Người Phật Tử không nương tựa nơi Đức Phật với niềm tin Ngài là thượng đế hay con của thượng đế. Đức Phật không bao giờ tuyên bố Ngài là thần thánh. Ngài là Đấng Giác Ngộ, Bậc Từ Bi, Trí Tuệ, và Thánh Thiện nhất chưa từng có trên thế giới này. Cho nên, họ nương tựa nơi Đức Phật như một vị thầy, một Đạo Sư đã chỉ dạy con đường giải thoát thực sự. Họ tôn kính Đức Phật là để tỏ lòng biết ơn và kính trọng của họ, và không đòi hỏi ân huệ vật chất nơi Ngài. Người Phật Tử không cầu nguyện Đức Phật nghĩ rằng Ngài là một thượng đế có quyền thưởng phạt hay nguyền rủa họ. Họ tụng kệ hay kinh không phải trong ý nghĩa van xin mà như là một phương tiện tưởng nhớ đển đức hạnh vĩ đại và phẩm tính cao quý của Ngài mong đạt nhiều cảm hứng và hướng dẫn cho chính họ làm tăng trưởng lòng tin trên đường tu tập giáo lý của Ngài. Có những lời phê bình chỉ trích thái độ nương tựa nơi Đức Phật. Họ không hiểu ý nghĩa thực sự quan niệm nương tựa và tôn kính Đức Đại Đạo Sư. Họ chỉ biết về cầu nguyện là điều mà mọi người đều làm dưới danh nghĩa tôn giáo. Khi người Phật Tử tìm nơi nương tựa, có nghĩa là họ chấp nhận Đức Phật, Pháp và Tăng Già là những phương tiện mà họ có thể nhổ bật hết gốc rễ của sợ hãi và những xáo trộn tâm linh. Nhiều người, với niềm tin đặc biệt đã tìm sự che chở nơi một số sự vật chung quanh mà họ tin là có ma quỷ thần linh trong đó.
Đức Phật khuyên con người khi bị sợ hãi không nên nông nổi tựa vào núi rừng, hang động, cây cỏ, miếu thờ. Không có nơi nương tựa nào như thế mà an toàn cả, không có nơi trú ẩn nào như thế là tối thượng cả. Không thể nhờ vào các nơi nương tựa như thế mà giải thoát được tất cả các điều bất hạnh. Ai biết nương tựa (Quy Y) nơi Đức Phật, Pháp và Tăng Già sẽ có hiểu biết chân chánh về Tứ Diệu Đế – Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, Diệt Khổ, và Bát Chánh Đạo dẫn đến chấm dứt Khổ. Đó mới thật là nơi nương tựa an toàn. Tìm nơi nương tựa như thế mới giải thoát khỏi khổ đau. (Kinh Pháp Cú – Câu 188-192).
Trong kinh Dhajagga, có ghi là những người nào quy y với Sakra, Vua của các chư thiên hay bất cứ một vị thần nào, không thể thoát khỏi những sợ hãi và khó khăn trần thế. Lý do là chính các chư thiên (thần, thượng đế) cũng chưa thoát khỏi tham sân, si và sợ hãi, nhưng Đức Phật, Pháp và Tăng Già (nghĩa là cộng đồng đã đạt đến viên mãn) đã giải thoát các điều đó. Chỉ có những ai đã giải thoát khỏi những bất toại nguyện mới có thể thấy con đường hạnh phúc trường cửu. Francis Story, một học giả Phật Giáo nổi tiếng, đã nêu quan điểm của ông trong việc tìm nương tựa nơi Đức Phật như sau:
"Con đến quy y nơi Đức Phật. Con mong tìm sự hiện diện của Đấng Đại Đạo Sư mà do lòng từ bi của Ngài con được hướng dẫn vượt qua dòng thác lữ của luân hồi, do vẻ mặt thanh tịnh của Ngài con được nâng lên khỏi vững bùn lầy của các tư tưởng tham đắm thế gian, nơi đây con cũng thấy được sự bảo đảm chắc chắn của An Lạc Niết Bàn mà chính Ngài đã đạt được. Trong phiền não đau đớn, con quay về với Ngài, và trong hạnh phúc con tìm thấy ánh mắt trầm lặng của Ngài. Con đặt trước Hình ảnh Ngài không những hoa và hương, mà cả những ngọn lửa đang cháy trong tâm con luôn dao động để được dập tắt và lắng êm. Con đặt xuống đây cái gánh đầy của tự kiêu và tự ngã, cái gánh nặng của lo toan và khát vọng, cái khối nhọc nhằn của sanh tử tái diễn không ngừng".
Sri Rama Chandra Bharati, một thi sĩ Ấn, cũng giải thích rất ý nghĩa về việc tìm nương tựa nơi Đức Phật như sau:
"Con nương tựa nơi Ngài không vì lợi lạc
Không phải vì sợ Ngài, hay muốn nổi danh
Không phải như mưa đá từ mặt trời vận chuyển
Không phải mong đạt kiến thức rộng sanh
Nhưng là do sức mạnh của tình thương không ngăn cách
Ở nơi Ngài tầm mắt vô song bao quát
Cho con an toàn vượt qua biển Luân Hồi
Con đệ đầu, Bạch Đức Thế Tôn, ccn xin thành kẻ theo Ngài ".
Có kẻ nói rằng Đức Phật cũng chỉ là một người, tìm nơi nương tựa nơi Ngài thật không có nghĩa gì cả. Những kẻ ấy đâu có hiểu rằng chính Đức Phật đã nói rõ ràng Ngài chỉ là một con người, nhưng không phải con người bình thường như chúng ta. Ngài là một con người phi thường, một người thánh thiện không ai có thể so sánh với Ngài về Giác Ngộ tối thượng, và lòng từ bi vô lượng đối với tất cả chúng sanh. Ngài là một con người đã thoát khỏi tất cả những yếu đuối và ô nhiễm, cùng những cảm xúc thường tình của con người. Về Ngài, người ta nói rằng: "Không có ai vô thần như Đức Phật, mà cũng chẳng có ai lại giống thần thánh như Đức Phật". Đức Phật là hiện thân của tất cả đức hạnh, tính chất thiêng liêng, trí tuệ và giác ngộ cao cả.
Một câu hỏi khác thường được người ta nêu lên: "Nếu Đức Phật không phải là một Thượng Đế, nếu Ngài không đang sống tại thế giới này, làm sao Ngài có thể ban phước cho chúng ta? " Theo Đức Phật, nếu ai theo lời khuyên của Ngài, sống một cuộc đời đạo hạnh, những người đó chắc chắn nhận được phước lành. Phước lành trong Phật Giáo có nghĩa là niềm vui chứng nghiệm khi chúng ta phát triển lòng tự tin và mãn nguyện. Đức Phật từng nói: "Nếu ai mong muốn gặp ta, người đó chỉ việc nhìn vào Giáo lý của ta mà tu tập" (Tương Ưng Bộ Kinh). Những ai hiểu thấu Giáo Lý của Ngài, sẽ thấy bản chất thực sự của Đức Phật phản chiếu nơi chính mình. Hình ảnh Đức Phật mà họ duy trì trong tâm không phải là hình ảnh nhìn thấy trên bàn thờ chỉ có tính các tượng trưng mà thôi. Những ai sống đúng theo Giáo Pháp (con đường chính đáng của cuộc sống) sẽ được chính giáo pháp che chở" (Theragatha) Ai biết bản chất thực sự của cuộc sống và sự thật của cuộc đời do Giáo Pháp sẽ không có điều gì sợ hãi cả và cuộc sống chắc chắn được bảo đảm và hòa hợp.
Trong các tôn giáo khác, những người sùng bái Thượng Đế của họ, đòi hỏi Thượng Đế ban ân huệ cho họ. Người Phật Tử không sùng bái Đức Phật để xin ân huệ trần tục, nhưng họ tôn trọng Đức Phật vì thành quả tối cao của Ngài. Khi người Phật Tử kính trọng Đức Phật, gián tiếp họ đã nâng cao tâm linh họ để một ngày nào đó, họ cũng đạt được giác ngộ nhu Ngài hầu phụng sự nhân loại ngoài việc họ mong ước trở thành Phật. Người Phật Tử kính trọng Đức Phật như vị Đạo Sư của họ. Tuy nhiên, sự kính trọng này không ngụ ý có sự luyến chấp vào đó hay sự ỷ lại vào vị Đạo Sư. Loại kính trọng này theo Giáo Lý của Ngài như sau:
"Này Chư Tăng, nếu có thầy nắm tà áo Như Lai, đi sát cạnh Như Lai từng bước một, nhưng còn tham lam, nhiễm đắm vào lạc thú giác quan, tư tưởng hiểm độc, mưu mô gian trá, ký ức lẫn lộn, vô ý tứ và thiếu thiền định, đầu óc tán loạn, không kiểm soát được các căn, thầy đó tuy gần mà vẫn xa Như Lai, và Như Lai cũng xa thầy đó."
"Này Chư Tăng, nếu có vị nào tuy xa Như Lai hàng trăm dậm nhưng không tham lam, không say đắm vào khoái lạc giác quan, tư tưởng thuần hậu, quang minh chính đại, quyết tâm vững mạnh, có ý tứ, hay suy niệm, tâm gom vào nhứt điểm, thu thúc lục căn, vị đó quả thân cận với Như Lai và Như Lai cũng gần thầy đó. (Samyutta Nikaya, Tương Ưng Bộ Kinh).
Thích Tâm Quang (dịch)