Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Sỹ Hoàng – nhà thiết kế nhà vườn và đêm thiền trăng...

Sỹ Hoàng – nhà thiết kế nhà vườn và đêm thiền trăng rằm

318

Tôi biết đến anh từ lâu và luôn nhìn anh như một nhà thiết kế áo dài nổi tiếng và uy tín. Tôi hỏi bạn bè và học trò của mình về anh thì hầu như tất cả đều nói rằng anh là nhà thiết kế, là chuyên gia thời trang. Nhưng khi tiếp cận gần thì… không phải (hay nói chính xác nhất) là không đúng như vậy.

Sỹ Hoàng học mỹ thuật từ 9 tuổi. Anh quả thật là người được học bài bản, từ sơ cấp đến cao học. Học nghiêm túc. Học để hành. Anh là người thích đi, thích bay nhảy, mà là thích từ hồi xưa chứ không chỉ khi đã thành danh sau này.

Có mấy ai biết rằng năm 1987 Sỹ Hoàng tốt nghiệp đại học… Kiến trúc. Nhưng anh lại là 1 họa sỹ thực thụ. Anh cũng là giảng viên uy tín, có công đào tạo nên nhiều người thành danh sau này. Chính nhờ nghề, nhờ năng khiếu, nhờ tính cách khá khác biệt nên anh mới nói với tôi rằng “Cái duy nhất có thể tự hào là những giá trị văn hóa của người Việt Nam”.

Năm 2002, Sỹ Hoàng nghỉ dạy hẳn để “tiến công” vào nghề mới: khởi công xây dựng nhà vườn. Hồi đó anh xắn tay, (và cả xắn chân nữa) vào khu đất trũng, hoang vu, không điện nước, chẳng điện thoại, thiếu truyền hình. Mà câu chuyện anh mua khu đất này cũng đặc biệt và rất tình cờ: nói chuyện chơi và bà chủ đồng ý bán ngay khu đất! Tôi cảm giác Sỹ Hoàng thích uống dừa (và ngắm dừa nữa) bởi tại nhà vườn Long Thuận có khá nhiều dừa. Và có lẽ anh mua khu đất này bởi… mê dừa!

Khu đất anh khởi công được bao bọc cả 3 phía bởi lạch. Anh đào ao hồ, đắp đường cao đến 2m để chống ngập. Anh làm những việc như một bác nông dân thực thụ: đóng cọc tre, đánh dấu mực nước để triều cường lên không bị ngập, làm nhà, trồng cây, chăm hoa, khai thông kênh nước,…

Tôi cố gắng tưởng tượng ra nhà thiết kế Sỹ Hoàng của 10 năm về trước mà thấy khó quá!

Bây giờ khu nhà vườn Long Thuận đẹp lắm, rộng lắm, nguy nga lắm. Tôi và các quý Thầy Pháp Bảo, Hạnh Tuệ và nhóm “Vẻ đẹp Phật Pháp” đến sinh hoạt tại đây. Sỹ Hoàng trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch. Anh say sưa nói với chúng tôi về công sức 10 năm bỏ ra, rằng cây trồng phải sau 10 năm mới đẹp, rằng anh đã đổ xuống đây đến cả trăm tấn vôi mới có nước tốt như bây giờ. Và tôi nghĩ thầm – mình thật may mắn được hưởng công sức đúng 10 năm của Sỹ Hoàng!

Chắc bạn không biết (và có thể không tin) rằng chính Sỹ Hoàng là 1 trong những người có công bảo tồn những ngôi nhà rường. Các căn nhà cổ có niên đại 50 đến hơn 100 năm được anh mua từ miền trung (nhất là Quảng Nam), tháo ra, chở về  và lắp lại. Bạn cũng chắc sẽ không tin khi biết rằng tiền mua chỉ hết 10 ngàn đô nhưng Sỹ Hoàng phải bỏ ra 30 đến 40 ngàn để phục chế, bảo dưỡng rồi mới dựng nên những ngôi nhà tuyệt diệu như bây giờ.

Tôi mê nhất và hầu như bị hút hồn khi nghe anh say sưa nói về mái ngói âm dương của những ngôi nhà này: lợp đến 9 lớp, phải 70 năm mới đảo ngói 1 lần. Rằng người lợp phải rất nhỏ con, rất khéo léo và phải lợp xong hết mái mới xuống đất. Rằng khi đã lên lợp mái nhà loại này thì chỉ nhấp chút xíu nước cho đỡ khát chứ không thể uông nước (bởi nếu uống thì phải xuống để đi tiểu tiện!). Thế mới biết để có 1 ngôi nhà rường mà ta đang được thưởng thức cũng quá công phu.

Bạn chắc cũng không biết rằng nhà thiết kế Sỹ Hoàng được mẹ cho quy y ngay từ lúc 9 tuổi. Và pháp dah của anh là Chân Lạc. Chính vì vậy, bây giờ, nếu bạn đến thăm nhà vườn Long Thuận bạn sẽ được đắm mình với hồ Chân Lạc rất đẹp và bình an.

Bạn có biết rằng Sỹ Hoàng ngày nhỏ đến chùa chỉ để … xem tượng có đẹp hay không. Rằng anh chỉ tin vào sức của chính mình. Rằng anh nhìn các ngôi chùa dưới con mắt mỹ thuật. Cũng có ai biết rằng sau năm 1975 gia đình Sỹ Hoàng sống ở Sài Gòn với bao khó khăn chồng chất và anh phải phụ mẹ kiếm sống: bán sữa đậu nành, bán nước mía, chuối chiên, rồi xếp hang bán chỗ (cho những ai muốn nhận đồ từ người thân từ nước ngoài gửi về). Tôi cũng tự cảm thấy khó tin khi mình đang giao tiếp với 1 cậu bé thường xuyên uống nước máy, ăn chuối vứt bỏ, ăn bánh mỳ cũ,…

Sỹ Hoàng càng ngày càng tin vào Phật Pháp. Anh kể cho tôi nghe câu chuyện  mẹ anh đổ bệnh. Chính Sỹ Hoàng hàng ngày cầu nguyện. Anh nói với tôi rằng sức mạnh của sự cầu nguyện lớn lắm, lớn đến mức mẹ anh khỏe lại luôn và năm nay bà đã 76 tuổi mà vẫn rất khỏe.


Chúng tôi nói chuyên về Phật Pháp và Đức Phật. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng nói rằng mỗi người nhìn Ngài ở một góc độ khác nhau. Và rằng Đức Phật là một bậc thầy quá tài giỏi và vô cùng đáng kính. Anh kể cho tôi nghe về những câu chuyện lý thú tai những ngôi chùa anh đã đến, về những nhà sư tu hành nghiêm mật, về cách anh tự mình nương theo lời Phật dạy để tìm ra nguyên nhân của khổ đau và cách thoát khổ.

Tôi đến thăm anh lần này đúng đêm thiền trăng rằm mà anh tổ chức mỗi tháng. Anh mời tôi lên chia sẻ về chủ đề “Đi qua thất bại”. Tôi chỉ biết nói về cây bút chì, bài học từ cây bút chì, cách mình coi cây chì như người thầy để tu tập, để vượt qua mọi thử thách. Tôi nói về việc mình đã vượt qua 5 lần thất bại rất đơn giản chính với cây bút chì: gọt, vẽ, hiểu, bán và tặng. Mỗi thất bại lại làm cho ta lớn khôn. Tất cả chỉ xoay quanh 3 vấn đề: thất bại là gì, lý do đã thất bại và đã làm gì để vượt qua thất bại.

Đêm thiền trăng do anh nghĩ ra rất hay. Ngay tại chương trình tôi tham dự vừa rồi chắc đã có đến trên 300 người tham gia. Ai cũng hồ hởi và có những cảm nhận sâu sắc từ chương trình. Tôi thì thích nhất khung cảnh lung linh, huyền ảo và thiêng liêng khi mỗi người tự tay thả đèn hoa đăng xuống hồ Chân Lạc. Người bạn đi cùng tôi thì tấm tắc khen bữa cơm chay tối đó quá ngon.

Không biết tại sao khi gõ những dòng chữ này tôi như đang nhìn thấy một Sỹ Hoàng rất khác. Anh không hề là nhà thiết kế nổi tiếng, chẳng phải là kiến trúc sư mà lại là người giữ khói hương. Không biết có phải bởi anh đang thờ Phật rất nghiêm túc và rằng anh là một trong những cư sỹ tại gia rất tuyệt vời mà tôi từng biết, hay bởi tôi bị mê hoặc bởi đêm thiền trăng huyền ảo. Không biết có phải do anh đang là người giữ gìn văn hóa dân tộc, hay lại có biệt danh như tôi: người khùng. Tôi thì bỏ FPT đi lo xuất bản sách và sẻ chia, còn anh thì biến mình thành bác nông dân kiêm người thắp nhang coi chùa Long Thuận.

Trước khi chia tay, Sỹ Hoàng bảo tôi rằng anh đang quyết tâm đầu tư vào tương lai. Anh sẽ dạy sang tạo và nghệ thuật cho các cháu nhỏ. Vậy là lại 1 điểm nữa anh giống tôi rồi. Tôi mê Thai giáo và Phương Án 0 tuổi bao năm nay còn anh bây giờ lại quyết hết mình cho con trẻ.

Biết tôi vẫn hay đi giảng cho các doanh nhân, doanh nghiệp và sinh viên, anh bảo “Hùng lo sửa xe, còn anh lo làm xe mới”. Một câu nói thật đắt giá. Có lẽ tinh thần Phật Giáo đã ngấm quá sâu vào anh nên anh muốn các bé phải biết đến Phật giáo, được tu tập từ nhỏ.

Bạn nên dành chút thời gian đến với nhà vườn Long Thuận. Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo trước, nếu bạn hút thuốc lá, uống rượu, hay có tính cách ngạo mạn thì đây chắc chắn không phải chỗ của bạn. Tôi thầm mong cho Sỹ Hoàng luôn khỏe và luôn tràn đầy năng lượng để tiếp tục giữ lại những di sản mà ngàn người mới có một.

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà