Trang chủ Đời sống Tâm linh Tác động của TG vô hình vào cõi giới con người (2)

Tác động của TG vô hình vào cõi giới con người (2)

139

Phần 2 – Giai thích các hiện tượng theo quan điểm Phật giáo

Để giải thích các hiện tượng đã được nêu ra trong phần 1, trong bài viết này bộ kinh chủ yếu tôi trích dẫn là kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Thủ lăng nghiêm là bộ kinh được cho xương sống của những hành giả tu thiền.

Lúc xưa tại Ấn Ðộ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý báu ra bên ngoài. 

Hồi đó, bên Trung quốc, đời Ðường có một vị cao tăng pháp danh là Ban Thích Mật Ðế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc.

Sợ bị phát hiện, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm là ghi kinh trên tấm lụa rồi xẻ đùi mình nhét vào. Sau cùng ông đã đưa được Thủ Lăng kinh ra bên ngoài Ân Độ.

Phần sau cùng của kinh Thủ lăng Nghiêm, đức Phật nói rõ về những ma sự mà người tu hành gặp phải trong khi hành thiền.

Trong kinh, Mục 8 – Phân biệt các ma ấm. Nói về 50 ma ấm từ 5 ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) sẽ có rất nhiều hiện tượng ma quỷ quấy nhiễu người tu hành giống với một số hiện tượng xẩy ra trong cuộc sống cũng như khả năng ngoại cảm hiện có của một số các nhà ngoại cảm.

Theo HT.Tuyên Hoá “các loài yêu quái đều rất sợ  kinh này, nên chúng tìm mọi cách bác bỏ, huỷ diệt bộ kinh này. Ma vương, yêu quái, lỵ mị sợ nhất là Chú Thủ Lăng nghiêm”.

Kinh thủ lăng nghiêm chỉ rõ chính đạo, tà đạo. Phân biệt Phật, ma do đó nó được ví như “liều thuốc thử, kinh chiếu yêu” cho tất cả các hiện tượng khả năng của con người.

Trong bài diễn giải của mình, tôi sử dụng khá nhiều trích dẫn trong các bài giảng kinh và lời khai thị của HT. Tuyên Hoá. Theo đánh giá chung của giới Phật tử, HT. Tuyên Hoá được coi là một trong những bậc cao tăng chứng đạo và là người hiểu và giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm gần với yếu nghĩa của kinh nhất.

Cõi thiên

1. Cõi Tha hoá tự tại thiên  – Hiện tượng 3

Cõi thiên được chia ra làm 3 cõi: Cõi dục, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới được gọi là tam giới.

Ngoài ra còn có một tầng của chúng sinh ở giữa cõi người và cõi trời là phi thiên tức là các thần.

Qua kinh điển Phật thì cõi tác động vào thế giới con người nhiều nhất là cõi dục giới. Hai tầng trời còn lại là sắc giới và vô sắc giới là cõi của những chúng sinh thiền định không tác động nhiều đến cõi giới con người.

Theo Tông Thiên Thai thì nghiệp báo của sáu cõi trời đều lấy Thập Thiện làm gốc. Nếu kiêm thêm tâm hộ pháp là nghiệp Tứ Thiên Vương Thiên.

Nếu kiêm thêm lòng Từ hóa độ người là nghiệp Đao Lợi Thiên.

Nếu kiêm thêm lòng chẳng não hại chúng sinh, thiện xảo thuần thục là nghiệp Diệm Ma Thiên.

Nếu kiêm thêm thiền định, thô trụ và tế trụ là nghiệp Đâu Suất Thiên.

Dục Giới Định là nghiệp Biến Hóa Thiên. Vị Đáo Định là nghiệp Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Trong 6 tầng trời dục giới thì 4 cõi thường được các kinh điển Phật nói tới là Tha hoá tự tại thiên (cõi dục giới cao nhất, chỗ ở của thiên ma), cõi Đao Lợi (tầng thứ 2 chỗ ở của Vua đế Thích) và cõi Tứ thiên vương (cõi trời thấp nhất – chỗ ở của các vị thiên vương). Cõi phi thiên (chỗ ở của các vị thần).

Vì sao thiên ma (còn gọi là ma ba tuần) gây ảnh hưởng nhiều đến cõi giới con người?

Thiên ma là vị vua cai quản cõi dục giới bao gồm : 6 cõi trời dục giới và các cõi dục bên dưới. Bất cứ chúng sinh nào muốt thoát khỏi sự cai quản của y đều bị thiên ma quấy nhiễu.

Đối tượng của thiên ma là các vị tu hành thoát khỏi các cõi dục giới. Trong kinh Thủ Lăng nghiêm, Đức Thế Tôn nói: “Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loại ma từ ngũ ấm của ông, hoặc là ma từ cõi trờì, hoặc mắc quỷ, thần, hoặc gặp ly, mỵ. Nếu tâm không sáng suốt, ông sẽ nhận lầm kẻ giặc là con.”

Giải thích về sự quấy nhiễu này HT.Tuyên Hoá  nói: Tại sao thiên ma từ trên trời đến để quấy rầy ông? Vì ông, người tu hành, đã tu tới chỗ có định lực. Ông có một tí định lực không có gì quan trọng, nhưng cung điện của ma vương bị rúng động giống như bị động đất vậy. Vì ma vương cũng có thần thông, nên khi cung điện của nó bị rúng động , nó liền quan sát: A! Tại sao cung điện của ta lại vô duyên vô cớ rung rinh, tan vỡ thế nầy? Nó khám phá ra trên thế gian có người sắp sửa thành tựu đạo nghiệp; định lực của người tu đó khiến cho cung điện của nó đỗ vỡ. Thiên ma mới suy nghĩ: Mày muốn phá diệt tao hả? Tao sẽ phá hủy định của mày trước!Cho nên, nó đến phá hoại định lực của người tu hành.

HT. Thích thông lạc (hiện tượng 3) được cho là 10 đệ tử của HT. Thích Thanh Từ là một hiện tượng bị cho là vướng vào ma chướng trong quá trình hành thiền.

Nếu xét theo 50 mươi ma ấm trong kinh thủ Lăng nghiêm thì khả năng HT. Thích Thông Lạc bị vướng vào phần Thụ ấm (10 ma thụ ấm).

Khi đã phá được sắc ấm, tâm đã duyên với cảnh vô phân biệt, hành giả thiền thấy được được hình ảnh của chân như (thấy tâm của chư Phật )nhưng chỉ như cái bóng trong gương.

Hành giả “tự bảo là đã đủ rồi, không căn cứ gì. Bỗng có lòng đại ngã mạn phát ra như thế cho đến lúc lòng mạn, quá mạn và mạn quá mạn hoặc lòng tăng thượng mạn hoặc lòng tỵ liệt mạn một thời đều phát ra. Trong tâm còn khinh thập phương Như lai huống nữa là các bậc dưới như Thanh văn duyên giác. Ây gọi là thắng giải quá cao không trí tuệ để tự cứu….Nếu nhận là bậc chứng thánh thì một phần giống ma đại ngã mạn vào trong tim gan…”

Tôi có xem một số băng giảng kinh của HT. Thích Thông Lạc, thật sự mộng mị và khó hiểu. Hoà thượng phủ nhận thế giới vô hình cho đến thế giới Tây phương cực lạc.

Những lời giải thích giống như người bị tẩu hoả nhập ma vậy.

Nhân đây tôi cũng trích dẫn luôn sự giải thích của vị hoà thượng này về hiện tượng ngoại cảm của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Vì sợ bài viết quá dài nên tôi không trích dẫn phần nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã.

“Như các bạn thường nghĩ và cho linh hồn là một vật thể không thay đổi. Vì thế linh hồn là bất tử, nên thường đi tái sinh luân hồi từ thân này, đến thân khác. Thân thì có trẻ, có già, có chết. Còn linh hồn thì không già, không trẻ và không chết. Như vậy cháu Bích Hằng phải xem bức ảnh của cô Khang rồi mới nhận ra linh hồn của cô Khang thì như vậy không đúng.

Vì sao vậy? Là vì linh hồn của cô Khang bây giờ không còn là hình dáng của cô Khang nữa, mà là hình dáng bất di bất dịch của linh hồn.

Khi linh hồn ấy còn mang thân xác của cô Khang thì hình dáng ấy là hình dáng xác thân của cô Khang, chứ đâu phải là hình dáng linh hồn của cô Khang phải không thưa quý vị?

Khi cô Khang chết thì hình dáng của cô Khang cũng không còn, thì như vậy linh hồn của cô Khang phải trở về với hình dáng nguyên thủy của nó, thì làm sao linh hồn có hình dáng giống cô Khang được.

Vì linh hồn là một vật không thay đổi, như chúng tôi đã nói ở trên.

Xét ở góc độ này thì cháu Bích Hằng gọi hồn cô Khang về là một năng lực trong thân ngũ uẩn của cháu Bích Hằng tạo ra linh hồn của cô Khang, chứ không phải có linh hồn cô Khang thật, vì thế cháu phải nhìn hình ảnh cô Khang rồi mới tạo ra hình ảnh cô Khang được.

Do đó chúng ta suy ra, nếu có thế giới linh hồn của người chết thì những linh hồn ấy không có hình dáng giống như chúng ta. Tại sao vậy?

Qua đoạn  trích dẫn trên, nếu bạn đọc nào đang hiểu về hiện tượng các nhà ngoại cảm nói chuyện với thế giới âm giống như HT.Thích Thông Lạc giải thích thì xin đề phòng vì chúng ta đang bị “nhận lầm kẻ giặc là con đấy”!

2. Cõi Đâu Suất Đà thiên – Hiện tượng 1

Theo các kinh điển Phật học, những vị cao tăng đạt đạo, sau khi tịch diệt thường  tuỳ theo sự chứng quả (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền….)mà tái sinh vào các cõi trời sắc giới và vô sắc giới – Cõi tĩnh tịch của những chúng sinh thiền định.

Khi đã tái sinh vào các cõi này họ ít khi tác động vào các thế giới khác.

Các vị Bồ tát ứng thân quay trở lại cõi người là thực hiện tiếp tục 100 kiếp hành đạo bồ tát để chứng quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác..

Phật Hoàng Trần Nhân Tông được cho là một vị thiền sư đắc đạo ở Việt Nam. Nhưng sự trở lại của người qua hiện tượng nhập hồn lưu bút hậu thế – sứ giả Hoàng Quang Thuận (hiện tượng 1)cho thấy khả năng vị Sơ Tổ của chúng ta đang ở đâu đây tại 6 cõi trời dục giới. 

Thực tế, trong 6 tầng trời dục giới có một cõi trời gọi là Đâu Suất Đà thiên – thế giới Tịnh Độ của Phật Di Lặc (Tầng trời thứ 4).

Vị Phật tương lai của cõi giới con người. Khi được sinh về Tịnh độ Đâu Suất, không chỉ hưởng phúc trời mà còn tu hành cùng Bồ tát Di Lặc.

Đến lúc Bồ tát Di Lặc hạ sinh, các chư thiên ở nội viện Đâu Suất đều theo Ngài giáng sinh xuống nhân gian, ở trong Long Hoa tam hội và đều được giải thoát.

Do đó, dù sinh lên cõi trời (chưa ra khỏi ba cõi) nhưng nếu nguyện vào Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc thì đã bảo đảm được giải thoát rốt ráo.

Các vị cao tăng như: Pháp sư Đạo An, đại sư Huyền Trang, đại sư Khuy Cơ đời Đường cho đến đại sư Thái Hư, Hư Vân, pháp sư Từ Hàng… các ngài đều phát nguyện sinh về Tịnh độ Đâu Suất và trở lại giáo hóa chúng sinh.

Với cuộc đời và  tâm nguyện to lớn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, khả năng Phật Hoàng của chúng ta có thể đang sống trên cõi trời Đâu Suất.

Việc nhập hồn lưu bút các bài thơ thiền của Ngài cũng giống như sự giao cảm giữa thế giới người trời với cõi giới con người.

Nó cũng là một bằng chứng chứng minh sự tồn tại của cõi giới vô hình (mắt thường không nhìn thấy) để cho chúng sinh cõi nhân tin tường hơn nữa về thuyết lý nhà Phật. 

Cõi trời Đao Lợi (tầng trời thứ 2, chỗ ở của Vua Đế Thích) cũng là một cõi giới tác động nhiều thế giới con người.

Theo HT. Tuyên Hoá thì, Vua Đế Thích chính là Ngọc Hoàng theo quan niệm của người Trung Hoa và là Chúa Giê su theo tôn giáo Thiên chúa giáo.

Vua Đế Thích cai quản 33 vùng trời là tầng trời thắng diệu, cảnh trí tuyệt vời vì vậy gọi là thiên đàng của con người theo quan niệm của Thiên chúa giáo chính là cung trời Chúa Giê su đang trị vì.

Phần này tôi không nói sâu về sự tác động của các bậc  thánh, thần và Chúa Giê su xuống cuộc sống con người. Vì các tín đồ Thiên chúa giáo là người hiểu hơn những đệ tử Phật giáo chúng ta. 

Nếu chúng ta tin rằng Vua Đế Thích chính là Chúa Giê su thì chúng ta sẽ hiểu vị giáo chủ của chúng ta – Đức Phật Thích Ca Mầu Ni vĩ đại như thế nào.

Chúng ta sẽ hiểu được những nhân gieo của các tín đồ Thiên chúa giáo là gì để được sinh lên cõi trời Đao Lợi. Từ đó ta sẽ có cái nhìn xuyên suốt về các tôn giáo và có sự cảm thông giữa những người thuộc tôn giáo khác.

Cõi trời Tứ thiên vương ở gần nhất với con người nên các vị thiên vương cai quản 10 phương thế giới cũng tác động đến cõi  giới con người.

Hiện nay người ta vẫn thờ Tứ thiên vương như một sự bảo trợ cho sự bình yên của cuộc sống con người. Có bốn vị Thiên vương (Tứ Thiên vương) bốn hướng:

– Bắc Thiên vương với tên là Đa văn thiên có thân màu lục, tay trái cầm cờ chiến thắng, tay phải mang tượng chùa hoặc một bảo tháp (mà trong đó – theo truyền thuyết – Long Thụ đã tìm được những bộ kinh  Hoa Nghiêm dưới Long cung), hoặc một con chuột mầu bạc phun ngọc. Vị Bắc Thiên vương là vị quan trọng nhất trong bốn vị Thiên vương

– Nam Thiên vương là Tăng trưởng thiên có thân màu xanh, cầm gươm chém Vô minh. Vị này chuyên giữ gìn những chủng tử tốt đẹp trong con người; 

– Đông Thiên vương là Trì quốc thiên có thân trắng, tay cầm đàn, tiếng đàn sẽ làm tâm thức con người trở nên thanh tịnh

– Tây Thiên vương tên Quảng mục thiên có thân màu đỏ, tay phải cầm rắn nhưng không cho nó chiếm giữ Như ý châu (ngọc như ý).

Ngọc như ý chỉ chuyên dành cho những bậc giác ngộ và rắn chỉ là người canh giữ viên ngọc đó.

Ở Việt Nam, từ lâu người ta đã biết đến sự hiện diện của các vị thánh, thần xuống cõi người thông các qua hiện tượng Lên Đồng, hầu Đồng. Văn hoá Lên đồng được coi là một văn hoá khá đặc biệt của người Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta lạm dụng quá nhiều thì sẽ mang lại những tác hại không thể lượng được. Vì sao như vậy tôi xin được trình bầy ở phần sau.

3. Phi thiên – Hiện tượng 2

Ngoài bát bộ quỷ thần như, thiên thần, long thần… tôi đã nêu trong bài trước, còn có các vị thần tác động nhiều đến cõi giới con người. Theo kinh Địa Tạng bổn nguyện, khi Đức Thế Tôn giảng pháp tại Cung trời Đao Lợi cho mẹ là thánh mẫu Mada thì có mặt  những vị Thần ở cõi Ta Bà cùng cõi nước phương khác như : Thần biển, Thần sông, Thần rạch, Thần cây, Thần núi, Thần đất, Thần sông chằm, Thần lúa mạ, Thần chủ ngày, Thần chủ đêm, Thần hư không, Thần trên Trời, Thần chủ ăn uống, Thần cây cỏ … đến dự.

Trong kinh Hoa Nghiêm cũng ghi rõ, sông, núi, biển, các vùng đất…. đều có các vị chủ thần.

Từ xa xưa, con người đã biết sự hiện diện của các vị thần. Hầu hết các tôn giáo đều thờ các Thần. Họ cho rằng, các vị thần là những chúng sinh gần nhất với con người và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người.

Sự tức giận của các vị thần có thể đem lại hạn hán, thiên tai, lụt lội và chiến tranh.

Ở Việt nam, phong tục thờ thánh, thần đã có từ lâu đời. Nếu không có sự soi sáng của đạo Phật thì những phong tục thờ thần thánh, lên đồng… đều có thể coi là hiện tượng mê tín dị đoan.

Thực tế, khi các nhà ngoại cảm tiếp cận được với cõi giới vô hình, cõi giới âm thì lòng  tin vào sự hiện diện của các bậc thánh thần càng cao.

Đây cũng một động lực sự phát triển  cúng bái ở Việt Nam lên đến mức cao độ.

Có thể đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến số lượng người có khả năng ngoại cảm tăng rất nhanh ở Việt Nam.

Vì sao như vậy tôi xin được nói sâu hơn trong phần phân tích các hiện tượng ngoại cảm.

Trong Câu chuyện Động lực vô hình được trích từ cuốn “Đường mây qua xứ tuyết” hay “Con đường mây trắng” của Lạt ma Analarika Govinda (hiện tượng 2) ta thấy sự hiện diện của các vị thần là ở khắp nơi trên quả địa cầu này.

Các vị thần có tính cách không khác nhiều so với chúng sinh cõi người. Nhà Phật cho rằng, do tạo nhiều công đức nên tái sinh làm thần chứ tham, sân, si trong các vị thần cũng không khác nhiều so với người trần thế.

Vì tự cho mình có khả năng thần thông hơn loài người mà đòi hỏi con người phải tôn vinh, thờ cúng.

Nếu không đạt được theo ý muốn có thể gây tai hoạ cho người này người kia.

Theo quy luật nhân quả thì thiên tai, chiến tranh…là do nghiệp báo của con người gây ra, các vị thần linh nếu có tác động cũng chỉ là một chút xíu khi gạo đã sắp thành cơm. Nếu chúng ta cầu vọng quá nhiều có thể sẽ chuốc lấy hoạ vào thân.

Tôi đã được nghe kể lại câu chuyện vợ một người bạn học thời phổ thông. Vợ của anh bạn tôi, rất đam mê đi chùa, cúng vái.

Không biết, sự cầu mong lớn đến mức nào mà sau một lần đi chùa về cô ấy tư xưng là con trời nhất định không ăn cơm chung với chồng con. Khi ăn phải ngồi trên cao.

Cũng may là cô chưa có khả năng thần thông nào, nếu không có lẽ mọi người sẽ tin cô là con trời thật.

Hiện nay, ai cũng cho là cô bị tâm thần. Nhưng thực tế ngoài những lúc nói năng lảm nhảm tự nhận mình là con trời cô vẫn có một cuộc sống bình thường.

Đây chính là kết quả sự trọng vọng và cầu mong quá lớn vào các vị thần linh.

Qua phần diễn giải trên ta thấy tác động của người trời xuống cõi nhân gian là khá lớn, nhưng thực tế không đáng là bao so với cõi ngạ quỷ. Vì sao như vậy tôi xin được giải thích tại phần 3 của bài viết.

Phần 3 – Giai thích các hiện tượng theo quan điểm Phật giáo