuyện với thái độ vô ngã vị tha, tập sống tùy duyên thuận pháp. Cần chú ý rằng toàn bộ việc tu học cần xảy ra một cách tự nhiên, mọi điều chỉnh về nhận thức & hành vi đều do tự thấy ra mà làm chứ không phải do chạy theo một phương pháp hay ý đồ đã định sẵn của bất kỳ ai. Cứ sống tự nhiên như vậy thì đến một lúc sẽ phát hiện ra việc buông xuống hoàn toàn mọi trói buộc của bản ngã mới thật sự là an lạc hạnh phúc, chứ không phải khi bản ngã ôm giữ một trạng thái an lạc nào đó.
Trong ngôn ngữ thiền người ta hay nói “hoát nhiên đại ngộ”, “bỗng nhiên giác ngộ”. Tại sao việc tu học luôn được thực hiện đều đặn hàng ngày, nhưng “giác ngộ” hay “thấy ra sự thật” lại “đột nhiên” hay “bỗng nhiên” xảy ra?
Đó là vì: việc thoát khỏi mọi ý đồ của bản ngã thường xảy ra “bất ngờ”, chứ không phải khi đang chăm chỉ tu học với bản ngã vi tế luôn thường trực. Đó là khi ngài Anan cố gắng tu học để đắc quả A-la-hán, khi tu mệt mỏi quá mà vẫn không được gì, Ngài mới bỏ đi nằm, lúc đầu mới chấm gối thì liền đắc quả A-la-hán. Đó là nàng Patàcàrà trải qua biết bao nhiêu đau khổ vì mất mát người thân, tu học chăm chỉ và bỗng nhiên giác ngộ khi tưới nước rửa chân.
Giác ngộ hay thấy ra sự thật luôn đến bất ngờ vì nó không phải là thành tựu được “cái Ta” lên kế hoạch từ trước, mà chính là khi tâm không còn bị ảo tưởng về “cái Ta” ấy trói buộc nữa…
Nguồn: YouTube Phật Pháp Vấn Đáp